Nội san

KẾT HỢP PHƯƠNG PHÁP DẠY VIẾT THEO SẢN PHẨM VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY VIẾT THEO QUY TRÌNH VÀO GIỜ HỌC KỸ NĂNG VIẾT TIẾNG ANH

28 Tháng Chín 2020

                                                                                 Phạm Thị Ngọc Bích

                                                                        Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ

            Kỹ năng viết đóng vai trò quan trọng trong việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, bởi kỹ năng viết cung cấp cơ hội thực hành ngôn ngữ, nâng cao kiến thức ngôn ngữ, phát triển ngôn ngữ sáng tạo, giàu trí tưởng tượng cho người học. Bài viết sau đây chỉ ra phương pháp dạy kỹ năng viết giúp giờ học kỹ năng viết trở nên hiệu quả.

       Khi học một ngôn ngữ, ngoài việc nắm vững các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, người học cần phải thành thạo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, trong đó kỹ năng viết là một kỹ năng khó với nhiều người học Đúng như tác giả Tribble (1996, tr.3) nhận định "kỹ năng viết là một kỹ năng ngôn ngữ khó thành công". Tuy nhiên, kỹ năng viết có vai trò quan trọng như: củng cố các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng cho người học. Khi người học ngôn ngữ luyện viết có nghĩa là đang mạo hiểm với ngôn ngữ được học, sự cố gắng truyền đạt ý tưởng khi viết bằng cách sử dụng đồng thời mắt, tay và não bộ là cách duy nhất để củng cố những kiến thức đã học (Raimes, 1983).

            Kỹ năng viết được cho là kỹ năng sản sinh ngôn ngữ (productive skill) và theo Meyers (2005), viết một phần là tài năng, nhưng nó chủ yếu là một kỹ năng và giống như bất kỳ kỹ năng nào, nó sẽ được cải thiện khi thực hành. Ur (1996) cho rằng khác với kỹ năng nói được thu nhận bằng trực giác, kỹ năng viết trong hầu hết các trường hợp được dạy và học có chủ ý. Do đó, kỹ năng viết là một trong những kỹ năng sản sinh đòi hỏi sự luyện tập để tạo ra một sản phẩm là bài viết tốt.

            Trong một giờ học kỹ năng viết, nếu giáo viên có những phương pháp phù hợp sẽ có thể thay đổi được thái độ thực hành kỹ năng viết của học sinh, khi đó rèn luyện kỹ năng viết sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn người học. Có nhiều cách tiếp cận kỹ năng viết khác nhau, tuy nhiên, có hai phương pháp phổ biến thường được giáo viên sử dụng là phương pháp dạy kỹ năng viết theo sản phẩm (product approach) và phương pháp dạy kỹ năng viết  theo quy trình (process approach). Phương pháp dạy kĩ năng viết theo sản phẩm nhấn mạnh vào sản phẩm cuối cùng là bài viết với sự chuẩn xác về ngôn ngữ và phương pháp dạy kĩ  năng viết theo quy trình lại hướng sự chú ý của người học đến sự sáng tạo trong việc phát triển ý tưởng cho bài viết. Cả hai phương pháp này đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Vì vậy, để có một giờ dạy - học kỹ năng viết hiệu quả, giáo viên có thể phát huy điểm mạnh của hai phương pháp này bằng cách kết hợp chúng vào dạy - học kỹ năng viết tiếng Anh.

            Phương pháp dạy kỹ năng viết theo sản phẩm (Product approach)

          Giảng dạy kĩ năng viết theo sản phẩm xuất hiện từ giữa những năm 1960 và được cho là phương pháp truyền thống. Theo Nunan (1991), phương pháp này tập trung vào kết quả cuối cùng của các hoạt động viết, theo đó người học bắt chước, sao chép và chuyển đổi bài viết mẫu thành bài viết của mình với sự chuẩn xác về ngôn ngữ giống như bài viết mẫu. Có cùng quan điểm với Nunan, Harmer (2001, tr.257) cho  rằng "khi tập trung vào sản phẩm, chúng ta chỉ quan tâm đến mục tiêu của nhiệm vụ và sản phẩm cuối cùng". Phương pháp này chủ yếu quan tâm đến tính đúng đắn và hình thức của sản phẩm cuối cùng đúng như hai tác giả Hasan và Akhand (2010, tr.81) đã viết: phương pháp dạy viết theo sản phẩm “làm nổi bật sản phẩm cuối cùng của người học thay vì cách nó được tạo ra”.

            Phương pháp dạy viết theo sản phẩm bao gồm bốn giai đoạn: bài viết mẫu được đưa ra và các đặc điểm của thể loại bài viết được chú ý; học sinh thực hành có kiểm soát các đặc điểm của thể loại bài viết đó; học sinh sắp xếp các ý tưởng của mình và giai đoạn cuối cùng là bài viết hoàn chỉnh chủ yếu được viết riêng lẻ hoặc đôi khi có sự cộng tác giữa người học. Với phương pháp này, người học không có cơ hội phát triển khả năng sáng tạo và bài viết mẫu được bắt chước một cách máy móc theo một khuôn mẫu cố định. Cách tiếp cận này không thật sự hiệu quả khi chúng ta nhận thấy rằng các ý tưởng được tạo ra và hình thành trong quá trình viết.

            Khoảng hai mươi năm sau, vào giữa những năm 1980, đã có sự chuyển đổi từ phương pháp dạy viết theo sản phẩm sang phương pháp dạy viết theo quy trình và phương pháp mới này nhấn mạnh vào ý tưởng, phát triển ý tưởng và bao gồm hoạt động trước khi viết, thực hành viết và viết lại.

            Phương pháp dạy kĩ năng viết theo quy trình (Process approach)

          Trái ngược với phương pháp dạy viết theo sản phẩm, phương pháp dạy viết theo quy trình tập trung vào tiến trình luyện viết hơn việc chỉ chú ý đến sản phẩm cuối cùng. Những người ủng hộ phương pháp dạy kỹ năng viết theo quy trình thường chú ý đến các giai đoạn khác nhau mà bất kỳ một bài viết nào cũng trải qua. Bằng cách dành thời gian với người học về các giai đoạn trước khi viết, chỉnh sửa, phác thảo và cuối cùng là sản phẩm, phương pháp dạy theo quy trình nhằm mục đích giúp người học có được những kỹ năng khác nhau nên được sử dụng khi luyện viết (Harmer, 2001). Trong suốt quá trình viết, thay vì lo lắng đến mức độ chính xác về ngôn ngữ của bài viết cũng như sản phẩm cuối cùng, người học có thể tập trung vào các ý tưởng và sáng tạo với ý tưởng của mình. Người học khám phá chủ đề thông qua nhiều hoạt động ở các giai đoạn khác nhau của quá trình luyện viết.

             Với phương pháp dạy viết theo quy trình, người học có thể tạo ra nhiều bài viết nháp trước khi có bài viết cuối cùng. Họ liên tục xem xét, sửa đổi và chỉnh sửa các bản nháp của mình.  Phương pháp này được thực hiện thông qua 08 giai đoạn: a) tạo ra ý tưởng bằng cách "động não" và thảo luận, b) lập kế hoạch bằng cách ghi chú và đánh giá sự phù hợp của ý tưởng, c) sắp xếp ý tưởng theo sơ đồ tư duy hoặc sơ đồ hình nhện, d) viết bản nháp đầu tiên, e) trao đổi bản nháp theo cặp hoặc nhóm, f) trả lại và cải thiện bản nháp dựa trên phản hồi của bạn học, g) viết bản thảo cuối cùng và một lần nữa h) trao đổi và đọc "tác phẩm" của nhau. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này để dạy kỹ năng viết, người dạy cần linh hoạt về thời gian luyện viết cho người học, đồng thời cũng cần phản hồi về các bản viết nháp của người học. Có thể coi quá trình luyện viết là quá trình khám phá ý tưởng mới, khám phá dạng thức ngôn ngữ mới của người học. 

            Kết hợp phương pháp dạy viết theo sản phầm và dạy viết theo quy trình

            Như đã nói ở trên, trong phương pháp tiếp cận dựa trên sản phẩm, điều quan trọng là người học phải tham gia vào việc bắt chước, sao chép và chuyển đổi bài viết mẫu thành bài viết riêng với sự chuẩn xác về ngôn ngữ. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận dựa trên quy trình hữu ích trong việc giúp sinh viên phát triển ý tưởng, sắp xếp chúng một cách có hệ thống để có thể viết trôi chảy. Do đó, sự kết hợp phương pháp dạy viết theo sản phẩm và phương pháp dạy viết theo quy trình vào dạy viết tiếng Anh được cho là phương pháp kết hợp hiệu quả giúp cải thiện kỹ năng viết cho người học.

            Sự kết hợp giữa phương pháp sản phẩm và phương pháp quy trình được thể hiện trong bảng sau:

 

Giai đoạn (Stages)

Kết hợp phương pháp sản phẩm (Product approach) và phương pháp quy trình

(Process approach)

1

Bài viết mẫu (modelling)

2

Luyện tập (Practicing)

3

“Động não” (Brainstorming)

4

Lên kế hoạch (Planning/Structuring)

5

Sơ đồ tư duy (Mind-mapping)

6

Viết nháp lần đầu (Writing the first draft)

7

Phản hồi bài viết từ bạn học (Peer feedback)

8

Chỉnh sửa (Editing)

9

Viết bản cuối cùng (Writing the final draft)

10

Đánh giá và phản hồi từ người dạy (Evaluation and teachers' feedback)

                                   (Agustiana, 2017, tr.91)

 

          Như vậy, theo Agustiana (2017), việc kết hợp phương pháp dạy viết theo sản phẩm và theo quy trình có thể được phân chia thành 10 giai đoạn.  Bài viết mẫu (modelling) được đưa ngay vào giai đoạn 1 và ở giai đoạn này người học có thể xác định được thể loại bài viết cũng như đặc điểm ngôn ngữ học của bài viết đó để có thể luyện tập “có kiểm soát” những đặc điểm quan trọng của bài viết ở giai đoạn tiếp theo. Bài viết mẫu cũng có thể được sử dụng để người học đối chiếu với các bản viết nháp và chỉnh sửa ở các giai đoạn 6,7 và 8. Và cũng từ bài viết mẫu, người học có thể đưa ra nhận xét phù hợp cho bài viết và chính người học đã trở thành "độc giả" của nhau. Đây là một phần rất quan trọng của quy trình viết vì chính nhờ phản hồi của người đọc giúp các em cải thiện bài viết của mình.

            Trong khi phương pháp sản phẩm chỉ cung cấp một giai đoạn tổ chức các ý tưởng thì khi kết hợp với phương pháp quy trình, người học sắp xếp ý tưởng của họ theo ba giai đoạn cụ thể hơn, đó là "động não", lập kế hoạch và lập sơ đồ tư duy. Các hoạt động này giúp người học tổ chức ý tưởng một cách hợp lý và giai đoạn tiến hành viết trở nên dễ dàng hơn.  

          Nhìn chung, phương pháp dạy viết theo sản phẩm và phương pháp dạy viết theo quy trình khi được kết hợp lại sẽ coi viết là một quá trình gồm nhiều giai đoạn mà người viết phải trải qua. Nó có thể bao gồm các giai đoạn trước khi viết, luyện tập viết, phản hồi, chỉnh sửa và hoàn thành. Các giai đoạn đó có liên quan, tác động tương hỗ cho nhau. Với sự kết hợp này, người học vừa tiếp thu được kiến thức ngôn ngữ vừa phát triển khả năng tư duy, sáng tạo để có thể tạo ra sản phẩm là bài viết có chất lượng trong quá trình luyện viết tiếng Anh.  

                                           Tài liệu tham khảo

1.  Agustiana, V. (2017). Four square writing method applied in product and process based approaches combination to teaching writing discussion text. English Review: Journal of English Education, 6(1), 89-98.

2. Harmer, J (2001). The Practice of English Language Teaching, 3rd edition. Longman, Malaysia.

3. Hasan & Akhand (2010). Approaches to Writing in EFL/ESL Context: Balancing Product and Process in Writing Class at Tertiary Level. Journal of NELTA, Vol 15, No 1-2.

4. Meyers, A. (2005). Gateways to academic writing: Effective sentences, paragraphs, and essays. Longman, USA.

5. Nunan, D (1991). Language Teaching Methodology. A textbook for teachers.  Prentice Hall, USA.

6. Raimes, A (1983). Techniques in Teaching Writing, Oxford University Press, Oxford.

7. Tribble, C (1996). Writing, Oxford University Press, Oxford.

8. Ur, P (1996). A Course in Language Teaching, Cambridge University Press, Great Britain.