Tin tức

Ổn định phương thức thi: Người học an tâm, địa phương chủ động

05 Tháng Hai 2021

 

Thí sinh trao đổi nội dung thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa: Thế ĐạiThí sinh trao đổi nội dung thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa: Thế Đại

Điều chỉnh kỹ thuật giúp quy chế thêm chặt chẽ 

Nghiên cứu dự thảo, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020; nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Một số điều chỉnh chủ yếu liên quan đến kỹ thuật tổ chức coi thi, chấm thi với mục đích tăng tính trung thực, khách quan, công bằng của kỳ thi và thuận lợi cho công tác triển khai tổ chức kỳ thi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Theo đó, dự thảo bổ sung, mở rộng thành phần nhân sự tham gia Hội đồng thi để thuận lợi cho việc bố trí nhân sự tham gia các Ban. Cụ thể, lãnh đạo cấp phòng thuộc sở có thể làm Phó Chủ tịch Hội đồng thi (năm trước phải là trưởng phòng). Thay đổi này là phù hợp, vì trong thực tế, nhiều địa phương không đủ số lượng lãnh đạo sở và trưởng phòng chuyên môn tham gia (do sáp nhập các phòng và điều kiện có người thân dự thi không được tham gia tổ chức kỳ thi).

Dự thảo cũng bổ sung quy định bố trí các vật dụng để lưu giữ, bảo quản thiết bị thu, phát thông tin của cán bộ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Các vật dụng này phải niêm phong và được cán bộ công an quản lý/giám sát. “Thực tế, cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi đều đem theo điện thoại di động để liên hệ, nhưng không được đem vào khu vực thi. Nay quy định được đem vào nhưng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ phải niêm phong và công an quản lý/giám sát. Điều này phù hợp với thực tế và vẫn bảo đảm khách quan” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Trường hợp bất khả kháng không thể vận chuyển đề thi bằng hòm, tủ hoặc két sắt được khóa niêm phong, Sở GD&ĐT cần xây dựng phương án vận chuyển  bảo đảm an ninh, an toàn cho đề thi và báo cáo Bộ GD&ĐT. Điều chỉnh này là cần thiết, tạo điều kiện cho địa phương bố trí phương án vận chuyển hợp lý mà vẫn an toàn (các túi đề thi được niêm phong; trong đoàn vận chuyển, bàn giao đề thi đều có công an, thanh tra).  

Liên quan đến thí sinh, dự thảo bổ sung quy định lỗi vi phạm của thí sinh là: Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ (quy định trước đây lỗi vi phạm của thí sinh là: Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi). Điều này nhằm quản lý chặt chẽ học sinh đem tài liệu vào khu vực thi, tránh lọt, lộ đề ra ngoài trong thời gian thi. Dự thảo cũng bổ sung quy định lỗi vi phạm của thí sinh: Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ. Quy định chặt chẽ hơn để thí sinh thực hiện nghiêm túc tại phòng chờ, cũng như lúc di chuyển giữa phòng thi, phòng chờ.

Học sinh Hà Nội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa: Thế Đại

Một số góp ý

Nhiều lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương cho rằng, việc Bộ GD&ĐT có chủ trương ổn định phương thức tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và những năm tiếp theo là hợp lý, khả thi, thuận lợi cho địa phương, nhà trường, đặc biệt là người học. Ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Thái Bình, cho rằng: Trong tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn, tổ chức thi như năm trước là hợp lý. 

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang bày tỏ đồng tình với những sửa đổi, bổ sung và nhận định đây là các điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, giúp công tác tổ chức thi ngày càng chặt chẽ hơn. “Theo chủ trương của Bộ, kỳ thi năm nay giữ ổn định phương thức thi. Điều này tạo an tâm cho người học, phụ huynh; đồng thời cũng tạo sự ổn định trong tổ chức thi ở các địa phương, công tác ôn tập của nhà trường; qua đó đánh giá mặt được, chưa được của phương thức thi này qua một quá trình tổ chức” – ông Trần Tuấn Khanh nhận định.

Tham gia tổ chức thi nhiều năm qua, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long  đánh giá cao những điều chỉnh trong dự thảo. Về đề xuất, góp ý, ông Trịnh Văn Ngoãn cho rằng, Quy chế cần mang tính phổ quát và áp dụng  cho mọi tình huống, nhất là những tình huống bất khả kháng vì dịch Covid-19. Do đó, cần bổ sung điều khoản quy định về số lần tổ chức thi, quy mô, đối tượng và thời điểm tổ chức thi khi có tình huống bất khả kháng. Cần bổ sung quy định về xét đặc cách tốt nghiệp cho những trường hợp không thể dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, quy định rõ mức độ tham gia, thẩm quyền, trách nhiệm của lực lượng công an ở từng khâu trong quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Xem đây là một thành phần trong Hội đồng thi, các Ban của kỳ thi và là thành phần quan trọng góp phần bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an toàn của kỳ thi. Đơn giản hóa các hướng dẫn, quy định, thủ tục về quy trình tiếp nhận, bàn giao, cắt bì và niêm phong bì chứa bài thi tự luận một cách khoa học hơn. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin (ví dụ dùng camera) để giám sát quy trình này thay cho các thủ tục hoặc cách làm thủ công như cắt - niêm, niêm - cắt như hiện nay. Bổ sung quy định  tiếp nhận, bảo quản phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi chấm xong. Nghiên cứu điều chỉnh các yêu cầu về chấm phúc khảo cho phù hợp với quy mô, số lượng bài. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa hoạt động thanh tra, giám sát với quy trình coi thi, chấm thi; trong đó khâu lựa chọn con người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát và việc bảo đảm nguyên tắc không cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra là rất quan trọng.

Ông Trịnh Văn Ngoãn cũng kiến nghị điều chỉnh Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT-BTC-BGDĐT về việc hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Các định mức chi theo Thông tư liên tịch 66 đã lạc hậu. Đồng thời sớm quy định cấu hình các thiết bị phục vụ kỳ thi như máy vi tính, máy photo copy, camera quan sát/giám sát… để địa phương lập kế hoạch mua sắm đúng tiến độ.