Nội san

KHAI THÁC HỌA TIẾT TRONG CHÙA BÚT THÁP ỨNG DỤNG VÀO GIẢNG DẠY MÔN TRANG TRÍ CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT

08 Tháng Mười Hai 2020

                                                                       Chu Thị Hương Thu

                                                                Giảng viên Khoa sư phạm Mĩ thuật

 Mỹ thuật truyền thống của người Việt hình thành từ rất sớm phát triển song hành với đời sống tín ngưỡng của các dòng tôn giáo tiêu biểu như Phật giáo là minh chứng tiêu biểu về nghệ thuật trang trí tạo hình theo lối dân gian. Các tác phẩm mỹ thuật trang trí ở Đình, chùa của người Việt luôn gợi lên vẻ đẹp tạo hình dân gian mộc mạc, gần gũi chứa đựng giá trị thẩm mỹ cao giàu tính sáng tạo nghệ thuật.

Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, hệ thống chùa được chọn địa điểm xây dựng kiến trúc, điêu khắc, trang trí kết hợp với cảnh quan không gian tạo thành một quần thể văn hóa nghệ thuật điển hình. Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa nằm ở vùng Kinh Bắc nói riêng mang trên mình một nét đẹp độc đáo riêng mà không chùa nào trùng lặp, đã tạo nên tên tuổi và vị thế của chùa. Chính vì những nét riêng đó mà tác giả có ý định khai thác những khía cạnh, ngôn ngữ tạo hình cũng như ý nghĩa của các họa tiết trang trí mang nét độc đáo riêng của chùa Bút Tháp làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của sinh viên Mỹ thuật. Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ và trên đá ở đây đạt đến trình độ tinh xảo. Nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ với kỹ thuật chạm thủng rất hiếm có như bàn thờ hương án, các tấm gỗ chạm trổ hình rồng phượng trên xà nhà thiêu hương... Xung quanh tòa Thượng Điện có hàng lan can đá gồm 26 bức phù điêu chạm trổ tinh vi những cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước với hình ảnh cò bay trên đầm sen, cá lội, trẻ chăn trâu…. Các họa tiết được sắp xếp độc đáo về thể loại, ngôn ngữ tạo hình được nghệ nhân dân gian tạo nên một cái đẹp thuận mắt và hợp lý về tính tạo hình và sắp xếp bố cục. Chùa là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên.

Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh là một trong nhiều ngôi chùa cổ, có quy mô kiến trúc lớn ở vùng  châu thổ  Bắc Bộ còn lưu giữ được dấu ấn lịch sử qua các niên đại khác nhau còn lại đến ngày nay là minh chứng cho tín ngưỡng Đạo Phật và mỹ thuật dân gian của người Việt thời kỳ phong kiến. Chùa có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa phù hợp với môi trường thiên nhiên, chùa xây dựng ở vùng đồng bằng, điểm đặc biệt là chùa không xây tường bao giới hạn giữa nhà chùa và cảnh quan do đó từ không gian trong chùa có thể phóng tầm mắt ra khung cảnh làng mạc, ruộng đồng ở xung quanh chùa điều này tạo nên một dấu ấn ấn tượng không ngôi chùa nào có được về giới hạn không gian chùa, về kiến trúc và cảnh quan môi trường, về “Đạo – Đời” không có khoảng cách rất gần gũi thân thuộc trong dân gian vùng Kinh Bắc còn lưu truyền một tâm niệm “Phật tại tâm” đó là mạch cội nguồn nên tâm thức đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, phù điêu chạm trổ trang trí, màu sắc...tạo nên một diện mạo khác biệt của ngôi chùa. Nhìn chung kiến trúc chính của chùa quay mặt về hướng Nam, theo quan niệm truyền thống của người Việt. Đối với đạo Phật hướng Nam là hướng của trí tuệ, của bát nhã. Một số yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học gắn với thực nghiệm tại di tích. Việc học tập, ứng dụng di sản mỹ thuật trong sáng tác cho sinh viên chỉ có thể thành công một cách tích cực khi chúng ta cho sinh viên thực tế nghiên cứu tại di sản kết hợp với nghiên cứu tư liệu lịch sử. Vấn đề đặt ra là mỹ thuật là một chuyên ngành nghệ thuật thị giác, mà sự nghiên cứu trực tiếp di vật mỹ thuật có một giá trị đặc biệt hiệu quả cho cảm xúc thẩm mỹ.

Để việc ứng dụng nét đặc sắc của nghệ thuật trang trí chùa Bút Tháp trong giảng dạy mĩ thuật đạt hiệu quả, đòi hỏi người giảng viên nghiên cứu và nắm bắt những yếu tố thẩm mỹ dân gian, phương pháp tạo hình dân gian, hiểu giá trị nào cần sử dụng đường nét cầu kỳ, lúc nào cần sự tượng trưng, khái quát, gạt bỏ những chi tiết rườm rà để thể hiện đặc trưng hình – khối – mảng, đường nét của các mô típ các hình tượng, từ đó làm nổi bật chủ đề nội dung, tạo cảm xúc mới mẻ, nhưng vẫn đảm bảo các thuộc tính nghệ thuật và vẫn nằm trong tổng thể giá trị mĩ thuật truyền thống của chúng ta. Lựa chọn phù điêu, họa tiết phù hợp để khai thác thành họa tiết trang trí, việc vận dụng các yếu tố tạo hình của chạm khắc gỗ vào bài học nhưng không phải theo kiểu sao chép vụng về, không lấy tất cả những gì chạm khắc cổ có mà chỉ chọn một vài yếu tố thẩm mỹ tiêu biểu để nâng lên, rút ra những cái đặc sắc nhất nhưng màu và bố cục lại mang sắc thái mới. Từ các hình được lấy ra trong chạm khắc gỗ tiêu biểu, giảng viên định hướng cho sinh viên tham khảo đưa vào bài học trang trí cụ thể. Dùng nguyên mảng và nét làm phương tiện, dùng nền màu tạo chất chuyển sắc độ quy họa tiết vào hình cơ bản áp dụng các nguyên tắc thường dùng trong trang trí cơ bản, nhằm tạo sự hoàn chỉnh cho họa tiết cách điệu áp dụng các nguyên tắc trang trí cơ bản như: Nguyên tắc đăng đối, Nguyên tắc nhắc lại, Nguyên tắc xen kẽ...  vào các hình trang trí cơ bản, vải hoa và đường diềm để tạo nên tính ứng dụng phù hợp trong cuộc sống. Đối với trang trí đường diềm, khai thác chạm khắc hình con vật của các nghệ nhân, kết hợp một số mảng hoa lá, mặt trời cũng tạo nên vẻ đẹp mới nhưng vẫn mang dáng dấp của nghệ thuật trang trí tạo hình ước lệ giàu tính dân gian. NCKH đã nêu lên một số vấn đề cấp thiết trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam và những thách thức cũng như cơ hội đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Việc cần thiết phải gắn kết các hoạt động dạy học lý thuyết với thực hành, đặc biệt đối với chuyên ngành mỹ thuật cần coi trọng cho sinh viên nghiên cứu, thực tế tại các di tích văn hóa. Nội dung NCKH đã chú trọng việc phân tích tính cần thiết và tính hiệu quả nhiều mặt trong việc vận dụng di sản mĩ thuật chùa Bút Tháp trong giảng dạy môn trang trí: nâng cao chất lượng học chuyên ngành, tạo dựng hứng thú sáng tạo, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và  ý thức bảo tồn, phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc với thế giới thông qua các sáng tác trang trí…Nghệ thuật trang trí được phân tích nét nổi trội, đa dạng điển hình: chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. NCKH đặc biệt chú trọng phân tích những bố cục, đặc điểm tạo nét, khối, giai điệu, gắn với với các chủ đề ở mỗi di tích từ đó nêu lên được tính khả thi trong vận dụng phát huy vốn cổ dân tộc vào dạy học môn trang trí tại Khoa SPMT trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Tôi nêu ra một số thủ pháp tạo hình của chạm khắc gỗ dân gian, thích hợp với đặc điểm tư liệu nguồn ở mỗi di tích để tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới trong các bài học trang trí cơ bản, bài hình tròn, hình vuông, đường diềm hay bài trang trí vải hoa…

Học phần bộ môn Trang trí Khoa Sư phạm Mỹ thuật giữ  một vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo sinh viên ngành SPMT, ngành TKTT, ngành TKĐH, Hội họa, SPMT mầm non,  giúp sinh viên hiểu biết ứng dụng một cách hiệu quả vào quá trình học tập, nghiên cứu nhằm kế thừa những nét tinh hoa, tính sáng tạo trong cách thức sắp xếp bố cục, mô típ họa tiết trang trí, cách xây dựng bố cục, màu sắc, giá trị  thẩm mỹ thông qua  bài học. Từ đó, sinh viên biết vận dụng và kế thừa vào các bài học cụ thể, vận dụng vào công việc học tập, nghiên cứu từ hình ảnh thực tế trang trí ở chùa Bút Tháp được ghi chép lại bằng hình ảnh, bài vẽ, ký họa...làm tư liệu trong công việc giảng dạy, từ những nghiên cứu thực tiễn các họa tiết trang trí của chùa nói trên,  ngoài việc vận dụng trong học tập. Đây còn là một tư liệu quý cho việc ứng dụng trang trí thực tế vào đời sống như: trang trí kiến trúc, trang trí sản phẩm....

        

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Tuấn (2011), Giáo trình Phương pháp dạy học Mỹ thuật tập 1, Nxb ĐHSP.

2. Nguyễn Hữu Tuấn (2011), Giáo trình Phương pháp dạy học Mỹ thuật tập 2, Nxb ĐHSP.

3. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình Mỹ thuật và Phương pháp dạy học thuật, Nxb ĐHSP.

4. Mã Ngọc Thể (2015), Tính sáng tạo của học sinh tiểu học trong môn Mỹ thuật. Luận văn Thạc sĩ ngành Tâm lý học.

5. Nguyễn Minh Thùy (2009), Giáo trình môn học Điêu khắc. Đề tài NCKH cấp trường.