Nội san

Con đường của một nhà soạn nhạc giao hưởng

20 Tháng Mười 2010

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật mang tính trừu tượng cao khi phản ánh hình tượng nghệ thuật. Tác phẩm khí nhạc không thể xây dựng nên hình tượng nghệ thuật cụ thể, mà chỉ đưa đến cho người nghe những hình tượng nghệ thuật tạo dựng bằng tiết tấu và âm thanh, hay nói cách khác, là bằng ngôn ngữ âm nhạc. Tuy vậy, chính “hạn chế” đó lại là sức mạnh lớn lao của âm nhạc. Nó làm phong phú trí tưởng tượng của người nghe, hướng người nghe đến với thế giới mới lạ của những cảm xúc thẩm mỹ - thế giới của những âm thanh âm nhạc.

Có lẽ còn hơi sớm khi khẳng định con đường, phong cách sáng tạo nghệ thuật của nhạc sỹ Đàm Linh chăng? Những hoài nghi ban đầu như vậy của tôi đã hoàn toàn nhường chỗ cho niềm tin, bởi trong những ngày qua tôi đã được tiếp xúc không chỉ với một số lượng đồ sộ sáng tác phẩm, với chính người nghệ sỹ tiềm ẩn tài năng sáng tạo nghệ thuật, mà với cả những công chúng yêu âm nhạc cũng như các nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể nhạc sĩ Đàm Linh - một tác giả có uy tín trong giới sáng tác khí nhạc Việt Nam, người sáng tác chủ yếu cho thể loại âm nhạc vốn chưa tạo dựng được một vị trí xứng đáng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam. Nói như thế không có nghĩa là anh không sáng tác những tác phẩm thanh nhạc, nhưng sáng tác khí nhạc vẫn là mảng chính/niềm đam mê trong cuộc đời lao động nghệ thuật của anh.

Nhạc sĩ Đàm Linh là người dân tộc Tày, sinh năm 1932, tại tỉnh Lạng Sơn (quê chính ở huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng). Anh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 12 tuổi, thời kỳ tiền khởi nghĩa, anh đã làm nhiệm vụ liên lạc; sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, anh vào học ở trường Thiếu sinh quân Việt Bắc, trường Quân chính rồi tham gia chiến đấu tiễu phỉ ở vùng Tây Bắc.

Âm nhạc của anh mang âm hưởng những bài hát và múa dân gian các dân tộc miền núi Việt Bắc, Tây Bắc, âm nhạc quê hương các dân tộc thiểu số đã mang đến cho anh nguồn cảm hứng bất tận, chất liệu phong phú trong sáng tác âm nhạc. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa lớn lao khi anh được Nhà nước cử đi học tại Nhạc viện quốc gia Mátxcơva mang tên Piốt Ilich Traicốpxki (CHLB Nga). Năng khiếu âm nhạc, vốn sống phong phú, cộng với sự đào tạo một cách chính quy của Nhạc viện mà trực tiếp là giáo sư Alếchxây Alếchxăngđrôvích Nhicôlaiép, đã mở ra một giai đoạn sáng tác đầy triển vọng của anh. Nổi bật trong những năm đó là: Xônát cho violon và piano giọng sol thứ (g-moll), Bản giao hưởng số 1, Ôratôriô Nguyễn Văn Trỗi, v.v... Các tác phẩm trong thời gian này đều gắn bó với chất liệu dân gian, gần gũi với cuộc sống tâm hồn con người Việt Nam. Các tác phẩm không chạy theo khuynh hướng kỹ thuật đơn thuần, mà kỹ thuật sáng tác chỉ nhằm góp phần thể hiện một cách có hiệu quả tư duy sáng tạo của người nhạc sĩ. Có thể nói, từ những tác phẩm khi còn “ngồi trên ghế nhà trường”, Đàm Linh đã tìm được cho mình một con đường đi đúng đắn: kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của thế giới nhằm làm cho tác phẩm vừa mang tính dân tộc đậm nét, vừa nóng hổi hơi thở của thời đại. Đó cũng chính là con đường được tiếp nối ở giai đoạn sáng tác sau của anh.

Cuối những năm 60 là thời kỳ tác giả không ngừng thể nghiệm những tri thức đã tiếp thu được trong thời gian học tập tại Mátxcơva. Vốn thực tế trong những năm tháng sống ở vùng các dân tộc ít người, một lần nữa đã giúp tác giả sáng tác thành công kịch múa (ballet) Rừng thương núi nhớ (1967). Tác phẩm ca ngợi  người chiến sĩ biên phòng trên vùng biên cương của Tổ quốc. Ngoài ra, phải kể đến Balát (ballade) Sức sống viết cho dàn nhạc giao hưởng (1969) - một tác phẩm mang tính triết lý sâu sắc với những quan niệm riêng mang đậm dấu ấn tác giả về một cuộc sống đẹp.

Vào những năm 70, nhạc sĩ Đàm Linh viết khá chắc tay với những tác phẩm mang cá tính độc đáo. Nét nổi bật là tính khái quát cao về nội dung nghệ thuật. Trước hết, đó là bản Ôratôriô Việt Nam 70 - một tác phẩm có quy mô lớn nhằm ca ngợi công lao trời bể của Bác Hồ và Lênin vĩ đại, qua đó tạo dựng hình tượng nghệ thuật xứng với tầm vóc của dân tộc vào những năm 70 lịch sử. Trong vở balê Cây đèn biển (biên đạo múa: Xuân Định), Đàm Linh đã xây dựng thành công hình tượng người con trai miền biển. Với nước ta, balê là một thể loại nghệ thuật còn mới mẻ, vì vậy, tìm  một con đường riêng cho thể loại này ở Việt Nam là một vấn đề còn đang được tranh luận (không chỉ ở ngành nhạc mà còn ở ngành múa). Dù sao, qua vở balê Cây đèn biển, khán giả cũng bắt đầu thấy được quan điểm của các tác giả (âm nhạc và múa) về con đường đi của hình thức nghệ thuật này trên sân khấu Việt Nam. Trong vở balê Cây đèn biển, âm nhạc được viết trước, sau đó mới biên đạo động tác múa. Vì vậy, phần âm nhạc mang tính độc lập và không bị bó buộc bởi số lượng nhịp do biên đạo múa quy định; nói cách khác, bản thân âm nhạc đã đủ “tư cách” là một tác phẩm với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Cũng vào những năm 70, trong chuyến đi công tác ở vùng Tây Nguyên, những điệu múa, những bài dân ca, dân nhạc và cả những bản trường ca bên bếp lửa hồng đã để lại trong tâm trí nhạc sĩ những ấn tượng mạnh mẽ. Và thế là bản Rápxôđi (rhapsodie) Bài ca chim ưng viết cho violon và dàn nhạc ra đời vào năm 1972. Từ đó đến nay, bản rhapsodie đã được nhiều đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương dàn dựng. Điều đó chứng tỏ phần nào sức sống của tác phẩm. Nắm vững đặc trưng phong cách của thể loại, trong bản rhapsodie này, tác giả đã khai thác một cách thành công chất liệu âm nhạc dân gian vùng Tây Nguyên, đặc biệt là âm hình tiết tấu của các điệu múa dân gian. Tuy không sử dụng nguyên một nét giai điệu dân gian nào, nhưng lúc nào ta cũng thấy vang lên âm hưởng của âm nhạc Tây Nguyên. Khi là âm hưởng vang trầm của dàn cồng giữa cảnh núi non trùng điệp; khi là âm hưởng vui tươi náo nhiệt độc đáo của ngày hội nơi cao nguyên đầy nắng và gió v.v.... Ở mỗi phần nhạc, tác giả đã tìm ra những nét đặc trưng nhất để biểu đạt hình tượng nghệ thuật ngợi ca núi rừng và con người Tây Nguyên. Bài ca chim ưng là tác phẩm sáng tác thành công và được phổ cập nhất của tác giả Đàm Linh. Với trình độ kỹ thuật sáng tác điêu luyện, tác giả đã phá vỡ một cách sáng tạo những cấu trúc âm nhạc vốn là truyền thống của của âm nhạc châu Âu, tạo dựng những cấu trúc mới phù hợp với tư duy âm nhạc mang tính dân tộc, mạnh dạn phát triển chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam cho phù hợp với ngôn ngữ dàn nhạc giao hưởng, làm phong phú thêm ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Một trong những thủ pháp sáng tạo thường được nhạc sĩ sử dụng là kiểu “chủ đạo” - chủ đạo về tiết tấu, chủ đạo về âm điệuchủ đạo cả về thủ pháp phát triển âm nhạc. Tuỳ theo nội dung của từng phần trong tác phẩm, chúng ta có thể gặp một trong những thủ pháp chủ đạo trên hoặc có khi là đồng thời tất cả các thủ pháp đó. Trong phần Moderato của Rápxôđi Bài ca chim ưng, tác giả nhắc sử dụng nhiều lần âm hình tiết tấu:

   Moderato

 

khi thì ở bè violon, lúc thì ở bè piano. Điều đó làm cho tác phẩm mang tính thống nhất cao trên sự phát triển của những âm điệu dân gian. (Tất nhiên, phần moderato này cũng còn giữ một số vai trò khác trong cấu trúc của toàn tác phẩm mà khi cần chúng tôi sẽ đề cập đến).

Ta còn có thể gặp thủ pháp chủ đạo về tiết tấu như trên ở một số tác phẩm khác, bài hát Lên đường là một thí dụ. Nhưng nói chung, việc sử dụng nguyên nhiều lần một âm hình tiết tấu trong các sáng tác của nhạc sĩ Đàm Linh không nhiều, mà ta thường gặp thủ pháp chủ đạo về tiết tấu có phát triển, tức là sự nhắc lại một cách có phát triển âm hình tiết tấu chủ đạo và chỉ giữ lại những dáng dấp chủ yếu của âm hình tiết tấu chủ đạo.

Một sáng tác khác cũng vào năm 1972 của nhạc sỹ Đàm Linh là thơ múa (poème ballet) Những người đi săn. Tác phẩm không nhằm miêu tả những động tác của một cuộc đi săn - hai tiếng “đi săn” ở đây giữ vai trò tính ngữ. Chất liệu được sử dụng là âm điệu dân gian của dân tộc Hmông. Qua những hình tượng nghệ thuật tạo dựng bởi ngôn ngữ âm nhạc của tác phẩm chúng ta thấy các tính cách cần thiết và cả bản năng “bầy” (theo cách nói của nhạc sĩ) của những người đi săn. Đó là lòng quả cảm, dũng mãnh, thông minh, tự tin và luôn tự hào rằng “đất nước này là của chúng ta” (Nguyễn Đình Thi). Thông qua tác phẩm, tác giả muốn dựng lên hình tượng con người Việt Nam hiện đại, con người Việt Nam trong thời đại mới. Sở dĩ tác giả gọi là “thơ múa” vì ở đây anh đặc biệt chú ý đến chất “thơ” trong ngôn ngữ âm nhạc. Khi nghe tác phẩm này, chúng ta liên tưởng đến chất thơ trong các giao hưởng thơ (Poème symphonique) các rhapsodie của F. List (1811-1886). Nói cách khác, các giao hưởng thơ, các rhapsodie kinh điển trong kho tàng sáng tác phẩm âm nhạc thế giới đã có ảnh hưởng đến tư duy của tác giả khi viết bản thơ múa. Những người đi săn này có lối kiến trúc tác phẩm dựa trên sự xen kẽ giữa các phần nhanh và chậm (như trong các rhapsodie nổi tiếng của F. List).

Trong tác phẩm Những người đi săn, tác giả đã sử dụng thủ pháp chủ đạo về âm điệu khi phát triển âm nhạc. Âm điệu chủ đạo ở đây rất gần gũi với âm điệu trong dân ca Hmông do các bước nhảy quãng bốn liên tục. Âm điệu này khi thì được kéo dài trường độ và đưa xuống diễn tấu ở âm khu thấp; khi thì được tăng cường thêm bè cùng với sự thay đổi âm hình tiết tấu, v.v...

Những sáng tác vào cuối những năm 70 còn có thơ múa Tiên sa (1978) và tổ khúc múa Sóng nước Thu Bồn. Các tác phẩm này một lần nữa khẳng định khả năng kết hợp giữa các nhạc cụ châu Âu và nhạc cụ dân tộc. Ở tổ khúc múa Sóng nước Thu Bồn, dàn nhạc được biên chế gồm: sáo, fluýt, clarinét, áccoocđêông, bầu, thập lục, ghita, violon với những tìm tòi theo quan niệm riêng của tác giả.

Năm 1980, theo yêu cầu của Sở Văn hoá Thanh Hoá, nhạc sĩ Đàm Linh và biên đạo múa Xuân Định đã sáng tác vở balê Lửa hang Treo dựa theo kịch bản gồm 3 cảnh của Võ Quyết và Mai Bình. Vở balê ca ngợi những người cộng sản vùng Hang Treo - nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh Hoá. Từ những hạt nhân ban đầu, trải qua đấu tranh anh dũng chống kẻ thù, những người cộng sản đã cùng toàn dân anh dũng đấu tranh chống quân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu ác liệt với thực dân Pháp và tay sai, mất mát, hy sinh là điều không tránh khỏi. Nhưng đó là “cái chết’ đã trở thành “bất tử”, “cái chết” góp phần mang đến cuộc sống bình yên hôm nay. Những người hy sinh anh dũng cho Tổ quốc còn sống mãi và đời đời được ghi nhớ, ngợi ca. Tiết mục đã được tặng thưởng Huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Từ năm 1980 trở lại đây, nhạc sĩ Đàm Linh vẫn sung sức trên con đường sáng tác nghệ thuật. Anh luôn tìm tòi, làm phong phú thêm ngôn ngữ âm nhạc của mình. Chúng ta có thể tìm thấy những tư duy mới qua âm nhạc viết cho sân khấu và điện ảnh. Đáng kể là âm nhạc cho các vở diễn: Vòng phần Cápcadơ, Niềm tin của tôi, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Người cha thô bạo, Âm mưu và tình yêu, Dinulia v.v... Âm nhạc của các vở diễn hầu hết được viết cho dàn nhạc nhỏ, thường gồm từ 6 đến 10 nhạc công. Nhưng do cách viết với nhiều tìm tòi về phương diện phối khí, mà sau khi ghi âm, chúng vẫn tạo được cho người nghe một ấn tượng khá đầy đủ về một dàn nhạc đang diễn tấu. Theo anh, viết cho sân khấu và điện ảnh có thể không cần số lượng lớn nhạc công, mà vấn đề chính là ở cách viết sao cho có hiệu quả. Trong thời gian qua, theo nhận xét của nhiều người nghe, nhạc sĩ Đàm Linh đã đạt được những thành công nhất định ở thể loại âm nhạc này. Âm nhạc của anh đã góp phần diễn tả tâm tư, khắc hoạ cá tính của nhân vật, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các tình huống sân khấu.

Trong phần âm nhạc viết cho vở kịch nói Âm mưu và tình yêu (kịch bản Sile; bản viết cho Đoàn kịch nói Hà Nội), chúng ta gặp lối tiến hành phức điệu theo kiểu các fuygơ của I.X. Bach (1685-1750). Âm nhạc gợi lại hoàn cảnh của vở diễn - thế kỷ XVIII. Không chỉ dừng lại ở đó, trong phần âm nhạc, ta vẫn thấy tư duy sáng tạo của tác giả - những tư duy mà sử dụng một hình thức fuygơ bình thường của thế kỷ XVIII không còn phù hợp: anh đã chọn một cấu trúc phát triển mang tính tự do để thể hiện những suy tư của mình. Đó là loại cấu trúc mang tính ngẫu hứng khi phát triển, nó được thể hiện qua sự thay đổi thoải mái các phắc-tuya âm nhạc cũng như tính chất âm nhạc; tựa như những suy tư có vẻ tản mạn nhưng được xuyên suốt bởi tư duy của nhà soạn nhạc.

Hiện nay, nhạc sĩ Đàm Linh đang hoàn thành âm nhạc cho vở balê mới theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài: Vợ chồng A Phủ. Đây là một đề tài đã được anh ấp ủ từ lâu và không biết từ bao giờ, anh vẫn hằng suy nghĩ về cách thể hiện sao cho tốt nhất đề tài này. Là một nhạc sĩ có nhiều năm tháng gắn bó với đồng bào miền núi nói chung, đồng bào Hmông nói riêng, anh đã cảm nhận được tình cảm chân thật, tình yêu say đắm đầy chất thơ với bản sắc độc đáo của họ. Đã nhiều lần nghe tiếng sáo Hmông, nhưng lần nào những âm thanh đó cũng gây xúc động mạnh trong anh. Vì vậy, khi gặp biên đạo múa Đoàn Long, người chiến sĩ - nghệ sĩ cũng đã trải qua những năm tháng sống ở vùng cao, đã nhiều lần xúc động sâu sắc trước nền nghệ thuật đầy sức sống của dân tộc Hmông, hai anh đã tâm đầu ý hợp và thế là những phác thảo đầu tiên của vở balê Vợ chồng A Phủ hình thành. Ngay sau đó, Đàm Linh lao vào sáng tác phần âm nhạc với tất cả lòng nhiệt tình, quyết tâm hoàn thành nhanh nhất để kịp dàn dựng theo chương trình của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Anh bỏ rất nhiều trí tuệ và sức lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật, nhưng công việc đôi lúc cũng thất thường: có những lúc anh viết rất nhanh chóng một cách tự tin, nhưng cũng có khi anh lại trăn trở với từng nét nhạc, thậm chí có khi với từng nốt nhạc và không ít lần anh hầu như phải dừng bút để đắm chìm trong suy tư, ngõ hầu tìm một phương án tốt hơn cho việc thể hiện hình tượng nghệ thuật. Qua những phần đã hoàn thành và đang được Nhà hát nhạc vũ kịch dàn dựng, chúng ta thấy toát lên nội dung ca ngợi tình yêu, ca ngợi công ơn của Cách mạng làm thay đổi cuộc đời đôi trai gái Hmông nói riêng và đồng bào các dân tộc miền núi nói chung.

Nhìn lại các tác phẩm của nhạc sĩ Đàm Linh từ trước đến nay, chúng ta nhận thấy một nét nổi bật: đó là nghệ thuật cấu tạo và nối tiếp các chồng âm tạo ra những âm hưởng đậm màu sắc dân tộc và nóng hổi hơi thở của thời đại. Trong sáng tác của anh, chúng ta có thể gặp khá nhiều hợp âm cơ bản của hoà âm cổ điển châu Âu, nhưng bên cạnh đó là cách sử dụng có nhiều tìm tòi, suy nghĩ. Điều này chúng ta cũng có gặp ở nhiều tác phẩm của không chỉ các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam mà cả trong các tác phẩm được coi là mang đậm nét dân tộc của các nhạc sĩ nước ngoài. Như vậy, một ngôn ngữ hoà âm mang màu sắc dân tộc không đơn thuần là sự tiếp nối của hàng loạt các chồng âm mang màu sắc dân tộc, vấn đề là ở chỗ: cách thức tiến hành cũng như cách sắp xếp các chồng âm đó. Mặt khác, lối tư duy hoà âm theo kiểu sử dụng “chồng âm chủ đạo” - chồng âm quán xuyến trong suốt một đoạn nhạc là hạt nhân cho sự xuất hiện các chồng âm tiếp theo. Điều này làm cho tác phẩm luôn giữ được sự thống nhất cao, khắc hoạ đậm nét hình tượng âm nhạc cần biểu hiện. Bên cạnh đó, một vấn đề cần nói tới là thủ pháp chuyển điệu trong tiến hành hoà âm. Anh hay sử dụng lối chuyển điệu không định trước - lối chuyển điệu tự nhiên theo sự phát triển của tư duy âm nhạc. Những đoạn chuyển điệu của anh có phần nào gần gũi với lối chuyển điệu bằng giai điệu trong âm nhạc châu Âu, nhưng ở đây không đơn thuần là như vậy. Bởi lúc đó âm nhạc không chỉ được diễn tấu trên một bè, mà trong nhiều trường hợp lại là sự diễn tấu trên một số bè. Sự xuất hiện các âm mới của điệu thức không phá vỡ đột ngột màu sắc hoà âm trước đó, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy sự thay đổi màu sắc hoà âm thông qua việc “so sánh” giữa âm nằm trong điệu thức và âm mới xuất hiện. Với cách làm đó, người nghe nhận thấy sự xuất hiện của âm mới, những màu sắc mới của ngôn ngữ hòa âm một cách dần dần.

Có thể nói, thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Đàm Linh thuộc về những tác phẩm viết cho dàn nhạc diễn tấu. Đó chính là “mảnh đất” mà bằng tài năng của mình, anh đã có nhiều đóng góp giá trị cho nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Tuổi 50 là độ tuổi vững vàng và sâu sắc về tư duy của nhà soạn nhạc. Với những gì mà anh đã đạt được trong thời gian qua và cả những tìm tòi trong lao động sáng tạo nghệ thuật những ngày hôm nay, chắc chắn nhà soạn nhạc giao hưởng Đàm Linh sẽ còn mang đến cho người nghe nhiều tác phẩm khí nhạc đặc sắc hơn nữa.

                                                                                              

PHỤ CHÚ: Nhạc sĩ Đàm Linh đã qua đời ngày 3 tháng 11 năm 2001 tại Hà Nội. Từ năm 1987 (năm chúng tôi viết bài báo này) cho đến khi qua đời, ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm khác có giá trị cao về phương diện nghệ thuật cũng như tư tưởng. Chúng tôi xin được trình bày về sáng tác giai đoạn sau của nhà soạn nhạc giao hưởng Đàm Linh trong một bài viết khác. Bài viết này xin đăng lại như một nén nhang tưởng nhớ nhà soạn nhạc tài năng xuất sắc của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.  

 

Phạm Lê Hòa