Nội san

Hình và nền trong tranh Lụa Việt Nam

21 Tháng Chín 2020

                                                                                         Nguyễn Thị Huyền

                                                                                  Khoa Sư phạm Mĩ thuật

Nền Hội hoạ Việt Nam, ngay từ ngày đầu giới thiệu ra thế giới  đã có một sắc diện riêng. Khởi đầu là những bức tranh Lụa sâu lắng, mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Tranh lụa với lối tạo hình độc đáo - gợi mà không tả, vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng mang nhiều yếu tố trang trí. Tranh lụa khai thác chủ yếu các yếu tố mảng và nét. Với lối bố cục chắt lọc mảng hình, sắc độ đậm nhạt không quá mạnh, ánh sáng trong tranh Lụa mang tính chất nhẹ nhàng, thơ mộng. Tính trang trí được thể hiện phần nào ở nhịp điệu của mảng hình trên nền lụa. Sự thay đổi phong phú, đa dạng các mảng hình trong tranh lụa không chỉ đơn thuần là các mảng phẳng. Các họa sĩ đã tìm tòi đưa các chi tiết, họa tiết vào trong các mảng hình ấy để tạo sự sinh động, hấp dẫn cuốn hút người xem. Quan hệ giữa hình và nền là một trong những yếu tố góp phần làm phong phú, tăng sức biểu cảm của chất liệu lụa. Khoảng trống trong tranh lụa có một vai trò quan trọng, nó có hiệu quả gợi tả không gian rất lớn.

Trong quá trình hình thành và phát triển, nhiều tác giả, tác phẩm Lụa đã để lại những dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Những tác giả lớn: Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Nguyễn Thụ... đến các họa sĩ trẻ như Bùi Tiến Tuấn, Vũ Đình Tuấn đã mang lại nhiều thành công cho tranh Lụa. Họ luôn tìm tòi về kỹ thuật, chất lụa để thể hiện được sự đa dạng, phong phú trong lối tạo hình nhằm khẳng định phong cách riêng.

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn tranh Lụa lại có những chuyển biến khác nhau về chủ đề và hình thức thể hiện. Một trong những thay đổi khá rõ nét là hình thức bố cục tranh, được biểu hiện bằng quan hệ giữa hình và nền.  Mối quan hệ này được biểu hiện rõ qua các thời kỳ phát triển của tranh Lụa qua một số tác phẩm tiêu biểu.

 Giai đoạn Đông Dương

Đây là giai đoạn hình thành tranh lụa Việt Nam hiện đại, chất liệu Lụa đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trong nền Hội họa non trẻ của nước nhà.

Tranh Lụa giai đoạn Đông Dương được tạo hình với lối vẽ mang đặc điểm trang trí. Hình tượng trong nghệ thuật thường được diễn tả đơn giản, hình mảng ít vườn khối. Không gian trong tranh mang đậm yếu tố ước lệ, không diễn tả theo luật phối cảnh, không tả chiều sâu ánh sáng mà chỉ dùng mảng hình, đậm nhạt để gợi cảm quan. Màu sắc trong tranh thường được vẽ và tạo hình theo mảng bẹt. Những tác phẩm Lụa trong thời kỳ này cho người xem thấy rõ nếp sống, tinh thần của người Việt. Các họa sĩ khai thác thành công lối bố cục chắc khỏe, đơn giản, chắt lọc về mảng hình. Toàn bộ các tác phẩm toát lên một sự gạn lọc cô đọng  từ bố cục đến hình thể và màu sắc. Những mảng màu đơn giản, ấm áp, nhuần nhị, những đường viền mềm mại, những khoảng trống rất đúng chỗ... tạo nên một phong cách vẽ lụa riêng, rất đặc sắc.

Một tác phẩm tiêu biểu cho tranh Lụa thời kỳ này là bức Chơi ô ăn quan. Bức tranh được họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ vào năm 1931. Bức tranh diễn tả một trò chơi dân gian của trẻ em ở đồng bằng Bắc Bộ. Các nhân vật chít khăn mỏ quạ, quần áo nâu sồng, vốn là trang phục phổ biến vùng Kinh Bắc. Tác phẩm đã trở thành một trong những bức tranh mẫu mực của hội họa hiện đại Việt Nam. Trên nền lụa, tác giả diễn tả bốn em bé đang chơi ô ăn quan được chia làm hai nhóm. Bố cục theo lối đăng đối lệch (bên ba nhân vật, bên một nhân vật) tạo cho bức tranh vẻ hấp dẫn, sinh động. Bố cục rất lạ nhưng thông thoáng, có thể thấy tinh thần của tranh dân gian Việt Nam, hài hòa cùng với phong cách tạo hình phương Tây, giữa mô tả và gợi tả, giữa nhịp điệu của mảng hình và khoảng trống nền. Cũng trên quan điểm này, nhìn vào chiều sâu không gian, cách bố trí nhân vật trong tranh là sự sắp xếp khéo léo. Đây là sự kết tinh của phương pháp sử dụng mảng hình lớn cùng đường nét mảnh, nhỏ, sự nghiên cứu hình thể với cách thể hiện tả thực cùng sự tìm tòi sáng tạo, chắt lọc khái quát hình thể dựa trên những nghiên cứu hình họa. Không gian trong tranh vừa thoáng đạt vừa ấm cúng. Khoảng trống nền chiếm diện tích khá nhiều trong tranh. Phía trên nền ửng sáng, phía dưới nền đậm tạo cảm giác chắc chắn cho toàn bộ bố cục. Nhịp điệu mảng hình các nhân vật được in khá rõ nét trên khoảng nền trống. Mặc dù được bố trí nối tiếp nhau nhưng nhịp lượn của hình không hề đơn điệu. Một phần dáng nhân vật được họa sĩ nghiên cứu kĩ lưỡng, mang dáng vẻ tự nhiên của lứa tuổi. Một phần khác, nhịp đậm nhạt được thay đổi khi mạnh, khi nhạt ở trang phục các nhân vật khiến cho mảng hình người trở nên sinh động.  Lúc này, nhịp điệu của đậm nhạt dẫn dắt mắt người xem từ nhịp của những mảng đậm nối tiếp. Hình ảnh bốn đứa trẻ chăm chú với trò chơi của mình một cách lặng lẽ, nhẹ nhàng và ấm áp mềm mại, khiến người xem cảm nhận Nguyễn Phan Chánh đã mang một hồn quê dân dã đến tâm hồn mình.

 

 Giai đoạn kháng chiến

Tranh Lụa giai đoạn này có sự phát triển theo chiều rộng, tiếp tục khẳng định bản sắc, ngôn ngữ riêng. Đề tài chiến tranh cách mạng được chú trọng, bên cạnh đó đề tài lao động sản xuất và sinh hoạt cũng được đề cập đến đã tạo nên sự phong phú . Cách biểu đạt bố cục và hình thể trong tác phẩm đa dạng, bút pháp có nhiều biến ảo. Đường nét cũng vẽ phóng khoáng, tự do không chau chuốt và cách điệu như giai đoạn trước. Ở nhiều tác phẩm, mảng nền được các họa sĩ khai thác nhiều hình ảnh hơn, ít khi mảng nền được để phẳng. Nếu mảng nền phẳng thì thường diện tích không lớn.

Họa sĩ Nguyễn Thụ được xem như một trong những đại diện xuất sắc của nghệ thuật tranh Lụa VN thời kỳ này. Trong các sáng tác của mình, họa sĩ Nguyễn Thụ đã sử dụng thế mạnh của yếu tố trang trí nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất về tạo hình. Ông chọn lối bố cục ước lệ, tận dụng triệt để ưu thế của nét và mảng. Điển hình nhất về lối bố cục ước lệ là trong tác phẩm Sàng sẩy .Trong tranh, ông miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ Thái trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyễn Thụ sử dụng lối bố cục dọc, mảng chính là hình ảnh ba người phụ nữ đang sàng, sẩy gạo. Ông bố trí ba người thành một đường cong hướng sang bên phải, có điểm nhìn từ trên cao. Các nhân vật đang trong thế dáng điển hình của động tác sẩy thóc nhưng vẫn có những nét riêng. Tạo hình mang tính chất khái quát, các chi tiết rườm rà của nếp gấp áo váy hay đường bao đều được lược bỏ. Nguyễn Thụ đặt các hình ảnh trên nền trống, không có đường chân trời, không gợi xa gần, các mảng đều là mảng bẹt như trong nghệ thuật trang trí, nhưng vẫn tạo nên cảm giác không gian nhờ vào sự thay đổi tinh tế các thế dáng.

Giai đoạn đổi mới

Bước vào giai đoạn đổi mới, Hội họa Việt Nam có bước chuyển mình lớn. Tranh lụa giai đoạn này cũng có những đổi mới tích cực, nhiều hướng đột phá mới về khả năng biểu hiện, mở rộng phạm vi ngôn ngữ tạo hình về bố cục, hình thể và màu sắc. Các họa sĩ vẽ lụa thế hệ mới tiếp tục vẽ “tranh đề tài” nhưng theo phong cách hiện đại. Họ nỗ lực tìm tòi, đổi mới, đã có những chuyển biến đáng kể về cách xây dựng bố cục, phong cách thể hiện và nội dung đề tài rất đáng để kỳ vọng.

Bùi Tiến Tuấn là một trong những tác giả có phong cách vẽ lụa độc đáo trong những năm gần đây. Trong tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn là hình ảnh các cô gái hiện đại, cá tính, phóng khoáng, mạnh mẽ và đầy tự tin với những đường nét gợi cảm trên cơ thể. Chọn một góc nhìn khác về phụ nữ là cách Bùi Tiến Tuấn mang một một luồng gió rất mới đến với nghệ thuật tranh Lụa.

Tác phẩm Như một cơ thủ, họa sĩ tạo hình một cô gái trong trang phục hiện đại, váy ngắn, vớ dài và găng tay màu sắc rực rỡ. Nhân vật trong tranh được cách điệu có nét tinh quái, co gập người trong thế đánh Bida rất điệu nghệ. Trên bức tranh có khuôn khổ ngang, họa sĩ chỉ bố cục duy nhất một nhân vật ở giữa tranh. Hình thể phụ nữ được tạo hình phá cách, trình bày trên nền lụa trống tạo cho tranh anh có một sự tối giản. Người xem không khỏi bất ngờ với tuyên ngôn của họa sĩ về vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại. Tuy không có những đường cong mềm mại, dáng vẻ thùy mị hay đài các như trong tranh lụa Đông Dương, nhưng hình ảnh cô gái trong tranh anh lại có sự lôi cuốn đặc biệt. Ta chỉ thấy chiếc váy bồng bềnh và cặp chân dài đeo vớ ren như thể tung lên theo vũ điệu. Cùng với đậm nhạt, màu sắc và họa tiết được họa sĩ bố trí trên trang phục tạo nên sự duyên dáng, nhịp điệu của mảng hình trên mảng nền trống. Người xem không khỏi bất ngờ với những khoảng trống và những nét vẽ khoáng đạt, sinh động.

Giá trị thẩm mỹ của sự biểu đạt quan hệ giữa hình và nền đã được khẳng định bằng những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị nghệ thuật cao qua các thời kỳ của nền tranh Lụa Việt Nam. Mối quan hệ giữa hình và nền cũng là đặc tính chung của nghệ thuật vẽ lụa, nhưng qua phong cách của từng họa sĩ, tùy theo tình cảm của mỗi người mà cách sáng tạo không giống nhau. Con đường tìm tòi những xu hướng mới cho tranh Lụa còn rất dài, sẵn sàng chờ đợi những sáng tạo mới của các họa sĩ trẻ.