Nội san

ĐƯA HÁT VÍ ỐNG VÀO TRƯỜNG HỌC NHẰM GIỮ GÌN MỘT LÀN ĐIỆU DÂN CA ĐỘC ĐÁO Ở LIÊN CHUNG, TÂN YÊN, BẮC GIANG

15 Tháng Mười 2020

                                             Bùi Văn Công[*]

       Hát Ví là một làn điệu dân ca trong hệ thống các vùng Dân ca của Việt Nam góp phần làm phong phú kho tàng Âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. “ Dân ca Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi vùng dân ca lại có những đắc sắc riêng, bởi nó xuất phát từ địa môi sinh, địa văn hóa và tồn tại trong đời sống của mỗi vùng, mỗi tộc người. các vùng dân ca Việt Nam ( Đồng bằng Trung du Bắc Bộ,  Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Vùng núi phía Bắc, Nam Bộ và vùng Tây Nguyên) vừa thể hiện tính đa sắc màu đồng thời lại thể hiện tính thống nhất về văn hóa” [ 1: 41]

        Hát Ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...)

Tính biểu cảm của hát Ví tuỳ vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.

        Thể hát Ví có nhiều điệu như: Ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo, ví giận thương (giận mà thương),... [ 8 ]

1. Làn điệu hát Ví Ống ở Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang.

Ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang vẫn đang còn tồn tại một làn điệu dân ca độc đáo và đặc sắc. Làn điệu này đã được lưu truyền hàng trăm năm, được không chỉ các nghệ nhân cao tuổi của làng của xã, mà rất đông đảo người dân lao động yêu mến, ca tụng và thường xuyên hát cho nhau nghe, người dân thường hát đối đáp trên ruộng đồng, hát giao lưu trong các ngày hội làng của quê hương và mỗi dịp tết đến xuân về. Đó là điệu hát Ví ống. Một làn điệu dân ca cổ đang cần được bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật mà cha ông ta đã dày công gìn giữ.

        Hát Ví ống bản chất vẫn là hát Ví nhưng khi hát có thêm phương tiện là ống hát gọi là hát Ví ống. Nét độc đáo của hát Ví ống ở xã Liên Chung còn thể hiện ở sự phong phú về ngôn từ, khả năng ứng biến linh hoạt trong từng hoàn cảnh của đôi bên khi đối đáp. Trong cuộc hát ống, hát ví đôi khi còn là những sự so tài cao thấp giữa các đội hát (phường hát). Phường này, người này hát lên những câu đối, câu đố để phường kia hay người kia đối lại hay giải đáp. Nếu đối đáp được thì đó là một sự thỏa đáng, còn nếu không, bên thua coi đó là món nợ hẹn lần sau đáp lại. Cũng có khi trong hát ống, hát ví giao lưu còn là những câu bông đùa, giễu cợt, trêu chọc giữa người này với người kia để thử tài ứng đáp. Đây cũng là nét đặc trưng rất riêng biệt của hát Ví ống so với các lối hát khác.

          Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử nên có một thời gian những năm 70 - 80 của thế kỷ trước làn điệu độc đáo này đã từng vắng bóng. Tưởng chừng như đã mất do chiến tranh kéo dài và dần dần có nguy cơ bị mai một. Nhưng những năm gần đây những người yêu, nặng lòng với hát Ví ống đã quyết tâm sưu tầm và gây dựng lại. Để khôi phục, gìn giữ loại hình văn hoá dân gian đặc sắc này, tháng 4-2012, Câu lạc bộ hát ví, hát ống Liên Chung được thành lập thu hút 31 hội viên tham gia trong đó có đủ mọi thành phần lứa tuổi.

Ngày 11 tháng 10 năm 2019. PGS.TS Phạm Trọng Toàn cùng Nhạc sỹ Quách Lý đã đến thực tế tại Thôn Hậu, Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang và trực tiếp tìm hiểu cùng với Ông Nguyễn Đình Đài 77 tuổi, Ông Nguyễn Đình Nguyên công chứ VH xã- Chủ nhiệm CLB hát Ví ống Liên Chung. Tham quan các di tích liên qua đến sự tồn tại của làn điệu Ví ống, xem hoạt động của CLB Ví ống. PGS.TS Phạm Trọng Toàn khẳng định: “ Cho đến giờ phút này toàn bộ lối hát Ví này của người Việt  ở vùng Trung du và Châu thổ Sông Hồng đã không còn duy trì, duy nhất chỉ có Liên Chung là còn giữ được”.

 

           Hát Ví Ống ở Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang

        Ở Liên Chung, hát Ví ống có lẽ chỉ xa lạ với một số bạn trẻ, còn đối với người dân thì hầu như ai cũng biết vài câu hát Ví. Bởi hát Ví ống Liên Chung đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, một phần máu thịt, đặc sản của làng quê Liên Chung. Nên việc bảo tồn, giữ gìn đang là vấn đề được cấc cấp quan tâm. Những nghệ nhân có công tái sinh phải kể đến như cụ Thâm, cụ Bơ, cụ Soạn. Lớp sau nữa có: Ông Đài, bà Lai, bà Khéo… những người hát hay và có công truyền dạy phải kể đến: Bà Khéo, bà Bính, ông Sang…. Ồng Đài chia sẻ: "Thế hệ trẻ hiện nay cũng có nhiều nhân tố hát hay như. Được cơ quan chức năng quan tâm, phong trào tập hát Ví ống ở đây có cơ hội phát triểu rất tốt. Đây là báu vật mà cha ông truyền lại cho nhân dân chúng tôi. Vì thế chúng tôi phải gìn giữ và phát triển cho hậu thế". Việc truyền dạy lại cho các thế hệ sau này là rất cần thiết, phải đồng bộ từng bước và tác động từ những đối tượng là các em nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường để ngay từ nhỏ các em đã được làm quen dần với làn điệu dân ca Ví ồng.

    2. Đưa hát Ví ống vào dạy cho học sinh trong nhà trường.

Chúng ta cần xác định lứa tuổi để đưa hát Ví vào dạy cho các em, và theo tôi thì phù hợp hơn cả đó là các em từ khoảng 9 đến 10 tuổi trở lên (Có nghĩa là các em học sinh từ lớp 5 đến lớp 9) là độ tuổi có thể đảm bảo các tiêu chí đơn giản nhất để tập được hát Ví ống. Khi đưa hát Ví ống vào dạy cho các em cần thực hiện các bước dạy hát cơ bản và hướng dẫn một số kỹ năng khi thực hành học hát.

        - Kỹ năng lấy hơi thở

            Hơi thở rất quan trọng khi chúng ta hát nên cần phải quan tâm đầu tiên. Chúng ta muốn kéo dài hoặc rút ngắn trường độ lời hát thì chúng ta phải biết luyện hơi, lấy hơi đúng cách. Phải biết hít vào lượng hơi vừa đủ để hát hết một câu hát. Tránh nên gân, nhả chữ sẽ không đều. Nhất là khi hát các làn điệu Ví theo nhịp tự do, thường không có nhịp phách, cần phải hát hơi dài lúc này nên lấy hơi hít sâu căng phần bụng dưới và lồng ngực đẩy vuông góc ra phía trước, thả lỏng cơ thể, vai không được nhô lên làm ảnh hưởng đến tư thế và âm thanh khi hát. Lấy hơi vào rồi giữ lại trong lồng ngực và bụng, rồi thở nhẹ nhàng 

Người dạy nên đánh dấu những điểm lấy hơi để giúp cho người học được thuận tiện hơn trong lúc thực hành luyện tập. Để âm thanh có chất lượng vang sáng mà ấm áp, không thô kệch, mềm mại, trữ tình mà sâu lắng, không ủy mị, rền rĩ âm thanh, yếu tố chính là hơi thở. Trong khi hát đặc biệt chú ý các chỗ ngắt hơi, lấy hơi để tập lấy hơi đúng chỗ, đúng cách. Tập lấy hơi, nhả hơi trước khi học hát khoảng 4 đến 5 phút. Lấy hơi đúng cách, đúng chỗ trong khi hát, nó tạo ra hiệu quả âm thanh, hiệu quả trong cách xử lí sắc thái, tình cảm bài hát.

           - Dạy tư thế khi hát

            Hầu như các em học sinh tiêu học trong các giờ học hát chính khóa hoặc học CLB thì thường theo hình thức tập thể các em chủ yếu ngồi học hát. Vì vậy, cần nhắc nhở các em ngồi đúng tư thế ngay ngắn, thẳng lưng, thẳng đầu, ngực vươn như ở tư thế đứng, không dựa lưng vào ghế để cho cơ thể dễ cử động, lồng ngực, cơ lưng không bị cản trở. Khi cầm sách nên giơ cao vừa phải để có thể quan sát được xung quanh và sự hướng dẫn của GV, nếu không cầm sách cần đặt tay nhẹ nhàng trên bàn, không nên ép tay vào mạng sườn… Hai tay đặt tự nhiên lên đùi, không nâng vai, khom lưng, không căng cứng mà hoàn toàn tự nhiên, thoải mái nhất. Ngay từ khi bắt đầu tiết học hát, giáo viên cần quan sát để sửa tư thế và nhắc nhở HS trong suốt tiết học.

          - Dạy kỹ năng phát âm, hát rõ lời

            Khi dạy hát dân ca Ví ống cho học sinh tiểu học giáo viên cần phải chú ý hướng dẫn các em khi hát âm thanh phát ra phải nhẹ nhàng, gọn gàng, trong sáng. HS phải hát tự nhiên, phát âm không ức chế, hát nhẹ nhàng nhưng có độ vang nhất định, không la hét căng thẳng trong khi ca hát. Khi luyện thanh, luyện âm phải được sửa ngay khi HS luyện câu khởi động giọng, các âm phát ra ở câu khởi giọng nên là các nguyên âm mở như a, la, ô… Giáo viên làm mẫu và sửa sai cho HS. Sử dụng nét giai điệu của bài hát cho các em khởi động sẽ đạt được 2 mục tiêu đó là khở động giọng và các em nhập tâm, cảm nhận được luôn với giai điệu của bài học. Đặc biệt, dân ca là những nét giai điệu với rất nhiều âm luyến láy, khó hát. Học sinh thường luyến láy lệch nốt, chênh âm hoặc thiếu nốt. Vì thế khi truyền dạy giáo viên cần hướng dẫn tỉ mỉ các âm, tiếng luyến đó như trong làn điệu, tuy nhiên với học sinh tiểu học thì quan trọng là các em hát được giai điệu là tốt rồi. Trước khi hát, giáo viên cần đọc lời rõ ràng, chậm, diễn cảm cho dễ hiểu để HS nghe rõ, đúng, rành mạch từng từ, từng chữ. Khi dạy những bài hát lời cổ thì giáo viên không những dạy cách phát âm, mà còn giải nghĩa những chữ khó để HS hiểu thật rõ nội dung, tình cảm của bài hát.

       - Hát chuẩn về cao độ, chính xác về nhịp phách

            Bản chất của hát ví thường là hát tự do, thường không có nhịp phách, chính vì vậy khi dạy cho các em HS giáo viên cần đưa các lời bài hát Ví về dạng nhịp 2/4, để các em vừa tập vừa gõ đệm cho dễ học hát. Để hát chuẩn về cao độ, chính xác về nhịp phách giáo viên cho các em tăng cường luyện cách nghe HS, bằng thị phạm mẫu, hình chiếu video, máy ghi âm… Hát chuẩn về cao độ, lời ca, thái độ mới thể hiện tốt được nội dung, tình cảm của bài. 

            Trước khi dạy hát, giáo viên cần dự kiến những chỗ luyến láy để tìm ra phương pháp cụ thể phù hợp. Phân chia bài thành từng câu, từng tiết nhạc để dạy hát. Hát Ví ống cũng có nhiều luyến láy, nhất là láy những nốt đổ quãng 5 hoặc quãng 7 từ trên xuống (Ví dụ: Nốt Đô đổ quãng 7 xuống nốt Rề…) giáo viên cần luyện tập cho HS hát đúng luyến láy mới ra phong cách.

 

            Mục đích dạy hát Ví ống không bắt buộc HS phải hát hay, hát thuộc bài, mà hướng các em biết cảm nhận được vẻ đẹp của bài hát, cảm nhận được cái hay của làn điệu. Biết sử dụng các phương tiện hỗ trợ dạy học. Dạy hát Ví ống không phải là đào tạo các em trở thành ca sĩ, mà là hướng dẫn các em có ấn tượng đẹp đối với bài hát. Khơi gợi những cảm xúc chân thực của HS với vẻ đẹp bài hát nhằm hình thành thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh, đúng đắn cho các em.

            Có thể nói, với sự ảnh hưởng rất lớn của làn điệu hát Ví ống đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Liên Chung, Tân Yên. Hơn nữa làn điệu này đang có nguy cơ bị mai một do sự phát triển của các thể loại âm nhạc mới, nên việc nghiên cứu để đưa hát Ví ống vào dạy cho học sinh trong trường học là việc làm rất cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Thị Hoa (20014), Nhập môn Âm nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc.

2. Địa chí Tân Yên (1996) GPXB số 22/VHTT – HB tháng 10 năm 1996.

3. Phạm Trọng Toàn (2007), Hát Ví của Người Việt ở Trung du và châu thổ sông Hồng, Tạp chí văn hóa Nghệ thuật.

4. Phạm Trọng Toàn (2009), Nghiên cứu dân ca người Việt vùng Trung Du và Châu thổ Bắc Bộ, áp dụng vào chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc, Đề tài KHCN cấp Bộ, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

5. Ty văn hóa thông tin- Thư viện tỉnh Bắc Giang (1982), Địa chí Hà Bắc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6. Trần Lê Tuy (2017), Hát Ống, hát Ví Bắc Giang, Dân ca dân nhạc Việt Nam.

7. UBND huyện Tân Yên (2017), CLB hát Ống, hát Ví thôn Hậu xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Gian      

8. Dân ca, Ví dặm: Vi.Wikipedia.org/wiki/ Dan -Ca-Ví -Dặm. Ngày truy cập 08/11/2019

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K11 -  Chuyên ngành LL&PP Dạy học Âm nhạc