Nghiên cứu lý luận

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC TỰ HỌC TỪ VỰNG TIẾNG ANH

21 Tháng Chín 2020

Ngô Thị Hoà

Trung tâm Tin học và ngoại ngữ

Để truyền tải được thông điệp giao tiếp, người học cần có một lượng từ vựng tiếng Anh nhất định. Một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật Tw hiện nay khi tham gia các hoạt động thực hành giao tiếp tiếng Anh là thiếu vốn từ vựng. Do đó, bài viết giúp định hướng cho người học chiến lược tự học từ vựng tiếng Anh để đạt hiệu quả tích cực.

 

  1. Đặt vấn đề

 Trong những năm gần đây, các trường Đại học ở Việt Nam đã chuyển đổi từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ theo xu hướng phát triển của thế giới. Đặc điểm của mô hình đào tạo này đòi hỏi người học phải chủ động tìm kiếm kiến thức, nâng cao tính tự học ở tất cả các môn học trong đó có tiếng Anh. Tuy nhiên, không ít người học ngôn ngữ không biết tự học tiếng Anh bắt đầu từ đâu hoặc theo phương pháp như thế nào. Bài viết này đề cập đến các nguyên tắc cốt lõi khi tự học từ vựng tiếng Anh giúp người học có định hướng cho quá trình tự học đạt hiệu quả.

  1. Cơ sở lý luận

Từ vựng luôn là sự thử thách lớn đối với người học tiếng Anh. Theo kết quả khảo sát của Macaro (2003), từ vựng được xem là một chủ đề cần các nhà giáo dục nghiên cứu nhiều nhất để tăng cường việc dạy và học từ vựng trong lớp học. Vai trò của từ vựng trong hoạt động dạy và học tiếng Anh đã được nhận ra là vô cùng cần thiết. Dee Gardner (2013) xem ngữ pháp như động cơ của ngôn ngữ tạo ra trật tự câu và cấu trúc câu, còn từ vựng là nhiên liệu của ngôn ngữ mà thiếu nó thì không có điều gì có ý nghĩa được truyền tải. Thực tế cho thấy, việc học từ vựng là một nhiệm vụ khó khăn và dễ gây nản chí cho người học. Meare (1980) chỉ ra rằng người học ngôn ngữ thừa nhận là họ gặp rất nhiều khó khăn về từ vựng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là người học rất hay quên từ. Để ghi nhớ 1 từ, người học cần trải qua 3 quá trình là nhận dạng, tái hiện và sử dụng sáng tạo (Nation, 2001). Việc biết một từ mới không chỉ dừng lại ở khả năng biết ý nghĩa của từ mà còn ở khả năng sử dụng từ trong giao tiếp. Trong cuốn sách “Learning vocabulary in another language” của Nation (2001), khi xem xét các mục tiêu học từ vựng, ông có đề cập đến việc học từ vựng liên quan đến bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) và kiến thức từ vựng liên quan đến phát âm, chính tả và ngữ pháp. Ellis (1995) nhận thấy, áp dụng các chiến lược học từ vựng có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc tiếp thu từ vựng và qua đó người học đóng vai trò tích cực trong việc xử lý thông tin. Đối với người dạy, trang bị cho người học đủ lượng từ vựng để giao tiếp không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Một số nguyên nhân được nêu ra là thời gian trên lớp có hạn, trình độ và động cơ học tập của người học khác nhau. Do đó, việc học từ vựng để đạt hiệu quả tối ưu cần có sự tự chủ của người học. Theo Waite (1994), người học cần tự chịu trách nhiệm về việc học của mình để tận dụng tối đa các nguồn học sẵn có, đặc biệt là các nguồn bên ngoài lớp học. Đồng quan điểm đó, theo tác giả Trịnh Quốc Lập trên tạp chí khoa học (2008, số 10), các hoạt động học tập nên được thiết kế theo hướng góp phần tăng cường năng lực tự học của người học. Nói cách khác, dựa trên nguyên lý người học tự điều chỉnh việc học tập của chính mình qua việc đề ra kế hoạch học tập, thực hiện và điều chỉnh kế hoạch học tập và sau cùng là đánh giá kết quả và tiến trình học tập của chính mình.

  1. Một số gợi ý định hướng chiến lược tự học từ vựng

Bước 1: Tìm động lực

Động lực học tập là nguồn sức mạnh giúp người học chủ động thực hiện hành động học tập và duy trì hành động để đạt được kết quả. Do đó, người học cần xác định được đâu là động lực học tập để mình thực sự yêu thích, đam mê việc học và sử dụng tiếng Anh.

Bước 2: Chuẩn bị thực hiện

  1. Phương tiện học tập

Sách học

Người học khi bắt đầu quá trình học thường bị choáng ngợp bởi vô số các loại sách tiếng Anh và không biết nên chọn loại sách nào phù hợp trình độ và mục tiêu học tập. Do vậy, việc tìm kiếm lời khuyên từ thầy cô hoặc các anh chị đi trước là một giải pháp rút ngắn thời gian chọn lựa sách vở. Để đánh giá được trình độ bản thân, người học có thể làm các bài kiểm tra trình độ trên trang mạng trực tuyến như Testyourvocab.com

Vở ghi chép

Chuẩn bị một cuốn sổ ghi chép là một việc tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người học chưa chú trọng. Việc ghi chép vào vở giúp người học ngôn ngữ có thể mở ôn lại bài thường xuyên và ghi nhớ cách viết từ. Cách trình bày vở khoa học cũng là một vấn đề người học cần chú trọng để việc ôn luyện được hiệu quả tối ưu.

Từ điển

Với người học ngôn ngữ, từ điển được xem là người bạn không thể thiếu trong suốt hành trình chinh phục tri thức. Người học cần chú ý lựa chọn từ điển chuẩn và hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu cách sử dụng từ điển để khai thác được tối đa giá trị của nó. Với người mới bắt đầu học tiếng Anh, từ điển Anh-Việt có thể là một lựa chọn dễ dàng hơn nhưng thực tế việc chuyển dịch ngôn ngữ phù hợp hoàn cảnh không phải trường hợp nào cũng đúng. Sử dụng từ điển Anh-Anh có phần thử thách hơn cho người mới học nhưng nó sẽ có hiệu quả tích cực lâu dài bởi vì phát âm của từ được đảm bảo chuẩn xác, người học hiểu được cách dùng của từ theo hoàn cảnh, rèn luyện khả năng đọc hiểu ý nghĩa của từ, và tăng vốn từ vựng một cách tự nhiên. Ngoài ra, khi sử dụng từ điển online, người học được nghe trực tiếp phát âm của từ và để biết nghĩa tiếng Việt khi đọc không hiểu người học chỉ cần bôi đen và bấm chuột phải vào từ sẽ tìm được ngay nghĩa tiếng Việt của từ vựng. Tác giả xin giới thiệu một số từ điển trực tuyến uy tín miễn phí như Oxford https://www.oxfordlearnersdictionaries.com, Cambridge https://dictionary.cambridge.org, Macmillan https://www.macmillandictionary.com hoặc trang https://www.vocabulary.com/

Việc sử dụng từ điển giấy là lựa chọn không bao giờ bị lu mờ giá trị. Mặc dù tra từ lâu hơn và không nghe được phát âm nhưng trong những trường hợp không có mạng wifi hoặc không muốn bị xao lãng việc học khi sử dụng điện thoại, máy tính thì từ điển giấy là lựa chọn hàng đầu. Tác giả xin giới thiệu cuốn từ điển Anh-Anh Oxford Learner’s Pocket Dictionary hữu ích cho người học với thiết kế nhỏ gọn phù hợp có thể mang đi bất kỳ nơi nào.

  1. Nhận thức

Thay đổi nhận thức về việc học tiếng Anh có tính cấp thiết.đối với người học. Khi việc học không có kết quả, người học thường quy chụp cho bản thân cái mác “không có năng khiếu”. Trong tiếng Anh có câu “hard work beats talent when talent doesn’t work hard” (Tim Notke), câu này đề cao sự cần cù siêng năng hơn việc có tài năng mà lười biếng. Kiên trì và quyết tâm là những điều người học cần trang bị cho bản thân trước và trong suốt quá trình chinh phục đỉnh núi tri thức. Giống như những người leo núi, mặc dù họ chưa nhìn thấy đỉnh núi nhưng họ biết rằng đỉnh núi luôn có ở đó để bản thân chỉ quan tâm đến một điều duy nhất là tiếp tục tiến bước.

Bước 4: Thực hiện

Gợi ý một số lưu ý khi tự học

  1. Thời gian học:

Người học nên chọn một thời gian cụ thể để ngồi vào bàn học tiếng Anh mỗi ngày. Ví dụ: sau giờ tập đàn hoặc sau bữa ăn. Thời gian học tiếng Anh diễn ra sau một hoạt động thường xuyên giúp người học dễ dàng duy trì việc học thành thói quen cũng như là dấu hiệu giúp người học gợi nhớ việc cần học từ vựng tiếng Anh mỗi ngày.

  1. Nguồn học liệu:

Học từ vựng nếu chỉ dừng lại ở việc ghi chép và học từ đơn lẻ sẽ làm người học nhanh nản chí và buồn chán. Do đó, để trở thành một happy learner (người học hạnh phúc), người học cần kết hợp nhiều loại đầu vào khác nhau như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, đọc truyện, … sau đó ghi chú lại một số lượng từ mới cần thiết vào sổ từ vựng.

  1. Ôn tập:

Chắc hẳn có nhiều lần chúng ta gặp những từ tiếng Anh trông rất quen nhưng không thể nhớ ra nghĩa. Đó là bởi vì bộ não của chúng ta chưa nhận ra được sự quan trọng của từ vựng đó nếu nó chỉ được học một lần. Những gì chúng ta học được theo thời gian sẽ bị lãng quên nếu chúng ta không có sự ôn tập lại thường xuyên. Việc ghi chép từ vựng vào sổ từ giúp cho người học có thể xem lại lượng từ đã học sau một ngày, sau một vài ngày, sau một vài tuần. Gia tăng thời gian giữa những lần ôn tập sẽ giúp cản hiệu ứng đường cong lãng quên. Dần dần, lượng từ vựng được ôn tập thường xuyên và được sử dụng trong giao tiếp (nói, viết) sẽ được lưu vào trong trí nhớ dài hạn của bạn.

  1. Học bảng phiên âm quốc tế IPA:

Bảng chữ cái tiếng Anh thể hiện mặt chữ tiếng Anh nên nếu chỉ nhìn vào chữ viết người học sẽ khó có thể phát âm chính xác từng âm tiết. Bảng phiên âm là hệ thống các ký hiệu ngữ âm thể hiện các âm tiết trong một từ. Ví dụ từ Positive Nhìn vào phiên âm chúng ta có thể biết được từ này gồm 3 âm tiết

Tóm lại, việc học từ vựng tiếng Anh có thể theo nhiều phương pháp khác nhau nhưng để học có hiệu quả, người học cần ghi nhớ các điểm mấu chốt sau: Học bảng phiên âm IPA (biết cách đọc âm tiết + trọng âm từ), Học thường xuyên đều đặn (thời gian cụ thể + ôn tập), Học nhiều nguồn (Học từ qua kỹ năng nghe, đọc và ứng dụng từ được học vào nói và viết tiếng Anh).

 

                                                  Tài liệu tham khảo

  1. Ellis, N. C. (1995). The psychology of foreign language vocabulary acquisition: Implications for CALL. Computer Assisted Language Learning, 8,2-3:103–128.
  2. Gardner, D. (2013). Exploring vocabulary: language in action. Routledge.
  3. Macaro, E. (2003). Teaching and Learning a Second Language. New York: continuum.
  4. Meare, P. (1980). Vocabulary acquisition: A neglected aspect of language learning. Retrieved 11/3/2019 from Lognostics: htttp://www.lognostics.co.uk/vlibrary/meara1980.pdf.
  5. Nation.I.S.P.  (2001). Learning vocabulary in another language. Cambridge University Press.
  6. Waite, S. (1994). Low-resourced self-access with EAP in the developing world: the great enabler? ELT Journal 48(3): 233-242.
  7. Trịnh Quốc Lập (2008). Phát triển năng lực tự học trong hoàn cảnh Việt Nam. Tạp chí khoa học số 10: 169-175. Trường Đại học Cần Thơ.