Tin tức

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

18 Tháng Sáu 2021

Huỳnh Quốc Thắng

ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM

 

       Tóm tắt

         Con người là yếu tố quyết định đối với mọi hoạt động xã hội. Hơn thế nữa, nguồn nhân lực trong đời sống văn học nghệ thuật đóng vai trò vừa là mục tiêu đối tượng vừa là động lực phát triển không chỉ cho bản thân văn học nghệ thuật mà còn có liên quan đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực để góp phần xây dựng đời sống văn học nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh vì vậy là một vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược đối với các khía cạnh văn hóa – kinh tế –  xã hội của Thành phố cũng như của cả nước. Kết hợp giữa Văn hóa học (trực tiếp là khoa học Quản lý văn hóa), Nghệ thuật học và một số chuyên ngành khác, trên cơ sở xác định lại về nhận thức lý luận đối chiếu với thực tế từ góc nhìn vừa là khách quan vừa là ở trong cuộc [1], bài viết đề xuất một số mục tiêu và giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề…

         Từ khóa:  Đào tạo nguồn nhân lực, đời sống văn học nghệ thuật, đào tạo nguồn nhân lực góp phần xây dựng đời sống văn học nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh

 

          Abstract

         Human is the decisive factor for all social activities. Moreover, human resources in the literary and artistic life play a role as both an object target and a driving force for development not only for literature and art itself but also related to many other aspects of social life. Training human resources to contribute to building a literary and artistic life in the Ho Chi Minh City therefore is a big issue of strategic significance to the socio - economic - cultural aspects of the City as well as the whole country. Combination of Cultural Studies (directly the science of Cultural management), Artstitic studies and some other disciplines, on the basis of redefining theoretical perceptions compared with both objective and from practical experience, the article proposes some basic goals and solutions to solve the problem ...

          Key words

          Training human resources, artistic and literary life, training human resources to contribute to building literary and artistic life in Ho Chi Minh City

 

 

         1. Nhận thức chung về vị trí, ý nghĩa, nội dung đào tạo nguồn nhân lực với xây dựng đời sống văn học nghệ thuật     

           Văn học nghệ thuật (VHNT, nói gọn là nghệ thuật) là một trong những hình thái ý thức xã hội đặc biệt với đặc điểm “là hoạt động sáng tạo thông qua ngôn ngữ nghệ thuật để tạo ra hình tượng nghệ thuật mang nét riêng của một loại hình nghệ thuật cụ thể và đó là sự kết hợp giữa óc tưởng tượng với cảm xúc thẩm mỹ mang tính cá biệt của một nghệ sĩ nhất định”[2]. Các thể loại nghệ thuật có thể được chia thành các nhóm: (1) Nghệ thuật ngôn từ (Văn học): Văn, thơ…; (2) Nghệ thuật tạo hình (Mỹ thuật): Đồ họa, Hội họa, Điêu khắc, Mỹ thuật ứng dụng…(3) Nghệ thuật biểu diễn : Âm nhạc, Múa, Sân khấu, Xiếc…; (4) Nghệ thuật – kỹ thuật: Điện ảnh, Nhiếp ảnh…Hoạt động thực tế của các loại hình đó trong xã hội sẽ kết thành đời sống nghệ thuật tức một bộ phận của đời sống văn hóa tinh thần, được xem là sự thăng hoa của đời sống kinh tế vật chất đồng thời có tác động tích cực ngược lại đối với sự phát triển của kinh tế - chính trị - xã hội thông qua những yếu tố cụ thể : (1) Nghệ nhân, nghệ sĩ; (2) Hoạt động sáng tạo nghệ thuật; (3)Tác phẩm nghệ thuật;(4) Hoạt động quảng bá tác phẩm nghệ thuật (biểu diễn, triển lãm, giới thiệu qua thông tin và truyền thông);(5) Công chúng nghệ thuật;(6) Môi trường xã hội cho hoạt động nghệ thuật (cơ chế, chính sách, tổ chức hội đoàn nghệ thuật…);(7) Cơ quan quản lý và phương thức quản lý nghệ thuật; (8) Thiết chế nghệ thuật (nhà hát, tụ điểm biểu diễn…); (9) Hoạt động bồi dưỡng và đào tạo về nghệ thuật;(10) Nghiên cứu, lý luận phê bình nghệ thuật[3]. Trong nội dung những yếu tố liên quan đời sống nghệ thuật như vừa nêu, nguồn nhân lực (con người) vẫn luôn là điều kiện quyết định trực tiếp nhất. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực VHNT, đặc biệt là lực lượng sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu giảng dạy và lý luận phê bình vì vậy là vấn đề chiến lược mang tính trọng tâm hàng đầu để góp phần xây dựng đời sống nghệ thuật cả trong trước mắt lẫn về lâu dài. Đây là điều thiết yếu bởi trên cơ sở đó chúng ta mới có thể tiến tới thực hiện mục tiêu: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước” [4]. Trên thực tế, hoạt động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc nào cũng đều đòi hỏi phải có những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tối thiểu. Vì mục tiêu như vậy, ngoài các tri thức văn hóa – xã hội cần thiết, các kiến thức – kỹ năng chung và riêng về hoạt động nghệ thuật thông qua một loại hình cụ thể, việc nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng vận dụng thực tế về văn hóa và văn hóa dân tộc cho đội ngũ văn nghệ sĩ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi trên thực tế họ chính là những người trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần xây dựng con người và xã hội, trước hết thể hiện ngay trong chính bản thân mình phải như là một “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ” thực sự.  

          2. Đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trong xây dựng đời sống VHNT ở Thành phố

                   Nhìn một cách chung nhất, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh người ta có thể khái quát về các cơ sở và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực VHNT như sau:

           (1) Các lớp bồi dưỡng năng khiếu của các trường tư nhân, các trung tâm, nhà văn hóa, câu lạc bộ (ở cấp thành phố, quận, huyện…)

           (2) Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ trẻ bằng nhiều hình thức tại các nhà hát, đoàn nghệ thuật (Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Múa Rối TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Xiếc  TP. Hồ Chí Minh…) hoặc tại các sân khấu xã hội hoá của của các nghệ sĩ Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Thành Hội...;ngoài ra Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài phát thanh TP. Hồ Chí Minh thông qua các hình thức hội thi, mở lớp (ngắn ngày) liên quan một số lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu cải lương…cũng đã phát hiện, đào tạo được một số nghệ sĩ trẻ.

           (3) Các sinh hoạt khoa học, các trại sáng tác…do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP. Hồ Chí Minh cùng Liên hiệp các hội VHNT TP. Hồ Chí Minh và các Hội chuyên ngành (Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu…) tổ chức đã góp phần quan trọng không chỉ nâng cao nhận thức lý luận mà còn góp phần bồi dưỡng trình độ chuyên môn, thúc đẩy khả năng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp của Thành phố. 

           (4) Đào tạo chính quy từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học cho một số ngành VHNT gồm : 

   + Hệ thống các trường trực thuộc Trung ương (Bộ VHTTDL): Sân khấu – Điện ảnh, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh , Trường Múa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh (có một số ngành liên quan đến Mỹ thuật), Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (cũng có một số ngành nghệ thuật như về âm nhạc và sân khấu quần chúng…) 

  + Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh (trường công lập) và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch TP. Hồ Chí Minh (trường tư thục) với các ngành liên quan nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật…

  + Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có một số khoa liên quan lĩnh vực VHNT như Khoa Văn hóa học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Ngữ văn (Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha…).

  + Một số trường công lập hoặc ngoài công lập như Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng...cũng có những Khoa/ngành đào tạo về nghệ thuật, chủ yếu là Mỹ thuật, Âm nhạc và chuyên ngành sư phạm liên quan các lĩnh vực như vừa nói...

(5) Đào tạo sau đại học về VHNT từng bước được phát triển ở Thành phố :

                    + Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có một số đề tài luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ về văn học Việt Nam và văn học thế giới (khoa Văn học và Ngôn ngữ) hoặc lý luận về một số loại hình nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu truyền thống (khoa Văn hóa học)…

                    + Một số trường nghệ thuật chuyên ngành như Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cũng đã có một số ngành đào tạo Thạc sĩ (về Nghệ thuật âm nhạc, Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Âm nhạc học) và Tiến sĩ (Âm nhạc học); Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã và đang có hơn 20 khóa đào tạo Thạc sĩ (về Mỹ thuật tạo hình, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật) và 3 khóa Tiến sĩ (Lý luận và Lịch sử mỹ thuật) …

           Qua khái quát tình hình như trên, nhìn chung so với các địa phương khác (ngoài Hà Nội và Thừa Thiên – Huế), TP. Hồ Chí Minh là địa bàn có khá nhiều cơ sở trường lớp đào tạo bồi dưỡng với nhiều bậc, hình thức đào tạo liên quan VHNT khá phong phú. Các cơ sở này qua nhiều giai đoạn đã đào tạo được một số tài năng nghệ thuật không những có tay nghề chuyên môn mà còn được chuẩn hóa về chứng chỉ, bằng cấp để tham gia vào các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật (sáng tác, biểu diễn và cả tổ chức quản lý…) tại Thành phố cũng như ở nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh các hình thức đào tạo từ sơ, trung cấp đến đại học, đáng chú ý là các chương trình đào tạo sau đại học về nghệ thuật  cũng đã bước đầu tạo ra những nhân tố mới ít nhiều góp phần quan trọng nâng cao trình độ sáng tác, lý luận phê bình, nghiên cứu, giảng dạy nghệ thuật ở Thành phố, các tỉnh phía Nam cũng như cho cả nước. Các luận văn, luận án tuy trình độ, chất lượng không đều nhau nhưng nhìn chung đó là những công trình nghiên cứu nghiêm túc, những “thể nghiệm” đáng quý về phương pháp nghiên cứu, sáng tác của các cá nhân học viên hầu hết đều vốn là những văn nghệ sĩ, giảng viên chuyên ngành (dưới sự giúp đở của các giáo viên hướng dẫn) về các đề tài VHNT... 

            Tồn tại và hạn chế lớn nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực trong xây dựng đời sống VHNT ở Thành phố vẫn chưa đáp ứng theo kịp nhu cầu thực tế, cơ chế quản lý, hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình…chưa thật đảm bảo so các yêu cầu phát triển, nhìn chung là “chưa tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của Vùng và cả nước [5]. Một biểu hiện cụ thể của tình hình chung là “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại…”[6], đáng ngại hơn là “giá trị ảo…xâm chiếm, làm loạn” hiện đang “gây nhiễu” trong đời sống nghệ thuật của Thành phố đến độ như có người đã nhận định: “Sự nổi tiếng ảo. Sáng tạo, cách tân ảo. Giải thưởng ảo. Lăng xê tâng bốc nhau ảo…Đưa đến tác phẩm ảo lừa mị người đọc[7]. Đó là một trong những mâu thuẫn mang tính chất hạn chế cục bộ trực tiếp có liên quan chất lượng nguồn nhân lực nhưng lại là tồn tại đáng lo ngại trong thực tế đời sống VHNT của Thành phố này…

  1. Định hướng mục tiêu và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực góp phần xây dựng đời sống VHNT ở Thành phố

          Do yêu cầu thực tế như đã đề cập, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực về VHNT luôn mang tính mục đích gắn với xây dựng đời sống VHNT và trong mối quan hệ hữu cơ với các mặt đời sống văn hóa - kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xác định rõ những mục tiêu trước mắt và lâu dài làm cơ sở cho những giải pháp thực hiện mang tính khoa học, bài bản là điều kiện đảm bảo hiệu quả bền vững cho việc đào tạo nguồn nhân lực VHNT. Ở đây, bước đầu chúng ta có thể nêu một số vấn đề mang tính định hướng chung như sau:

  1. Đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu xây dựng đời sống VHNT của Thành phố phát triển theo phong cách công nghiệp, đảm bảo tính dân tộc - hiện đại và phù hợp các quy luật kinh tế - xã hội  

            Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI đã đặt vấn đề: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới…Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ”. Vấn đề “công nghiệp văn hóa (nghệ thuật)” được đặt ra ở đây theo nghĩa là việc khai thác những thành tựu khoa học và điều kiện vật chất - kỹ thuật để tạo ra hiệu quả hoạt động theo phong cách một “nền sản xuất lớn” (về văn hóa nghệ thuật). Thực chất đó là việc đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhằm nâng cao tính chất chuyên nghiệp – hiện đại ngày càng cao hơn trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật được thể hiện ra qua: Cơ sở vật chất – kỹ thuật, cơ chế tổ chức quản lý và phương thức hoạt động…Xây dựng “ngành công nghiệp nghệ thuật” trước hết là qua các tổ chức, thiết chế nghệ thuật gắn liền việc xây dựng “phong cách công nghiệp” trong tổ chức quản lý hoạt động nghệ thuật liên quan cả trình độ, phương thức quản lý khoa học, phù hợp với các quy luật kinh tế - xã hội khách quan và với nét đặc thù của các loại hình nghệ thuật nhằm tạo ra một môi trường xã hội tốt đẹp và thuận lợi nhất cho hoạt động này. Tất cả đều có liên quan đến nội dung, phương thức đào tạo nguồn nhân lực VHNT mà ở đây ta có thể nêu công thức khái quát là : nghệ thuật + kỹ thuật. Trong đó, kỹ thuật là mọi thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ có thể được khai thác như một thành tố quan trọng nhất góp phần phát triển nghệ thuật, bắt đầu từ trình độ nghề nghiệp đủ sức tạo hiệu quả cho mọi khâu sáng tạo chủ yếu (sáng tác, dàn dựng,biểu diễn), sau đó là điều kiện vật chất - kỹ thuật, cái quyết định tạo nên trình độ “sản xuất lớn” trong  nghệ thuật. Trong mối quan hệ nghệ thuật – kỹ thuật như vậy, mặc dù  kỹ thuật góp phần quan trọng, đôi khi quyết định cả hiệu quả nghệ thuật nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải khẳng định vai trò quyết định của các giá trị văn hóa và của con người (nguồn nhân lực) đối với toàn bộ sự phát triển VHNT nói chung. Chẳng hạn, với điều kiện trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ ứng dụng trong hoạt động nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh có thể tạo nên một phong cách “sản xuất lớn” tốt hơn so với nhiều địa phương trong cả nước nhưng chất lượng và hiệu quả trên thực tế có thể ngược lại, bởi “khi một tác phẩm có nội dung xấu được thể hiện bằng kỹ thuật, bằng thủ pháp tinh vi để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn công chúng thì tác hại khó lường[8]. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò của con người (nguồn nhân lực) với tư cách là nhân tố chủ đạo tạo nên mọi quá trình hoạt động nghệ thuật mà người ta có thể khái quát thành 5 thành tố cơ bản, gồm: (1) Sáng tạo +(2) Phân phối +(3) Quản lý +(4) Lý luận phê bình +(5) Công chúng. Tất cả đều có liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực VHNT theo hướng công nghiệp – hiện đại như đã nói. Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, việc đào tạo VHNT nhất thiết phải góp phần cho mục tiêu : “Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, điều kiện để tạo nên và bổ sung những giá trị mới cho văn hóa dân tộc nhưng làm sao vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là về đạo đức của dân tộc, hạn chế và chủ động khắc phục được những “mặt trái” của cơ chế thị trường, của sự xuống cấp đạo đức, của lối sống thực dụng, của bất công và tệ nạn xã hội…”[9].  

          (2) Đào tạo lực lượng văn nghệ sĩ tài năng và xây dựng đội ngũ quản lý VHNT có trình độ đồng thời đẩy mạnh việc phổ cập các tri thức VHNT cho toàn xã hội

            Như là lẽ tất yếu, để có những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, có hoạt động và đời sống nghệ thuật phát triển, không thể khác là phải bắt đầu từ việc cần phải có đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng. Xét về bản chất, tài năng nghệ thuật chính là khả năng sáng tạo độc đáo của người làm nghệ thuật với các tác phẩm có giá trị cao. Trong đó, phong cách nghệ thuật là một điều kiện của tài năng nghệ thuật, là điều được thể hiện rõ rệt nhất ở các tác phẩm nghệ thuật thông qua: Đề tài và chất liệu (ngôn ngữ) nghệ thuật; Phương pháp và trình độ sáng tác của nghệ sĩ; Mối quan hệ hình thức và nội dung tác phẩm nghệ thuật…Như vậy, tài năng nghệ thuật tồn tại trong thực tế như một thực thể văn hóa – xã hội với các điều kiện cụ thể gồm: Cơ chế tâm – sinh lý; Kỹ thuật – năng khiếu; Phong cách độc đáo;  Giá trị tác phẩm…Những điều kiện đó càng cho thấy đào tạo và tự đào tạo những văn nghệ sĩ tài năng quả thực là việc không đơn giản và đó vẫn luôn là một trong những mục tiêu cao nhất của đào tạo nhân lực góp phần xây dựng đời sống VHNT. Chúng ta có thể khái quát các yếu tố cấu thành tài năng VHNT bằng sơ đồ sau :

 

  Ngoài ra, một nhân tố quyết định đời sống nghệ thuật nói chung đó là công tác quản lý với nguồn nhân lực quản lý VHNT đòi hỏi cũng phải có trình độ, năng lực ngang tầm, bởi: “Nếu những người làm trong lĩnh vực văn hóa không hiểu thấu đáo và khoa học về văn hóa, chắc chắn sẽ đưa ra nhiều quyết định sai lầm…Những nhà quản lý kinh tế, nếu sai lầm, sẽ nhìn thấy hậu quả rất nhanh và trước mắt, nhưng với những nhà quản lý văn hóa…nếu sai lầm, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả giá đắt[10]. Do vậy, công tác quản lý VHNT bắt buộc phải khắc phục cho được tình trạng tự phát, cảm tính với nghĩa rằng đội ngũ quản lý công tác này phải đủ bản lĩnh không dừng lại chỉ ở trình độ, phẩm chất chính trị theo kiểu nhận định “một tác phẩm nghệ thuật chỉ cần không có những yếu tố phản động, đồi trụy là chấp nhận được[11] mà còn phải có năng lực chuyên sâu để đủ sức thẩm định, đánh giá đúng giá trị thật của các tác phẩm nghệ thuật cũng như giải quyết “đến nơi đến chốn” nhiều vấn đề chuyên môn đặc thù khác nhằm kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đời sống VHNT theo kịp yêu cầu thực tế xã hội.  Một vấn đề khác có liên quan, đó là “làm sao để công chúng có đủ sức đề kháng với tác hại và đồng tình với đánh giá, nhận xét của các cơ quan có trách nhiệm, từ đó chúng ta sẽ có một mặt trận đấu tranh rộng rãi, được công chúng hưởng ứng chứ không còn (chỉ) là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền nữa[12]. Do vậy, việc chăm lo xây dựng nâng cao giáo dục thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật đối với mọi loại đối tượng xã hội, đặc biệt là công chúng trẻ ở trong cũng như ở ngoài nhà trường cũng là việc quan trọng.

          (3) Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa gắn với tập trung giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong xây dựng đời sống VHNT của Thành phố

Xã hội hóa về VHNT thực chất là quá trình phát huy tính chất “đa chủ thể” của con người đối với việc chủ động, tích cực tham gia hưởng thụ, sáng tạo hoặc tổ chức, quản lý các hoạt động VHNT. Trước nhu cầu của việc “đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao dân trí về VHNT” chưa lúc nào lại có ý nghĩa thiết thực và bức xúc như hiện nay, vấn đề đặt ra ở đây như một tất yếu đó là: quá trình xã hội hóa các hoạt động đào tạo VHNT là quá trình xã hội hóa chủ thể của các hoạt động ấy. Tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020): “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thành phố…, xác định giáo dục - đào tạo là động lực quan trọng để phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống giáo dục - đào tạo Thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc”. Theo hướng đó, Thành phố cần chủ động tiếp tục phát huy tốt mọi loại hình trường, lớp của tất cả các cơ sở, các hình thức đào tạo VHNT của Trung ương và của Thành phố có mặt trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, với tư cách một thành phố đặc thù mang tính chất “đô thị đặc biệt” và với vai trò “trung tâm động lực” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như của các địa phương ở Nam Bộ và với cả nước, ngoài các trường nghệ thuật trung ương đóng trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh rất cần thiết phải có ít nhất một trường văn hóa nghệ thuật đạt chuẩn chất gồm nhiều lĩnh vực và đủ các bậc đào tạo (kể cả đại học và sau đại học) để vừa đào tạo bồi dưỡng vừa nghiên cứu khoa học về VHNT...Thực tế cho thấy, mô hình bậc đào tạo “cao đẳng” về VHNT hiện không còn phù hợp đối với TP. Hồ Chí Minh mà bậc “trung cấp” và “đại học” VHNT là mô hình cần thiết và hợp lý hơn so với nhu cầu thực tế lâu dài nhằm đáp ứng kịp nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về VHNT của Thành phố…Dù theo định hướng nào, với bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập khu vực, hội nhập thế giới trong thời gian tới, một ngôi Trường chuyên về đào tạo VHNT của Thành phố như vậy sẽ phải hướng theo mô hình chung nhất không thể khác đó là: (1) Đa ngành (văn hóa, nghệ thuật, du lịch…); (2) Đa hình thức và đa cấp đào tạo (chính quy, tại chức; liên thông liên kết trong nước và với nước ngoài; từ bồi dưỡng sơ cấp đến đại học và sau đại học…); (3) Gắn đào tạo với nghiên cứu (ứng dụng); (4) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế góp phần thực hiện chuyển giao công nghệ thế giới về đào tạo (5) Nghiên cứu khoa học liên quan các lĩnh vực chuyên ngành VHNT…Tất nhiên, việc quy hoạch đầu tư về cơ sở vật chất – kỹ thuật cùng các nguồn lực khác về kinh phí, về tổ chức và nhân lực, về cơ chế quản lý…của ngôi trường này cũng là những vấn đề lớn cần phải gắn với mục tiêu xây dựng đời sống VHNT ngang tầm yêu cầu phát triển của Thành phố trong tương quan với cả nước và với các nước trong khu vực. Trước mắt, ở tầng vi mô, việc xây dựng đội ngũ, cơ chế tổ chức quản lý, cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí, các loại chương trình, giáo trình v.v…của tất cả các trường, lớp đào tạo VHNT bất cứ hình thức nào cũng đều phải thực sự “Trường ra Trường, Lớp ra Lớp, Thầy ra Thầy, Trò ra Trò, Dạy ra Dạy, Học ra Học”. Ngoài ra, trên tầm vĩ mô, Nhà nước thông qua ngành văn hóa và giáo dục đào tạo ở Trung ương và Thành phố cần xem xét lại các chủ trương, kế hoạch, gồm cả cơ chế và chế độ chính sách phát hiện, chăm sóc, phát huy các tài năng VHNT trước, trong và sau khi được đào tạo, bồi dưỡng bằng cách thực hiện “tiêu chuẩn hóa” ba mặt không tách rời: nghiệp vụ chuyên môn - chức danh chức năng - chế độ chính sách v.v…Về lâu dài, việc đầu tư xây dựng các trường đào tạo về VHNT như vậy không những chỉ trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chuẩn mực (mang tính chuyên nghiệp) mà còn phải gắn kết nhiệm vụ đào tạo với nghiên cứu khoa học để tiến tới trở thành những trung tâm nghiên cứu (đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng) về VHNT của địa phương. Bên cạnh đó, quá trình sư phạm – giáo dục diễn ra trong các trường này tất cả phải có mục tiêu chung đó là đào tạo, bồi dưỡng những con người/tài năng trên các lĩnh vực ngành nghề VHNT về các mặt kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn, tư cách công dân và nhân cách làm người. Bên cạnh một môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể chất thường xuyên là nơi thuận lợi để giáo dục về chủ nghĩa nhân bản, nhân văn với những tình cảm và hoài bảo lớn, các trường, lớp đào tạo về VHNT còn phải giúp cho sinh viên, học viên vượt qua khuynh hướng thường nhân danh “cái tôi cá nhân” hoặc “tính cách riêng” để phát triển cái “cá nhân chủ nghĩa” đến độ trở thành sự “lập dị”, “kiêu ngạo”, chỉ quan tâm kiến thức chuyên ngành mà đôi khi xem thường nền tảng kiến thức văn hóa, lý luận cơ bản...Phát triển khả năng chuyên môn (gồm cả cá tính độc đáo) thông qua phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập, sáng tạo của người học đồng thời luôn gắn với điều kiện, yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước, đó là một nội dung quan trọng hàng đầu có thể đem lại chất lượng và hiệu quả thực sự cho đào tạo về VHNT nói chung.

 

           Kết luận

 

Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu vào quá trình toàn cầu hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực VHNT của TP. Hồ Chí Minh ngày càng đóng vai trò quyết định đối với việc xây dựng đời sống VHNT với tư cách vừalà mục tiêu vừa là động lực của đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố. Trên ý nghĩa đó, những định hướng mục tiêu và giải pháp chiến lược để tiến tới xây dựng một mô hình đào tạo nguồn nhân lực góp phần có hiệu quả cho việc xây dựng đời sống VHNT Thành phố chính là một trong những nỗ lực nhằm góp phần thực hiện quan điểm, đường lối chung mà Đảng và Nhà nước đã xác định rằng “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[13]. Đối với TP. Hồ Chí Minh, đó còn là việc thực hiện nhiệm vụ “gắn tăng trưởng kinh kế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”[14]   

   

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM (2015): Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hoá, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  2. Đại học dân lập Văn Lang (2015):  Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt,  Nxb Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  3. Huỳnh Quốc Thắng (2010): Công tác tư tưởng và tổ chức góp phần xây dựng văn hóa giao tiếp trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng; Trong sách : “Văn hóa giao tiếp trong nhà trường”, Nxb Đại học Sư phạm TPHCM, trang 37- 46.  
  4. Huỳnh Quốc Thắng (2016): Dân tộc học văn hóa nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
  5. Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh (2007): Đời sống văn học – nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ hội nhập, Kỷ yếu hội thảo, ngày 16 tháng 10 năm 2007.
  6. Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh (2017): Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – 30 năm đổi mới, Kỷ yếu hội thảo khoa học, tháng 9 năm 2017.
  7. Viện Văn hóa – Bộ Văn hóa Thông tin (1996):  Xã hội hóa hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

 

 

 


[1] Tác giả bài viết ngoài quá trình gần 20 năm tham gia quản lý Trường CĐ. Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh còn đã và đang trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, tham gia hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ ở nhiều khóa liên tục của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Khoa Văn hóa học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM…; ngoài ra tác giả cũng đã tham gia khá nhiều hội nghị, hội thảo về đào tạo nhân lực VHNT ở Thành phố và của cả nước.

[2] Huỳnh Quốc Thắng (2016): Dân tộc học văn hóa nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, trang 24.

[3] Xem Huỳnh Quốc Thắng (2017): Vai trò, vị trí lịch sử và định hướng, giải pháp chiến lược xây dựng đời sống nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh ,Trong Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – 30 năm đổi mới, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2017, trang 216 – 226.

[4] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khoá X.

[5] Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020.

[6] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khoá XI.  

[7] Phan Hoàng (2007): Những giá trị ảo và sự nghiệt ngã của thời gian, Trong Đời sống văn học – nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ hội nhập, Kỷ yếu hội thảo, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, trang 150 

[8] Cao Đức Trường (2007): Về vai trò lãnh đạo và quản lý đối với văn học – nghệ thuật, Trong Đời sống văn học – nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ hội nhập, Kỷ yếu hội thảo, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, trang 140.  

[9] Huỳnh Quốc Thắng (2016): Dân tộc học văn hóa nghệ thuật…, Tài liệu đã dẫn, trang 140 – 141.

[10], 11   và 12 Cao Đức Trường (2007): Về vai trò lãnh đạo và quản lý đối với văn học – nghệ thuật, Tài liệu đã dẫn, trang141 - 142.

 

 

[13] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khoá XI.

[14] Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020.