Tin tức – Sự kiện

Ứng dụng của phương pháp Graph trong hoạt động dạy học

04 Tháng Mười Hai 2020
Nguyễn Quỳnh Trang
Giảng viên Khoa Giáo dục đại cương
Đổi mới phương pháp dạy học là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên. Nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên không chỉ là định hướng mà còn đòi hỏi cần nghiên cứu xác định nguyên tắc, quy trình vận dụng của những phương pháp dạy học tích cực. Việc kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học đặc thù như phương pháp mô hình hóa, phương pháp Graph là một hướng tiếp cận mới trong lý luận dạy học, là một giải pháp tốt. Phương pháp Graph là một trong những phương pháp dạy học với mục đích tổ chức rèn luyện nhằm tạo những sơ đồ học tập trong tư duy của người học, là cơ sở để hình thành phong cách tư duy khoa học mang tính hệ thống cho người học, trên cơ sở đó phát triển các khả năng khái quát, phân tích, tổng hợp cho người học. 
1. Phương pháp Graph trong dạy học
Cùng với các phương pháp dạy học khác, phương pháp Graph chịu sự chi phối của mục đích và nội dung dạy học. Về phía người dạy, có thể hiểu phương pháp Graph là hệ thống những cách thức, biện pháp giáo viên sử dụng để kết quả nội dung bài học thành một Graph dạy học nhằm đạt được mục đích dạy học. Về phía người học, Graph còn là con đường dẫn học sinh chiếm lĩnh một cách hiệu quả nội dung bài học, trên cơ sở đó đạt được mục đích học tập, hình thành được phương pháp nhận thức khoa học cho bản thân.
Graph trong dạy học bao gồm: Graph nội dung và Graph hoạt động
Graph nội dung trong dạy học
Graph nội dung là Graph phản ánh một cách khái quát, trực quan cấu trúc logic phát triển bên trong của một tài liệu hay bài học. Nói cách khác, Graph nội dung là tập hợp những yếu tố thành phần của một nội dung và mối liên hệ bên trong giữa chúng với nhau, đồng thời diễn tả cấu trúc logic của nội dung dạy học bằng một ngôn ngữ trực quan, khái quát và súc tích. Mỗi loại kiến thức có thể được mô hình hoá bằng một loại Graph đặc trưng để phản ánh những thuộc tính bản chất của loại kiến thức đó. Trong dạy học, có thể sử dụng Graph nội dung các thành phần kiến thức hoặc Graph nội dung bài học.
Graph hoạt động trong dạy học
Graph hoạt động là Graph mô tả trình tự các hoạt động sư phạm theo logic hoạt động nhận thức nhằm tối ưu hoá bài học. Graph hoạt động được xây dựng trên cơ sở của Graph nội dung kết hợp với các thao tác sư phạm của Thầy và hoạt động học của trò ở trên lớp, bao gồm cả việc sử dụng các phương pháp và phương tiện dạy học. Thực chất Graph hoạt động dạy học là mô hình khái quát và trực quan kiến thức được thể hiện của giáo án. 
Trong mỗi bài học, các hoạt động tương ứng với các đơn vị kiến thức, mang tính hệ thống, tức là thứ tự các hoạt động phải có logic khoa học. Các thao tác trong mỗi hoạt động cũng phải được phân bố theo một trình tự chặt chẽ. Lập Graph hoạt động tức là xác định các phương án khác nhau để triển khai bài học, việc này phụ thuộc vào Graph nội dung và quy luật nhận thức. Trong dạy - học, một bài học sẽ có nhiều hoạt động khác nhau, dùng Graph để biết trình tự thực hiện các hoạt động.
2. Ứng dụng phương pháp Graph trong dạy học
Dùng Graph giúp sử dụng giáo trình có hiệu quả 
Khi sử dụng Graph, bài giảng của giảng viên tập trung vào trọng tâm, không lặp lại toàn văn của giáo trình. Đối với sinh viên, muốn xây dựng Graph các em phải đọc kĩ giáo trình, tài liệu học tập để lựa chọn kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất qua thao tác tư duy logic. Sinh viên có thể định hướng tìm tòi để chiếm lĩnh tri thức, làm cho việc lĩnh hội tri thức được nhớ lâu hơn và tái hiện chính xác hơn. 
Như vậy, việc tổ chức chỉ đạo học tập bằng sử dụng Graph để phát huy tác dụng của giáo trình, tài liệu học tập là một biện pháp tích cực hoá hoạt động học tập của sinh viên, nó giúp việc chỉ đạo sinh viên trong việc tự học theo giáo trình cũng như đọc các tài liệu tham khảo khác.
Dùng Graph hướng dẫn sinh viên tự học 
Tự học giúp sinh viên hiểu sâu, mở rộng, củng cố và ghi nhớ bài học một cách vững chắc nhờ vào khả năng tự phân tích, tổng hợp tài liệu, từ đó có khả năng vận dụng các tri thức đã học vào việc giải quyết những nhiệm vụ học tập mới.  Hơn thế nữa, tự học thúc đẩy lòng ham học của sinh viên, rèn luyện thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề. 
Thông qua hoạt động học tập bằng Graph, sinh viên sẽ hình thành tư duy hệ thống. Qua những bài tập, những câu hỏi mang tính khái quát, giảng viên sẽ hình thành cho sinh viên một phong cách tự học khoa học. Nhờ những Graph thể hiện mối quan hệ của các kiến thức, sinh viên sẽ có một phương pháp ghi nhớ vừa ngắn gọn, lâu bền và dễ tái hiện, dễ vận dụng trong những hoàn cảnh cụ thể.
Dùng Graph để luyện tập, củng cố và kiểm tra kiến thức 
Dưới sự định hướng của giảng viên, thông qua Graph sinh viên có thể nắm vững kiến thức một cách chung nhất, sau đó đi sâu vào từng phần kiến thức cụ thể. Đây là mô hình kiến thức mang tính hệ thống và khái quát hóa cao. Sinh viên dễ dàng định hướng, tập trung vào kiến thức cơ bản, theo dõi được sự phát triển lôgic của nội dung bài học. Ở nhà, sinh viên có thể tái hiện lại tri thức qua Graph.
Để luyện tập củng cố và kiểm tra các kiến thức cho sinh viên, chúng ta có thể sử dụng các Graph câm, Graph khuyết rồi yêu cầu các em điền vào các đỉnh còn trống để tự hoàn thiện Graph.  
Dùng Graph để rèn luyện phát triển tư duy cho người học 
Sinh viên muốn hiểu, lĩnh hội được kiến thức, thậm chí tạo ra các sản phẩm tri thức sáng tạo đòi hỏi các em phải thực hiện thường xuyên, liên tục các thao tác tư duy lôgic cơ bản như: phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa… vì vậy thông qua việc xây dựng các Graph sẽ giúp các em rèn luyện tư duy cho bản thân.
3. Ứng dụng Graph trong dạy học Tâm lý học tiêu dùng tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Học phần Tâm lý học tiêu dùng được đưa vào khung chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học Khoa Thiết kế đồ họa  trường ĐHSP Nghệ thuật TW từ năm học 2015 – 2016. Trong quá trình dạy học học phần Tâm lý học tiêu dùng, đa số các sinh viên của ngành đều có khả năng sáng tạo, tính khái quát cao… Các em cũng nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của học phần. 
Trong học phần này sinh viên được cung cấp những tri thức cơ bản, hệ thống về các hiện tượng tâm lý của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại; giúp người học phân tích về mặt lý luận những nguyên tắc, sách lược và phương pháp tiêu thụ hàng hóa dưới góc độ tâm lý học, sự tác động quan trọng của tâm lý đối với việc tiêu thụ sản phẩm; quan hệ hai chiều giữa tâm lý người tiêu dùng với hoạt động kinh doanh trong thị trường. Tuy nhiên, theo các em đây là một học phần có tính trừu tượng và tương đối khó. Từ thực tế này đòi hỏi giảng viên lựa chọn phương pháp – phương tiện dạy học phù hợp với nội dung môn học, nhằm tổ chức, định hướng cho học sinh thu thập thông tin, chinh phục kho tàng tri thức một cách hiệu quả và áp dụng Graph là một phương pháp dạy học trong học phân Tâm lý học tiêu dùng đã đem lại hiệu quả đối với cả giảng viên và sinh viên trong việc nâng cao chất lượng dạy học. 
Ứng dụng phương pháp Graph trong dạy học học phần Tâm lý học tiêu dùng một cách hợp lý giúp sinh viên phát huy tính tích cực, sáng tạo, tạo ra một phong cách tư duy khoa học và hệ thống. Việc ứng dụng Graph Tâm lý học tiêu dùng là cần thiết và phù hợp với sinh viên, phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, đáp ứng được mục tiêu đào tạo của nhà trường, góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Góp phần bổ sung thêm một phương pháp dạy học làm phong phú thêm các phương pháp giảng dạy học phần Tâm lý học tiêu dùng tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
 
                                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Phúc Chỉnh (2005), Phương pháp graph trong dạy học Sinh học, Nxb Giáo dục.
2. Trần Bá Hoành (2006), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3. Phạm Tư (2003), Dạy học bằng phương pháp graph góp phần nâng cao chất lượng giờ giảng, Giáo dục thời đại, số 124
4. Phạm Thị Xoan (2013), Xây dựng và sử dụng Graph trong dạy học  chương “Tính quy luật của hiện tượng di truyền” sinh học 12 THPT, Luận văn thạc sĩ.
5. Nguyễn Ngọc Quang (1981), Phương pháp graph dạy học, Tạp chí NCGD, số4.