Tin tức

BIẾN ĐỔI MỘT SỐ TẬP QUÁN DÂN LÀNG Ở VEN ĐÔ

17 Tháng Sáu 2021

ĐÀO ÁNH DƯƠNG

Học viện Chính trị khu vực 1

E-mail: anhduongdaovn@gmail.com

 Tóm tắt:

 Những việc làng, việc họ cùng tập quán, tín ngưỡng dân làng vốn được cho là những thứ truyền thống thủ cựu, khư khư, ưa chấp được đánh giá không mấy tích cực. Trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đặc biệt hội nhập thông tin toàn cầu, những tập quán trong làng còn nặng hay không? Bài viết này góp phần làm rõ thêm vấn đề ở các làng quanh khu đô thị mới Nam An Khánh - nằm ở phía tây thủ đô Hà Nội, song song đại lộ Thăng Long. Nghiên cứu chỉ ra xu thế biến đổi tập quán hướng đến sự hiện đại, linh hoạt thích ứng theo chiều tích cực ở các làng ven đô hiện nay.

Từ khóa: tập quán, việc cưới, việc tang, kiêng kỵ, đô thị hóa, hội nhập…

CHANGES OF THE PEASANT CUSTOMS IN VILLAGES

AROUND  URBAN AREA

Abstract: Congratulation, marriage, funeral and rituals have always received many arguments from the past. The village events , clans affairs, the common practices and the villagers‘ beliefs, which are considered to be the traditional things that are former, conservative and argumentative, are not considered appropriate positive. In the process of urbanization and modernization of infrastructure, especially integration of global information, are village customs still profound? This article contributes to clarifying this problem in the villages around Nam An Khanh new urban area - located west of Hanoi capital, parallelling to Thang Long freeway. The study shows the trend of changing customs towards a modern, flexible and positive adaptation in the villages around urban area, nowsaday.

Keywords: custom, marriage, funeral, taboo, urbanization, integration

Trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập thông tin toàn cầu, tập quán tổ chức cưới gả, chôn cất và kiêng kị trong các gia đình ở những làng ven đô đang đổi thay. Sự thay đổi diễn ra ở nhiều cấp độ từ trong tư duy cá nhân của các thành viên đến cách thức tiến hành thực hiện trong gia đình, xóm làng. Việc cưới, việc tang và kiêng kị ở gia đình các làng Vân Lũng, Lại Dụ và Ngự Câu nằm lần lượt ở phía Bắc, phía Tây và chếch Tây Nam khu đô thị Nam An Khánh đang vẽ lên bức tranh mới phản ánh những nét riêng đặc thù, đồng thời thể hiện một xu thế vận động chung, linh hoạt hướng đến những giá trị hiện đại, khoa học và kinh tế.

1. Tập quán tổ chức cưới gả

Cưới gả là việc trọng đại đời người nên cách thức tổ chức một đám cưới hiện đại duy trì "các lễ" truyền thống là một nét văn hóa bên cạnh việc tuân thủ quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Theo số liệu điều tra, mức độ giản lược, loại bớt bước ra khỏi quy trình tổ chức hôn lễ truyền thống chiếm tỷ lệ không lớn. Số trả lời "duy trì" với mức gần 90%. Tuy nhiên, các bước trong hôn nhân truyền thống như "đánh tiếng, chạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới, xin dâu, lại mặt" ở các gia đình nay được tích hợp khá linh hoạt. Qua thực tế quan sát các đám cưới cho thấy, các bước trong hôn lễ hiện đại được thực hiện gộp lại, cơ bản còn ba bước dạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới. Các bước khác giữ lệ theo truyền thống "gọi lễ" đều được tích hợp diễn ra trong cùng ba bước. Lễ lại mặt, bước cuối cùng trong hôn lễ, "dâu mới" về lại nhà đẻ rồi "chú rể" qua đón hoàn tất ngay trong buổi thành hôn.

Bên cạnh việc "giữ lễ" sáng tạo trong hôn lễ, một loạt thủ tục rườm rà khác đồng thời được bỏ đi. Một số đã thực hiện khá lâu như tục nhà gái đóng cổng hay tục trẻ chăng dây ngang đường chờ thưởng. Khi đón dâu ở nhà gái, mẹ đẻ ôm bình vôi tìm chỗ lánh mặt ngày đại lễ của con không còn thấy ở các làng. Việc xem ngày tốt cho ngày đại lễ theo lịch âm là việc thường của các gia đình. Ngày giờ cát hung không phải gia đình nào cũng tuân thủ, tục cưới "hai lần" không còn ràng buộc hoặc chỉ làm chiếu lệ theo phép. Việc xem tuổi nam nữ hợp nhau hay xung khắc thì tùy theo cá nhân, gia đình tham khảo, đặc biệt, các gia đình họ đạo trong thôn Lại Dụ (không coi trọng). Nhiều gia đình linh hoạt ưu tiên chọn những ngày tốt cùng với ngày nghỉ (chủ nhật) tổ chức làm đám.

Đối với nam nữ, đăng ký kết hôn phản ánh nhận thức của mọi người và giới trẻ đang được cải thiện. Điều tra về đăng ký kết hôn của các cặp vợ chồng (khoảng 300 hộ) trong các làng hai xã An Khánh và An Thượng cho thấy sự khác biệt giữa giai đoạn trước và hiện nay. Từ 2010 về trước, số đăng ký kết hôn trước lễ thành hôn là 84%, đăng ký sau là 16%; từ 2010 đến khoảng 2019, với con hoặc cháu họ, tỷ lệ này lần lượt là 92% và 8%. Hiện tượng tảo hôn, cưới sớm trái quy định của luật không còn[1]. Điều này thể hiện ý thức tôn trọng luật, phản ánh sự dân chủ, bình đẳng nam nữ và tính hiện đại trong ứng xử cũng như cho thấy sự hiểu biết về tầm quan trọng của sức khỏe gia đình và sức khỏe sinh sản.

Một điểm nữa đối với nam nữ, việc quyết định hôn nhân thời nay, đôi trẻ tự do tìm hiểu nhau chiếm đa số. Điều tra cho thấy sự biến động rõ rệt trong quan điểm này. Chuyện gia đình sắp xếp định chỗ gần như không còn; chuyện trai gái tìm hiểu và gia đình ra quyết định  giảm từ 41% xuống 15% và thay thế vào đó là việc tìm hiểu và quyết định lấy nhau hoàn toàn là do nam nữ tăng từ 32% lên 71%. Nam nữ đồng ý thương nhau mới có lời với người lớn trong nhà, định ngày người lớn gặp mặt "chạm ngõ" hay dạm ngõ, giới thiệu họ hàng nội ngoại, định ngày làm lễ ăn hỏi, sau đó chọn ngày tổ chức thành hôn.

Thêm một điểm với nam nữ, một số thói quen của cô dâu, chú rể thời đại đang dần thành trào lưu mới. Trước cưới, để chuẩn bị hình ảnh, các cặp thường chọn các Studio ảnh tùy theo gu của mình chụp làm album. Ngày chạm ngõ, ăn hỏi cô dâu chọn mặc áo dài, ngày cưới mặc lễ phục váy đầm, chú rể mặc vest hoặc thuê áo truyền thống. Riêng ở Lại Dụ, các trai thiên hạ lấy vợ theo họ đạo Công giáo đến nhà thờ học kinh và vợ chồng trẻ thọ giáo nghi lễ trước Chúa và làm phép "tha" (đơn giản tha thứ). Sau thành hôn, vợ chồng trẻ có xu thế đặt dịch vụ và đi trăng mật vài ngày.

Về khách khứa, một loạt lệ và thói quen mời chào được biến hóa linh hoạt. Tập quán truyền thống, "lá trầu quả cau" không nhiều, thay vào đó, các gia đình mời qua điện thoại hoặc gởi thiếp in. Hình thức mừng tặng vật của khách cũng đổi khác. Theo con số điều tra, tiền mặt "bỏ thùng phong bì" chiếm tỷ lệ 84% (theo điều tra). Khách dự tiệc chính từ bữa trưa chuyển thành bữa tối hôm trước ngày đại lễ. Khách dự được mời đến nhà văn hóa thôn ăn tiệc đang có xu thế tăng mấy năm nay. Ngự Câu, Ngãi Cầu - làng phía Nam An Khánh là một điển hình, khi các nhà không còn sân lớn, ngõ xóm không thuận tiện. Mâm cỗ khách ngày càng lớn, nhiều món ăn, đồ uống là một thực tế. Đồ uống mời khách phong phú từ rượu, bia cho đến đồ đóng hộp không men. Trong tiệc, thói quen hút thuốc giảm, hiện nay các đám có thuốc lá 20% so với gần 40% năm 2010 số phiếu trả lời. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số trả lời người hút thuốc thì chủ động, cá nhân hút riêng, đặc biệt cán bộ thôn cho biết các nhà đám 100% cam kết không bày thuốc lá mời khách.

Đối với họ mạc, hàng xóm, tập quán chuẩn bị nhà đám, dựng rạp, trang trí, giúp việc cỗ bàn giảm xuống đáng kể. Các gia đình chọn thuê trang trí trọn gói, phục vụ đồ ăn uống và thuê nấu nướng tại các đám cưới ở các làng đang tạo thành phong trào đặt dịch vụ. Do đó, một điều rất tự nhiên, số ngày ăn uống cũng giảm không còn ba ngày (ngày hôm trước, chính tiệc và ngày dọn dẹp) như trước đây. Họ hàng chỉ việc đến uống nước, nói chuyện mừng, không phải làm, xong tiệc cũng không phải dọn dẹp. Họ mạc ăn tiệc cả mấy ngày bớt đi, nhưng quy mô bữa tiệc tăng lên là một thực tế. Tổ chức một bữa tới con số trăm mâm cỗ là chuyện bình thường. Tập quán mừng và ăn chính tiệc được dịch chuyển thời gian vào buổi hôm trước. Thời gian buổi tối phù hợp với đa số mọi người, nông dân các làng hầu hết chuyển nghề hoặc làm việc theo giờ giấc công nghiệp.

2. Tập quán chôn cất

Trong việc tang chế ở góc độ gia đình, khi nhà có người thân mất, nhiều bước theo tập quán cũ đã được giản tiện tích cực. Thứ nhất, việc quàn linh cữu, theo con số điều tra, giữ dài ngày (trên 24 tiếng đến ngày thứ 3) để mong giờ cát lánh ngày dữ giảm rõ rệt. Khoảng 50% trả lời không thực hiện chờ giờ, 34% chờ giờ hoặc là để phúng viếng, hoặc là chờ người nhà trong ngày. Thứ hai, tập quán quan niệm tâm linh, ít người mời thầy cúng làm vài ngày. Thôn Vân Lũng đặc biệt việc yểm bùa hay gọi hồn người đã bỏ hẳn. Thứ ba, thói quen làm cơm tang mời khách họ hàng đưa đám, một số gia đình mời khách và họ hàng còn ít. Theo điều tra trong địa bàn, số gia đình hoàn toàn không làm cỗ (rượu, thịt) chiếm 11%. Tại thôn Vân Lũng, phía Bắc khu đô thị Nam An Khánh, các đám chỉ làm cơm trong ngày tang cho con cháu trong gia đình; họ mạc và khách không tổ chức ăn đã được thực hiện gần 10 năm[2].

Khi đưa đám, việc khiêng linh cữu trên vai để con cái người quá cố chui dưới lăn đường không còn. Nhiều năm nay, xe tang đưa linh cữu ra nghĩa trang thì tục lăn đường loại bỏ. Rắc tiền vàng "cầu đò" cho người quá cố, theo điều tra, có 47% người được hỏi trả lời nên làm. Thực tế, thôn cho biết không thực hiện rắc vàng mã ra đường. Quan sát các đám hiếu, lúc đưa tang cho thấy gia đình đặt tiền "cầu đò" lên phướn (cờ) của các vãi già đi hộ niệm, không dùng vàng mã. Riêng Lại Dụ, thôn ở phía nam khu đô thị, 100% gia đình thuộc họ đạo (khoảng trên 400 nhân khẩu/1600 toàn thôn) được hỏi trả lời, khi có người thân mất linh cữu đều đưa đến nhà thờ làm lễ và đọc kinh ở nhà 7 đêm. Việc kèn trống inh ỏi, thê lương cũng bớt nhiều, đặc biệt họ đạo làng Lại Dụ thành lập đội kèn tây trang nghiêm.

Về cách thức mai táng ở góc độ quản lý thôn làng, tang chế hơn chục năm qua có những bước tiến, thay đổi rõ rệt. Năm 2019, thôn Ngự Câu - làng giáp khu đô thị về phía tây - đã quy hoạch xây tường bao sạch sẽ nghĩa trang với hai khu tách biệt: khu hung táng và khu cải táng. Diện tích cho mỗi ngôi do làng định cũng như chỉ vị trí đặt. Thôn Vân Lũng - làng giáp khu đô thị về phía bắc - quy hoạch toàn nghĩa trang thành 1000 ngôi mộ sẵn dành cho hỏa táng và sau cải táng. Những gia đình muốn chôn và sang cát sau ba năm thì hung táng tại khu nghĩa trang chung của xã. Qua họp dân, Vân Lũng thống nhất định lệ đóng phí và đưa ra tiêu chuẩn. Phí năm 2020 là 6 triệu đồng/ngôi. Lệ chỉ dành cho dân gốc, không có tiêu chuẩn người nhập cư, nhà chung cư trên địa bàn. (dân An Khánh tăng cơ học lên gấp đôi trong vòng 5 năm, lên khoảng 4 vạn người[3]). Lại Dụ - làng chếch phía Tây Nam - quy hoạch chia nghĩa trang thôn thành hai khu: khu họ đạo Công giáo và khu dân không đạo. Theo thống kê của xã, tập quán mai táng thay đổi nhiều với số lượng các ca hỏa táng tăng lên, địa táng một lần cũng có nhiều gia đình (không theo đạo Công giáo) chọn. Thôn Ngự Câu, mấy năm qua có 5 trường hợp, qua thời gian cải táng 3 năm đã giữ xây luôn, không sang cát; Thôn Vân Lũng có 6 trong 9 đám (tính đầu năm đến tháng 9 năm 2020) chọn hình thức hỏa táng, làm một lần. Dưới khía cạnh lợi ích tập thể chung của các gia đình trong làng, trước sức ép của đất đai thu hẹp thì tập quán mai táng "âm trạch" có nhiều điều chỉnh quy củ, hợp vệ sinh và có trách nhiệm chung.

3. Tập quán kiêng kỵ

Trong tập quán cưới xin và tang chế, tập quán kiêng kỵ có khá nhiều chuyện nên vấn đề này được bàn thêm vài điểm nổi bật. Có thể nói, hiếu hỷ là một cặp phạm trù thường đi song hành với nhau theo quan hệ buồn - vui, chọn lành lánh dữ. Với hôn nhân, "cưới chạy" là một thuật ngữ, trong tiềm thức dân làng gắn vào khi gia đình có người thân khó qua khỏi. Việc hôn lễ tổ chức sớm phòng khi có chuyện là một phép "quyền biến". Một số thói quen kiêng kỵ dễ thực hiện liên quan phòng cưới trở thành nếp. Phòng cưới kiêng người hôn nhân đổ vỡ, hiếm muộn hay đang chịu tang. Thay thế, thói quen chọn người có đủ con trai, con gái, (có nam, nữ có nếp, tẻ) trải chiếu phòng ngủ cho đôi trẻ, pháo bông đón vận may, vận "hỷ" có xu thế tăng lên.

Đối với việc hiếu, trong dòng họ có ông bà già cả hay ốm đau, việc sang cát "bốc mộ" cũng thường tránh. Thậm chí, một số trường hợp còn áp dụng "thuật biến" để „làm chạy" khi chưa phát tang. Qua tìm hiểu, nhiều gia đình cho biết "hỏa thiêu" và chôn một lần sẽ tránh được khi dòng họ đông, nhiều người già. Ví dụ, 9 tháng đầu năm thôn Vân Lũng có 6/9 trường hợp "hỏa táng" (một số số liệu phần trên đã dẫn).

Trong gia đình, việc thực hành kiêng kỵ trong lễ tết có nhiều điểm. Theo nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình nông thôn tách khỏi sinh kế nông nghiệp nhưng niềm tin thực hành kiêng kỵ gắn với lễ tết còn khá đậm. Ngoài các tết Nguyên đán, tất niên giao thừa, ông táo 23 tháng chạp, những lễ chính trong năm thì tết đoan ngọ 5/5 giết sâu bọ của nông dân, cầu sức khỏe cho mọi người vẫn được số đông trả lời duy trì. Chỉ khoảng 5% được hỏi trả lời không kiêng. Người ta kiêng ngày mùng 1, xông đất, kiêng quét rác, làm gà, mổ lợn.... Tuy nhiên, đối với các gia đình trẻ theo xu hướng tách hộ, bố mẹ cho ở riêng, tết cơm mới (trùng thập hay ngày 10/10 âm lịch) không nhớ, một số gia đình trẻ không biết, thậm chí không có cả khái niệm "cơm mới". Phải chăng, việc không còn cấy lúa mùa nữa nên tự nhiên có sự suy giảm từ đấy.

 Trong xóm ngõ, việc lễ thánh thần vùng đất (thổ công, thổ địa) được nhiều gia đình cá nhân hóa về nhà. Tuy vậy, miếu thờ các đầu xóm như thôn Ngãi Cầu, một trong 5 làng của An Khánh ở phía Nam đô thị thì hầu hết khuôn viên gồm có điện và sân điện. Như thế, dù hình thức nào, ở xóm hay ở nhà, việc cầu thánh thần phù hộ, ban tài, lộc là nhu cầu có thực của người dân xóm làng, tỉ lệ điều tra có đến 84%. Thực hành kiêng kị phản ánh niềm tin vào sự tồn tại của vía lành dữ, nơi độc, "có thờ có thiêng có kiêng có lành" khá phong phú.

Trong dòng họ và làng, các tập quán kiêng kị dưới ánh sáng thời đại mới phân kỳ khá rõ. Tục kiêng tên húy và trùng tên các bậc cụ kỵ, ông bà trong họ mạc có tỉ lệ trả lời trải đều khoảng 20% cho cả 4 tiêu chí "không kiêng, hiếm khi, thỉnh thoảng kiêng và thường xuyên". Điều này cho thấy, việc kiêng đặt tên trùng (các cụ trong họ hàng) thực sự là không có vấn đề gì đáng quan tâm và tùy mọi người. Đối với làng, việc kiêng gọi tên, tránh gọi trùng tên thánh làng cũng không nặng nề. Ngự Câu, cả làng trước kia không nhà nào gọi cha đẻ bằng "bố"[4], tránh gọi bố, thay vào đó là "thầy" và "bõ" (lánh lái khỏi từ "bố". Làng thờ thánh "Ngũ vị đại vương" và "Bố Đại Vương - Đỗ Thiện", không phải thờ "Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng", nhưng làng vẫn giữ nếp tránh gọi. Qua tìm hiểu cho thấy, hiện trong làng không còn các nhà nẹt trẻ con, bắt giữ gìn việc kiêng gọi.

Trong một số việc khác, người ta kiêng kỵ vào buổi đi công chuyện, hay buôn bán đầu giờ buổi sáng sớm, kỵ gặp phải người vía dữ, "gặp gái". Nếu gặp phải người như thế ở đầu xóm, người ta quay về không đi nữa. Một số chủ động "đón ngõ", chọn người vía lành "mó hàng" cho mua bán may mắn, hay tránh người vía dữ từ xa, hoặc đốt van đốt vía. Hiện nay, theo khảo sát, việc tránh vía dữ, đốt vía và việc "mó hàng - đón ngõ" có kết quả trả lời "không kiêng" chiếm tỉ lệ cao, lần lượt là 51% và 63%. Thường xuyên 11% và "luôn luôn" khoảng 2% thực hành chỉ còn tính chất tâm lý cá nhân. Đối với những người yếu thế, dễ tổn thương như phụ nữ trẻ em, một số điều kiêng kỵ được giữ khá nghiêm. Đêm tối con nhỏ tránh qua nghĩa trang, phụ nữ khi mang bầu kiêng sát sinh giữ mức trên 50% người được hỏi.

Kết luận

Có thể nói, tập quán người dân thôn làng ven đô từ những việc lớn như hiếu, hỷ đến những điều kiêng kỵ nhỏ, phần lớn có tính chất tâm lý, đang hướng đến một mức độ ổn định mới. Tiến đến văn minh hiện đại là một xu thế khá rõ rệt. Trước sức ảnh hưởng của những quy ước làng văn hóa, tác động của đô thị, đặc biệt là thông tin toàn cầu, tập quán gia đình của các làng đang có những chuyển biến lớn. Sự chuyển biến phản ánh một thực tế mới trong tư duy của người dân, trong đời sống kinh tế thôn làng và trong tổ chức thời gian cũng như không gian sống của làng. Việc cưới, việc tang bước qua giai đoạn mới hướng đến văn minh, khoa học, giữ gìn môi trường đồng thời tự do, dân chủ trong thực hành những niềm tin cá nhân và của gia đình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Văn Tăng (2004), Tài liệu nghiệp vụ văn hóa thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Quang Khải (2018), Sự thay đổi thói quen của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
  3. Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12;
  4. Nghị quyết 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
  5. Quyết định 01/2002/QĐ-BVHTT ngày 02/1/2002 của Bộ trưởng Bộ VHTT về việc ban hành quy chế quy chế công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa;
  6. Quyết định 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
  7. Chỉ thị 10-CT/TƯ ngày 15/12/2016 của Ban bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

 

 

 


[1] Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của hai xã

[2] Thống kê và báo cáo của thôn do ông Cần trưởng thôn

[3] Thống kê Công an đồn 7, huyện Hoài Đức

[4] Ông Nhiên, trưởng thôn Ngự Câu, trên 70 tuổi