Nghiên cứu lý luận

ỨNG DỤNG NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ CỦA CHÙA HƯƠNG VÂN VÀO DẠY - HỌC TRANG TRÍ TRONG BỘ MÔN MĨ THUẬT TẠI TRƯỜNG THCS PHAN ĐÌNH GIÓT – HÀ NỘI

26 Tháng Giêng 2021

 Lê Thu Hằng

K6 LL&PPDH Bộ môn Mỹ thuật

Khi đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, cuộc sống càng hiện đại, thì dường như con người lại hướng linh hồn mình vào gần hơn với Phật giáo, gần hơn với cửa chùa. Chùa không chỉ là nơi dành cho những người theo đạo Phật, họ quy y, tìm thấy trong Đức Phật những tín điều phù hợp với ý thức của mình đối với cuộc sống, sự gợi mở để khiến tâm hồn tĩnh lặng và hướng thiện, mà ngoài ra đi chùa còn để vãn cảnh, vì không gian và kiến trúc Phật giáo luôn luôn khơi gợi dòng suy nghĩ, nguồn cảm hứng sáng tác, khiến cho cuộc sống chợt lặng lại, những nốt trầm trong dòng chảy thường ngày được tấu lên, đến chùa với những mái chùa cong vút, những chạm trổ sinh động, những bức tượng thờ được điêu khắc đẹp và công phu, không gian chùa rộng mở, gần gũi với thiên nhiên, mặt nước và cây xanh ,ta như được đắm mình trong một chốn khác biệt. Ngôi chùa ở Hà Nội đã phát triển theo đặc điểm chung như vậy, tuy nhiên, nó vẫn có một số nét riêng biệt, trong đó có chùa Hương Vân – Triều Khúc.

Ngày nay, ngành giáo dục nói chung và bộ môn Mỹ thuật nói riêng đang nỗ lực hướng các em học sinh (HS) làm quen với phương pháp dạy học tích cực, khi trẻ tham gia vào hoạt động trang trí phải có những rung động, hứng thú, say mê tìm hiểu để tiếp cận và tới gần hơn với cái đẹp.

1. Họa tiết trang trí của chùa Hương Vân - Triều Khúc đối với dạy học  

Qua việc nghiên cứu và tìm hiểu họa tiết trang trí của chùa Hương Vân, từ tạo hình, bố cục, đường nét, hình mảng cho đến màu sắc có thể thấy rằng: vẻ đẹp dân dã, đời thường nhưng lộng lẫy và mang đậm tính tượng trưng đã được các nghệ nhân dân gian gửi gắm, phát huy hết trong các họa tiết trang trí tại chùa. Không dừng ở tả thực, các nghệ nhân đã trừu tượng hóa hình thể. Qua quá trình nghiên cứu, thực hành, tôi rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân về ứng dụng các họa tiết trang trí của chùa Hương Vân vào dạy học như sau:

  • Luôn hướng về cội nguồn, tính chất truyền thống sẽ luôn bền bỉ và theo con người qua suốt chặng đường của thời gian.
  • Không sao chép một cách máy móc, sống sượng. Phải tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật một cách sáng tạo.
  • Trang trí là yếu tố quan trọng, vì thế khi vẽ bài cần tìm hiểu và quan sát tối đa các họa tiết trang trí của chùa.

Học chép các họa tiết trang trí của chùa Hương Vân có thể giúp người học tìm hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống. Để thực hiện một bài trang trí ta phải trải qua bốn bước, bao gồm: chọn ý tưởng, vẽ phác hình ảnh, trang trí thêm các họa tiết và hoàn thiện tác phẩm. Khi thực hiện, không cần phải sao chép y nguyên các họa tiết trang trí mà ta có thể phóng hình to, nhỏ hợp lý với khuôn khổ của giấy và sáng tác theo ý thích trên cơ sở của họa tiết. Khi vẽ trang trí hình lên, phải vẽ thật rõ ràng và chi tiết bởi có nhiều họa tiết cần rõ các đặc điểm riêng biệt để nhận biết. Trong chương trình học môn Mĩ thuật, bài học liên quan đến trang trí được đan xen trong các chủ đề xuyên suốt cả quá trình học, để người học có thể phát huy khả năng sáng tạo, phong phú hơn trong các chủ đề như: Trang trí đường diềm và ứng dụng (Lớp 6), Trang trí và ứng dụng trong đời sống (Lớp 7),… Tìm hiểu thêm về họa văn trang trí tại chùa Hương Vân từ những hình tượng linh vật cho đến hình tượng thực vật giúp HS có được sự hiểu biết đúng đắn hơn về nghệ thuật tạo hình và trang trí họa tiết hoa lá trên các hình tượng, các công trình kiến trúc của dân tộc ta. Bên cạnh đó khiến HS hiểu rõ hơn ý nghĩa của mỗi họa tiết và sức ảnh hưởng của nó trong cuộc sống văn hóa, Và cuối cùng là giúp cho HS cảm thụ được vẻ đẹp cổ kính, di tích cổ của một dân tộc vẫn còn lưu giữ và bảo tồn đến ngày hôm nay.

Vận dụng họa tiết của chùa vào dạy môn trang trí cho HS là một việc cần thiết trong quá trình học tập nói chung và môn trang trí nói riêng. Bởi đề tài này mang lại cho HS sự hiểu biết về văn hóa truyền thống người Việt, về cách tạo hình, trang trí, và cách sắp xếp bố cục, đường nét, màu sắc. Thông qua các tác phẩm điêu khắc, phù điêu giá trị được nâng lên nghệ thuật lên rất nhiều khi mà HS còn thấy được những tác phẩm đó, được cảm thụ vẻ đẹp, được học hỏi cách tạo hình của nghệ nhân đi trước để lại. Đó chính là năng lực cảm thụ cái đẹp, thiên nhiên và con người; vun đắp niềm say mê, yêu thích và trân trọng những giá trị văn hóa còn tồn tại. Đồng thời thông qua đề tài này, HS có thể có những sáng tạo mới mẻ hơn về môn học, từ đó khơi nguồn cho những ý tưởng mới hơn dựa trên những họa tiết cũ để xây dựng và phát triển nhiều hình thức bố cục mới và sáng tạo hơn.

Nghệ thuật luôn là sự sáng tạo không ngừng. Ý tưởng và sự thể hiện của họa sĩ được cấu thành từ ngôn ngữ hội họa, cho dù sử dụng bằng chất liệu gì thì cuối cùng điều mà sản phẩm tạo ra cho người xem chính là sự thẫm mỹ cao. Do đó, những giá trị về tạo hình trang trí trên hình tượng, con vật, hoa lá,… của chùa là đạt đến sự biểu đạt cao về sự tinh tế.

Bản thân tôi cảm nhận thấy với phân môn Trang trí trong môn học Mĩ thuật rất cần thiết vận dụng họa tiết mới lạ vào giảng dạy để tạo hứng thú học tập và sáng tạo cho HS. Tuy nhiên các thiết kế bài giảng hiện nay mới chỉ hướng dẫn nội dung cơ bản theo chương trình của sách học Mĩ thuật. Điều đó dẫn tới nhiều khi GV không mạnh dạn đưa những họa tiết vốn cổ hay họa tiết đẹp khác vào giờ dạy. Nếu được ứng dụng một họa tiết theo sự sáng tạo khác với trong bài giảng cơ bản trong chủ đề Trang trí thì giờ dạy đó sẽ trở nên phong phú và tạo được hấp dẫn với HS hơn.

Đối với chủ đề Trang trí có thể tổ chức giờ dạy thực tế hay nhũng buổi học ngoại khóa đến thăm di tích chùa Hương Vân. Việc đó góp phần củng cố cách vẽ, như vậy mới khuyến khích HS tích cực học tập, được mở mang tầm nhìn và thoải mái không bị áp lực trong khi học. Ngoài ra, những họa tiết trang trí của chùa Hương Vân nên được gắn với nội dung bài học và phục vụ cho mục đích học tập, giúp HS khai thác vốn kinh nghiệm của bản thân. Nếu ứng dụng được họa tiết hoa lá trang trí của điêu khắc, chạm khắc của chùa vào dạy học cho HS thì tôi cho rằng nó sẽ mang nhiều lợi ích cho quá trình học như là:

 - Gây hứng thú, say mê cho HS trong học tập, tìm hiểu và khám phá các vấn đề liên quan đến nội dung giáo dục và rèn luyện các kỹ năng.

- Hiểu thêm và biết ý nghĩa giá trị vốn cổ của văn hóa dân tộc, gìn giữ và phát huy tính sáng tạo.

Có thể nói, ứng dụng họa tiết trang trí vào dạy học rất quan trọng và cần thiết đối với HS trong giờ học Trang trí, bởi điều đó giúp cho HS rèn luyện trí tuệ lẫn phẩm chất. Việc ứng dụng vào các bài học sao cho hiệu quả là rất quan trọng, nó sẽ tạo cho các em tinh thần thoải mái trong giờ học. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy môn trang trí nói riêng và môn Mĩ thuật nói chung.

2. Các hình thức tổ chức, bồi dưỡng khả năng nhận thức về họa tiết trang trí của chùa cho học sinh Trường THCS Phan Đình Giót

a. Trang trí với chất liệu  

                 Được coi là tiết học miêu tả theo khả năng tưởng tượng sáng tạo, thể hiện những biểu tượng, hình tượng mà khả năng tưởng tượng sáng tạo nên bằng các chất liệu khác nhau như: giấy màu, đất nặn, đất sét, các loại hạt, bìa cứng…. Mục đích của hình thức tổ chức này là hình thành và phát triển ở các em khả năng hoạt độc lập sáng tạo và tưởng tượng. Nội dung của loại tiết học này là thể hiện sự lien kết các sự vật hiện tượng trong thế giới xung quanh, là sự tổng hợp của những nội dung mà các em đã thể hiện trên các tiết tạo hình theo mẫu.

                     

Ảnh 1: Tác phẩm trang trí với chất liệu của học sinh

                 Với tiết học này tôi đã đưa bài học: “làm sản phẩm tự do với các chất liệu khác nhau” với tác dụng để học sinh có thể tự do chọn chất liệu phù hợp. Ví dụ các em sử dụng các chất liệu như: đất nặn, đất sét để điêu khắc hoặc nguyên vật liệu tái chế để tạo thành các hoa văn trang trí đã được gợi ý, quan sát hình ảnh trực tiếp (nếu không có cơ hội trực tiếp tại chùa).

b.Trang trí theo mẫu, tập tạo hình

                 Tiết học theo mẫu, tạo hình là loại tiết học mà ở đó học sinh phải miêu tả, tái hiện một cách tương đối chính xác hình ảnh của đối tượng miêu tả. Trên các tiết học này người ta cung cấp kiến thức, những hiểu biết tương đối đầy đủ, chính xác về đối tượng miểu tả để giúp học sinh hình thành những biểu tượng một cách rõ nét và tiếp thu những ấn tượng ban đầu một cách sâu sắc.

                 Với loại tiết học này để nâng cao nhận thức cho học sinh, nên cho học sinh tham gia trải nghiệm thực tế tại chùa Hương Vân. Đây là hình thức hệ thống tri giác một cách trực tiếp, quan sát mẫu trực tiếp, nếu ta cung cấp trước cho học sinh những họa tiết, hoa văn một cách cụ thể thì nó tạo điều kiện thuận lợi hơn để rèn luyện phát triển ở các em khả năng đánh giá bằng mắt, trí nhớ thị giác. Khi các em đã có những ấn tượng, hình ảnh về đối tượng mình định miêu tả thì quá trình cho các em thể hiện những hình ảnh sẽ tốt hơn. Trong các tiết mẫu sản phẩm phải giống nhau, sự tương đối giữa hình ảnh miêu tả chủ yếu của các loại tiết này là những vật đơn lẻ có cấu trúc tương đối đơn giản vì vậy để tạo ra các sản phẩm riêng của mình, học sinh áp dụng các hoa văn họa tiết quan sát được để từ đó áp dụng vào trang trí các sản phẩm của mình. Mục đích là tập cho các em quan sát, cung cấp thêm những hiểu biết, tăng khả năng sáng tạo, kỹ xảo.

 

Ảnh 2: Hoạt động trải nghiệm thực tế của học sinh

Ảnh 3: Sản phẩm trang trí chất liệu của học sinh

c.Trang trí theo ý thích

                 Đây là tiết học mang tính chất ôn luyện, các em sử dụng các biểu tượng, hoạ tiết và hiểu biết của mình đã tích luỹ được trong trí nhớ để tái tạo, sáng tạo hình ảnh theo ý thích của bản thân.

                 Mục đích của tiết học này là phát triển trí nhớ, tăng tư duy sáng tạo, rèn luyện khả năng hoạt động tích cực độc lập. Trước mỗi loại tiết học này tôi thường tìm hiểu trước đề tài hoặc cố gắng tổ chức cho học sinh có khoảng thời gian nhất định để quan sát trực tiếp sự vật (nếu không thể ra ngoài quan sát thực tế), học sinh có cơ hội được quan sát sẽ kích thích khả năng sáng tạo, các em sẽ có hứng thú để học tập tốt hơn.

                 Đối với tiết học trang trí theo ý thích, các em có thể tuỳ ý chọn hình ảnh tại chùa Hương Vân để miêu tả lại hoặc sáng tạo, cách điệu các hình tượng theo ý thích của cá nhân.

Là một giáo viên dạy học bộ môn Mĩ thuật, dạy học và sáng tác tranh không chỉ là đam mê của riêng bản thân tác giả mà còn là đam mê của rất nhiều học sinh và giáo viên. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu các hình tượng, hoạ tiết trang trí của chùa Hương Vân – Triều Khúc, tác giả đã đúc rút được cho bản thân thêm nhiều kiến thức và bài học quý báu về việc sử dụng các phương pháp dạy học. Những bài học đó sẽ là hành trang giúp tôi tiếp tục cho con đường giảng dạy và sáng tác sau này.

                                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Thị Thúy Anh - Ngô Thị Hương (2015), “Nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa Hương Vân”, http://vanhien.vn/news/Nghe-thuat-trang-tri-kien-truc-chua-Huong-Van-22914?fbclid=IwAR1jHiGMIZhOQ2PStYxj8sR4BhsnsWO5nOp-lZQ-o01VbNfscI85PWVviW4), truy cập ngày 03/09/2019.
  2. Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Nhung (1998), Trang trí, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Phạm Thị Thu Hương (2019), Một số vấn đề về dạy học Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  4. Trần Tiểu Lâm, Phạm Thị Chỉnh (2007), Mỹ thuật học, Nxb Đại học Sự phạm, Hà Nội.
  5. Nguyễn Quốc Toản, Triệu Khắc Lễ, Nguyễn Lăng Bình (1998), Mĩ thuật và phương pháp dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội
  6. Nguyễn Quốc Toản (2008), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình Mĩ thuật và phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.