Nội san

NGUYỄN THỤ- HỌA SĨ CỦA PHỤ NỮ VÙNG CAO

02 Tháng Mười Hai 2020

Giảng viên Vũ Hạnh Chi

Khoa Sư phạm Mĩ thuật

Hình ảnh phụ nữ là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của văn nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng. Mỗi họa sĩ có một cách khai thác riêng làm nổi bật đặc điểm hội họa của riêng mình trong đó vẽ về phụ nữ dân tộc thiểu số là một đề tài ít họa sỹ đề cập đến. Nguyễn Thụ là một họa sĩ chuyên vẽ tranh về đề tài này, trong các tác phẩm của ông dù là chân dung hay tranh phong cảnh đều lấp ló, ẩn hiện đâu đó hình ảnh người phụ nữ. Có lẽ bởi người phụ nữ gắn bó cả cuộc đời với ông là một người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày). Tranh của ông tinh lược về hình, cô đọng về ý, lúc nhấn, lúc thả, đẹp dịu dàng, nên thơ, trong trẻo…như một cuộc dạo chơi giữa núi rừng, giữa đất trời, không thể lẫn vào ai khác.

Tranh của Nguyễn Thụ khác biệt với các nghệ sĩ khác bởi vẻ đẹp thơ mộng; các hình tượng nghệ thuật được khái quát, cô đọng; đặc biệt hình ảnh người phụ nữ trong tranh của ông giản đơn về hình thể, đường nét, màu sắc giàu tính trang trí. Những điều này đã góp phần rất lớn vào việc tạo nên tên tuổi riêng trong làng tranh lụa của ông. Vẻ đẹp người phụ nữ trong tranh ông chính là hiện thân vẻ đẹp của chính người vợ của mình bởi ông đã gắn bó, gần gũi cùng với người phụ nữ này trong khoảng thời gian không ngắn. Hình ảnh người phụ nữ trong tranh ông hiện lên vô cùng giản dị “Những năm thơ ấu và khi trưởng thành, tôi đã sống nhiều năm ở miền núi Việt Bắc, Tây Bắc. Hình ảnh thơ mộng của núi rừng với những con người giản dị, mộc mạc đầy cảm xúc thật dung dị với chất liệu lụa mà tôi hằng yêu mến. Hơn nữa, vợ tôi là người dân tộc Tày, đã giúp tôi bao năm trong sự nghiệp nghệ thuật. Tôi đã vẽ và còn vẽ về miền quê rất đỗi yêu thương ấy” là tâm sự tự đáy lòng của người họa sĩ tài hoa Nguyễn Thụ.Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thụ phong phú với nhiều đề tài tuy nhiên đề tài phụ nữ trong tranh ông hiện lên với vẻ đẹp vô cùng đời thường, rất giản dị gần gũi – hình tượng người phụ nữ vùng cao. Thể hiện hình ảnh phụ nữ dân tộc Tày, tranh lụa của họa sỹ Nguyễn Thụ mang một đặc trưng riêng, mang phong cách Nguyễn Thụ không lẫn với bất kì họa sĩ nào. Có thể nói Nguyễn Thụ thuộc nằm lòng con người và cuộc sống của người dân vùng cao. Chủ đề về cuộc sống người dân miền núi phía Bắc trong tranh ông thường chia làm hai mảng: tranh chân dung và tranh sinh hoạt. Ông sinh ra lớn lên ở Hoài Đức nay là Hà Nội nhưng có thời gian dài phục vụ quân đội trên vùng cao, và đặc biệt ông yêu và cưới vợ là cô gái Tày. Trong suốt thời gian tham gia công tác giảng dạy và sáng tác tại trường Đại học Mỹ thuật, ông cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện những chuyến thực tế về miền núi. Đối với ông, dường như vẽ về con người và cuộc sống nơi đây là một lẽ tự nhiên, như muốn sống thì phải thở. Ông không chỉ thân thuộc từng dáng cây, ngọn cỏ, cánh hoa, từng nếp nhà, vật dụng, thói quen sinh hoạt của người dân mà thậm chí ông còn thuộc luôn cả đặc điểm nhân chủng học của những con người hiền hậu, thật thà, chân chất những nơi này. Về mảng tranh chân dung, Nguyễn Thụvẽ rất nhiều các bà, các mẹ, các cô gái Thái, cô gái Tày…trong những khung cảnh thân thuộc, bình dị, với những khoảnh khắc đời thường, mặc sức bộ lộ vẻ đẹp tự nhiên mà duyên dáng nhất như: Dệt vải, Kéo tơ, Cô gái Thuận Châu, Cô gái Thái, Cô gái Tày trên đồi cỏ, Hai mẹ con, Thiếu nữ, Cô gái se sợi, Tình mẹ…

Tình mẹ (1997) - Lụa - 55 x 74 cm

Nguồn ảnh: Internet

Ở họa sĩ Nguyễn Thụ điều hấp dẫn nhất trong cá tính sáng tạo nghệ thuật đó là cách vẽ mềm mại, đầy trữ tình, giàu nhạc điệu miền núi và Á Đông. Tất cả đường nét, màu sắc, mảng miếng trong ký họa của ông đều giàu chất trang trí mà vẫn xao xuyến hơi thở của cuộc sống. Cũng là một người vững vàng về hình họa nhưng ông ưa chuộng diễn hình bằng đường nét trữ tình, uyển chuyển như trang trí của dân tộc. Ông không định tả mà chú trọng vào gợi tả, cái thần tình ở ông là có khi chỉ vài đường nét cũng làm bừng lên cái tình miền núi và dân tộc. Quê ở miền xuôi nhưng lớn lên ở miền núi, sau này lấy vợ người dân tộc Tày, Nguyễn Thụ thấm đẫm chất núi rừng đầy tình cảm, sâu lắng và uyển chuyển. Trong các sáng tác tranh lụa của mình, họa sĩ Nguyễn Thụ đã sử dụng nhiều ưu thế của yếu tố trang trí nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất về tạo hình. Điều đó được thể hiện qua các tác phẩm của ông, từ bố cục mang tính trang trí đến hình thể, họa tiết trang trí và màu sắc mang tính trang trí. Xét về cơ bản, bố cục đóng vai trò cốt lõi của một tác phẩm, từ đó nghệ sĩ tiếp tục triển khai các vấn đề tạo hình còn lại. Họa sĩ Nguyễn Thụ cũng giống như nhiều họa sĩ vẽ tranh lụa khác, ông chọn lối bố cục ước lệ. Bố cục ước lệ sử dụng sử dụng phép tam viễn phương Đông, các hình tượng có xu hướng dàn đều lên mặt tranh; tận dụng triệt để ưu thế của nét và mảng. Lối thức bố cục này khiến cho hình tượng không chỉ vừa biểu cảm mà còn thỏa mãn tiêu chí đẹp về tư duy thẩm mỹ giống như trong nghệ thuật trang trí. Nhiều tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thụ chỉ có hình và nền để trống, trên nền ấy các hình mảng hiện lên nhịp nhàng, chặt chẽ, có chính phụ, có điểm nhấn như các bức tranh: Sàng sẩy, Cô gái Thái, Cô gái Thuận Châu, Bên bếp lửa, Tình mẹ… Điển hình nhất về lối bố cục ước lệ này là trong tác phẩm “Sàng sẩy”. Đây là tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Thái trong lao động sinh hoạt hàng ngày. Nguyễn Thụ sử dụng lối bố cục dọc, mảng chính là hình ảnh ba người phụ nữ đang sàng, sẩy gạo. Ông khai thác, khái quát dáng hình đang trong tư thế khom mình, cúi người, bố trí ba người thành một đường hướng sang bên phải, có điểm nhìn từ trên cao. Người thứ nhất cắt góc theo hướng nghiêng người, người ở giữa hơi xoay người về hướng người xem, người thứ ba chỉ nhìn thấy ba phần tư phía sau lưng. Cả ba đang khom lưng về một hướng nhưng vẫn có những nét riêng. Các chi tiết rườm rà của nếp gấp áo váy hay đường bao đều được lược bỏ, chỉ còn lại hình chung mang tính khái quát nhất. Mảng phụ là những chiếc bồ đựng gạo được bố trí theo nhóm, gần sát mép tranh bên dưới. Tác giả chọn gam màu be có điểm trắng và đen để thể hiện ý tưởng.

Sàng sẩy (1987) - Lụa - 70 x75 cm

Nguồn ảnh: Internet

Điều đặc biệt ở đây chính là việc Nguyễn Thụ đặt các hình ảnh này trên nền trống, không có đường chân trời, không  gợi xa gần, các mảng đều là mảng bẹt như trong nghệ thuật trang trí, nhưng vẫn tạo nên cảm giác không gian nhờ vào sự thay đổi tinh tế các thế dáng, cấu tạo mảng, chạy nhịp đen trên tóc, áo, váy của những người phụ nữ, nhịp màu trắng của gạo bố trí trong mấy chiếc sàng, bồ đựng thóc và một vài chi tiết trang trí ở các đồ vật phía gần nền tranh. Bố cục này gợi này liên tưởng tới bức tranh Hứng dừa của tranh dân gian Đông Hồ cũng được sắp xếp trên mặt phẳng không có bất kỳ yếu tố gợi khối theo lối thấu thị nào nhưng vẫn mang lại hiệu quả không gian. 

Nguyễn Thụ được xem là họa sĩ vẽ lụa về người dân tộc đặc biệt là phụ nữ Tày Thái đẹp nhất. Cách khai thác tạo hình độc đáo khiến cho tranh của ông không hề lẫn vào ai khác. Những năm khó khăn của lụa ông vẫn vẽ, ông vẽ lụa như một nhu cầu tự thân. Dường như đối với ông cuộc sống vất vả, gian khó, chiến tranh ác liệt liên miên không có ảnh hưởng nhiều đến tác phẩm, chỉ có cái đẹp mới cần được ca ngợi. Những năm gần đây khi sau một thời gian dài nghệ thuật tranh lụa có những điểm chùng, nhiều họa sĩ đã trở lại với lụa, nhiều họa sĩ trẻ đã tìm đến lụa và đã có rất nhiều tìm tòi trong trong tạo hình, kĩ thuật thể hiện… và cũng đã có những thành công đáng kể. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta phải có thêm thời gian thì mới đánh giá được hết những cách tân, tìm tòi này. Cả đời ông những tác phẩm đẹp nhất, đặc sắc nhất là những tác phẩm vẽ về phụ nữ miền núi. Nguyễn Thụ cũng có một khoảng trời riêng cho mình là con người và cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc.

Nghiên cứu những đặc điểm tạo hình, đặc biệt là vẻ đẹp tạo hình của người phụ nữ dân tộc thiểu số của tranh lụa Nguyễn Thụ là việc khám phá, tìm hiểu, nhận đinh, đánh giá và khẳng định những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà ông đã dày công xây dựng trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Những giá trị này đã góp phần làm cho nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam phong phú hơn, giàu sắc thái và có nhiều nét riêng so với tranh lụa của các nước khác. Đó là những bài học quý giá cho những người yêu thích, muốn tìm hiều, cho những người học tập, nghiên cứu và sáng tác tranh lụa. Nghiên cứu các đặc điểm tạo hình, vẻ đẹp của người phụ nữ Tày trong tranh lụa Nguyễn Thụ để lại nhiều giá trị đặc sắc mà các thế hệ đi sau (sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật) cần học tập và tìm ra con đường riêng cho hoạt động nghệ thuật của mình. Đó còn là những bài học về thái độ, tình yêu với nghệ thuật, tranh lụa Nguyễn Thụ có giá trị riêng, được ghi nhận, được nhiều người trong và ngoài nước công nhận, yêu mến cũng chính vì lẽ đó. Với vai trò là một học trò, một họa sĩ thuộc thế hệ đi sau luôn mong muốn, cố gắng học tập những giá trị mà suốt cuộc đời sáng tạo của người Thầy, người ông, người họa sĩ tài hoa đã tạo nên để phát triển sức sáng tạo, tình yêu nghệ thuật tranh lụa phục vụ công tác giảng dạy cũng như sáng tác, góp một phần nhỏ trong việc gìn giữ phát triển nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.Làm được những điều đó, phải là những nghệ sĩ tài hoa, có ý thức rất rõ về con đường sáng tạo của mình, có lòng yêu nghề và một thái độ làm việc nghiêm túc. Đó chính là họa sĩ Nguyễn Thụ- họa sĩ của những người phụ nữ dân tộc thiểu số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Thị Bích Ngân (2016), Tuyển tập tranh Nguyễn Thụ trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Yoong Voon Sin, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

2. Đặng Thị Bích Ngân (chủ biên), (2012), Từ điển mỹ thuật phổ thông, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin (2002), Tác giả tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

4. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc (1995), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc