Nghiên cứu lý luận

BÀN VỀ GIÁO DỤC VĂN HÓA MÔI TRƯỜNG

29 Tháng Ba 2021

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức

                                          Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

 

TÓM TẮT:

Một vấn đề có tính toàn cầu bắt buộc sự quan tâm của các quốc gia, đó là bảo vệ môi trường. Văn hóa môi trường là hệ thống tri thức do con người đúc kết trong diễn trình lịch sử tồn tại và phát triển của con người, tạo nên hệ thống các giá trị. Giáo dục văn hóa môi trường là quá trình chia sẻ, chuyển giao kiến thức, kĩ năng sống một cách có mục đích của con người nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, nhân tạo và cả môi trường xã hội ảnh hưởng đến chất lượng sống và sự phát triển của con người. Giáo dục văn hóa môi trường là giáo dục các thành tố cốt lõi tạo nên văn hóa môi trường: ý thức tôn trọng và hành vi bảo vệ các sản phẩm của môi trường; hệ thống tri thức về môi trường; nếp sống của con người đối với môi trường; mức độ hưởng thụ tài nguyên môi trường; hệ thống thể chế về môi trường.

Từ khóa: Môi trường, văn hóa môi trường, giáo dục văn hóa môi trường.

 

A DISCUSSION OF ENVIRONMENTAL CULTURAL EDUCATION

Abstract: A global problem that forces countries to pay attention to it is environmental protection. Environmental culture is a system of knowledge summarized by people in the history of human existence and development, creating a system of values. Environmental culture education is the process of sharing and transferring knowledge and life skills in a purposeful manner to protect the natural, artificial and social environment that affects the quality of life and human development. Environmental culture education is the education of the core elements that make up the environmental culture: a sense of respect and the protection of environmental products; environmental knowledge system; human lifestyle towards the environment; the level of enjoyment of environmental resources; institutional system for the environment.

Keywords: Environment, environmental culture, environmental culture education.

 

1. Một số khái niệm

1.1. Môi trường

Vào giữa thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới phát triển như vũ bão đã đem lại những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vật chất, tinh thần và nâng cao chất lượng sống của con người. Đồng hành với quá trình phát triển đó, một vấn đề có tính toàn cầu bắt buộc sự quan tâm của các quốc gia, đó là sự phá vỡ môi trường sinh thái, sự ô nhiễm môi trường sống, hành vi bàng quan, thái độ thờ ơ của con người đối với môi trường đã và đang tác động đến sự sống của con người. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu môi trường, tìm ra những giải pháp hữu hiệu cứu lấy môi trường đang bị tàn phá, tạo lập môi trường lành mạnh trở thành vấn đề bức xúc của nhiều quốc gia. Nhiều tổ chức và hàng triệu cá nhân tình nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sống.

Cho tới nay, các nhà nghiên cứu đã nêu ra nhiều định nghĩa về môi trường và cơ bản đạt được những nhận thức chung về khái niệm môi trường. Môi trường là một từ Hán Việt. Môi: nghĩa là làm trung gian, có tính chất trung gian. Trường: nghĩa là khoảng không gian, nơi đó diễn ra các hoạt động của sự vật, hiện tượng, con người.

Có hai cách tiếp cận giải nghĩa về môi trường:

Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng môi trường bao gồm những yếu tố tự nhiên và những sản phẩm vật chất do con người tạo ra khi tác động vào môi trường tự nhiên. Theo cách tiếp cận này, hai tác giả Lê Thị Hường, Trương Thị Thanh Xuân có dẫn định nghĩa môi trường trong từ điển của Mĩ (The Random House College dictionary, USA): “Môi trường là một tập hợp các vật thể, điều kiện và ảnh hưởng bao quanh một đối tượng nào đó” [1].

Từ điển Bách Khoa Việt Nam giải nghĩa: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên” [2].

Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, tại Điều 3 đã giải thích từ: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”.

Cách tiếp cận thứ hai đặt môi trường trong mối quan hệ với con người và cho rằng môi trường không những là những yếu tố vật chất của tự nhiên và cả những yếu tố vật chất do con người tạo ra khi tác động vào tự nhiên mà còn là tập hợp những yếu tố thuộc về lĩnh vực xã hội bao quanh hoạt động sống của con người, ảnh hưởng tới sự phát triển của con người.

Cách tiếp cận này nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học và của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1980, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đưa ra định nghĩa: “Môi trường là một tập hợp các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, kinh tế - xã hội bao quanh, tác động tới đời sống và sự phát triển của một cá thể hoặc một cộng đồng người”.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn: “Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người và các thể chế” [3].

Như vậy, môi trường được hiểu bao gồm tập hợp các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên và môi trường xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh, ảnh hưởng và tác động tới đời sống và sự phát triển của con người.

1.2. Văn hóa

Văn hóa là bộ phận quan trọng không thể tách rời trong đời sống của con người. Chính vì vậy văn hóa là gì, nội dung ra sao, nó biểu hiện thế nào là mối quan tâm của rất nhiều học giả trên thế giới. Chỉ riêng việc định nghĩa thế nào là văn hóa cũng khó đi đến thống nhất. Đến nay, điểm các công trình nghiên cứu của các học giả tên tuổi, tuyên bố của tổ chức và quốc gia cũng có tới trên 400 định nghĩa về văn hóa.

UNESCO tổ chức quốc tế về văn hóa, giáo dục của Liên hợp quốc đưa ra nghĩa hẹp và nghĩa rộng của văn hóa.

Nghĩa hẹp: “Văn hóa là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và sự giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng” [4].

Nghĩa rộng: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng” [5].

Ở Việt Nam, nhận thức nội dung khái niệm văn hóa là một quá trình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã có những ý kiến xác đáng về văn hóa. Năm 1943, Người viết trong bản thảo Nhật ký trong tù: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa" [6].

Nếu như trước đây văn hóa (Culture) và văn minh (Civilization) đồng nghĩa với nhau, thì đến nay đã có sự phân biệt. Văn minh: Phản ánh trình độ phát triển của xã hội, ở sự phát minh, sự ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ quản lý xã hội, quản lý bằng pháp luật. Văn hóa: Phản ánh trình độ quan hệ con người với con người trong xã hội, lấy chủ nghĩa nhân văn, lấy sự tôn trọng, sẻ chia với con người, lấy bản sắc văn hóa, tức tình người làm thước đo. Giá trị cao cả mà con người hướng tới là chân, thiện, mỹ.

Như vậy, ngoài việc sử dụng từ văn hóa theo nghĩa hẹp trong sinh hoạt xã hội, văn hóa được nhìn nhận theo nghĩa rất rộng của nó bao gồm những sáng tạo của con người từ trong quá khứ và hiện tại nhằm làm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của mỗi con người và mỗi cộng đồng xã hội; đúc kết thành hệ thống giá trị và chuẩn mực xã hội, hình thành cách thức ứng xử và những sắc thái riêng của mỗi dân tộc và mỗi cộng đồng. Văn hóa là thiên nhiên thứ hai do con người sáng tạo ra.

1.3. Văn hóa môi trường

Khái niệm môi trường văn hóa đã được các nhà nghiên cứu luận giải, tạo được sự đồng thuận cao. Ngược lại, khái niệm văn hóa môi trường chưa thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Cho tới nay chưa có công trình nào chuyên khảo sâu về văn hóa môi trường.

Khái niệm văn hóa môi trường được cấu thành bởi hai thành tố văn hóa và môi trường. Như đã lý giải ở trên về khái niệm văn hóa, nói đến văn hóa là nói đến hệ thống tri thức con người đúc kết qua quá trình lao động cải tạo tự nhiên và đấu tranh xã hội để sinh tồn; là nói đến hệ thống các giá trị do con người sáng tạo phản ánh niềm tin, ước vọng, quan niệm về cái đẹp, nghệ thuật ứng xử, truyền thống và bản sắc của mỗi tộc người, mỗi vùng đất; là hệ thống các biểu tượng, khuôn mẫu, thể chế góp phần ổn định xã hội, thôi thúc con người vươn tới các giá trị chân, thiện, mĩ.

Còn khi chúng ta nói đến môi trường là nói tới ba thành tố cơ bản tạo nên môi trường. Thứ nhất là những vật thể tự nhiên tồn tại độc lập, ngoài ý muốn, ít  chịu sự tác động của con người, bao quanh, ảnh hưởng đến sự sống của con người, còn gọi là môi trường tự nhiên. Thứ hai là những vật thể tự nhiên đã chịu sự tác động theo ý muốn của con người và cả những vật thể tự nhiên chịu sự tác động vô thức của con người, là hệ quả của quá trình con người tác động biến đổi tự nhiên, còn gọi là môi trường nhân tạo. Thứ ba là những biểu hiện về mặt xã hội trong hoạt động sống của con người để đấu tranh, sinh tồn, mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc. Những biểu hiện ấy là kết quả của quá trình sản xuất kinh tế làm ra của cải vật chất cho xã hội, là kết quả của những quan hệ xã hội hình thành nếp sống, lối sống, phản ánh nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của con người đối với môi trường sống. Những biểu hiện trên gọi là môi trường xã hội.

Chúng tôi cho rằng: Văn hóa môi trường là hệ thống tri thức do con người đúc kết trong diễn trình lịch sử tồn tại và phát triển của con người, tạo nên hệ thống các giá trị phản ánh nhận thức, truyền thống, đặc trưng văn hóa, nghệ thuật ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên, nhân tạo và môi trường xã hội có tác động, ảnh hưởng đến chất lượng sống và sự phát triển của con người.

1.4. Giáo dục văn hóa môi trường

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nêu định nghĩa: “Giáo dục (tiếng AnhEducation) theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục” [7].

Những năm gần đây trên diễn đàn xã hội, một số nhà giáo dục cho rằng, trong thời đại xã hội thông tin, công nghệ số, sự xuất hiện của các loại hình truyền thông mới, giáo dục là làm công việc tổ chức sự học của con người, chứ không phải là làm công việc dạy con người. Tự học là một phương pháp, một lối sống, thói quen của con người.

Có thể hiểu: Giáo dục là quá trình chia sẻ, chuyển giao kiến thức, kĩ năng sống của con người với con người và quá trình tự học theo hướng tích cực của mỗi người trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, nhằm bồi dưỡng, hoàn thiện nhân cách người học, đáp ứng nhu cầu phát triển của con người, ứng phó với môi trường tự nhiện và xã hội không ngừng biến đổi.

Giáo dục văn hóa môi trường là quá trình chia sẻ, chuyển giao kiến thức, kĩ năng sống một cách có ý thức, có mục đích của con người với con người và quá trình tự học theo hướng tích cực của mỗi người về hệ thống các giá trị phản ánh nhận thức, truyền thống, đặc trưng văn hóa, nghệ thuật ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên, nhân tạo và môi trường xã hội có tác động, ảnh hưởng đến chất lượng sống và sự phát triển của con người.

2. Các thành tố của văn hóa môi trường

Từ khái niệm chung về văn hóa môi trường, chúng ta có thể luận giải xác định những thành tố cốt lõi tạo nên văn hóa môi trường. Chúng tôi cho rằng có 5 thành tố cốt lõi dưới đây:

2.1. Sản phẩm của môi trường

Đó là toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, biển, sông ngòi, khí hậu… tạo nên danh lam thắng cảnh) và hệ sinh thái nhân tạo (khu bảo tồn, công viên, khu kiến trúc, hàng cây…) bao quanh môi trường sống của con người, có giá trị cho sự phát triển bền vững của con người.

2.2. Hệ thống tri thức về môi trường

Trải qua hàng ngàn năm vật lộn sinh tồn và phát triển, con người đã hiểu biết và đúc kết kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, về cách thức con người tận dụng những cái ở tự nhiên, đồng thời tổng kết cách ứng phó với sự thay đổi của môi trường tự nhiên từ đó đề ra cách thức bảo vệ, hạn chế thấp nhất sự tác động của con người làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Hệ thống tri thức đó đã phản ánh triết lý sống của con người với môi trường. Hệ thống tri thức về môi trường không những ở trong nước mà còn là những tri thức về môi trường trên toàn thế giới.

2.3. Nếp sống của con người đối với môi trường

Nếp sống của con người như thế nào trong môi trường sống chính là sự phản ánh văn hóa ứng xử của con người đối với môi trường. Nếp sống của con người thể hiện ở thói quen hoạt động của các tổ chức, nhóm người trong sản xuất, kinh doanh, an ninh, quốc phòng, tiêu dùng, hưởng thụ các sản phẩm vật chất, tinh thần và biểu hiện của thói quen trong hành vi của mỗi người ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Thay đổi thói quen, cách thức tác động và khai thác sử dụng tài nguyên môi trường hợp lý là vấn đề đang đặt ra trong xây dựng văn hóa môi trường hiện nay.

2.4. Mức độ hưởng thụ tài nguyên môi trường

Văn hóa môi trường được thể hiện ở mức độ con người hưởng thụ tài nguyên của môi trường. Xây dựng văn hóa môi trường đem lại cho con người được hưởng thụ nguồn nước sạch, không khí trong lành, giảm thiểu ô nhiễm, tiếng ồn, làm cho cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp ở môi trường sống. Cách thức và mức độ hưởng thụ tài nguyên môi trường vì hôm nay mà còn vì sự phát triển của các thế hệ mai sau chính là phản ánh tầm nhìn, chất lượng sống, trình độ hiểu biết, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của con người.

2.5. Hệ thống thể chế về môi trường

Hệ thống thể chế là những qui định có tính quy phạm pháp luật của nhà nước về các nguyên tắc hành động, các khuôn mẫu, chuẩn mực, chế tài hướng dẫn hành động của con người và quá trình hoạt động của xã hội đối với môi trường. Hệ thống thể chế thiết lập sự ổn định, lựa chọn các ưu tiên hành động và quy định các chuẩn mực đạo đức về môi trường. Hệ thống thể chế còn là những quy định của mỗi tổ chức, cộng đồng thông qua các quy ước, hương ước để con người tự giác và tự kỷ luật không vi phạm những quy định ảnh hưởng đến môi trường sống. Hệ thống thể chế phản ánh trình độ của con người trong việc chủ động ứng phó và bảo vệ môi trường sinh thái.

3. Nội dung giáo dục văn hóa môi trường

Nội dung giáo dục văn hóa môi trường là các chủ thể đại diện cho các tổ chức pháp lý có quyền lực đưa ra các biện pháp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực (nguồn lực con người, nguồn lực thể chế, nguồn lực cơ sở vật chất, các phương tiện, tài chính…) nhằm đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức, hình thành thái độ, hành vi tích cực, có trách nhiệm của mỗi người ứng xử với môi trường tự nhiên, nhân tạo và môi trường xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nội dung cụ thể của việc giáo dục văn hóa môi trường là triển khai các biện pháp giáo dục 5 thành tố cốt lõi tạo nên văn hóa môi trường.

3.1. Giáo dục ý thức tôn trọng và hành vi bảo vệ các sản phẩm của môi trường

Bao quanh môi trường sống của con người là những sản phẩm của môi trường. Những sản phẩm thuộc hệ sinh thái tự nhiên như những sự vật, hiện tượng tồn tại ngoài ý muốn của con người ở các môi trường địa quyển, khí quyển, sinh quyển, thủy quyển. Còn sản phẩm thuộc hệ sinh thái nhân tạo là những gì ở ngoài tự nhiên được kiến tạo để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển theo ý muốn chủ quan của con người. Giáo dục văn hóa môi trường, trước hết phải làm cho mọi người hiểu đầy đủ giá trị của môi trường, từ đó có ý thức tôn trọng và có những hành động cụ thể bảo vệ các sản phẩm giá trị của môi trường bao quanh nơi con người sống, lao động, vui chơi, giải trí, biết yêu cái đẹp từ môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo.

3.2. Giáo dục hệ thống tri thức về môi trường

Vấn đề này phán ánh sự hiểu biết, triết lý sống và kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội đảm bảo cho con người thích nghi và chủ động ứng phó với những thay đổi bất thường của môi trường để mưu sinh, tồn tại và phát triển, con người sống yên ổn, khỏe mạnh, xã hội vui tươi, ổn định, môi trường sạch đẹp, an toàn.

3.3. Giáo dục nếp sống của con người đối với môi trường

Hình thành thói quen sống thân thiện, tôn trọng sự cân bằng sinh thái, sử dụng sản phẩm tự nhiên tái sinh và sản phẩm công nghiệp tái chế, giảm thiểu, hạn chế tối đa tác hại đến môi trường trong các hoạt động kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sống, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm xã hội.

3.4. Giáo dục mức độ hưởng thụ tài nguyên môi trường

 Tạo điều kiện để mọi người chia sẻ, học hỏi lẫn nhau trong tổ chức cuộc sống của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội, hiểu biết về nguồn tài nguyên môi trường và thừa hưởng những giá trị của môi trường sống sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, từ đó nuôi dưỡng những việc làm chính đáng bảo vệ môi trường quanh con người. Từ việc hiểu đúng đắn tài nguyên hữu hạn của tự nhiên, biết yêu cái đẹp của tự nhiên đồng thời biết bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên xã hội, nhất là những sản phẩm không thể tái tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

3.5. Giáo dục hệ thống thể chế về môi trường

Đảng chỉ đạo toàn hệ thống chính trị và xã hội về bảo vệ, ứng phó với biến đổi của môi trường. Nhà nước có trách nhiệm quản lý môi trường, công cụ để quản lý là những quy định có tính quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để mọi công dân chấp hành. Ngoài ra là các văn bản quản lý khác có tính định hướng, hướng dẫn của Nhà nước và các quy ước, hương ước của cộng đồng, tổ chức xã hội không trái pháp luật. Giáo dục văn hóa môi trường phải đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mọi người dân hiểu biết đầy đủ chủ trương của Đảng, những quy định của Nhà nước và cộng đồng, tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của mỗi người dân đối với giữ gìn, bảo vệ môi trường.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lê Thị Hường, Trương Thị Thanh Xuân (2001), Môi trường và con người, Trường Đại học Kinh tế, Hà Nội.

2. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002),  Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Trần Quốc Vượng chủ biên (1996), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Hoàng Vinh (1999), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Môi trường (ngày 13/9/2018).

7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Giáo dục (ngày 25/9/2018).

 


[1] Thạc sĩ Lê Thị Hường, Thạc sĩ Trương Thị Thanh Xuân (2001), Môi trường và con người, Trường Đại học Kinh tế, tr.12.

[2] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002),  Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.940.

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Môi trường (ngày 13/9/2018).

[4] Trần Quốc Vượng chủ biên (1996), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,  tr.51.

[5] Hoàng Vinh (1999), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.41-42.

[6] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 428-431.

[7]  https://vi.wikipedia.org/wiki/Giáo dục (ngày 25/9/2018).