Nghiên cứu lý luận

THIÊN TÍNH NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI – NHÌN QUA NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT

10 Tháng Tư 2021

Nguyễn Thị Năm Hoàng

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Tóm tắt: Thiên tính nữ là một hiện tượng thú vị, một đặc điểm của văn chương Việt Nam đương đại. Điều này được thể hiện đậm đặc thông qua một hệ thống biểu tượng nghệ thuật đa dạng, phong phú, vừa mang bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam, vừa mang dấu ấn của thời đương đại với sự hội nhập, giao thoa văn hoá sâu rộng. Từ góc nhìn văn hoá, bài viết này vận dụng kết hợp phê bình Nữ quyền và các phương pháp tiếp cận Ký hiệu học, Thi pháp học, Tự sự học để mô tả và phân tích các biểu tượng tiêu biểu thể hiện thiên tính nữ trong văn Việt Nam đương đại, bao gồm ba nhóm biểu tượng cơ bản: biểu tượng thiên nhiên, biểu tượng xã hội, và biểu tượng thân thể, cảm xúc. Từ đó, bài viết cho thấy những đặc sắc trong cách nhìn, cách cảm nhận thế giới cũng như sự phong phú trong đời sống tâm hồn và thể chất của người phụ nữ trong văn học Việt Nam đương đại.

Từ khóa: thiên tính nữ, biểu tượng, văn học Việt Nam đương đại.

 

FEMININITY IN CONTEMPORARY VIETNAMESE LITERATURE – A STUDY THROUGH SYMBOLS

Abstract: Femininity is an interesting phenomenon, a feature of contemporary Vietnamese literature. It is expressed through a rich, diverse system of artistic symbols. The symbols both reflect the traditional Vietnamese cultural identity and imprint of the contemporary period with the deep integration and cross-cultural interference. From a cultural perspective, this article utilizes a combination of Feminist criticism and approaches of Semiotics, Poetry, Narratology to describe and analyze typical symbols of femininity in contemporary Vietnamese literature, with three basic groups of symbols: symbols of nature, symbols of society, and symbols of body and emotion. Thereby, the article shows the characteristics of the way of seeing and feeling the world as well as the richness in the spiritual and physical life of women in contemporary Vietnamese literature.

Keywords: femininity, symbols, comtemporary Vietnamese literature.

 

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá thường quan tâm đến sự thể hiện con người của văn chương trong các dạng thức hoạt động gắn với các mối quan hệ của con người với thiên nhiên, với con người trong xã hội và với chính bản thân mình. Vì vậy, cách nhìn của con người với thiên nhiên, các quan niệm chính trị - xã hội và cách thức biểu hiện thân thể, cảm xúc của con người trong văn học là những nội dung được tái hiện trong những nghiên cứu văn học từ phương pháp tiếp cận này. Những nội dung đó thường được triển khai thông qua việc “quan sát một cách hệ thống qua các biểu tượng (symbols); các nghĩa (meanings) của một đối tượng, sự vật; qua các nhân vật tiêu biểu ,heroes); qua các quan niệm và giá trị (values)” (Trần Nho Thìn, 2018, tr.5). Trong bốn thành tố trên, biểu tượng là lớp vỏ bên ngoài của văn hoá, dễ thấy nhất nhưng chứa đựng những “cái được biểu hiện” (signifiel) với ý nghĩa sâu xa và cao hơn, trừu tượng hơn ý nghĩa thông thường của bản thân nó. Trong văn chương, biểu tượng là những hình ảnh được chắt lọc, kết tinh những giá trị cao hơn ý nghĩa thông thường của lớp vỏ từ ngữ chứa đựng nó, nó đúc kết những thông điệp nghệ thuật mà tác giả gửi gắm đồng thời là nơi ngưng đọng những giá trị văn hoá của không – thời gian mà nó được kiến tạo. Tiếp cận văn học Việt Nam đương đại từ góc nhìn văn hoá, có thể quan sát thấy thiên tính nữ được kết tinh trong một hệ thống biểu tượng khá phong phú, vừa phản ánh khuynh hướng chung, vừa bộc lộ những nét riêng đặc sắc của từng tác giả trong mối quan tâm, sự đề cao phản ánh về phụ nữ gắn với bối cảnh văn hoá đương đại.

  1. Biểu tượng thiên tính nữ - giới thuyết từ góc nhìn văn hoá

Theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người  đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó” (Jean Chevalier, 2002, tr.2 XXIV). Mỗi ngành khoa học lại có cách định nghĩa biểu tượng riêng của mình. Trong văn học, biểu tượng là “phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” (Lại Nguyên Ân, 2003, tr.24). “Biểu tượng trong văn học được nhận thức qua ngôn ngữ, diễn đạt những gì mà không có nó, mọi thực tại kinh nghiệm, thức nhận của cảm xúc về hiện hữu sẽ trở nên thiếu chân thật và không rõ ràng, (…) Thực tại đời sống có muôn vàn ẩn số, ám dụ, ẩn dụ, mà bằng lôgic thông thường con người không giải mã được trọn vẹn. Biểu tượng vì vậy vừa lưu giữ, giải thích, vừa sáng tạo, vừa tái sinh cái vô tận trong cái kết hợp văn hóa của nhiều bối cảnh, thời kỳ khác nhau” (Hoàng Thị Huế, 2015). Nói cách khác, biểu tượng trong văn học là những hình ảnh, những chi tiết mang ý nghĩa tượng trưng, cao hơn nghĩa thông thường của bản thân hình ảnh, chi tiết đó; là một cách diễn đạt những ý nghĩa trừu tượng một cách sống động bằng ngôn ngữ. Vậy biểu tượng thiên tính nữ được hiểu như thế nào? Ở đây cần minh định rõ, khái niệm thiên tính nữ chúng tôi sử dụng trong bài viết này có ý nghĩa là khuynh hướng thể hiện đặc tính nữ của các tác giả trong tác phẩm, nó không chỉ là nữ tính như một đặc điểm tự nhiên, tất yếu của tác giả mang phái tính nữ, mà là sự thể hiện có chủ ý, là nguyên tắc tư duy nghệ thuật và tổ chức tác phẩm có thiên hướng hướng tới tính nữ. Thiên tính nữ, do vậy, là khái niệm thuộc về giới tính (gender) hơn là phái tính (sex). Trong cuốn sách Sex and Gender: On the Development of Masculinity and Femininity (Tạm dịch: Giống và giới tính: trong sự phát triển của nam tính và nữ tính), Robert Stoller phân biệt “giống”/ “phái tính” (sex) và “giới tính” (gender): nếu như phái tính gắn liền với đặc điểm sinh học, sinh lý của con người thì giới tính là yếu tố do môi trường văn hoá quy định: những phong tục, tập quán phổ biến, thói quen nhận thức được điều kiện hoá như những khuôn mẫu chi phối cách nhìn của xã hội về tính cách của người nam và người nữ. Theo đó, nếu những khác biệt về giống, về sinh lý là tự nhiên, mặc định, không tránh khỏi, thì những bất bình đẳng về giới tính lại xuất phát từ văn hoá, xã hội, gắn liền với những phạm trù giới tính như “nam tính” (masculinity) và “nữ tính” (femininity), và vì vậy quan niệm về giới tính sẽ có sự thay đổi, vận động ở những không gian văn hoá, và thời kỳ khác nhau. Những biểu tượng văn hoá gắn với quan niệm giới tính, do đó, cũng sẽ khác nhau ở từng môi trường văn hoá và có tính lịch sử. Chẳng hạn, với văn hoá truyền thống Việt Nam, cày ruộng là một công việc nặng nhọc, thường được hiểu là việc của đàn ông. Hình ảnh Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa trong ca dao là hình ảnh rất quen thuộc về sự phân công lao động của hai giới trong nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm chiến tranh, khi cầm súng chiến đấu là nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của người đàn ông, thì công việc đi cày lại trở thành một biểu tượng cho phẩm chất đảm đang của người phụ nữ hậu phương, “đường cày đảm đang” trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ An Chung là biểu tượng cho sự chung lòng gắng sức của hậu phương với tiền tuyến trong chiến tranh: Còn giặc xâm lăng, tiền tuyến hậu phương/ Tất cả ta chung lòng gắng sức hôm nay/ Giặc tan anh về, đón anh thăm đường cày/ Đường cày đảm đang. Trong xã hội Việt Nam đương đại, sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước từng bước đổi mới và hội nhập mạnh mẽ với thế giới, thì cái nhìn về người phụ nữ cũng như sự tự ý thức, tự biểu hiện của phụ nữ có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Trong văn học, điều đó cũng được thể hiện một cách rõ nét, và một trong những biểu hiện có thể quan sát trực diện, là sự xuất hiện của một hệ thống những biểu tượng thiên tính nữ - những biểu tượng được kiến tạo với chủ ý nghệ thuật nhằm hướng tới khẳng định, đề cao ý thức giới tính, góc nhìn giới tính của các tác giả nữ. Với phạm vi khảo sát là tác phẩm tiêu biểu của các tác giả nữ trong văn học đương đại, chúng tôi sẽ mô tả và phân tích một cách tổng quát về các/ các nhóm biểu tượng này, qua đó cho thấy đặc trưng của hệ thống ký hiệu văn hoá của/ về người phụ nữ trong văn học Việt Nam đương đại.

Như chúng tôi đã giới thuyết ở trên, hướng tiếp cận văn hoá quan tâm đến ba mối quan hệ cơ bản trong đời sống con người: quan hệ giữa con người với thiên nhiên, quan hệ con người với con người trong xã hội, và quan hệ, ứng xử của con người với chính bản thân mình. Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá, vì vậy, chú trọng làm rõ cách miêu tả thiên nhiên, các tư tưởng, quan niệm chính trị - xã hội, ứng xử của cá nhân với cộng đồng và cách thức tự bày tỏ ,thể hiện tâm trạng, cảm xúc, thân thể) của con người trong văn chương. Với cách hiểu như vậy, bài viết tái hiện và phân loại các biểu tượng thiên tính nữ cơ bản trong văn học Việt Nam đương đại một cách tương đối thành ba nhóm cơ bản: các biểu tượng liên quan đến mối quan hệ giữa người phụ nữ với thiên nhiên, các biểu tượng thể hiện cái nhìn xã hội của người phụ nữ, phản ánh mối quan hệ cá nhân – cộng đồng, và các biểu tượng về mối quan hệ của người phụ nữ với thân thể, cảm xúc của chính mình.

Sẽ là một con số khổng lồ nếu liệt kê tất cả các biểu tượng trong từng bài thơ, câu chuyện của tất cả các tác giả nữ trong văn học Việt Nam đương đại. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một số biểu tượng thiên tính nữ có tính phổ quát, được sử dụng lặp lại ở nhiều tác phẩm, tác giả như một sự đồng cảm, và tuy đều có ý nghĩa biểu tượng nhưng được kiến tạo với những sắc thái hình ảnh, những lớp vỏ ngôn ngữ hết sức đa dạng, linh hoạt, tạo nên những tứ thơ sinh động, những câu chuyện cụ thể với bản sắc riêng trong cá tính sáng tạo của các tác giả.

  1. Thiên tính nữ qua các biểu tượng thiên nhiên

Trước hết, về biểu tượng thiên nhiên, “cánh cò” , “giọt sương”, “đêm” / “bóng tối”, “cát”, “mùa”, “mùa thu”, “chiếc lá”, “cánh chuồn”, “trăng”, “vườn”, “mưa”, “biển”, “gió”, “những chiếc gai”, “ngôi sao”, “đất”, “nước”, “lửa”, “sông”, “cánh đồng”, “hoa”, “nắng”, “sương”, “bão”… xuất hiện với tần số khá dày đặc trong văn học Việt Nam đương đại, và trong sáng tác của các tác giả nữ đã trở thành những biểu tượng quen thuộc. Trong số ba nhóm biểu tượng kể trên, theo thống kê của chúng tôi, biểu tượng về thiên nhiên chiếm số lượng lớn hơn cả, trong số đó có những biểu tượng phổ biến ở nhiều tác giả. Chẳng hạn, trong tập Thơ 10 năm, biểu tượng “đêm” có mặt trong một loạt bài của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (Miệt vườn, Những vàm sông đêm), Đặng Thị Thanh Hương (Trà nguội, Giấc mơ rừng già), Vi Thuỳ Linh (Chân dung, Yêu ở Rome, Eo mưa), Nguyễn Phan Quế Mai (Hà Nội); biểu tượng “cánh cò” cũng có trong một loạt bài thơ của tập Thơ 10 năm (Thấp thoáng cánh cò – Nguyễn Lập Em), tập Thơ văn nữ Việt Nam (Quê chồng – Nguyễn Thị Ngọc Hà, Một mình trong mưa – Đỗ Bạch Mai, Lời thì thầm với cha – Nguyễn Thị Mai), tập 80 tác giả nữ (Cánh cò – Lê Minh Hoài); “biển” và “cát” cũng là những biểu tượng quen thuộc trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ (Cát đợi, Biển ấm), Phan Thị Vàng Anh (Khi người ta trẻ) và của rất nhiều bài thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát (Biển), Đoàn Thị Lam Luyến (Biển đá, Trước biển, Biển trong ta…). Từ góc nhìn của Phê bình nữ quyền sinh thái, sự xuất hiện các biểu tượng thiên nhiên với số lượng lớn và phổ biến ở nhiều tác giả, tác phẩm là điều dễ hiểu, bởi lẽ, phụ nữ từ trong bản chất vốn gần với thiên nhiên, và thường được phân biệt với nam giới trong cách ứng xử với thiên nhiên: phụ nữ thường lựa chọn lối sống hoà hợp với thiên nhiên trong khi nam giới có xu hướng chinh phục thiên nhiên: “Các nhà nữ quyền sinh thái văn hoá cho rằng kinh nguyệt khiến phụ nữ có thể duy trì mối quan hệ thường xuyên, có tính quy luật với thế giới tự nhiên (như quy luật trăng tròn trăng khuyết), từ đó phụ nữ có thể kết nối mối quan hệ giữa những người khác trong xã hội với tự nhiên. Từ góc độ sinh lý nữ và thiên tính chăm sóc, bảo bọc con cái và gia đình, phụ nữ cũng có bản năng chăm sóc, chở che vạn vật trong tự nhiên” (Hoàng Thị Tịnh Thy, 2017). Các biểu tượng thiên nhiên thường cho thấy sự hoà hợp với thiên nhiên, tinh thần tìm đến thiên nhiên để giải phóng cảm xúc tiêu cực, tìm thấy trong thiên nhiên sự tương đồng, thấu cảm, niềm an ủi, điểm tựa trong cuộc sống đối với người phụ nữ nhằm hướng tới sự cân bằng, minh triết, bình an. Nếu như trong văn học dân gian và ở những giai đoạn trước, thiên nhiên thường được dùng như một so sánh, ẩn dụ cho vẻ đẹp hay thân phận người phụ nữ (Em như, Thân em như…), hoặc người phụ nữ mượn những hình ảnh thiên nhiên để “nói hộ” lòng mình như Xuân Quỳnh: Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ (Sóng) hay trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Cô gái như chùm hoa lặng lẽ / Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu (Hương thầm), thì trong văn học đương đại, thiên nhiên, trong một số biểu tượng, chính là sự soi rọi, thắp sáng, bùng cháy cho cái tôi của người phụ nữ đương đại trong khát vọng được trực tiếp cất lên tiếng nói bản ngã, trong khát khao yêu đương, thăng hoa, quyện hoà, đắm say như với truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ: “Sương nhè nhẹ buông. Trong gió có mùi tanh nồng của biển. Có mùi mằn mặn của muối. Tôi thấy nóng bừng người vì nhớ anh. Tôi đang sống trong một năm không có mùa đông. Biển năm nay ấm” (Biển ấm); hay trong thơ Vi Thuỳ Linh: Trong vũ điệu nắng / Trong tiết tấu mưa / Từ nơi khởi nguyên / Lửa mọc mầm theo đường cong thân thể / Dọc hai ngàn dặm / Vũ trụ nhập men theo sự cuồng nhiệt của hai con người được sinh ra cho nhau (Lửa trắng); Anh - nguồn em /  Hãy đến đi / Cho đêm ngày cháy bùng bão lửa (Gọi nguồn); Em nghe thấy nhịp cách êm ái ân / Gió làn gió thổi sương thao thác / Đêm run theo tiếng nấc / Về đi Anh! (Người dệt tầm gai). Thiên nhiên chính là người bạn đồng hành thân thiết chứ không chỉ là hệ quy chiếu đối với người phụ nữ như trong văn học các giai đoạn trước.

  1. Thiên tính nữ qua các biểu tượng xã hội

“Mẹ”, “con”, “lời ru”, “chùa”, “con đường”, “căn phòng”, “ngôi nhà”, “sân bay”, “thời gian”, “bào thai”, “lá thư’ / “email”, “cầu thang”, “nhật ký”, “tôi”, “ly hôn”, “nhẫn”, “điểm hẹn”, “thơ”, “internet”, “cánh cửa” / “cổng”, “bàn thờ”, “thành phố”, “chung cư”, “công ty”… là những biểu tượng xã hội, phản ánh các mối quan hệ của người phụ nữ với con người trong xã hội. Chúng tôi quan sát thấy các biểu tượng này thường xoay quanh quan hệ tình yêu, hôn nhân, gia đình, các không gian đời tư hơn là những vấn đề liên quan đến quan điểm chính trị, xã hội. Chẳng hạn, “lá thư”, email là biểu tượng được dùng trong một số tác phẩm tự sự để thể hiện việc giải mã những bí mật (bí mật về sự phản bội, lỗi lầm của người cha trong Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh, bí mật về cái chết để giải thoát và bảo toàn nhân cách của Thuỳ Châu trong Vũ điệu địa ngục của Võ Thị Hảo, bí mật về nhân vật người đàn ông đầy sức hút trong Trò chơi huỷ diệt cảm xúc của Y Ban…), và tất cả những bí mật ấy đều liên quan đến những mối quan hệ gia đình của nhân vật nữ trong tác phẩm. Như vậy, thiên hướng kiến tạo biểu tượng của các nhà văn nữ thường xuất phát từ những chi tiết, những vấn đề gần gũi với cuộc sống, mối quan tâm của người phụ nữ. Tất nhiên, ý nghĩa của các biểu tượng rộng lớn, sâu sắc hơn bản thân tình huống mà nó phản ánh. Có thể thấy điều đó ngay trong biểu tượng “lá thư” của truyện ngắn Kịch câm. “Tờ giấy thông hành ấy nhỏ bằng hai bao diêm, một cạnh xé lam nham, vội vã, một lời hẹn yêu đương của một người già quên tuổi tác và nghĩa vụ - bố nó - với một người nó không hề có một tý khái niệm nào về tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp, hoàn toàn lù mù, chỉ hiểu bố nó tha thiết viết: “Em!”…”. Lá thư hẹn hò vội vã ấy khiến cho đứa con gái phát hiện ra bố nó không phải một người trang nghiêm, chỉn chu, mẫu mực như ông vẫn thể hiện hàng ngày, và từ nay nó coi đó như một “tờ giấy thông hành” cho tự do của mình. Nhưng cao hơn câu chuyện cha con trong một gia đình, cái bí mật động trời ấy còn biểu thị và dự báo những hiểm nguy của xã hội, của thời đại khi thế hệ trẻ bị tan vỡ niềm tin vào những giá trị, những xác tín đã có, và mất đi những điểm tựa tinh thần trong cuộc sống. Nhìn chung, các tác giả nữ khi viết về các vấn đề xã hội, thời đại, thường nhìn qua lăng kính giới tính, và khúc xạ những vấn đề xã hội qua những câu chuyện của gia đình, của tình yêu là những vùng thân thuộc trong mối quan tâm cũng như tư duy của người phụ nữ.

  1. Thiên tính nữ qua các biểu tượng thân thể và cảm xúc

Ở nhóm các biểu tượng thân thể và cảm xúc nữ giới, chúng tôi nhận thấy chưa bao giờ văn học Việt Nam lại phong phú các biểu tượng “nước mắt”, “trái tim”, “bàn tay”, “nụ hôn”, “ánh mắt” / “đôi mắt”, “đôi môi”, “ngực”, “hơi thở”, “kinh nguyệt”, “giấc mơ”, “hồn và xác”, “nỗi buồn”, “cô đơn”, “hạnh phúc”, “sợ hãi”, “nụ cười”… như ở giai đoạn này. Có thể nói chưa bao giờ người phụ nữ có ý thức mạnh mẽ về “tâm” và “thân” của mình và giới mình mạnh mẽ như hiện nay, và văn chương chính là địa hạt để các tác giả bày tỏ những nhận thức ấy một cách mạnh mẽ bằng ngôn ngữ, bằng hình tượng. Đây là một sự vận động có lý do lịch sử. Về “tâm”, trước thời kỳ đương đại, đặc biệt là trong chiến tranh, văn học ưu tiên bày tỏ những cảm xúc khiến con người trở nên mạnh mẽ, đó là niềm vui, sự tự tin, niềm lạc quan, tin tưởng, phấn khởi, còn văn học đương đại trong điều kiện hoà bình trở về đúng bản chất và thiên chức của mình là nhìn con người trong tất cả sự chân thực, phong phú, phức tạp của đời sống tâm hồn, cảm xúc. Tất cả hỉ nộ ái ố, tất cả những trạng huống cảm xúc của phụ nữ, đặc biệt là chiều sâu của nỗi buồn, nỗi cô đơn, của những khát khao thầm kín, được các tác giả đặc biệt chú ý khai thác, phơi bày trên trang giấy. Trong số đó, khát khao được yêu thương, khát khao bản năng của giới, khát khao được thực hiện những thiên chức phụ nữ như làm vợ, làm mẹ được thể hiện chân thành và sâu sắc qua những biểu tượng được kiến tạo từ tâm trạng “thèm chồng” (Vi Thuỳ Linh), nỗi đau đớn tột cùng hay cảm giác trống rỗng khi tuột mất cơ hội làm mẹ (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ - Y Ban, Thiếu phụ chưa chồng - Nguyễn Thị Thu Huệ), những trạng thái tâm lý phức tạp của người vợ, người mẹ, người con sau những biến cố hôn nhân, gia đình (Con chó và vụ ly hôn – Dạ Ngân, Trăng nơi đáy giếng – Trần Thuỳ Mai, Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư…). Biểu tượng giấc mơ với nhiều biến thể, nhiều màu sắc khác nhau cũng được các tác giả kiến tạo để giải mã những ẩn ức, những ước mong, khát vọng của người phụ nữ. Về “thân”, ý thức phái tính, giới tính, và trong nhiều trường hợp, dấu ấn của tư tưởng nữ quyền đã giúp người phụ nữ mạnh dạn, thoải mái đề cập đến thân xác như là dấu ấn riêng, bản sắc riêng của cá nhân. Thân thể phụ nữ được miêu tả, bày tỏ trong văn học đương đại không chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài, là dung nhan, diện mạo, mà bao gồm cả những chi tiết, hình ảnh về những bộ phận thân thể gắn với đặc điểm sinh lý của người phụ nữ, những khát khao, những hoan lạc về dục tính – những điều vốn được coi là nhạy cảm, thậm chí là những “taboo” trong văn học nữ những giai đoạn trước. Bầu ngực của thị trong I am đàn bà của Y Ban, với sự nhạy cảm riêng của giới tính, của bản năng làm mẹ, bản năng chở che, nuôi dưỡng, đã cứu sống thằng cu Đức bị bỏ quên trong rừng, và một lần nữa ấp ôm, truyền sinh khí cho ông chủ ốm liệt giường. Đó chính là biểu tượng cho thiên tính nữ trong tính đa trị: cả những khát vọng tự nhiên có tính nhân bản, có thể lầm lạc, đi ra ngoài lý trí và những lề thói đạo đức, luật pháp, và cả những giá trị tốt đẹp được lan toả một cách có ý thức. Biểu tượng ấy khiến cho thị - nhân vật không tên, trở thành sứ giả của tinh thần nữ quyền, vượt lên trên định kiến thông thường, vượt qua sự hạn hẹp của ngôn ngữ, để người đọc thấu hiểu, cảm thông, và trân trọng “đàn bà” như một thực thể không hề giản đơn và nằm trên những đường biên vô cùng mong manh, tinh tế. Phan Huyền Thư đã khắc hoạ trong thơ, và thậm chí đặt tên cả tập thơ bằng cụm từ miêu tả tư thế ỡm ờ, loã lồ, thổn thức của người phụ nữ: Nằm nghiêng: Nằm nghiêng ở trần thương kiếp nàng Bân / ngón tay rỉ máu. Nằm nghiêng / khe cửa ùa ra một dòng ấm /  cô đơn. Nằm nghiêng / cùng sương triền đê đôi bờ / ỡm ờ nước lũ. Cái dáng điệu “nằm nghiêng” khác xa với sự chỉn chu, e ấp, đoan trang thông thường của người phụ nữ Việt Nam ấy chính là biểu tượng cho sự cách tân mạnh mẽ trong cách nhìn, cách nghĩ, cách tự biểu đạt của người phụ nữ đương đại, khi họ lấy chính mình, lấy thân thể và cảm xúc của chính mình làm đối tượng chính, đối tượng hàng đầu của sự thể nghiệm và sáng tạo, từ chối thế cố định, bị động, lệ thuộc vào đàn ông về thân phận trong những biểu tượng “dải lụa đào”, “hạt mưa sa”, “cây lụa trắng”, “hoa khuê các”... trong truyền thống văn học dân tộc[1]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp (2013) khi bàn về đề tài tình dục như một phương diện cơ bản cho thấy âm hưởng nữ quyền trong văn học đương đại Việt Nam đã cho rằng: “Với họ, tình dục là một phương diện thể hiện rõ nhất sự tự do bản ngã. Thậm chí, đã bắt đầu manh nha lối “viết bằng thân thể”, dùng ngôn ngữ để biểu hiện nhịp điệu của suy nghĩ”.

Có thể nói, những biểu tượng về thân thể và cảm xúc cá nhân là dấu hiệu cho thấy thiên tính nữ mạnh mẽ nhất trong tác phẩm của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, thể hiện sự quan tâm bày tỏ ở chiều sâu một thế giới tâm sinh lý mang bản sắc giới tính rõ nét, và mang dấu ấn của một thời đại mới trong văn chương.

KẾT LUẬN

Nhìn một cách tổng quát, những biểu tượng thiên tính nữ mà chúng tôi vừa mô tả ở trên vừa là kết quả của sự trưởng thành trong nhận thức và trong nghệ thuật của các tác giả nữ về vấn đề giới tính, nhưng đồng thời cũng là kết quả của sự vận động trong tư tưởng, quan niệm chung của thời đại, khi mà trong xã hội, phụ nữ ngày càng chứng minh được những ưu thế, bản sắc của mình và ngày càng được nhìn nhận, ứng xử một cách bình đẳng, văn minh hơn. Thiên tính nữ đã không chỉ là đặc sản riêng trong sáng tác của các nhà văn nữ mà còn lan toả sang cả nhiều tác phẩm của các nhà văn nam như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh,… Đó chính là một dấu hiệu cho thấy tinh thần bình đẳng và giá trị nhân văn của văn học Việt Nam đương đại.

Simone de Beauvoir (1996, tr.245) từng nói: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”. Trên con đường “trở thành” phụ nữ và xác lập sự tồn tại của giới nữ như một vườn hoa nhiều hương sắc, cá nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã kiến tạo nên một hệ thống biểu tượng thiên tính nữ đa dạng, phong phú, vừa thể hiện những đặc trưng giới tính, vừa cho thấy những giá trị phổ quát mang tính nhân loại của người phụ nữ trong một thời đại có nhiều biến đổi so với các giai đoạn văn học trước. Bên cạnh việc tái hiện những biểu tượng thiên tính nữ trong văn học Việt Nam đương đại, thì sự phân tích so sánh để chỉ ra những nét đặc sắc riêng của các biểu tượng đó ở từng nhà văn, từng tác phẩm, và tìm hiểu những phương thức kiến tạo biểu tượng, phương thức tạo nghĩa cho các biểu tượng đó…, chính là những khả năng nghiên cứu có thể tiếp tục trong những công trình nghiên cứu một cách chi tiết, công phu hơn về biểu tượng như là một thành tố quan trọng của đời sống văn học khi tiếp cận từ phương diện văn hoá. Chúng tôi hy vọng có dịp trở lại để lấp đầy những khoảng trống đó trong nghiên cứu của mình về biểu tượng thiên tính nữ trong văn học Việt Nam đương đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lại Nguyên Ân (biên soạn), 2003, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Simone de Beauvoir, 1996, Giới Nữ, tập 1, Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch, Nxb Phụ nữ.

[3] Jean Chevalier, 2002, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng.

[4] Nguyễn Đăng Điệp, 2013, “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại”, https://phebinhvanhoc.com.vn/van-de-phai-tinh-va-am-huong-nu-quyen-trong-van-hoc-viet-nam-duong-dai/.

[5] Hoàng Thị Huế, 2015, “Ánh xạ từ biểu tượng cái tôi trong thơ của một số nhà thơ Việt đương đại”, http://maivanphan.vn/maivanphan/32/398/845/5276/kho-luu-tru/anh-xa-tu-bieu-tuong-cai-toi-trong-tho-cua-mot-so-nha-tho-viet-duong-dai--tieu-luan----hoang-thi-hue.aspx.

[6] Trần Nho Thìn, 2018, Phương pháp tiếp cận văn hoá trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, Nxb Giáo dục.

[7] Hoàng Thị Tịnh Thy, 2017, “Phê bình từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái: sự kết hợp giữa “cách mạng giới” và “cách mạng xanh” trong nghiên cứu văn học”, http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n25710/Phe-binh-tu-chu-nghia-nu-quyen-sinh-thai-su-ket-hop-giua-cach-mang-gioi-va-cach-mang-xanh-trong-nghien-cuu-van-hoc.html.

[8] Robert J Stoller, 1994, Sex and Gender: The Development of Masculinity and Femininity, Maresfield Library.

 

 


[1] Xin xem thêm phần viết về “Người phụ nữ tỏng thuộc, bị động và hệ thống các biểu tượng” trong sách: Trần Nho Thìn, 2018, Phương pháp tiếp cận văn hoá trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, Nxb Giáo dục, tr. 350 – 356.