Nội san

DẠY HỌC ÂM NHẠC CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NĂNG LỰC ĐÁP ỨNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

30 Tháng Ba 2021

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai

                             Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

TÓM TẮT

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thực hiện Đề án đổi mới giáo dục phổ thông. Về nội dung, phương thức thực hiện và phương pháp dạy học của chương trình giáo dục mới có nhiều thay đổi mang tính đột phá so với trước đây. Trong đó, có định hướng dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Cùng với tất cả các môn học khác, môn Âm nhạc nói riêng cũng được yêu cầu chú trọng đến phương pháp dạy theo hướng tiếp cận năng lực, đề cao sự trải nghiệm, sáng tạo... Vấn đề được đặt ra là, các giáo viên (GV) dạy học âm nhạc ở phổ thông khi tiếp nhận chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới sẽ phải thực hiện theo phương pháp dạy học năng lực. Vậy, dạy học theo năng lực là gì và làm thế nào để có thể đáp ứng theo yêu cầu mới?

TỪ KHÓA: Dạy học âm nhạc, dạy học theo hướng tiếp cận năng lực

MUSIC TEACHING FOR HIGH SCHOOL STUDENTS UNDER THE DIRECTION TO ACCESS THE COMPETENCIES TO ADAPT THE NEW INNOVATION EDUCATION

ABTRACT

Currently, the Ministry of Education and Training is implementing the Scheme on renovation of general education. In terms of content, implementation methods and teaching methods of the new educational program, there are many breakthrough changes compared to the past. In particular, there are orientations for teaching according to developing qualities and competencies for students. Along with all other subjects, art education in general and Music in particular are required to focus on teaching methods based on the approach of competence, appreciation of experience, creativity, etc. The problem is that high school music teachers who receive the new curriculum and textbooks will have to follow the method of teaching competence. So, what is competency-based teaching and how can you meet the new requirements?

Keywords: music teaching, teaching according to competencies

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Từ năm 2002, môn Âm nhạc ở Việt Nam được chính thức trở thành môn học bắt buộc cho học sinh phổ thông ở hai cấp Tiểu học và THCS. Qua gần 20 năm thực hiện, môn Âm nhạc đã đóng góp vào những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng và hình thành nhân cách cho học sinh, đáp ứng giáo dục thế hệ trẻ ở thời kỳ hiện đại, thời kỳ hội nhập... Tuy vậy, giáo dục nói chung và giáo dục Âm nhạc nói riêng ở cũng còn bộc lộ một số bất cập, thiếu hợp lý cần có sự đổi mới. Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã tiến hành xây dựng Đề án đổi mới giáo dục phổ thông ở tất cả các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông từ chương trình, nội dung môn học cho tới phương pháp dạy học. Trong đó, môn Âm nhạc ở phổ thông cũng được đặt ra rất nhiều vấn đề cần thiết phải đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp dạy học...

1. Một số yêu cầu trong đổi mới giáo dục trên toàn quốc và trong dạy học âm nhạc ở phổ thông hiện nay

Năm 2017, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Chương trình tổng thể và năm 2018 ban hành chương trình chi tiết các môn học. Việc biên soạn sách giáo khoa đang được tiến hành và dự kiến sẽ đưa vào thực hiện từ năm 2020. Qua tìm hiểu đề án đổi mới giáo dục phổ thông cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều sự thay đổi mang tính đột phá so với trước đây: đề cao sự tinh giản, coi trọng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chú trọng giáo dục nhân cách…, đặc biệt là hướng vào sự phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Chương trình phổ thông tổng thể ban hành tháng 12 năm 2017 của Bộ GD&ĐT đã ghi rõ:

“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”[2; tr.4]

Một điểm đáng chú ý trong chương trình giáo dục mới là đề cao hơn vai trò của giáo dục nghệ thuật, không chỉ ở cấp Tiểu học và THCS mà còn là môn học ở cấp THPT. Cùng với tất cả các môn học khác, giáo dục nghệ thuật nói chung và môn Âm nhạc nói riêng được yêu cầu chú trọng đến phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, đề cao sự trải nghiệm, sáng tạo...

Vấn đề được đặt ra là, các giáo viên dạy học âm nhạc ở phổ thông khi tiếp nhận chương trình và SGK mới sẽ thực hiện theo dạy học tiếp cận năng lực. Vậy, dạy học theo năng lực là gì, có điểm gì khác so với cách dạy học hiện thời và làm thế nào để có thể đáp ứng theo yêu cầu mới?

2. Việc sử dụng phương pháp trong dạy học âm nhạc của giáo viên phổ thông hiện nay

Với kinh nghiệm giảng dạy âm nhạc lâu năm tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, một trường có bề dày 50 năm và có uy tín về đào tạo đội ngũ giáo viên nghệ thuật trên cả nước, từng là thành viên tham gia nghiên cứu nhiều đề án, chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông; từng dự và chấm thi nhiều giờ dạy ở các trường phổ thông; đưa sinh viên đi thực tập, thực tế..., tôi nhận thấy:

Hiện nay, đội ngũ giáo viên âm nhạc ở phổ thông cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu dạy học. Môn Âm nhạc trở thành một môn học được khá nhiều học sinh yêu thích không chỉ bởi được giải trí, sảng khoái tinh thần sau những giờ học căng thẳng mà còn làm học sinh năng động hơn, tự tin hơn. Nhiều học sinh có khí chất nhút nhát, qua rèn luyện kỹ năng âm nhạc đã dám đứng trước đám đông để trình diễn hát một mình mà không cảm thấy ngại ngùng. Âm nhạc như một sợi dây kết nối các em khi được tham gia trò chơi, được hát múa tập thể. Qua việc học hát, học sinh biết hát đều hơn, hay hơn, thể hiện sắc thái, tình cảm tốt hơn. Được học các bài dân ca, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống của âm nhạc dân tộc... Qua việc đổi mới, vận dụng các phương pháp dạy học đã cuốn hút được học sinh, đưa các em vào thế giới của cái đẹp, của những giá trị nhân bản, để từ đó, giáo dục các em trở thành những người biết sống và làm theo cái đẹp.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì giáo viên âm nhạc cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Điểm hạn chế nhìn thấy rõ nhất chính việc hình thành năng lực âm nhạc cốt lõi cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao. Ở một số trường, nhất là những vùng sâu, vùng xa, có không ít giáo viên dạy âm nhạc là những người không được đào tạo chính quy về sư phạm âm nhạc hoặc thậm chí là những giáo viên dạy môn học khác được điều chuyển sang, do không được đào tạo bài bản, không chỉ yếu về chuyên môn mà còn yếu cả về phương pháp dạy học. Sở dĩ có chuyện dạy không đúng với chuyên môn được đào tạo như vậy chính bởi quan niệm của không ít người trong đó có lãnh đạo của trường phổ thông, của Sở Giáo dục tại địa phương đó đã quan niệm học âm nhạc để học sinh vui vẻ, để giải trí và hát là chính, các kiến thức khác không quan trọng, như thế vô hình chung đã không chú trọng đến việc hình thành năng lực âm nhạc cho học sinh.

Thông qua những buổi tập huấn cho giáo viên, dự giờ, qua trao đổi với giáo viên dạy học âm nhạc ở một số tỉnh, thành phố, địa phương..., tôi nhận thấy: Mặc dù đã có 9 năm học từ Tiểu học đến THCS song có không ít học sinh không nhận biết được hoặc nhận biết rất chậm nốt trên bản nhạc của bài Tập đọc nhạc (chưa nói đến nốt trên bản nhạc của bài hát), thực trạng đó là do nhiều học sinh thường phiên tên nốt ra chữ viết tắt của tiếng Việt phía dưới nốt nhạc rồi nhìn vào đó đọc nhạc mà không nhìn vào bản nhạc. Hầu như học sinh chỉ thích học hát, nhiều nơi vì điều kiện cơ sở vật chất không tốt, trình độ giáo viên chưa chuẩn nên chỉ dạy Hát là chính, các nội dung khác như Tập đọc nhạc, Nhạc lý, Âm nhạc thường thức bị coi nhẹ, thậm chí có nơi bỏ qua. Vì thế, việc hình thành năng lực đọc nhạc, kiến thức âm nhạc cho học sinh còn chưa tốt, một số nơi còn kém hiệu quả.

Nguyên nhân của những bất cập, tồn tại trên thì nhiều, song một nguyên nhân khá quan trọng thuộc về phía giáo viên âm nhạc. Đó là việc sử dụng các phương pháp dạy học chủ yếu vẫn là tiếp cận nội dung, mà ít chú ý tới tiếp cận năng lực của học sinh. Ở đây, người viết bài không có ý phủ nhận dạy học theo hướng tiếp cận nội dung thì không hình thành được năng lực. Mỗi một mô hình dạy học, hệ thống phương pháp dạy học có những ưu điểm và những nhược điểm nhất định. Nhiều nước trên thế giới cũng như nước ta trước đây vẫn chủ yếu áp dụng mô hình dạy học tiếp cận nội dung mà cũng vẫn đạt được những kết quả nhất định.

Vậy dạy học theo tiếp cận năng lực là gì và có ưu điểm gì?

Trong cuốn Sách giáo khoa vì sự phát triển bền vững của Viện Giáo dục vì Hòa bình và phát triển bền vững Mahatma Gandhi do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc xuất bản năm 2017, có đưa định nghĩa năng lực của nhà tâm lý học Franz Emanuel Weinert (phần dịch từ tiếng Đức, năm 2001) như sau: “Năng lực là khả năng nhận thức và những kỹ năng mà cá nhân sở hữu hoặc có thể tiếp thu để giải quyết các vấn đề cụ thể và sử dụng khả năng cũng như mức độ sẵn sàng về mặt động cơ, ý chí và xã hội một cách thành công và có trách nhiệm để giải quyết vấn đề trong nhiều tình huống khác nhau” [7; 22].

Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của người học gần đây trở thành một xu hướng đang được quan tâm trên thế giới. Muốn hiểu thế nào là dạy học theo hướng tiếp cận năng lực cần có sự so sánh với dạy học không theo tiếp cận năng lực là dạy học theo tiếp cận nội dung.

Ở nước ta hiện nay, đa số đang áp dụng dạy học theo hướng tiếp cận nội dung. Dạng này có đặc điểm dễ nhận thấy là chú trọng hệ thống kiến thức lý thuyết, sự phát triển tuần tự của các khái niệm, định nghĩa, học thuyết khoa học; giáo viên chăm lo để truyền đạt hết các kiến thức được quy định trong chương trình, SGK; giáo án được thiết kế theo đường thẳng và chung cho cả lớp; giáo viên toàn quyền đánh giá kết quả học tập của học sinh...  Khác với dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, dạy học theo hướng tiếp cận năng lực nhằm chú trọng hình thành năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn, năng lực phát hiện và giải quết vấn đề. Cách tiếp cận này nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, tạo điều kiện cho người học được chủ động chiếm lĩnh kiến thức hơn; giáo viên là người giúp học sinh biết hành động và tham gia vào các chương trình hành động; giáo án soạn theo kiểu phân nhánh, tập trung vào hoạt động của học sinh; học sinh được tham gia tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau... Dạy học theo tiếp cận năng lực tạo nền tảng tốt để học sinh hình thành khả năng tự học. Ngoài ra, dạy học theo tiếp cận năng lực có sự phân hóa rõ hơn với từng đối tượng hoặc ít nhất là các nhóm đối tượng học sinh, phát huy sở trường, hạn chế sở đoản. Phương pháp dạy học theo tiếp cận năng lực chủ yếu dựa trên nền tảng của phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, sử dụng nhiều các phương pháp dạy học như: nêu vấn đề, khám phá, trải nghiệm...

Phương pháp dạy học âm nhạc theo năng lực có thể được áp dụng kết hợp một số mô hình dạy học phổ biến như:

Mô hình truyền đạt kiến thức:

Với mô hình này, kiến thức âm nhạc được truyền đạt từ thầy tới trò (A → B) và thầy giữ vai trò hướng dẫn, chỉ đạo, trò lĩnh hội. Dạy học âm nhạc ở phổ thông có thể áp dụng mô hình này để khi cần thiết truyền đạt các kiến thức về nhạc lý, thường thức âm nhạc, hướng dẫn học sinh cách thức thực hành hát, đọc nhạc…

Tuy nhiên, nếu áp dụng nhiều mô hình truyền đạt kiến thức thì người giáo viên dễ bị sa vào phương pháp thụ động, không phải phương pháp dạy học tích cực; mặt khác, đặc thù của âm nhạc chủ yếu là hoạt động thực hành (hát, đàn, đọc nhạc…) thì không thể đáp ứng được mục tiêu dạy học.

Mô hình theo thuyết hành vi:

Dạy học theo thuyết hành vi được theo chu trình S-C-R-B.

S (Subject): Nghĩa là người thầy đóng vai trò tác nhân tạo ra kích thích (tổ chức các hoạt động âm nhạc).

C (Cognitive): Trò nhận thức các kiến thức và cách thức hoạt động (hát, đọc nhạc, vận động, nghe nhạc, nhạc lý, thường thức âm nhạc…).

R (Reflexion): Phản ứng của trò bằng thực hiện các hoạt động (hát, đọc nhạc, nhận biết âm nhạc…).

B (Behavior): Kết quả hành vi là trò thực hiện được các hoạt động âm nhạc và có được kiến thức (năng lực) thông qua hoạt động.

Dạy học âm nhạc ở phổ thông rất phù hợp với mô hình thuyết hành vi bởi môn Âm nhạc có tính đặc thù là phải thực hành nhiều (hát, đọc nhạc, gõ đệm, nghe nhạc…). Thầy, cô giáo là người tổ chức các hoạt động âm nhạc, hướng dẫn học trò thực hành hát, đọc nhạc… và kết quả của nó được thể hiện bằng sự phản ứng (hoạt động của trò). Dù thầy có hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu đến đâu đi chăng nữa nhưng trò không bộc lộ, không phản ứng (reflexion) bằng hát ra được, đọc nhạc được thì kết quả cũng coi như là số 0.

Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện theo mô hình thuyết hành vi, trò tuy được hoạt động nhưng vẫn ở dạng thụ động theo ý chí chủ quan của người thầy: thầy đưa ra vấn đề (tác nhân kích thích), trò hoạt động (phản ứng lại tác nhân kích thích) mà chưa xây dựng được tính tự kiến tạo, sáng tạo ở học sinh và như vậy cũng chưa phát huy tốt năng lực chủ động chiếm lĩnh kiến thức, xây dựng nền tảng cho học sinh tự học.

Mô hình theo thuyết kiến tạo:

Dạy học theo mô hình thuyết kiến tạo là kích hoạt và áp dụng những kiến thức có trước. Học sinh biết áp dụng các kiến thức đã có, kết hợp với tiếp nhận kiến thức mới để học và làm một cách chủ động. Với môn Âm nhạc thì học sinh biết dựa vào kiến thức âm nhạc đã học để thực hành hát, đọc nhạc, nhận biết các khái niệm… rồi từ đó, rút ra kiến thức mới. Ngoài ra, với mô hình dạy học này, học sinh được phát huy năng lực tự kiến tạo, sáng tạo; nghĩa là biết tự nêu vấn đề, trao đổi, đưa ra ý kiến, có thể tự tổ chức hoạt động âm nhạc theo nhóm, biết sáng tạo ý tưởng mới như cách hát, mô tả giai điệu, cảm thụ, vận động theo nhạc, cách dàn dựng, tạo tiết tấu gõ đệm cho bài hát… Dạy học theo thuyết kiến tạo là phương pháp tích cực của dạy học hiện đại, lấy người học làm trung tâm, học sinh được chủ động, phương pháp dạy học này rất thuận lợi để hình thành năng lực làm chủ và tự học cho học sinh.

Dạy học âm nhạc theo hướng tiếp cận năng lực, cần thiết phải áp dụng cả 3 dạng mô hình trên, song tùy từng nội dung, đặc điểm môn học mà áp dụng cho phù hợp trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, xây dựng cho học sinh năng lực chủ động chiếm lĩnh kiến thức, năng lực giải quyết vấn đề, biết áp dụng vào thực tiễn và có thể tự học. Vì vậy, mô hình theo thuyết kiến tạo sẽ được chú trọng nhiều hơn trước đây vốn chủ yếu sử dụng mô hình theo thuyết hành vi và truyền đạt kiến thức.

Nhìn vào thực tiễn sử dụng phương pháp dạy học âm nhạc của giáo viên phổ thông hiện nay thì không thể nói là họ chỉ sử dụng một loại mô hình truyền đạt kiến thức hay chỉ áp dụng theo thuyết hành vi. Yếu tố gợi mở sự sáng tạo, sự chủ động cho học sinh có được áp dụng. Song, vấn đề là ở chỗ học sinh vẫn còn thụ động nhiều và đặc biệt, nếu không có giáo viên, ngoài bài hát mà học sinh đã thuộc có thể hát lại được thì ngay cả với học sinh có năng khiếu cũng không thể có năng lực tự học tập đọc nhạc hay gõ đệm (dù là ở mức độ hết sức đơn giản).

Trong bài viết này, người viết nêu cụ thể hơn vào vấn đề hình thành năng lực tự học với phân môn Tập đọc nhạc ở mức sơ giản cho học sinh phổ thông để minh chứng cho phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực.

Trong yêu cầu của chương trình mới, môn Âm nhạc ở THPT có nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cốt lõi để các em có năng khiếu có thể lựa chọn theo ngành âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu cách đọc nhạc như hiện nay (giáo viên đàn trước, đọc mẫu trước, học sinh nghe rồi đọc theo) được áp dụng từ Tiểu học đến THCS thì làm sao học sinh có khả năng để học được môn Âm nhạc ở THPT với định hướng nghề nghiệp? Đồng ý là với 1 tiết/tuần cho môn Âm nhạc, học nhiều nội dung (Hát, Nhạc lý, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức) như chương trình hiện hành thì không thể kỳ vọng học sinh tự đọc được bài đọc nhạc, chưa kể là còn có nhiều em năng khiếu không có. Song, với phân môn này, làm sao để khi không có sự làm mẫu của giáo viên thì ít nhất học sinh cũng đọc được tên nốt nhạc, biết cách đọc gam Đô trưởng, cách thực hiện trường độ đơn giản và với những em có năng khiếu có thể đọc được những cao độ hay trường độ thật dễ (nốt trắng, nốt đen).

Muốn như vậy, giáo viên phải có phương pháp dạy học để luôn luôn hình thành cho học sinh năng lực chủ động chiếm lĩnh tri thức. Nghĩa là, cần loại bỏ ý nghĩ, học sinh phổ thông không thể đọc nhạc được và cần loại bỏ lạm dụng phương pháp chỉ dùng đàn mẫu, đọc mẫu rồi học sinh đọc theo. Hoàn toàn dùng đàn giai điệu trước rồi học sinh đọc theo sẽ khiến các em không biết phân tích và không hiểu tại sao lại phải đọc nhạc như vậy, dù chỉ với những vấn đề sơ giản nhất. Đặc biệt, với phương pháp luôn đàn mẫu, học sinh có năng khiếu đã bị tước đi mất khả năng tự học của mình.

Vậy với phân môn Tập đọc nhạc, khi nào áp dụng đàn mẫu và khi nào không áp dụng? Đây là mấu chốt của vấn đề - là áp dụng dạy học theo tiếp cận năng lực. Giáo viên cần dạy kết hợp giữa đàn mẫu và không mẫu, khi học sinh đã có những kỹ năng nhất định, gặp cao độ hoặc trường độ tương tự và ở mức độ dễ, giáo viên chỉ việc gợi mở để học sinh tự phân tích và tự đọc, chỉ khi học sinh không làm được mới đàn mẫu hoặc đọc mẫu. Nếu được học như vậy, học sinh phải vận động trí não, phải có sự chủ động trong tiếp thu, không thụ động chờ âm thanh vang lên rồi lặp lại, qua nhiều năm, ít nhất các em cũng có một năng lực nào đó trong đọc nhạc, nhất là với các em có năng khiếu. Đặc biệt, cần kiên quyết loại bỏ việc học sinh không nhìn nốt trên bản nhạc mà phiên ra chữ cái viết tắt bằng tiếng Việt ở bên dưới các nốt nhạc. Tôi cho rằng, riêng lỗi này là do các giáo viên đã hoàn toàn không đạt trong cả phương pháp lẫn nội dung dạy học âm nhạc. Thực tế vào năm 2003, khi dự giờ ở một trường Tiểu học  ở Hà Nội, một bất ngờ lớn với tôi đó là các em học sinh lớp 4 hoàn toàn đọc được cao độ một bài Tập đọc nhạc theo tay chỉ tên nốt trên bảng phụ của cô giáo mà không cần cô đàn mẫu (sau khi các em đã được đọc kỹ gam). Như thế, không nên cho rằng học sinh phổ thông không thể tự đọc được nhạc dù với bất cứ một giai điệu dễ đến mấy mà phải dạy theo phương pháp truyền tai. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh phổ thông, không nên quá sa đà vào dạy học Tập đọc nhạc như cho đối tượng chuyên nghiệp.

Một điều rất quan trọng là để đạt được dạy học theo năng lực thì cần đổi mới cách viết SGK. SGK hiện hành được viết theo hướng tiếp cận nội dung, chẳng hạn ở phân môn Hát, trong sách chỉ có bản nhạc của bài hát và đôi lời giới thiệu về bài hát... không có gợi ý cách hát; với phân môn Tập đọc nhạc thì chỉ có bài tập đọc nhạc... Như vậy, mặc dù đã được học bài tập đọc nhạc ở trên lớp nhưng khi nhìn vào các bản nhạc trong sách, học sinh rất khó để có thể tự thực hiện được những bước thực hành căn bản như đọc gam hay quãng...

SGK viết theo hướng tiếp cận năng lực cần có những bước, những quy trình cho các nội dung hoạt động để giáo viên dễ dàng soạn giáo án theo dạng phân nhánh. Với Tập đọc nhạc cần có bước đọc gam, quãng 2, quãng 3, luyện riêng trường độ, cao độ... và được lặp đi lặp lại thành quy trình. Lâu dần, cách dạy học này hình thành ở học sinh kỹ năng nhận biết và tự thực hành; khi đó, chỉ cần nhìn sách, các em có thể tự biết thực hiện đọc gam, quãng... như thế nào. Không chỉ với phân môn Tập đọc nhạc mà với cả Nhạc lý, Hát, Thường thức âm nhạc, SGK cũng nên được viết tương tự như vậy.

Một vấn đề nữa cho thấy trong SGK cũng cần có sự thay đổi, đó là để hình thành năng lực âm nhạc thì cần chú trọng nội dung thực hành, có thể lược bớt một số nội dung lý thuyết và lý thuyết nên được lồng ghép trong các nội dung thực hành, giúp học sinh học đến đâu, hiểu và được áp dụng ngay đến đó vào bài hát hay bài đọc nhạc một cách cụ thể. Ngoài ra, về số lượng bài hát hay tập đọc nhạc cũng không nên nhiều mà có thể giảm bớt hơn để học bài nào, học sinh được đi sâu rèn luyện kỹ năng hơn. Đặc biệt, các bài tập đọc nhạc nên soạn những giai điệu dễ, đơn giản để học sinh có thể dần dần tự đọc được ở một mức độ nhất định, không nên dùng hoàn toàn những bài hát quen thuộc để làm bài tập đọc nhạc.

KẾT LUẬN

Dạy học âm nhạc theo định hướng tiếp cận năng lực đem lại cho học sinh những lợi ích thiết thực, có năng lực âm nhạc cốt lõi, khả năng chủ động và là cơ sở để có thể tự học. Đó chính là đáp ứng mục tiêu của đổi mới giáo dục hiện nay. Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực đang là một đòi hỏi cấp bách của chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Chương trình tổng thể và nội dung chương trình chi tiết các môn học. Để đáp ứng được yêu cầu của Bộ, của chương trình mới, thiết nghĩ các giáo viên đang dạy Âm nhạc ở phổ thông, các nhà quản lý ở các trường phổ thông cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và kịp thời có những chuẩn bị phù hợp để khi SGK mới ban hành sẽ thích ứng được với phương pháp dạy học mới. Không chỉ có vậy, các trường đào tạo giáo viên âm nhạc như Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều trường khác cũng cần có sự thay đổi tích cực trong đào tạo giáo viên âm nhạc để đáp ứng cho xu thế mới.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, dự án Việt - Bỉ, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (tháng 12/2017), Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (tháng 4/2018), Chương trình giáo dục phổ thông - Môn Âm nhạc.
  4. Nguyễn Văn Cường, Prof. Bernd Meier, (2011), Lý luận dạy học hiện đại, một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học, Đại học Postdam, CHLB Đức. Postdam - Hà Nội.
  5. Đoàn Nguyệt Linh (2016), Phát triển Năng lực thực hiện cho học sinh trong dạy học môn Lịch sử ở trường Trung học phổ thông (Thực nghiệm qua lớp 10 chương trình chuẩn), Luận án Tiến sĩ, ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.
  6. Robert J.Marazano (2007), Nguyễn Hữu Châu dịch, Nghệ thuật và khoa học dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Viện Giáo dục vì Hòa bình và phát triển bền vững Mahatma Gandhi - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (2017) Sách giáo khoa vì sự phát triển bền vững.