Tin tức

VẬN DỤNG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH RỐI NƯỚC TRONG DẠY HỌC MĨ THUẬT THEO CHỦ ĐỀ CHO CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

17 Tháng Tám 2021

 Tạ Thu Trang

K8 - LL và PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

Múa rối nước là một trong những sản phẩm nghệ thuật đặc trưng rõ nét của nền văn hóa lúa nước, ra đời cùng lúc với sự hình thành nền văn hóa Đại Việt. Chính vì vậy nó mang một bề dày lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc quật cường trong đấu tranh và sáng tạo nghệ thuật. Việt Nam có nhiều ao hồ và sông ngòi, nó đồng điệu với đồng ruộng Việt Nam và nước thì có khắp mọi nơi. Nhờ sự đặc trưng về yếu tố địa lý, nghệ thuật rối nước nửa như phô diễn trên mặt nước, nửa như ảo thuật, ẩn hiện qua lớp sóng nước tạo sự tò mò, hứng thú cho nguời thưởng thức. Những người nghệ sĩ chân lấm tay bùn nơi thôn dã đã coi “Chơi múa rối” là niềm say mê, niềm tự hào cha truyền con nối với đầy sự nhiệt huyết. Là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, múa rối nước chứa đựng nhiều giá trị như giáo dục, tinh thần, nghệ thuật...

1. Giá trị tạo hình của nghệ thuật rối nước Việt Nam

1.1.Giá trị trong giáo dục

Rối nước mang trong mình bản sắc văn hóa dân tộc, mang những lịch sử lâu đời của cha ông ta suốt bao thế hệ. Từ hình ảnh những con rối mộc mạc, chân chất như hình ảnh của người nông dân xưa, gợi nhớ đến kí ức một thời Đại Việt, kí ức của một nền văn minh lúa nước. Những câu vè, câu kịch không chỉ là những câu hát mà ẩn chứa trong đó những bài học làm người, đạo đức. Bên cạnh đó bộ môn nghệ thuật truyền thống này còn mang đến bài học sâu sắc về tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, quê hương đất nước. Đó là sự tự hào, tự tôn dân tộc, là ý chí, sức mạnh quật cường của người lao động trước thiên tai, trước ngoại xâm, là tình làng nghĩa xóm thắm thiết, đượm nồng. Giống như bao bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, bộ môn rối nước cũng thể hiện sâu sắc văn hóa đạo đức Việt Nam ta từ xưa đến nay.

Tính khuyến giáo đạo đức trong Múa rối nước tồn tại ở dạng giản dị, hồn nhiên, rõ ràng và nhân văn, gieo vào lòng người tình yêu thương con người, đồng loại, khơi gợi những ước mơ, khát vọng cao cả, nâng tâm hồn, giá trị tinh thần của con người, đưa con người vươn tới quyền dân chủ, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên. Có lẽ, chính những thông điệp mang giá trị đạo đức hết sức nhân văn, gần gũi, dễ hiểu làm cho nghệ thuật múa rối nước trở nên giàu giá trị thẩm mĩ và giá trị giáo dục cao. Giá trị đạo đức trong múa rối nước chính là giá trị lý tưởng mà cả nhân loại chúng ta ngày nay theo đuổi, xây dựng từ những vẻ hiện thực, dung dị, đời thường xong ẩn chứa những cốt cách của người Việt qua các hoạt động trong đời sống thường nhật, răn dạy thế hệ trẻ sự lao động bền bỉ, sự đối đãi thân tình giữa con người với con người, con người với thiên nhiên

Hình 1. Các quân rối

Nguồn. Phạm Công Bằng

Sự ra đời ban đầu của rối nước nhằm mục đích giải trí, mua vui cho tầng lớp người nông dân sau những ngày làm việc mệt nhọc. Những ca từ hài hước, hình ảnh nhân vật vui nhộn đã thu hút được nhiều ánh nhìn yêu thích từ phía công chúng, ở đây chính là những người nông dân. Địa điểm diễn ra thường tại các ao đình làng, gần gũi và thân quen. Lâu dần, nhu cầu văn thể mĩ đòi hỏi cao hơn, những yếu tố giáo dục nhưng vẫn hài hước được đan xen, hình ảnh nhân vật phong phú hơn để thỏa mãn thị hiếu công chúng. Nội dung dù chỉ xoay quanh đời sống thường nhật, hay thấm đẫm tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống đã góp phần đáng kể vào đời sống văn hóa, tinh thần khắp mọi nơi. Từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của con người ngay cả khi đang trong quá trình giải trí.

1.2. Giá trị trong nghệ thuật

Nghệ thuật tạo hình rối nước Việt Nam không chỉ độc đáo bởi sự mộc mạc, hồn nhiên, chất phác trong ý tưởng chủ đề bắt nguồn từ cuộc sống mà cái độc đáo hơn nữa là giá trị nghệ thuật tạo hình được các nghệ nhân tạo tác hình ảnh các con rối vừa hiện thực vừa ước lệ. Giá trị trong nghệ thuật tạo hình rối nước không chỉ dừng lại ở các vở diễn mà khả năng ảnh hưởng tích cực đến cảm hứng nghệ thuật mang tính ứng dụng cao trong thiết kế đồ họa với các bộ thiết kế lịch Xuân, tem thư, các yếu tố đường nét, đồ họa nét với sự linh hoạt uyển chuyển từ các hoạt cảnh được phân đoạn trong vở diễn rối nước dân gian là nguồn cảm hứng sáng tạo phong phú cho nghệ sĩ sáng tác cũng như các thế hệ học sinh, đặc biệt là giáo viên dạy học mĩ thuật ở phổ thông vân dụng thực tiễn các bài tập sáng tác thiết kế, tạo hình đường nét, tạo hình sản phẩm mĩ thuật trong thời đại công nghệ 4.0.

2. Vận dụng nghệ thuật tạo hình rối nước trong dạy học mĩ thuật theo chủ đề

Ta biết rằng chất liệu của mĩ thuật chính là cuộc sống. Trong cuộc sống, cái đẹp là một bộ phận của các sự vật hiện tượng trong đời sống tự nhiên và xã hội. Đối với học sinh, trong lĩnh vực mĩ thuật học sinh trau dồi cho mình những khái niệm chung về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài… bắt đầu từ những hành vi, những hành động, từ trang phục và trong cả nghệ thuật. Bản chất của giáo dục thẩm mỹ trong dạy học và phát triển năng khiếu cho học sinh là một quá trình phức tạp, nhiều giai đoạn, từ chỗ cho học sinh làm quen với nghệ thuật đến lúc tự sáng tạo trong nghệ thuật.

Trong thời đại xã hội phát triển 4.0, nền mĩ thuật nước nhà không còn gói gọn trên giá vẽ. Sự du nhập những loại hình mới dễ dàng tiếp cận từ cuộc cách mạng Internet. Điện thoại thông minh, máy tính… dẫn trở nên phổ biến tới cả trẻ nhỏ. Chính vì vậy việc tiếp xúc và trải nghiệm ngay từ khi còn nhỏ, giúp trẻ có nhiều đất để bộc lộ năng khiếu của bản thân. Cách đây 5 năm về trước, hầu như học sinh từ mầm non, đến các cấp tiểu học, trung học, học sinh thường chỉ được vẽ những dạng quen thuộc như vẽ trang trí vuông tròn, vẽ chân dung, hoặc vẽ tĩnh vật. Nhưng trong những năm gần đây, sự phát triển các loại hình sáng tác với các hình thức mới như trừu tượng, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), sắp đặt, trình diễn, video art… học sinh có nhiều cách thể hiện hơn.

2.1. Vận dụng màu sắc trong tạo hình rối nước vào bài tập trang trí cho học sinh khối 4

Theo NGƯT. ThS. Họa sĩ Nguyễn Thị Nhung thì “Trang trí là môn thực hành sáng tác (nghệ thuật tạo hình trên mặt phẳng) nên dạy Trang trí chủ yếu là dạy kỹ năng, kỹ xảo dựa trên những kiến thức đặc trưng”.

Dạy học trang trí cho học sinh tiểu học cần nắm vững đặc trưng chủ đề và đối tượng là học sinh khối mấy, trong phạm vi nội dung này vấn đề thực hiện áp dụng phương pháp giảng dạy cho học sinh khối 4, bởi vậy bản thân tôi đã chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mang tính định hư­ớng từ những cảm hứng vốn cổ của phương thức tạo hình con rối và áp dụng thực hành cho các con. 

            Về cơ bản, màu sắc được các nghệ nhân trang trí các con rối chủ đạo là màu đỏ, vàng, xanh lá cây, đen, nâu… Tư duy về màu sắc của học sinh Tiểu học cũng khá đơn giản, các con được tìm hiểu về màu cơ bản, về sự phối hợp màu sắc trong trang trí và có ý thức sắp xếp các hình khối cơ bản vào bài tập sáng tạo trên cơ sở các nguyên tắc đăng đối, xen kẽ hoặc lặp lại ở mức đơn giản nhất. Bởi vậy, khi áp dụng màu sắc tạo hình trang trí trên các con rối vào bài tập trang trí cho học sinh khối 4 khá thuận lợi với các bước:

Bước 1:  Tạo động lực: Mục đích của giai đoạn này là đánh thức niềm đam mê, thích thú của người học.

Bước 2: Khám phá, học sinh tham gia vào chủ đề tạo hình con rối truyền thống; từ các video giới thiệu về con rối, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh xây dựng sự hiểu biết của mình về con rối như nhân vật chú Tễu, con trâu, bà lão… qua các tích trò trong rối nước… để các em tự khám phá ý tưởng tạo hình cho bài tập của mình.

 Bước 3: Mở rộng, học sinh tiếp tục khám phá về con rối ở thủy đình và những câu chuyện xoay quanh chủ đề rối nước. Các em sẽ ghi nhớ, tái hiện hình ảnh con rối và sắp xếp thành bố cục cho bài trang trí hoặc tranh đề tài với cảm hứng từ chủ đề Múa rối nước.

Bước 4: Đánh giá, học sinh sẽ chứng minh sự hiểu biết của mình thông qua nhật ký, bản vẽ, mô hình và các nhiệm vụ thực hiện do giáo viên yêu cầu.

Đây có thể coi là 4 bước thực hiện việc dạy – học Mĩ thuật cho học sinh Tiểu học theo mô hình 5E với chủ đề Múa rối nước và sợi dây kết nối truyền thống với hiện đại.

       
       
 

 

              B1: Vẽ phác thảo                                 B2: Lên màu

2.2. Vận dụng kỹ thuật sơn thếp rối nước vào dạy học vẽ tranh đề tài tự do cho học sinh khối 4 qua kỹ thuật xé dán và chất liệu tổng hợp cho học sinh khối 5

Bên cạnh việc cho trẻ học tập và tái hiện hình ảnh con rối qua tranh vẽ thì có thể phối kết hợp cùng hoạt động xé dán, chất liệu tổng hợp cho các con để tránh gây nhàm chán. Phương án đơn giản nhất có thể làm là trẻ có thể tận dụng chính những bức tranh rối nước mình từng vẽ.

Bước 1: Cần có hình vẽ các nhân vật, không gian như thủy đình riêng. Học sinh có thể tận dụng chính những tranh rối nước mình từng vẽ để cắt lấy hình.

Bước 2: Lựa chọn bố cục ưng ý để dán hình nhân vật vào không gian thủy đình. Bố cục hoàn toàn có thể thay đổi theo ý của học sinh.

Ngoài ra, có thể cho học sinh cắt dán để tạo hình nhân vật từ các nguyên liệu tái chế như bìa, vỏ lon, chai lọ… giúp học sinh có thêm trí sáng tạo và tư duy.

Tranh vé bé Nguyễn Thị Anh Thư lớp 4E

Trường Tiểu học Kiến Hưng

2.3. Vận dụng hình khối tạo hình rối nước truyền thống vào tạo hình nhân vật 3D từ chất liệu giấy nhồi, vải bông và chất liệu tổng hợp trong sắp đặt mô hình sáng tạo cho học sinh khối 5

Trong bài viết Hội thảo khoa học khoa SPMT tại trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam, TS. Đào Thị Thúy Anh có viết:

Thay vì vẽ tranh với các chất liệu truyền thống, người học có thể Thiết kế và chế tạo nghệ thuật từ các nguyên liệu phổ biến. Ứng dụng khoa học tạo nên hiệu ứng màu sắc độc đáo với sự tương tác vật lý và hiệu quả của ánh sáng. Đưa công nghệ Led vào tạo hình, công nghệ máy tính, công nghệ kỹ thuật số và khoa học toán học hình vật nổi tạo hình không gian 3D, 5D vào trong tạo hình chính là vấn đề xóa bỏ rào cản giữa thuật truyền thống và hiện đại; Tạo nên mối kết giao mới bền chặt giữa khoa học – nghệ thuật và công nghệ truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của mỹ thuật truyền thống [2, tr.7].

            Điều này có áp dụng trong dạy học mĩ thuật cho học sinh tiểu học được hay không, đó là vấn đề mà bản thân tôi luôn trăn trở làm thế nào để các con học sinh tiểu học phát huy được hiệu quả nhất từ những giá trị truyền thống với bài tập sáng tạo của mình.

Hiện này một số bài tập có thể áp dụng cho học sinh khối 5 thực hành như tạo hình con rối từ chất liệu giấy nhồi, vải nhồi.


Bước 1: Vò giấy báo vo tròn thật chặt theo hình khối muốn tạo.

B1: Hình quân rối được ghép khối, làm từ giấy ăn

Nguồn. Tạ Thu Trang

Bước 2: Xé giấy thành các mảnh nhỏ lấy keo sữa bồi lên hình giấy nhồi, để khô Bước 3: Phủ màu lên hình con rối.

Có thể sử dụng các phương pháp khác như nhồi vải để tạo hình, sử dụng đất nặn với các bước cơ bản gồm tạo khung, làm chi tiết hình con rối và phủ màu. Đây là những phương pháp đang được phổ biến gần đây để học sinh có thể tiếp cận sâu hơn với các hình thái của đồ vật, hiện tượng, trẻ sẽ có cái nhìn trực quan hơn.

B2, B3:Quân rối bằng giấy phủ màu và đã hoàn thiện các chi tiết tạo hình

Nguồn. Tạ Thu Trang

3. Một số đề xuất về vấn đề kết nối di sản mỹ thuật với giáo dục phổ thông trong thời kỳ chuyển đổi số

Trong xã hội hiện đại hôm nay, múa rối nước không còn quá xa lạ với quần chúng trong nước và trên thế giới. Có lẽ thời gian là một trong những nhân tố giúp múa rối nước định hình, khẳng định và phát triển, được xếp hạng là một trong những loại hình nghệ thuật có giá trị cao, mang tính truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam, là một yếu tố rất quan trọng giúp con rối sinh động, hấp dẫn và tạo ra rất nhiều tình tiết bất ngờ kích thích sự tò mò, tăng thêm lòng cảm phục của người xem. Việc đưa vào giảng dạy hình tượng rối nước vào bài vẽ mĩ thuật của học sinh thực sự cần thiết. Vì qua đó, học sinh có thể cảm nhận, hình thành những cảm xúc, kĩ năng cơ bản trong quá trình học tập. Với bề dày lịch sử của những nhân vật rối nước thì việc học hỏi và tìm hiểu những giá trị của rối nước mang lại có thể làm nền tảng tư duy cho các con, đồng thời khơi gợi tình yêu dân tộc, yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà nói chung và niềm thích thú với bộ môn mĩ thuật nói riêng.

Thời đại nay, khi mà mạng công nghệ không còn quá xa lạ với đời sống của mỗi cá thể, việc tìm kiếm nguồn tài nguyên, kết nối với thế giới bên ngoài lãnh thổ cũng như thông tin trực quan trở nên dễ dàng hơn. Phát triển truyền thống dân tộc thông qua một hình thức nghệ thuật như tranh vẽ trở nên bị hạn chế. Cùng với sự phát triển của khoa học xã hội, nghệ thuật phát triển không ngừng nghỉ với nhiều hình thái khác nhau, từ biểu thị video, biểu thị qua ngôn ngữ, hình ảnh sống động, qua các thiết kế đồ họa như poster, lịch bàn hay bao bì, sự kiện khiến độc giả có cái nhìn mới mẻ, thích thú hơn. Chính vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, cần sáng tạo những hoạt động bài học mĩ thuật cho trẻ với đa dạng hình thái, phương pháp khác nhau, một mặt kích thích tư duy phát triển tính sáng tạo của trẻ, mặt khác tạo niềm vui thú cho trẻ đối với bộ môn nghệ thuật này.

 

                                DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Duy Anh, Lê Phương Dung (2016), Môn Mỹ thuật tiểu học Công nghệ giáo dục, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Đào Thị Thúy Anh (2019), áp dụng mô hình 5E và phương pháp Steam trong dạy học ngành SPMT ở trường Đại học đặc thù, Hội thảo khoa học ngành SPMT, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.                                                                      

3. Nguyễn Tuấn Anh (2003), Đồ họa ứng dụng, Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

4. Gia Bảo (2011), Thiết kế tạo hình, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội

5. Nguyễn Ngọc Bảo (Tài liệu BDTX chu kỳ 1993 – 1996). Phát triển tính tích cực, tính tự lực của học sinh trong quá trình dạy học, Bộ GD & ĐT – Vụ giáo viên.

6. Nguyễn Thanh Bình (1997), "Tổ chức các hoạt động giáo dục theo phương thức hợp tác", Tạp chí NCGD số 12/1997.

7. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách – Một số vấn đề lý luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội.