Nghiên cứu lý luận

VAI TRÒ CỦA DẠY HỌC TẬP ĐỌC NHẠC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

06 Tháng Mười 2020

Nguyễn Thị Khánh Ly[*}

          Môn Âm nhạc trong trường phổ thông là một trong những môn học góp phần giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh. Âm nhạc không những góp phần giáo dục thẩm mỹ, giáo dục đạo đức mà còn giúp cho học sinh (HS) phát triển trí tuệ, phát triển thể chất, tự tin hơn trong giao tiếp, được giải trí sau những giờ học căng thẳng... Giáo dục âm nhạc ở phổ thông, với sự trang bị cho HS các kiến thức về lý thuyết, các kỹ năng ca hát, đọc nhạc, nghe nhạc…, tuy có thể là sơ giản nhưng giúp hình thành ở các em năng lực âm nhạc, để rồi từ đó có thể vận dụng vào tham gia các hoạt động âm nhạc của cộng đồng, nâng cao hơn khả năng thưởng thức âm nhạc...

Ở cấp Tiểu học, chương trình học môn Âm nhạc gồm một số phân môn, với các lớp 1, 2 và 3 là: Học hát, Phát triển khả năng âm nhạc; với khối lớp 4 và 5 thì ngoài Học hát, Phát triển khả năng âm nhạc có thêm Tập đọc nhạc (TĐN). Mỗi phân môn có một vai trò, tác dụng khác nhau song tất cả cùng chung mục đích là phát triển năng lực âm nhạc, bồi đắp tình cảm thẩm mỹ và hình thành nhân cách cho HS Tiểu học. Trong bài này, người viết muốn bàn về vấn đề Vai trò của dạy học TĐN cho HS Tiểu học.

Tập đọc nhạc ở phổ thông là phân môn giúp học sinh làm quen và hình thành kỹ năng đọc nhạc sơ giản (đọc được cao độ, trường độ, tiết tấu của bài TĐN) với phương pháp dạy học (PPDH) đặc thù cho học sinh phổ thông, qua đó góp phần phát triển năng lực hiểu biết, cảm thụ và thể hiện âm nhạc.

Trong số các phân môn âm nhạc thì đại đa số các em HS thích ca hát, thể hiện sự hào hứng, sôi nổi khi học Hát, còn với TĐN thì chỉ có một số em có năng khiếu yêu thích, nhiều em tỏ ra ngại học phân môn này. Có thể thấy là do đa số học sinh phổ thông bước đầu được tiếp xúc với học TĐN nên cảm thấy trừu tượng, bỡ ngỡ. Nội dung sách giáo khoa hiện hành thiên về dạy hát trong TĐN. Bên cạnh đó, phương pháp dạy học TĐN của đại đa số GV hoàn toàn theo lối truyền khẩu, truyền tai mà không linh hoạt với những lớp có nhiều HS có năng khiếu… Đó là những nguyên nhân khiến cho phân môn TĐN ít phát huy được vai trò trong giáo dục âm nhạc cho HS phổ thông nói chung và HS tiểu học nói riêng.

  Vậy TĐN có vai trò quan trọng như thế nào với môn học Âm nhạc ở phổ thông?

 

    

1. Góp phần phát triển năng lực âm nhạc và cảm thụ âm nhạc

Đọc nhạc không chỉ giúp HS hình thành kỹ năng đọc đúng giai điệu tiết tấu của bản nhạc mà còn giúp HS hình thành khả năng tư duy âm nhạc, nâng cao khả năng nghe, ghi nhớ âm thanh và là cơ sở để HS phát huy năng lực cảm thụ âm nhạc.

Âm nhạc có thể coi được là phương tiện để nuôi dưỡng tâm hồn. Âm nhạc không chỉ mang đến những niềm vui, cảm xúc tích cực mà đôi khi còn là những nỗi buồn, nỗi khổ đau. Học âm nhạc giúp phát triển não bộ và nhận thức của học sinh. Các em yêu thích và được học âm nhạc sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và hơn nữa là tạo hứng thú học tập. Học TĐN giúp trẻ cảm nhận được âm thanh cao, thấp, trầm, bổng… sự nhẹ nhàng hay khỏe khoắn của bản nhạc. Những điều đó có tác động tới sự hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc.

Đọc nhạc giống như việc đọc chữ, người học cần được trang bị một số kiến thức cơ bản về nhạc lý bao gồm: tên nốt nhạc, quãng, cao độ, trường độ, cường độ của âm thanh cũng như một số yếu tố khác như giai điệu, nhịp điệu và tiết tấu âm nhạc... Thêm vào đó, còn phải biết đọc đúng các quy định của bản nhạc như sắc thái, tình cảm và đúng phong cách tác phẩm, tác giả...

TĐN giúp HS hiểu rõ hơn kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản: biết tên các nốt nhạc, vị trí nốt trên khuông nhạc...; rèn luyện kỹ năng đọc đúng cao độ, trường độ của bản nhạc… Qua rèn luyện TĐN, HS hình thành năng lực âm nhạc: biết nhìn bản nhạc, thành thạo tên nốt nhạc, nâng dần khả năng đọc chính xác trường độ, cao độ của bản nhạc/tác phẩm. Yêu cầu của học TĐN không chỉ là HS đọc đúng cao độ, trường độ mà có thể còn biết đọc sao cho nhạc cảm. Đọc chính xác cao độ, trường độ đã tạo ra sự cảm thụ của vẻ đẹp trong đó. HS nào có khả năng âm nhạc tồi thì tự em đó cảm nhận được bản thân mình thể hiện một bài hát một bài đọc nhạc không hay hoặc ít nhất là không thể hấp dẫn.

Nếu được rèn luyện TĐN, khả năng cảm thụ âm nhạc của HS cũng được nâng lên. Từ việc biết đọc nhạc, biết nhìn bản nhạc HS sẽ thể hiện tốt hơn những định ghi trên bản nhạc như: ngắt câu, cường độ mạnh - nhẹ, tốc độ nhanh - chậm; thể hiện theo tính chất, sắc thái vui, buồn, trữ tình, êm dịu... của giai điệu một cách tốt hơn là chỉ được học theo cách GV truyền khẩu lại. Ở mức độ đơn giản nhất, các em biết cảm nhận được âm thanh cao hay thấp, ngắn hay dài... Ở mức độ cao hơn, các em cảm nhận được sự chính xác của âm thanh, sự chuyển động hài hòa hay không của tiết tấu. Đó cũng chính là con đường hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc. Khi biết đọc nhạc, HS biết hát, đàn chính xác hơn, tốt hơn sẽ giúp các em minh định đúng phần thể hiện tác phẩm của mình.

2. Giúp học sinh học các phân môn âm nhạc khác tốt hơn

Trong chương trình môn Âm nhạc ở phổ thông, từ lớp 4 đến hết THCS có nhiều phân môn là Hát, Nhạc lý, TĐN, Âm nhạc thường thức. Học TĐN sẽ trợ giúp tốt cho HS tiếp thu các phân môn khác của môn Âm nhạc như Hát, Nhạc lý và cả phân môn Nhạc cụ là phân môn được áp dụng trong chương trình phổ thông từ năm 2020. 

Với HSPT, TĐN được xác định là một nội dung trong môn Âm nhạc. HSPT học âm nhạc để phát triển năng lực thẩm mỹ, phát triển con người toàn diện, học theo lối phổ thông đại trà. Vì thế, có những HS không thể đọc đúng được giai điệu do năng khiếu hạn chế. Song, không vì thế mà không cho HSPT học TĐN. Được học TĐN, HS sẽ cảm nhận cao độ, trường độ tốt hơn, học nhiều thì những em có năng khiếu sẽ đọc được bài đọc nhạc một cách chuẩn xác, các em năng khiếu tồi sẽ giảm bớt đọc sai, tiếp cận đến đọc đúng hơn.

Đặc biệt, TĐN sẽ giúp các em học tốt hơn các phân môn âm nhạc khác như đàn, hát, nhạc lý, thường thức âm nhạc. Mặc dù TĐN ở tiểu học chỉ hết sức sơ giản song vẫn giúp cho HS từ chỗ hát/đàn có thể không chính xác nhưng do được rèn luyện mà HS có thể hát/đàn đúng hơn. Từ việc học tập, thực hành vận dụng các kiến thức trên vào bài TĐN giúp HS hình thành hệ thống kiến thức âm nhạc. Học tốt TĐN cũng giúp ích rất nhiều cho việc học múa, thể hiện nhịp điệu trong vận động, là hoạt động được thực hiện nhiều ở tiểu học.

Dưới đây xin được nêu cụ thể một số lợi ích của việc học TĐN trong trợ giúp các phân môn Âm nhạc đối với HSPT:       

          Thứ nhất, TĐN giúp HS có thể biết hát, đàn chính xác hơn. Đối với học hát, mục tiêu đầu tiên là làm sao cho HS hát đúng bài hát, đúng cao độ, trường độ, tiết tấu. Nếu HS học hát không được học xướng âm, học đọc nhạc thì việc hát đúng giai điệu tiết tấu của bài chủ yếu nhờ vào năng khiếu bẩm sinh. Còn nếu được học xướng âm, được đọc nhạc, qua việc rèn luyện đọc gam, đọc quãng, cao độ, trường độ, tiết tấu của các bài đọc nhạc mà năng khiếu của HS dần cải thiện hơn, các em biết phân biệt thực hiện nốt đen nốt trắng, thực hiện dấu lặng... như thế nào để rồi áp dụng vào học hát sẽ chuẩn xác hơn. Tương tự như vậy khi học đàn, việc thực hiện các dạng trường độ trong bài đàn sẽ được bổ trợ tốt hơn rất nhiều nếu HS được học đọc nhạc, đã thực hiện được các dạng trường độ trong đọc nhạc. 

Thứ hai, TĐN giúp HS có thể biết nhìn bản nhạc của bài hát, bài đàn để thực hiện tốt hơn. Với đối tượng không chuyên như HS tiểu học chủ yếu được áp dụng cách dạy hát theo lối truyền khẩu. Dạy học hát theo lối truyền khẩu là HS nghe GV hát rồi hát theo, đây là cách dạy thông thường nhất từ xưa đến nay mà người học hát nào cũng có thể học được, hát được theo giai điệu của bài (với điều kiện người dạy hát phải hát đúng). Cách dạy truyền khẩu có tiện lợi là người học không cần nhìn bản nhạc, không cần biết nốt nhạc, biết xướng âm cũng có thể hát được bài hát. Tuy nhiên, có nhược điểm là phụ thuộc hoàn toàn vào người dạy, nếu người dạy hát sai thì cũng hát sai theo, không có sự chủ động trong việc nhìn bản nhạc để có những xử lý, làm theo chỉ dẫn của bản nhạc một cách chủ động. Mặt khác, đối với dạy học hát truyền khẩu cho HSPT nói chung, HS tiểu học nói riêng, nhất cử nhất động GV phải hướng dẫn HS một cách tỉ mỉ, bản nhạc trở nên vô giá trị khi HS không có một chút kiến thức nào về nó. Vì thế, khi HS được học đọc nhạc, cùng với các kiến thức về nhạc lý, ít nhất các em cũng nắm bắt được cao độ có trong bản nhạc, biết nhìn các ký hiệu về trường độ, cao độ, đường tuyến đi của giai điệu cùng với lời ca để nhanh thuộc hơn, thể hiện đúng hơn. Lúc đó, bản nhạc trở nên có ích và có ý nghĩa trong giờ học hát hơn. HS được tiệm cận gần đến hơn với cách hát của những người học nhạc chuyên nghiệp.      

          Thứ ba, TĐN giúp HS hiểu rõ hơn các kiến thức nhạc lý. Nhạc lý là kiến thức cơ bản, quan trọng không thể thiếu trong học các môn âm nhạc. Tuy nhiên, việc học các kiến thức nhạc lý trở nên khó hiểu, khô khan khi chỉ được diễn giải thuần túy lý thuyết. Các quy tắc, quy định của âm nhạc thực chất là được đúc kết từ các tác phẩm âm nhạc, qua thực tiễn phát triển sinh động của việc sáng tác tác phẩm âm nhạc, của các thời đại, trường phái, phong cách. Vì thế, những vấn đề của lý thuyết âm nhạc chỉ được trở nên dễ hiểu, sống động khi được diễn giải, tái hiện thông qua âm nhạc được vang lên. Chẳng hạn như, khi dạy lý thuyết âm nhạc cho HS lớp 4 về nhịp 2/4 có 2 phách trong 1 ô nhịp, phách thứ nhất mạnh, phách thứ hai nhẹ, nếu cho HS thực hiện ngay trong bài TĐN, gõ phách mạnh nhẹ theo các nét nhạc, câu nhạc thì HS sẽ hiểu rõ hơn.

Với cấp Tiểu học, nội dung kiến thức ở mức độ hết sức đơn giản vì mới là bước đầu làm quen nhưng TĐN cũng có một vai trò quan trọng giúp HS hình thành kỹ năng bổ trợ cho các môn học khác. 

          Có thể nói, TĐN có vai trò quan trọng trong dạy học môn âm nhạc cho HSPT nói chung và cho HS tiểu học nói riêng, TĐN góp phần phát triển năng lực âm nhạc và cảm thụ âm nhạc, giúp học sinh học các phân môn âm nhạc khác tốt hơn... Xác định được tầm quan trọng của TĐN để có những phương pháp dạy học phù hợp, kích thích được tinh thần học tập của HS, mang lại cho các em niềm hứng thú, yêu thích và chăm chỉ học tập chính là nhiệm vụ của người giáo viên âm nhạc, là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực như hiện nay Bộ Giáo dục Đào tạo đang đề ra.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo Dục và Đào tạo (2017), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
  2. Hồ Ngọc Đại (1983), Tâm lý dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thắng (2012) Tâm  lý học lứa tuổi và tâm  lý học sư phạm, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
  4. Nguyễn Thị Tố Mai (chủ biên), Lương Minh Tân, Lương Diệu Ánh, Trần Vĩnh Khương, Trần Đức Lâm (2017), Học Âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực các lớp 6,7,8,9, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  5. Trịnh Hoài Thu (chủ biên), Nguyễn Thị Tố Mai, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Thị Thu Anh (2011), Phương pháp dạy học ký xướng âm trong đào tạo GV âm nhạc phổ thông, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  6. Phạm Viết Vượng (2008), Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K11 -  Chuyên ngành LL&PP Dạy học Âm nhạc