Nghiên cứu lý luận

Phương pháp dạy học hát hợp xướng thiếu nhi

06 Tháng Mười 2020

Vũ Thị Tiên [*]

Trong giai đoạn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế, hợp xướng Thiếu nhi Việt Nam đã có những thành qu nhất định và đang từng bước tìm những bước đi với những nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên những thành công đạt được vẫn dừng ở mức độ khiêm tốn, để phát huy được hết vai trò đặc biệt của hợp xướng phải có những phương pháp dạy, học hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng cho môn học. Vì vậy việc nghiên cứu những phương pháp dạy học mới, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là hết sức cần thiết.

1. Hoạt động dạy học hát hợp xướng Thiếu nhi

*Xây dựng chương trình dạy học phù hợp với lứa tuổi

*Xây dựng hệ thống tác phẩm theo cấp độ từ dễ đến khó

1.1.  Khởi động cơ thể

Khởi động cơ thể là thực hiện một hay nhiều những động tác nhẹ nhàng trong vài phút giúp cho cơ thể được làm nóng, các bộ phận cơ thể chuẩn bị tốt cho buổi tập chính. Trong hợp xướng, ngoài giọng hát, học sinh còn dùng cơ thể để biểu hiện tác phẩm.

Khởi động cơ thể là thực hiện một hay nhiều những động tác nhẹ nhàng trong vài phút giúp cho cơ thể được làm nóng, các bộ phận cơ thể chuẩn bị tốt cho buổi tập chính. Trong hợp xướng, ngoài giọng hát, học sinh còn dùng cơ thể để biểu hiện tác phẩm. Sau đây là các động tác khởi động giúp cho học sinh làm ấm cơ thể, thuận lợi cho hô hấp và tạo sự hứng phần trước khi vào luyện tập hợp xướng:

Khởi động cổ làm giãn các cơ quan cổ và giảm căng thẳng khi hát, giáo viên cần hướng dẫn học sinh xoay nhẹ đầu liên tục sang hai phía. Để trọng lượng đầu giãn các cơ mạnh của cổ, khi xoay nên để đầu tự hạ xuống sao cho cằm chạm vào ngực. Động tác này có thể kết hợp với bước đi bình thường. Khởi động vai sẽ làm giảm sự căng cứng của lưng trên và vai. Động tác này được thực hiện bằng cách nâng cả hai vai lên cao rồi rồi xoay ra sau cho tới khi có cảm giác hai xương bả vai gần chạm vào nhau thì đưa hai vai trở về vị trí cũ. Khởi động sườn giúp cho hơi thở được dài hơn khi hát, cần luyện tập động tác giãn sườn để hệ hô hấp có thể kéo giãn. Động tác này được luyện tập bằng cách đứng hai chân dang rộng gần bằng vai, tay phải ngửa lên trên, lòng bàn tay nâng nhẹ kéo lên trên đỉnh đầu, đầu nghiêng nhẹ về phía tay phải làm cho sườn giãn căng. Động tác này cũng làm giảm căng thẳng khi hát.

Khởi động uốn người xuống sẽ làm giãn lưng, chân và cơ bắp giúp giảm căng thẳng, đồng thời học sinh cũng hiểu rõ hơn sự nở bụng và xương sườn trong khi thở và hát. Ngoài ra, giáo viên có thể kết hợp với các trò chơi kích thích tinh thần đoàn kết, tập thể. Các trò chơi nên tạo hình giai điệu bằng âm thanh trong tưởng tượng của các em. Các em sẽ vừa được chơi, vừa được tiếp xúc với âm nhạc, được lắng nghe để nâng cao khả năng cảm nhận, đồng thời giúp các em khởi động một cách tự nhiên. Khởi động cơ thể sẽ làm giảm căng thẳng, giúp cho học sinh thêm tự tin, phấn chấn. Đó là một trong những yếu tố giúp cho các em có thể hát chuẩn xác giai điệu của tác phẩm.

1.2. Rèn luyện hơi thở

           Trước tiên cần phải rèn luyện kỹ năng lấy hơi thở, cần lấy hơi nhanh bằng mũi và bằng mồm, nhưng phải nhẹ nhàng để không phát ra âm thanh, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng của tác phẩm. Luồng hơi sẽ khó đi sâu vào phổi nếu lấy hơi hoàn toàn bằng mũi hoặc bằng mồm. Khi hát, học sinh nên giữ lại một ít hơi thở trước khi lấy hơi thở khác, không nên dùng hết hơi để tránh bị đuối sức, giọng hát sẽ bị yếu. Trong quá trình rèn luyện hát hợp xướng, ngoài giảng giải về kỹ thuật ấy hơi thở, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hành trên các mẫu luyện thanh. Quá trình rèn luyện đó sẽ giúp các em biết cách tiết kiệm hơi thở, biết cách hát âm thanh có độ vang, sáng. Ngoài ra, khi rèn luyện, các em phải có sự phối hợp với nhau nhịp nhàng, sao cho khi hát sử dụng rất ít hơi, không để bị hụt hơi khi chưa hát hết câu.

 

1.3. Rèn luyện kỹ năng hát âm chuẩn

Âm chuẩn của hợp xướng có nghĩa là giữ cho giọng hát được đúng âm điệu: Một điệu thức vang lên bằng hai cách: 1/ thông  qua giai điệu, 2/ thông qua hợp âm chứa đựng những cung bậc, những quãng của điệu thức đó. Cho nên âm chuẩn của hợp xướng cũng được chia làm hai loại: âm chuẩn giai điệu và âm chuẩn hoà thanh. Việc huấn luyện thường xuyên một cách cơ bản về hát âm chuẩn, xử lý ngôn ngữ cho các thành viên là vấn đề quan trọng, rất cần thiết trong dạy học hợp xướng.

1.4. Luyện thanh

Giáo viên cho học sinh đứng hai chân rộng bằng vai cho thoải mái, đồng thời kết hợp các động tác đơn giản theo trò chơi âm nhạc để nâng dần khả năng cảm thụ âm thanh và vận động cơ thể. giáo viên yêu cầu học sinh mở các nguyên âm kết hợp điều tiết thở hơi đều và nhẹ:

            Ví dụ 1: Bài luyện thanh điệp âm

Ví dụ 2:

 

Ví dụ 3: Bài luyện thanh với kỹ thuật staccato (mẫu 1)

Ví dụ 4: Bài luyện thanh với kỹ thuật staccato (mẫu 2)

            Ví dụ 5: Bài luyện thanh kết hợp kỹ thuật legato và staccato

 

 

1.5. Luyện tập tiết tấu

* Rèn luyện hát chuẩn cao độ: Học sinh khi hát hợp xướng cần phải chuẩn cao độ. Việc dạy học hát hợp xướng cho thiếu nhi, đôi khi gặp khó khăn bởi giọng hát của các em chưa hoàn toàn ổn định. Một thành viên nào đó hát chưa chính xác cao độ cũng ảnh hưởng đến sự thể hiện của từng bè trong dàn hợp xướng. Để thể hiện hát cao độ chuẩn xác thì giáo viên cần phải nắm vững đặc điểm của quãng giai điệu, quãng hoà âm, những quãng khó hát và những quãng dễ hát.

* Trường độ: Giáo viên cần phân thành từng nhóm nhỏ, tập riêng để các em có điều kiện nghe nhau, thi đua để tạo thói quen hát đúng trường độ cần thiết… Việc luyện tập thường xuyên sẽ tạo cho các em có kỹ năng phối hợp thể hiện tiết tấu đồng đều, và cũng tạo nên tính chủ động hơn trong việc kết hợp biểu cảm âm nhạc với ngôn ngữ cơ thể.

* Cường độ và trọng âm: Việc thể hiện các cường độ sắc thái, sự thay đổi sắc thái luôn là vấn đề khó khăn đối với hợp xướng Thiếu nhi. Chúng tôi đưa ra ba mức cường độ trong việc thể hiện câu hát: mức thứ nhất hát mạnh, mức thứ hai hát nhẹ, mức thứ ba hát mạnh vừa. Trong ba mức, các em chưa có cảm giác thể hiện rõ ràng giữa mạnh và mạnh vừa.

Ví dụ 7:

(1) Hát rõ sự tương phản mạnh - nhẹ.

* Nhịp độ: Một phương pháp đơn giản giữ đều nhịp độ là tập theo tiếng động của metronom (máy đếm nhịp). giáo viên hướng dẫn học sinh đánh nhịp tay theo sơ đồ nhịp 2 phách cùng với tiếng của Metronome. Sau khi đã thuần thục, yêu cầu học sinh vừa đếm 1 - 2 (theo nhịp độ một đen = 60) vừa giữ nhịp tay vừa và lùi dần xa metronome để không nghe tiếng động. Khi đếm tới 10, lại tiến dần tới metronome xem có khớp với tiếp nhịp. Tiếp tục tập giữ đều nhịp độ với thời gian dài hơn.

1.6. Hát kết hợp với trò chơi, vũ đạo

Các trò chơi tổ chức sẽ làm kết nối tinh tập thể, đồng thời cũng là một phương pháp khởi động, truyền hưng phấn cho học sinh trước buổi học. Các trò chơi nên tạo hình được giai điệu bằng âm thanh trong tưởng tượng của các em. Các em sẽ vừa được chơi, vừa được tiếp xúc với âm nhạc, được lắng nghe để nâng cao khả năng cảm nhận, đồng thời giúp các em luyện thanh một cách tự nhiên. Đây là một trong những yếu tố tạo nên tính kết nối tập thể, hướng tới xây dựng nên dàn hợp xướng thiếu nhi chuyên nghiệp.

1.7. Rèn luyện kỹ năng hát

*Hát đồng diễn: Hợp xướng Thiếu nhi muốn có được kỹ năng hát đồng diễn thì ngoài việc đòi hỏi kỹ năng của từng thành viên hát chính xác bè, mà còn phải đạt kỹ năng hoà giọng hát của mình trong lối hát tiến hành theo hoà thanh và hát tiến hành theo phức điệu.

* Hát theo lối hoà thanh: Là lối hát có bè, tiết tấu không thay đổi, các bè cùng vận động, cùng ngắt, cùng kết và chỉ khác nhau về nét nhạc. Bè trên cùng thường hát giai điệu chính, các bè dưói đảm nhiệm hoà thanh. Vẻ đẹp của âm nhạc chính là vẻ đẹp của hoà thanh, của sắc thái, của ngắt/kết và giá trị lời ca.

* Hát theo lối phức điệu: Giai điệu trong âm nhạc phức điệu thường bao gồm phần chủ đề (khá ngắn gọn súc tích) và phần đối đề (thường không có kết cấu phân định rõ ràng) Ở lối phức điệu, các bè độc lập về giai điệu.

* Hát đuổi (canon): Khi rèn luyện, giáo viên cần xem xét về cấu trúc hòa thanh của giai điệu trong các tiết nhạc nhằm tạo ra hòa thanh giữa nhóm hát trước và nhóm hát sau. giáo viên chú ý, sự xuất hiện của nhóm một hát trước là bè chính cần phải hát với âm lượng mạnh hơn so với các nhóm sau. Tuy nhiên, việc bắt vào của các nhóm sau cũng cần phải rõ ràng.

Ví dụ 8: Trích Cái nón xinh xinh (nhịp 18-22) của Nguyễn Văn Nam.

* Hát phức điệu tương phản: Giáo viên cần phải xem xét các âm thanh “chạm nhau” theo chiều dọc để nắm bắt về hòa âm. Nhất là việc hạn chế/tăng cường âm thanh của bè này/bè kia sao cho một câu nhạc vang lên nghe đầy đủ, trọn vẹn và cân bằng, tránh lấn át lẫn nhau.

*Rèn luyện kỹ năng hát lời Việt: Ngôn ngữ Việt Nam có đặc điểm là đơn âm và đa thanh. Vì vậy, giáo viên cần trang bị cho các em kỹ năng ca hát bảo đảm “tròn vành rõ chữ”, âm thanh đẹp, vang và sáng mà không làm mất đi âm sắc vốn có của tiếng Việt là rất cần thiết. Trong hát hợp xướng, các em thống nhất về phát âm và nhả chữ  thì phần lớn phụ thuộc vào cách thức dạy học của giáo viên trong việc xử lý các nguyên âm và phụ âm.

2. Phần đệm trong hát hợp xướng

*Phần đệm của dàn nhạc: Dàn nhạc trong hợp xướng thiếu nhi không chỉ đơn thuần chỉ đệm cho hợp xướng, mà đôi khi còn có tính độc lập nhất định. Có những phần, những đoạn, dàn nhạc có thể được trình tấu độc lập, vừa giữ vai trò cầu nối, vừa thể hiện chức năng trình diễn độc lập, gắn kết với phần hợp xướng. Vì vậy, ngoài việc làm phần nền hoà âm đệm cho hợp xướng, có thể sử dụng phân tuyến bè dàn nhạc để diễn tấu cùng các bè hợp xướng. Cách dàn dựng này sẽ tạo ra âm thanh đầy đặn hơn, hình tượng âm nhạc cũng được nổi bật, làm cho tính chất âm nhạc rõ nét hơn.

* Phần đệm piano: Để giúp cho các thành viên trong dàn hợp xướng hát đúng, hát đều và thể hiện rõ tính chất của tác phẩm. Khi đệm, phải có điều chỉnh mức cân bằng hợp lí giữa dàn hợp xướng và tiếng đàn đệm, phải làm tôn lên phần giai điệu chính. Người đệm phải duy trì cân bằng giữa giọng hát và âm thanh của piano. Đó là yêu cầu cần thiết.

3. Dàn dựng đội hình hợp xướng

Trong nghệ thuật biểu diễn hợp xướng, cách sắp xếp đội hình có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh. Để đảm bảo âm thanh tốt, chuyển thẳng đến tai người nghe và thành viên trong hợp xướng cũng có thể theo dõi chỉ huy một cách thuận lợi nhất, dàn hợp xướng phải được sắp xếp hài hòa.

Biểu diễn hợp xướng bài “Gà gáy le te” - của dàn hợp xướng thiếu nhi Sol Art và dàn hợp xướng Seongnam.

Trong đêm diễn Hòa Âm Bè Bạn vào 29-03-2015

            

Hiện nay, hợp xướng nói chung và hợp xướng Thiếu nhi nói riêng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục âm nhạc. Đây là nội dung mang tính chất tổng hợp hướng học sinh đến khả năng cảm thụ âm nhạc, ý thức tổ chức kỷ luật, tình đồng đội và sự thể hiện một cách hài hòa cái cá nhân và tập thể. Ngoài ra việc tập luyện hợp xướng thường xuyên cũng góp phần không nhỏ vào việc phát hiện và đào tạo những nhân tài nghệ thuật cho đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Bách (2008), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
  2. Minh Cầm, Đỗ Mạnh Thường (1982), Hướng dẫn hát tập thể, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
  3. Đào Ngọc Dung, (1997), Những bài hát tập thể, đồng ca, hợp xướng, Trường CĐSP Nhạc - Họa Trung ương, Hà Nội.
  4. Lê Thế Hào, Nguyễn Thiết, Phương pháp dàn dựng tác phẩm âm nhạc, trường CĐSP Nhạc - Họa TW, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  5. Lê Vinh Hưng, Phương pháp rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc, 2007, Đề tài NCKH cấp trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành LL&PP Dạy học Âm nhạc