Nội san

Những âm điệu quan họ trong sáng tác ca khúc mới

05 Tháng Mười Một 2010

Phạm Lê Hòa

 

Đất nước ta, dân tộc ta có một nền văn hoá âm nhạc dân gian phong phú và đa dạng. Một trong những vùng dân ca có sức sống và vẻ đẹp đã được khẳng định là vùng dân ca quan họ Bắc Ninh. Những câu hát của các liền anh, liền chị quan họ đến luôn làm bồi hồi xúc động bao thế hệ người nghe. Chính vì vậy, những âm điệu dân ca quan họ đầy tình người thiết tha đã được nhiều nhạc sĩ sáng tác Việt Nam khai thác/dùng làm chất liệu cho sáng tác ca khúc của mình. Nổi bật trong số đó là các sáng tác của Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Huy Du, An Thuyên, Vũ Thiết .v.v....

 

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác ca khúc Những cô gái quan họ vào năm 1966. Đó là lúc đế quốc Mỹ leo thang phá hoại ra miền Bắc. Trong khi mà hầu hết các sáng tác âm nhạc đều hướng tới những âm điệu hào hùng, sôi động của cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, thì Phó Đức Phương lại bằng việc sử dụng âm điệu dân gian ca ngợi những cô gái vùng quan họ trong cuộc sống. Ở đây ta bắt gặp chất duyên dáng, mộc mạc, trữ tình của quan họ trong việc miêu tả hiện thực sôi động của cuộc sống. Âm hưởng của bài hát gợi nhớ một Ngồi tựa mạn thuyền, một Cây trúc xinh, một Xe chỉ luồn kim nào đó không cụ thể. Nếu xét qua về phương diện cấu trúc, chúng ta thấy ca khúc “Những cô gái quan họ” gồm hai phần: phần đầu tính trữ tình tuy có đảo phách đôi chút để làm tăng vẻ duyên dáng của giai điệu; phần sau, âm nhạc xáo động hơn so với phần đầu nhưng vẫn thống nhất ở tính duyên dáng, trữ tình. Hay nói cách khác, nếu như phần đầu là hình tượng cô gái quan họ trên quê hương thanh bình đầy chất thơ, thì phần sau, vẫn cô gái đó nhưng quê hương đầy chất thơ đã thêm vào những âm hưởng của hiện thực nóng bỏng - cô gái quan họ không chỉ là cô gái của những ngày hội, của những khúc hát giao duyên mà còn là cô gái đảm đang việc nước, việc nhà, góp phần trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của toàn dân tộc.

Ngoài ra, trong Những cô gái quan họ chúng ta thấy tác giả không chỉ sử dụng những nét đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh, mà anh đã mang đến cho những âm điệu đó một khả năng biểu hiện mới. Sự tiếp thu vốn âm nhạc dân gian ở đây không phải là sự sử dụng nguyên một nét nhạc nào, mà chúng ta chỉ thấy hơi hướng, chỉ thấy những âm điệu gần gũi với dân ca.

Tuy nhiên, đó không phải là cách làm duy nhất. Có tác giả, trong sáng tác của mình đã sử dụng khá thành công chính những chùm âm vừa thêu, vừa lướt đặc trưng của âm điệu quan họ. Một trong những bài như thế là bài Làng quan họ quê tôi (nhạc Nguyễn Trọng Tạo, lời phỏng thơ của Nguyễn Phan Hách). Có thể nói đây nói đây là một bài mang đậm nét dân ca quan họ. Trước hết, cũng như hầu hết các ca khúc sử dụng chất liệu quan họ, “Làng quan họ quê tôi” mang trong nó chất trữ tình cùng phần lời đầy chất thơ như các bài dân ca quan họ truyền thống. Nếu xét theo phương diện cấu trúc, tác phẩm bài này cũng rất gần gũi với lối diễn xướng dân gian - lối diễn xướng mang tính biến tấu như ở bài dân ca quan họ “Nhất quế nhị lan”. Có điều nếu như ở “Nhất quế nhị lan” rất rõ cấu trúc theo kiểu biến tấu (a a1 a2) mà âm điệu phát triển gần gũi, thì ở bài “Làng quan họ quê tôi” cấu trúc này chỉ mang tính biến tấu. Nhìn lại toàn bài, chúng ta thấy ngay được sự phát triển thống nhất của ba phần nhạc - nó tựa như sự tăng tiến của lòng xao xuyến trong buổi tiễn anh lên đường.

Cũng trong mạch khai thác tính trữ tình say đắm, thiết tha của dân ca quan họ, chúng ta còn tìm thấy trong ca khúc Chợ Chờ em vẫn chờ ai của Huy Du (lời dựa thơ Phạm Tiến Duật). Có một điều khá thú vị là nếu như quãng bán cung là quãng ít gặp trong dân ca quan họ Bắc Ninh, thì ở đây Huy Du lại sử dụng nhiều và có thể coi là một thành công vì: bên cạnh chất thiết tha của âm điệu dân gian là những dấu ấn riêng của sự sáng tạo, của phong cách tác giả.

Chợ Chờ là một địa danh có thật của Hà Bắc, nhưng qua giai điệu của bài hát, nó được khái quát trong câu ca chờ mong người đi xa. Là một nhạc sĩ đã từng có nhiều năm tháng phục vụ trong quân đội, Huy Du đồng cảm sâu sắc với những người chiến sĩ xa quê hương- nơi có bao người thân đang ngày đêm mong ngóng.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu quan họ thì đặc trưng nổi bật của quan họ là tính trữ tình - thiết tha. Những bài ca về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước chiếm đa phần trong số những bài dân ca của miền quê Kinh Bắc này. Vì vậy, chúng tôi thấy: những bài khai thác chất liệu quan họ cũng thường mang luôn cả tính trữ tình, thiết tha của nó. Nhưng An Thuyên trong ca khúc Khi xe tăng qua miền dân ca (thơ Nguyễn Ngọc Phú) lại khai thác chất liệu quan họ ở nhịp độ hơi nhanh. Ngay từ những âm điệu đầu tiên, chúng ta như thấy sự khẩn trương trên đường hành quân của những người chiến sĩ xe tăng. Những âm thanh nổ giòn của động cơ như mang đến cho vùng đất thanh bình vốn êm đềm, sâu sắc trong những âm điệu dân gian một sự xáo động. Nhưng sự xáo động này không phá đi nổi cái không gian vốn có từ bao đời của vùng đất có bề dày lịch sử mà cùng tạo ra một bầu không gian mới, vừa gần gũi với những làn điệu dân ca, vừa mang hơi thở của thời đại. Đó chính là hình ảnh anh chiến sĩ gan dạ, quả cảm đã từng thẳng tiến qua bao nguy hiểm và ác liệt của cuộc chiến đấu, vậy mà ở đây, khi đi qua miền quan họ, khi không gian vang lên những câu ca quan họ đậm đà tình quê hương, thì vòng xích xe tăng như cũng ngỡ ngàng, xao xuyến như tình người chiến sĩ bao la.

        Xe tăng lấp lánh cánh cò dập dìu                  

Nên chi anh lính nghe hát đừng chao nghiêng

Mai lên biên giới, tình em lưu luyến

Theo anh đi...

Chiến thắng thù giữ yên lành đất nước mình, giữ yên miền quan họ

Có qua nổi sông cầu bắc giải yếm xinh

Có qua nổi sông cầu bắc giải yếm xinh...

Vẻ đẹp vĩnh cửu của âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, của dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng đã được khẳng định. Vì vậy, với tài năng sáng tạo của mình chắc chắn các nhạc sĩ sẽ còn khai thác và sáng tác nhiều tác phẩm hay mang đậm hồn dân tộc.