Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC SAXOPHONE

14 Tháng Giêng 2021

Lê Việt Hải [*]           

 

Trên thế giới, kèn Saxophone vẫn tiếp tục phát triển cả về số lượng người yêu thích cũng như số lượng học sinh theo học bộ môn này. Số lượng các tác phẩm sáng tác cho kèn Saxophone mặc dù còn rất ít, nhưng cũng có nhiều tác phẩm xuất hiện trong thế kỷ XX. Ở Việt Nam, mặc dù kèn Saxophone là một chuyên ngành ít người học và còn tồn tại nhiều hạn chế nhưng cũng đã có những đóng góp nhất định cho nền âm nhạc nước nhà.

Saxophone là nhạc cụ được sử dụng phổ biến trong các dòng âm nhạc như Jazz, Pop... với các tài liệu dạy và học đa dạng ở phần kỹ thuật. Tuy nhiên với phong cách cổ điển thì số lượng các tác phẩm đệm đàn trong chương trình đào tạo còn rất thiếu và gần như duy nhất chỉ có khoa Quân nhạc Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội là đào tạo Saxophone theo hướng cổ điển. Do khối lượng các tác phẩm viết riêng cho Saxophone phong cách cổ điển là không nhiều và thiếu sự đa dạng về thể loại tác phẩm, dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo. Để khắc phục thực trang dạy chay, dạy theo truyền nghề, truyền ngón... chúng tôi cho rằng cần phải bổ sung dạy các kỹ năng cơ bản, giảng dạy gam, tiết tấu và etude.

<>1.Kỹ thuật cơ bản
Kỹ thuật của Alto Saxophone và Tenor Saxophone đều có thể thực hiện các kỹ thuật diễn tấu như nhau, kỹ thuật của Saxophone là phối hợp của Oboe và Clarinet, ở miệng ngậm giống Clarinet thế tay bấm gần giống với Oboe. Saxophone có thủ pháp Glissando dễ dàng, giai điệu không hay sử dụng kỹ thuật Staccato. Âm lượng của kèn rất lớn, âm sắc dễ lộ. Trong tổng phổ dàn Quân nhạc có thể đặt Saxophone ở giữa Clarine và Bassoon nằm trong phạm vi bộ gỗ. Có trường hợp vẫn đặt saxophone nằm trong bộ đồng. Các kỹ thuật cơ bản của Saxophone gồm:
Phương pháp đặt môi, phát âm: Âm thanh kèn saxophone được tạo bởi sự rung của dăm khi thổi, người chơi nếu kiểm soát, điều chỉnh được lượng hơi tốt sẽ tạo được âm thanh đẹp. Thời gian đầu, học viên cần luyện tập thực hành kết hợp giữa môi, răng và cơ miệng để có cách đặt môi ngậm kèn đúng. Thực hiện đúng, chính xác dưới sự hướng dẫn của giảng viên, vì đây là yếu tốt quan trọng quyết định chất lượng âm thanh về sau. Điều chỉnh độ sâu của mouthpiece (Bec) cho phù hợp, đảm bảo môi trên khi ngậm kín Bec để khi thổi toàn bộ hơi vào trong kèn nhưng không được cắn chặt, giữ kèn sao cho song song vơi thân người. Học viên khi luyện tập cần chú ý nghe âm thanh kèn, điều chỉnh lượng hơi để cho tiếng kèn có được sự cân bằng và không để mắc các lỗi như phồng má, đặt sai vị trí của mouthpiece.
Kỹ thuật sử dụng hơi: Là kỹ thuật đặc trung của người chơi nhạc cụ kèn hơi, muốn có âm thanh tốt cần có kỹ thuật đặt môi phát âm đúng kết hợp với sự chuẩn bị sử dụng hơi tốt. Trải qua quá trình luyện tập, người tập có thể điều chỉnh áp lực hơi khi chơi cho phù hợp yêu cầu. Kết hợp việc sử dụng hơi tốt với phương pháp đặt môi phát âm đúng sẽ có được chất lượng âm thanh tiaangs kèn hay, để đạt được điều này cần luyện tập lâu dài và kiên trì.
Khi chơi kèn saxophone có hai tư thế cơ bản nhất là đứng và ngồi, tùy thuộc theo hình thức biểu diễn và phụ thuộc yêu cầu, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Với học viên quân nhạc trong những năm đầu bậc trung cấp yêu cầu cần luyện tập đúng theo những tư thế sau:
Tư thế đứng: hai chân mở rộng bằng vai, trọng tâm dồn đều hai chân, lưng giữ thẳng nhưng không căng, hai vai thả lỏng giữ kèn đúng tư thế cơ bản, kèn giữa thân người. Trong những năm đầu nên thường xuyên đứng chơi kèn để hỗ trợ việc lấy hơi dễ dàng hơn, hai tay, cánh tay chuyển động linh hoạt, thân người có thẻ chuyển động khi chơi.
Tư thế đứng nghiêm: đứng hai chân chụm gót, hai mũi bàn chân mở theo động tác đứng nghiêm, hai vai giữ thẳng, hơi căng ngực, mắt nhìn thẳng, động tác đứng nghiêm và chơi kèn được sử dụng trong khi thực hiện làm nhiệm vụ nghi lễ, học viên quân nhạc cần luyện tập thường xuyên để có được động tác đúng, đẹp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Tư thế ngồi: ngồi nửa phần ghế phía trước, hai chân mở rộng bằng vai, hai bàn bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất, mũi bàn chân hướng thẳng phía trước, lưng thẳng không dựa, hai vai tự nhiên, hai tay cầm kèn ở tư thế cơ bản, mặt nhìn thẳng. Ngồi chơi kèn được sử dụng khi tham gia luyện tập hay biểu diễn hòa tấu tính phòng, hòa tấu dàn Quân nhạc. có thể ngồi trong khi luyện tập cá nhân, tuy nhiên cần hạn chế việc ngồi luyện tập trong thời gian mới học vì dễ dẫn đến sai các kỹ thuật khác.
Legato: là kỹ thuật đánh liền tiếng giai điệu, được ký hiệu là dấu

nối đặt trên các nốt hay ghi chú bằng lời (legato). Tất cả các nốt nối với

nhau được thể hiện trên một kỹ thuật hơi. Kỹ thuật legato tạo nên những âm thanh uyển chuyển, du dương và mang tính hát.
Non legato: là kỹ thuật sử dụng lưỡi ngắt tiếng giữa các âm.
Staccato: là những nốt ngắn, ngắt, sắc nhọn được kết hợp sử dụng hơi và lưỡi. Trên tổng phổ, kỹ thuật staccato được thể hiện bằng dấu chấm đặt vào đầu nốt nhạc hay chữ staccato. Khi được chơi ở sắc thái f, âm thanh của staccato ngắt, mạnh mẽ và dứt khoát nhưng rất nhẹ nhàng, tinh tế nếu ở sắc thái P.
  1. Giảng dạy gam và tiết tấu

Tập gam là để định hình âm chuẩn cũng như luyện cho âm thanh đẹp, luyện tiết tấu và những cách nhẩy quãng. Chính vì sự quan trọng này, mà tập gam đối với người học kèn saxophone là cần phải được chú trọng. Việc tập gam, đặc biệt trong quá trình chơi những âm kéo dài là một cơ hội để chúng ta có thể rèn cho học viên luyện tiếng kèn. Quá trình luyện tiếng này trước hết bổ sung cho các kỹ thuật về hơi như: lấy hơn, giữ hơi và nhả hơi. Khi đã làm chủ được kỹ thuật hơi, các em có thể chủ động trong chơi các cường độ khác nhau (từ ppp đến fff) và chơi với sự thay đổi về cường độ âm thanh như to dần, nhỏ dần. Chính vì ít tập gam và ít luyện tiếng kèn cho nên các em bắt đầu chơi với cường độ lớn nhưng thường cứ đến cuối câu thì nhỏ dần, không giữ được cao độ vì thiếu hơi. Đó là nhược điểm thường xảy ra khi các em luyện tập hơi không tốt và cách luyện tập môi và hơi chưa đúng phương pháp. 

So với nhạc cụ trong bộ gỗ kèn Saxophone có âm vực hẹp hơn (hơn 2 quãng 8). Vì vậy những người mới bắt đầu học thì gam G major là thích hợp nhất, luyện tập gam G major nốt trắng một quãng 8, kỹ thuật luyến và sử dụng lưỡi tempo 60/ phút, giúp cho học viên tiếp tục nâng cao cách phát âm, lấy hơi, kỹ thuật tay ngón và phân biệt thời gian của phách với tiết tấu nốt trắng.

Ví dụ 1:

Luyện tập gam thường xuyên giúp cho học viên có những định hình về âm chuẩn, cao độ và kỹ thuật tay ngón. Khi học viên đã quen với thế bấm phím kèn và chính xác về tiết tấu cao độ thì cho các em tập nốt đen, phân biệt thời gian của phách với tiết tấu nốt đen tempo 60/phút.

Ví dụ 2:

Việc chơi các hình thức Arpeggio (hợp âm rải), các em có thể dựa theo mẫu rồi phát triển theo các hình thức khác nhau, âm hình khác nhau cho nội dung tập gam trở nên phong phú, đa dạng và nhiều hiệu quả hơn.

Ví dụ 3:

        Đây là mẫu học gam ở mức độ ban đầu, kỹ thuật ở mức độ vừa phải, các em học viên trung cấp có thể học theo mẫu này cho tới bốn, năm dấu hóa. Cách luyện tập cũng giống như cách tập etude và tác phẩm, tức là bắt đầu bằng việc tập với tốc độ chậm, sau khi đã tương đối bảo đảm về chất lượng rồi thì có thể cho các em đẩy dần tốc độ nhanh hơn. Các em có thể chơi trong khoảng 1 quãng 8, nhưng đối với các em có năng khiếu tốt thì có thể mở rộng ra tới 2 quãng 8. Ở những năm học cao hơn, các em có thể chơi ở tốc độ nhanh hơn.

  1. Giảng dạy etude

Nếu tập gam là để định hình âm chuẩn cũng như luyện cho âm thanh đẹp, thì luyện tập những bài etude là sự trau dồi tất cả các kĩ thuật cho bản thân người chơi nhạc cụ. etude được chia thành nhiều dạng khác nhau: Có dạng etude gam, etude giai điệu, có dạng etude chuyên về một loại hình tiết tấu nào đó. Còn có loại etude là dạng etude tổng hợp, nghĩa là kết hợp nhiều dạng kỹ thuật với nhau… Mỗi loại etude đó lại có những chức năng riêng. Ứng với mỗi loại etude đó lại cần có những phương pháp giảng dạy riêng.

Đối với những học viên mới học kèn Saxophone cần lựa chọn những etude phù hợp với trình độ để cho các em làm quen. Khi lựa chọn các bài tập chậm với các nốt ngân dài, vừa là để các em làm quen, vừa kết hợp để các em luyện hơi, âm chuẩn và tiếng kèn. Sau đó sẽ nâng dần độ khó lên đến những etude có tiết tấu.

3.1. Giảng dạy các etude có tính giai điệu

Trong quá trình học, nhiều em ngại luyện tập những bài etude vì đó là những bài luyện kỹ thuật cho tay ngón. Chính vì thế mà các em có tâm lý tẻ nhạt khi học, các em chỉ chú trọng vào những tác phẩm ghép với đàn piano. Vì thế, đưa etude có giai điệu vào trong giảng dạy là hết sức cần thiết. Bởi ngoài những tác dụng nâng cao kỹ thuật hơi, luyện tiếng kèn và âm chuẩn, nó còn có tác dụng tạo cảm hứng và sự hưng phấn trong học tập cho các em học viên.

Ví dụ 4: (Vladimir Ivanov School of academic play on saxophone – bài số 185)

Đây là bài tập luyện ngón tay và tiếng kèn, bài tập này các em sử dụng hơi kết hợp với kỹ thuật lưỡi và luyến các nốt nhạc ở các quãng khác nhau, chú ý cuối ô nhịp thứ 4 chỗ luyến nhảy quãng 6 từ nốt Si xuống nốt Rề vì đây là âm vực trầm khi xuống nốt Rề thì lỏng và trùng môi. Yêu cầu khi tập kỹ thuật luyến là âm thanh phải nhẹ nhàng, dễ dàng cũng như phải liền mạch giữa các nốt nhạc với nhau. Phải đạt được hiệu quả âm thanh giống như hát luyện thanh, muốn được như vậy các em cần phải kết hợp thuần thục giữa hơi, môi và chính xác tay bấm phím.

3.2. Giảng dạy etude gam

Etude có tác dụng luyện âm chuẩn và kỹ thuật chạy ngón. Dạng Etude này giúp cho người học nâng cao các khả năng chơi chính xác cao độ, luyện kỹ thuật ngón nhanh nhạy, sử dụng lưỡi (staccato) và kỹ thuật lấy hơi nhanh. Với dạng Etude này yêu cầu các em bước tập đầu tiên ở tốc độ chậm để nghe cao độ, luyện ngón bấm và thể hiện đúng các kỹ thuật như trong bài viết tập thuần thục 2 ô nhịp chính xác rồi ghép tiếp. Sau khi đã quen bài tập, có thể cho các em tập nhanh dần, nâng cao tốc độ lên.

Ví dụ 5: (Klose 25 Etudes De Mecanisme Pour Saxophone – bài số 1)

 

3.3. Giảng dạy etude tổng hợp

Đây là dạng etude kết hợp nhiều loại kỹ thuật trong một bài. Từ kỹ thuật đánh lưỡi (stacato), kỹ thuật luyến, hơi, môi cho đến kỹ thuật nhảy quãng. Dạng Etude này giúp người học biết cách kết hợp các kỹ thuật khác nhau khi tiến hành một bài tập.

Ví dụ 6: (Klose 15 Etudes Chantantes Pour Saxophone– bài số 11)

 

Đối với etude này, yêu cầu các em phải chơi thật chính xác tất cả các kỹ thuật như trong bài viết. Chơi chính xác kỹ thuật luyến hai nốt đầu sử dụng lưỡi hai nốt sau (staccato). Sau khi đã chơi được chuẩn xác như trong bài, yêu cầu các em tập đảo cách luyến và đánh lưỡi như: đánh lưỡi hai nốt đầu, luyến hai nốt sau. Đây là một bài etude khó, ngoài sự phải kết hợp nhiều kỹ thuật cùng một lúc, các em còn cần chú ý đến sắc thái khi luyện tập, dấu thăng, giáng, chỗ lấy hơi và nhảy quãng. Bên cạnh các tuyển tập etude của Klose, Lacour, Christophe Delangle Claude Bois, John Coltrane, Henry Lindeman  Method For Saxophone, chúng ta cũng được bổ sung thêm các giáo trình Saxophone Scales & Arpeggios and Sight-reading from 2018 ABRSM của phương Tây đã giúp cho việc nâng cao kỹ thuật diễn tấu kèn Saxophone trong thời kỳ mới được đẩy lên một bước nhất định.

Saxophone là nhạc cụ ra đời muộn, nhưng thời gian qua sự phát triển của  Saxophone cho đến ngày nay là không thể phủ nhận, có thể nói Saxophone là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống âm nhạc trên thế giới cũng như Việt Nam. Việc kế thừa các tư liệu giảng dạy truyền thống và bổ sung các giáo trình giảng dạy Saxophone mới như giáo trình về game, etude, các tác phẩm trong và ngoài nước sáng tác được chuyển soạn, biên soạn cho Saxophone, giúp cho học viên nắm bắt một cách khoa học hơn về những tác phẩm mà mình sẽ học tập và biểu diễn. Các tác phẩm chuyển soạn khi đưa và giảng dạy nâng cao tư duy chơi nhạc cho học viên ngay từ trung cấp, khai thác tích lũy về kỹ thuật của Saxophone cũng như phát huy khả năng khi thể hiện nghệ thuật của tác phẩm hình thức lớn. Một số phương pháp cụ thể trong dạy học Saxophone cũng được chúng tôi đề cập tới sẽ giúp ích cho học viên Saxophone trong các cơ sở đào tạo âm nhạc.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Quốc Chung, Nguyễn Phúc Linh (2015), Giáo trình Hòa tấu kèn Đồng, Giáo trình NCKH Cấp Bộ (Brass Qunitet), Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
  1. Phạm Ngọc Doanh (2007), Nghệ thuật biểu diễn kèn dăm kép ở Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
  1. Ngô Phương Đông (2005), Đào tạo âm nhạc thế kỷ XX cho kèn Hautbois tại Nhạc viện Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
  1. Nguyễn Viết Hạ (2011), Nâng cao chất lượng giảng dạy kèn Trombone tại Nhạc viện Hà Nội, Luận văn Thạc sỹ Âm nhạc.
  2. Đoàn Ngọc Nam (1998), Đào tạo kèn Cor trong Quân nhạc, Luận văn Thạc sĩ HVAN Quốc gia Việt Nam.
  3. Nguyễn Thị  Nhung (2001), Âm nhạc Thính phòng Giao hưởng Việt Nam –  Sự hình thành và phát triển – Tác giả và tác phẩm, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  4. Trần Quang Yển (2012),  Nâng cao hiệu quả giảng dạy chuyên ngành Trompette bậc trung học tại Học viện Âm nhạc Huế, Luận văn thạc sĩ – HVAN Quốc gia Việt Nam – HVAN Huế
  5. Nguyễn Bích Vân (2010) – “Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển phương Tây” – Luận án Tiến sĩ
  6. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (2010) - “Tính năng nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng” Nxb Quân đội.

 

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K11 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc