Nghiên cứu lý luận

PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC TRÒ CHƠI TRONG DẠY HỌC MỸ THUẬT Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

26 Tháng Giêng 2021

 Nguyễn Thị Huyền Trang

 K6 – Lý luận và PPDH Bộ môn Mỹ thuật

 

Phương pháp tổ chức trò chơi học tập là phương pháp tổ chức hoạt động học tập của học sinh (HS) mà trong đó HS lĩnh hội được các kiến thức cần thiết hoặc củng cố kiến thức, luyện tập kỹ năng nhờ tham gia tích cực vào các hoạt động của trò chơi. Trò chơi học tập là trò chơi mà luật của nó bao gồm các quy tắc gắn với kiến thức kỹ năng có được trong hoạt động học tập, gần với nội dung bài học, giúp HS phải tự tìm hiểu, khai thác vốn hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân để chơi, thông qua chơi HS được vận dụng các kiến, kỹ năng đã học vào các tình huống của trò chơi, HS được thực hành luyện tập củng cố mở rộng kiến thức kỹ năng đã học.

Đối với môn Mỹ thuật, một môn học đặc thù mang tính trải nghiệm và sáng tạo, việc tổ chức dạy học bằng trò chơi thực sự phát huy được những hiệu quả rất tốt với tư cách là một trong những phương pháp dạy học tích cực. Bởi vậy mà nó luôn gây ra một hứng thú tích cực có tính kích thích đối với người dạy và người học khi tiếp cận phương pháp dạy học này. Đối với người dạy, tiếp cận phương pháp tổ chức trò chơi trong dạy học Mỹ thuật cần nắm vững những vấn đề cơ bản như ưu, nhược điểm của phương pháp trò chơi, nguyên tắc vận dụng, các bước tiến hành... đối với từng loại trò chơi học tập phù hợp với môn học và từng đơn vị kiến thức.

Khi áp dụng phương pháp tổ chức trò chơi trong dạy học Mỹ thuật trước tiên cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của phương pháp này, đó là: Đảm bảo an toàn, tính mục tiêu, tính vừa sức…

Đảm bảo an toàn: Khi tham gia chơi các em thường phải vận động như di chuyển, sử dụng các đồ dùng học tập như kéo, bút, thước…, các em phải chơi cùng đồng đội. Do vậy việc đảm bảo cho các em khi vận động hoặc sử dụng các đồ dùng học tập không xảy ra thương tích cho bản thân và bạn là vô cùng quan trọng. Hơn nữa vì mỗi người có trình độ nhận thức khác nhau, nên khi phối hợp chơi cùng đồng đội có thể xảy ra bất đồng quan điểm. Giáo viên (GV) cần chú ý chọn trò chơi để các em trong đội không bị căng thẳng, mất đoàn kết mà giúp các em thấy gắn bó, muốn làm việc cùng đồng đội hơn.

   Đảm bảo tính mục tiêu: Trò chơi được thiết kế đều nhằm mục đích giúp HS đạt được hiệu quả trong hoạt động học tập. Ví dụ trong phần tìm hiểu nội dung đề tài của một chủ đề, GV cần chọn trò chơi nào giúp các em có thể khám phá ra chủ đề đó có những hình ảnh, nội dung nào có thể vẽ tranh để các em lựa chọn hình ảnh phù hợp với khả năng của mình khi thực hành.

Đảm bảo tính vừa sức: Một trò chơi hay, nhưng quá khó với trình độ nhận thức và khả năng của HS thì khi tổ chức, kết quả đem lại cũng không cao. Do vậy GV cần lựa chọn thiết kế hoặc áp dụng những trò chơi phù hợp với trình độ nhận thức, lứa tuổi HS… để các em có cơ hội phát huy hết khả năng của mình.

Ngoài ra trò chơi còn cần đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả, tính khoa học, sư phạm.

Có rất nhiều trò chơi học tập, tuy nhiên căn cứ vào trình độ nhận thức của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, kế hoạch giảng dạy bộ môn … mà người giáo viên sẽ có những lựa chọn và vận dụng trò chơi vào dạy học sao cho phù hợp như trò chơi Sáng tạo từ hình cơ bản, Nhanh- sáng tạo với sơ đồ tư duy mỹ thuật, Giải đố bằng vẽ hình, Nghe đồng dao vẽ chân dung, Em làm nhà phê bình nghệ thuật... Các trò chơi này đều có những ưu điểm và khả năng vận dụng hiệu quả ở những chủ đề mỹ thuật trong chương trình Mỹ thuật trung học cơ sở. Ở đây, chúng tôi xin lấy một ví dụ cụ thể bằng việc phân tích trò chơi Nhanh- sáng tạo với sơ đồ tư duy mỹ thuật.

Việc vẽ sơ đồ tư duy để củng cố hoặc ghi nhớ bài học không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên để tổ chức trò chơi để các em trong một đội cùng hoàn thiện một sơ đồ tư duy trong khoảng thời gian ngắn nhằm thể hiện một phần hoặc nội dung bài không chỉ giúp việc ghi nhớ kiến thức trở nên dễ dàng, kích thích khả năng ghi nhớ, sáng tạo mà còn phát huy tính đoàn kết, hợp tác giữa HS với nhau.

Các bước tổ chức trò chơi

Chuẩn bị

Giáo viên:

+ Hướng dẫn cách lập sơ đồ tư duy và bảng phụ có trình bày trước sơ đồ tư duy để các em hiểu thế nào là sơ đồ tư duy.

+ Bảng phụ khổ A1

+ Phấn màu nếu thực hiện trên bảng / Bút dạ nếu thực hiện trên bảng phụ hoặc giấy.

+ Thiết kế đồng hồ đếm ngược thời gian 2 phút

Học sinh: Sau khi HS được chọn tham gia chơi và sắp theo các đội, HS mỗi đội đứng thành một hàng dọc.

Luật chơi:

+ Mỗi đội có 5 thành viên xếp thành 1 hàng dọc.

+ Trong thời gian 2 phút, từng thành viên trong đội lần lượt lên hoàn thiện sơ đồ tư duy về 1 phần nội dung kiến thức hoặc nội dung 1 bài học mà GV yêu cầu. Mỗi lần lên, mỗi thành viên chỉ được điền 1 thông tin vào sơ đồ. Cá nhân thể hiện nội dung nào sẽ phụ trách luôn phần thể hiện nội dung đó bằng hình ảnh sáng tạo (Trong khi các thành viên lên thực hiện, HS không được nhắc, không được gây mất trật tự).

+ Hết thời gian đội nào thể hiện được nhiều và chính xác nội dung về 1 phần nội dung kiến thức hoặc nội dung bài học hơn sẽ là đội thắng cuộc.

Các bước tiến hành:

Bước 1: Giáo viên lấy tinh thần xung phong, chọn HS và chia thành 2 đội, mỗi đội có 5 thành viên

Bước 2: GV dán bảng phụ lên bảng hoặc chia bảng thành 2 phần, viết tên đội chơi, phát cho HS bút hoặc phấn để tham gia trò chơi, HS trong đội chơi xếp thành hàng.

Bước 3: GV phổ biến yêu cầu, luật chơi.

Bước 4: GV chơi nháp trò chơi để HS hiểu luật chơi hơn

Bước 5: Các đội tiến hành chơi theo thời gian quy định.

Bước 6: GV cùng HS nhận xét, đánh giá đội nào giành chiến thắngvà rút ra bài học.

Số người tham gia chơi: Mỗi đội gồm 5 HS tham gia chơi.

Thời gian chơi: 2 phút

Áp dụng vào môn Mỹ thuật:

- Ưu điểm:

Giúp tăng cường tư duy sáng tạo:

Trò chơi Nhanh – sáng tạo với sơ đồ tư duy làm tăng khả năng sáng tạo và năng suất hoạt động của HS bởi vì nó giúp các em tạo ra nhiều ý tưởng hơn, xác định mối quan hệ, sự liên kết giữa các dữ liệu, thông tin khác nhau, cải thiện hiệu quả khả năng ghi nhớ thông tin.

Tạo một sơ đồ tư duy là một cách giúp HS có thể sắp xếp thông qua suy nghĩ và ý tưởng của mình. Hoạt động này cho phép các em nhanh chóng tạo ra các ý tưởng sáng tạo và thậm chí độc đáo trong thời gian ngắn hơn. Các em được tự do thể hiện sự liên kết giữa các kiến thức, nội dung, hoặc bài học theo ý tưởng của bản thân để dễ ghi nhớ.

Phân loại và sắp xếp các ý tưởng và xác định các mối quan hệ của chúng:

Bằng cách sử dụng chỉ trong một trang hoặc một không gian duy nhất, các em HS có thể đặt một lượng thông tin lớn và kiểm tra các kết nối của nó. Điều này khiến mối liên kết dễ dàng thực hiện hơn vì HS có tất cả thông tin về một chủ đề cụ thể chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Thậm chí có thể giúp các em khám phá các mối quan hệ mới giữa những ý tưởng và thông tin trước đó tưởng chừng như không liên quan.

Tăng cường trí nhớ và khả năng lưu trữ thông tin của HS:

Việc sử dụng màu sắc, hình ảnh và từ khóa trong việc vẽ bản đồ tư duy, sẽ dễ nhớ bài học hơn là đọc các câu từ dài. Việc sử dụng màu sắc, hình ảnh và từ khóa cũng giúp việc học trở nên thú vị và vui vẻ hơn để bạn có thêm động lực để ghi nhớ các chi tiết quan trọng.

Phạm vi áp dụng trò chơi rộng:

Trò chơi Nhanh - sáng tạo với sơ đồ tư duy có thể áp dụng ở nhiều bài học, nhiều khối lớp khác nhau. Ví dụ GV có thể áp dụng chơi trò chơi ở phần tìm hiểu để chọn nội dung vẽ tranh , cũng có thể sử dụng để củng cố 1 phần bài học hoặc cả bài học đối với các bài tìm hiểu về MT, một số tác giả- tác phẩm MT…vv

- Nhược điểm:

Người không lập sơ đồ tư duy có thể không hiểu hết được nội dung:

Để có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa, nội dung của sơ đồ tư duy là việc rất quan trọng. Sơ đồ tư duy là bảng cung cấp một thông tin và cấu trúc tự giải thích theo trình tự logictừ tổng quát đến chi tiết, có thể được hiểu rõ nhất bởi người hoặc những người tham gia tạo ra nó. Vì vậy, có thể có một chút khó khăn cho những người khác không chứng kiến thì khi xem ​​sơ đồ tư duy sẽ không đạt hiệu quả như người lập mong muốn.

Khó áp dụng được ở một số HS:

Trò chơi Nhanh, sáng tạo với sơ đồ tư duy yêu cầu cao về sự nhạy bén và vốn kiến thức tự có của HS từ trong cuộc sống và khi tìm hiểu bài. Vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn cho HS trong bước chuyển tư duy, suy nghĩ của mình về một nội dung theo hệ thống logic từ cơ bản đến chi tiết hoặc chuyển suy nghĩ của mình thành hình vẽ. Nếu không nắm được nội dung bài học, HS có thể sẽ không tạo được sơ đồ tư duy đúng. Một số HS không tự tin tham gia chơi trò chơi nên không xung phong nên GV cần gọi chỉ điểm những HS thiếu tự tin, hoặc động viên, khuyến khích để các HS không tự tin lên chơi.

Tổ chức chơi trò chơi và áp dụng trò chơi học tập là một trong những giải pháp đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo, thu hút HS vào bài học, làm cho bài học trở nên hấp dẫn, HS không có cảm giác gò bó, áp lực khi tiếp cận kiến thức và kỹ năng mới. Tuy nhiên việc áp dụng các trò chơi học tập trong giảng dạy Mỹ thuật hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách bài bản, có tính hệ thống. Vì vậy, thực tế hiện nay người giáo viên chủ yếu tự nghiên cứu, xây dựng hệ thống trò chơi và vận dụng sáng tạo các trò chơi sao sao cho phù hợp với nội dung bài học và đối tượng HS ở trường của mình.

                                                  Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Lăng Bình (2019), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. Đặng Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy, Trần Đức Vượng (2012), Đổi mới phương pháp dạy học và sáng tạo sơ đồ tư duy, Nxb Giáo dục.
  3. Nguyễn Quốc Toản (2014), Phương pháp giảng dạy Mỹ thuật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.