Tin tức

Không bắt buộc công chức có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

08 Tháng Ba 2021

Bộ Nội vụ đang xây dựng thông tư theo hướng chỉ yêu cầu trình độ đáp ứng được công việc, thay vì bắt buộc công viên chức phải có chứng chỉ...

Yêu cầu công chức, viên chức bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

sắp được bãi bỏ

Chỉ yêu cầu trình độ đáp ứng được công việc

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của người dân về dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Thông tư này quy định theo hướng chỉ yêu cầu trình độ đáp ứng được công việc, không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như hiện nay.

Cụ thể, trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3) mà tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Các trường hợp đã được miễn thi ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, dự thảo Thông tư lần này bỏ các điều kiện chứng chỉ không có nghĩa là công chức, viên chức không cần trình độ ngoại ngữ, tin học. “Trình độ tin học, ngoại ngữ vẫn cần, vẫn phải đáp ứng yêu cầu của vị trí đó “, ông Long nói và lấy ví dụ, tùy từng vị trí việc làm, các cơ quan sẽ xây dựng điều kiện tương ứng, như công chức làm ở vụ Hợp tác quốc tế của các Bộ, tiếng Anh có thể phải bậc 6 chứ không ở bậc 2 - 3; hay các cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không cần thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh, tin học...

Theo ông Long, tuần tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng các Bộ có cuộc họp để bàn về nội dung trên.

Cơ quan tuyển dụng sẽ thẩm định

Bàn về nội dung này PGS. TS. Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, xây dựng quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực với công chức, viên chức.

Tại các nước tiên tiến, nhà tuyển dụng yêu cầu cán bộ công chức, viên chức đến và phỏng vấn trực tiếp. Họ đưa ra những bài kiểm tra, đặt người cần việc làm vào các tình huống, chức danh, công việc, vị trí mà họ đang xét tuyển. Làm được như vậy thì thì thực chất hơn là ngồi trong văn phòng xem hồ sơ có đẹp không, đầy đủ bằng cấp chứng chỉ hay không. Nếu không chạy theo chứng chỉ, bằng cấp thì sẽ hạn chế được hiện tượng mua bằng, bán điểm, mua chứng chỉ, mua giấy chứng nhận.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội


Tuy nhiên, bà An đồng tình với quan điểm của Bộ Nội vụ, dự thảo bỏ quy định bắt buộc không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng. Dự thảo chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn khuyến khích công chức, viên chức học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học. “Với chuyên môn cần người thật, việc thật, chứ không phải có chứng chỉ để đối phó”, PGS. TS. Bùi Thị An nói.

Trao đổi với PV, TS. Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thông tư này cần sớm đưa vào thực tiễn để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là “gánh nặng” cho cho viên chức, công chức.

TS. Hoàng Ngọc Vinh phân tích, trước đây do chưa có Khung trình độ quốc gia nên các tiêu chuẩn học tập ở đầu ra (chuẩn đầu ra) được định nghĩa không rõ ràng.

Khi đã có Khung trình độ thì dựa vào đó để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra mà có cả tiêu chuẩn ngoại ngữ, có đạt được tiêu chuẩn này mới được tốt nghiệp. “Do vậy mang yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ theo thói quen quá khứ và dập khuôn là không phù hợp”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, có chứng chỉ không có nghĩa là đủ điều kiện có thể sử dụng ngoại ngữ, tin học trong công việc. Vì vậy, tùy theo vị trí việc làm, thì thủ trưởng đơn vị phải biết và xác định khi tuyển dụng cần công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ, tin học ra sao. Điều đó tránh được tình trạng học cho có chứng chỉ nhưng không dùng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là một bước tiến, tuy nhiên không nên xem nhẹ những yêu cầu tối thiểu của tin học và ngoại ngữ.

“Nếu nghiêm túc đưa tin học, ngoại ngữ thành chương trình đào tạo đại học, cao đẳng thì hiệu quả đầu ra cao hơn, nhân sự sẽ chất lượng hơn. Khi đã đưa vào chương trình đào tạo chuẩn mực ở đại học, cao đẳng có thi cử và cấp chứng chỉ đàng hoàng thì cần gì phải bắt các viên chức, công chức thi bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa?”, ông Tiến nói.

Phùng Đô

Nguồn https://www.baogiaothong.vn/khong-bat-buoc-cong-chuc-co-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-d498310.html