Nghiên cứu lý luận

Phát huy năng lực tư học môn Tâm lý học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

02 Tháng Mười Hai 2020

Giảng viên Đỗ Ánh Tuyết

Khoa Giáo dục Đại cương

Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đã đề ra quan điểm chỉ đạo là phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam; đổi mới chương trình, tài liệu dạy học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học; vận dụng có chọn lọc một số chương trình tiên tiến trên thế giới; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học”.

Kỹ năng tự học giúp người học hiểu sâu, mở rộng, củng cố và ghi nhớ bài học một cách vững chắc nhờ vào khả năng tự phân tích, tổng hợp tài liệu, từ đó có khả năng vận dụng các tri thức đã học vào việc giải quyết những nhiệm vụ học tập mới. Đặc biệt, đối với sinh viên các trường đại học, việc tự học là hoạt động không thể thiếu và giữ vai trò trọng yếu trong quá trình học tập.

Trong xu thế dạy học trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay là dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thì năng lực tự học càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Khi đã có năng lực tự học, tự nghiên cứu con người sẽ có nhiều cơ hội mở rộng tri thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo, hoàn thiện mình, làm mới, phát triển bản thân để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong công việc, cũng như trong hoạt động thực tiễn.

Trong quá trình dạy học Tâm lý học, việc lựa chọn các hướng tiểu luận cho sinh viên thực hành nghiên cứu đóng vai trò tích cực, nhằm giúp sinh viên hiểu sâu hơn và vững vàng hơn những kiến thức lý luận học trên lớp. Dạy học Tâm lý học được thiết kế và thực hiện thông qua hình thức hướng dẫn tiểu luận khoa học góp phần tăng tính tự giác, tự nguyện trong học tập, giải phóng sinh viên khỏi những hạn chế, gò bó, giúp họ thư giãn và không chán học. Chính điều này gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến quá trình hình thành, phát triển năng lực tự học cho sinh viên.

Năng lực tự học của sinh viên qua hướng dẫn tiểu luận là khả năng sinh viên tự mình suy nghĩ, huy động một cách hợp lý những kiến thức, kỹ năng, thái độ của bản thân để thực hiện có hiệu quả hoạt động học tập chuyên môn và nghiệp vụ thuộc chuyên ngành Sư phạm. Bài tiểu luận là một bài viết ngắn để trình bày quan điểm, nghiên cứu, phát hiện về một chủ đề nào đó mà tác giả quan tâm. Một bài tiểu luận hoàn chỉnh phải nêu lên được vấn đề, phân tích và trình bày vấn đề cần bàn luận hay nêu lên ý kiến quan điểm của người viết bài tiểu luận đó.

1. Nhận thức của sinh viên về tự học và vai trò của tự học

Kết quả điều tra cho thấy hầu hết sinh viên đều hiểu được thế nào là tự học, chiếm đến 91%, thấy được sự cần thiết của việc tự học (78.6%). Đa số sinh viên đều đồng ý với ý kiến cho rằng việc học tập của sinh viên ở đại học là giảng viên đưa ra nhiệm vụ học tập, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tài liệu để hoàn thành nhiệm vụ với 75,5%. Tuy nhiên, vẫn có tới 6 1,43% sinh viên cho rằng, để việc tự học đạt được hiệu quả, điều quan trọng bậc nhất đối với người học là có khả năng nghe - hiểu, đọc - hiểu tài liệu, hệ thống hóa kiến thức. Như vậy, phần lớn sinh viên có nhận thức tương đối đầy đủ về tự học và vai trò của tự học ở môi trường Đại học.

2. Thực trạng tự học của sinh viên

Theo kết quả điều tra, nhiều sinh viên có mục đích tự học là để đảm bảo tính vững chắc của tri thức, hiểu sâu và mở rộng kiến thức được học, cập nhật kiến thức, thích ứng với sự thay đổi nội dung, chương trình, … để đáp ứng công việc sau này (68%). Một bộ phận sinh viên có mục đích tự học là để đạt kết quả cao trong các kỳ thi (20%). Thậm chí có không ít sinh viên tự học chỉ để phục vụ thi hết môn (11,14%). Số sinh viên chỉ tiến hành tự học khi chuẩn bị thi hoặc khi giảng viên yêu cầu (30,29%). Điều này cho thấy ý thức tự học  của nhiều sinh viên chưa cao. Trước khi lên lớp nghe giảng nhiều sinh viên chỉ đọc lướt qua nội dung của bài trước khi lên lớp (31,43%). Từ thực trạng này, có lẽ giảng viên nên đặt ra những yêu cầu cụ thể hơn nữa đối với sinh viên trước khi lên lớp để nâng cao ý thức tự học, cũng như chất lượng bài học. Khi đọc và ghi chép tài liệu, có đến 69% sinh viên chỉ gạch chân những nội dung mà bản thân cho là quan trọng, vẫn còn 9,6% sinh viên không ghi chép gì trong khi đọc. Như vậy, sinh viên cần được hướng dẫn thực hiện kỹ năng này một cách bài bản và có hệ thống. Việc nghe giảng và ghi chép trên lớp của sinh viên còn nhiều hạn chế, bởi bên cạnh 40% sinh viên ghi tóm tắt những ý chính khi nghe giảng, thì số sinh viên ghi lại toàn bộ lời thầy cô giảng lên tới 42,29%, chưa nói đến việc còn có một số sinh viên không ghi chép gì khi nghe giảng (1,43%). Như vậy, kỹ năng này cũng cần được giảng viên chú ý quan tâm rèn luyện trong quá trình dạy học. Khi có những vấn đề chưa hiểu, chủ yếu sinh viên chọn cách trao đổi với bạn bè (70,57%); rất ít sinh viên tìm cách trao đổi với giảng viên (4,86%).

Sau khi nghe giảng trên lớp, không ít số sinh viên không quan tâm đến bài học và nhiệm vụ được giao mà dành thời gian cho các công việc khác (12,86%). Có đến 53,14% số sinh viên học lại toàn bộ bài giảng mà trên lớp đã ghi được và làm các bài tập về nhà do giảng viên yêu cầu. Điều này cho thấy việc kiểm tra đánh giá thường xuyên đối với mỗi sinh viên cần được sát sao hơn nữa; nhiều sinh viên chưa biết cách tự học  (có tự học  nhưng chưa hiệu quả).

3. Nâng cao năng lực tự học của sinh viên qua hướng dẫn viết tiểu luận

Một là, Xác định đề tài nghiên cứu

Đề tài được lựa chọn bắt đầu từ sự kiện khoa học. Sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được quyền lựa chọn các chủ đề khoa học liên quan đến môn Tâm lý học mà mình tâm đắc để làm tiểu luận. Sinh viên lần lượt được bốc thăm các chủ đề để đảm bảo tính khách quan và hạn chế sự trùng nhau.

Hai là, Xây dựng đề cương nghiên cứu

Tính cấp thiết của đề tài

Trong bài tiểu luận của mình, sinh viên phải trả lời được câu hỏi: tại sao cần nghiên cứu vấn đề này ? Các em sẽ phải chứng minh việc nghiên cứu vấn đề là cần thiết bằng các lý lẽ thuyết phục của môn Tâm lý học.

Mục đích, mục tiêu nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu là cái đích mà tiểu luận hướng tới, là dự đoán kết quả nghiên cứu. Nó định hướng cho sự vận động của toàn bộ quá trình nghiên cứu. Khi đã xác định được mục đích nghiên cứu phù hợp, sinh viên sẽ vạch ra những việc cần phải thực hiện trong phần mục tiêu nghiên cứu. Đó là việc hệ thống hóa các quan điểm lý luận liên quan đến tiểu luận môn Tâm lý học; là tìm hiểu về tác động của vấn đề đó trong thực tiễn và đề xuất các biện pháp rèn luyện cho bản thân.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp là con đường để thực hiện công trình, khám phá đối tượng. Sinh viên sẽ kể những phương pháp chủ yếu và cũng nêu sơ lược nội dung và cách thực hiện từng phương pháp ấy. Các phương pháp thường được dùng trong làm tiểu luận môn Tâm lý học như: Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu phương pháp quan sát, phương pháp quan sát, phỏng vấn...

. Xây dựng cấu trúc nội dung nghiên cứu của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, tiểu luận thường có 2 chương. Chương 1 là cơ sở lý luận. Chương 2 là cơ sở thực tiễn liên quan đến chủ đề mà sinh viên được chọn.

Ba là, Tiến hành nghiên cứu

Xây dựng hệ thống lý luận, khái niệm công cụ

Trong nội dung nghiên cứu, việc sinh viên nghiên cứu cơ sở lý luận có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó thiết lập khung lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu.

Trước hết, sinh viên cần liệt kê đầy đủ các khái niệm có liên quan trong tiểu luận. Các em được hướng dẫn tìm các khái niệm này bằng cách nhận dạng các « từ khóa » nằm ở tên đề tài của mình.

. Nghiên cứu thực tiễn 

Có thể bằng con đường trực tiếp quan sát, phỏng vấn, điều tra, thực nghiệm, sinh viên tiến hành các hoạt động thực tiễn để khám phá đối tượng nghiên cứu. Sinh viên được hướng dẫn vận dụng những tri thức về tâm lý học để giải thích các vấn đề cụ thể trong thực tiễn cuộc sống. Chính điều đó đã giúp sinh viên hứng thú hơn, tích cực hơn trong việc tìm tài liệu để làm tiểu luận. Do đó bài tiểu luận của sinh viên thường đạt kết quả tương đối cao.

Có thể nói, trong quá trình trực tiếp giảng dạy môn Tâm lý học, giảng viên biết lồng ghép việc cung cấp tri thức về môn học thông qua các hướng dẫn làm tiểu luận cho sinh viên sẽ giúp các em chủ động, tích cực trong tìm kiếm các tài liệu để làm bài tập. Đồng thời các em sẽ tự học, hiểu sâu, mở rộng, củng cố và ghi nhớ bài học một cách vững chắc nhờ vào khả năng tự phân tích, tổng hợp tài liệu. Thông qua đó, sinh viên có khả năng vận dụng các tri thức đã học vào việc giải quyết những nhiệm vụ học tập mới rất hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Cao Đàm (2009), Giáo trình phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Nxb Thế giới.

2. Trương Thị Khánh Hà (2013), Giáo trình tâm lý học phát triển, Nxb Đại học quốc gia.

3. Lê Văn Hồng (chủ biên), Lê Ngọc Lan (2007), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nhà xuất bản Đại học quốc gia HN, Hà Nội.

4. Dương Diệu Hoạt (Chủ biên) (2011), Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Kế Hào, Phan Trọng Ngọ, Đỗ Thị Hạnh Phúc, Tâm lý học phát triển, NXB ĐHSP

5. Nguyễn Xuân Thức (chủ biên), Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Văn Thạc, Trần Quốc Thành, Hoàng Anh, Lê Thị Bừng, Vũ Kim Thanh, Nguyễn Kim Quý, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Đức Sơn (2007), Giáo trình Tâm lý học đại c­ương, Nxb Đại học sư phạm, HN.