Nội san

Bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên thông qua bộ môn mỹ học

08 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

TS.  Mai Thị Liên Giang

Trường Đại học Quảng Bình

 

 Nghệ thuật giúp con người thực hiện khát khao đưa cái đẹp vào cuộc sống, đồng thời nghệ thuật cũng tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa xã hội, con người và tự nhiên. Sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật góp phần nâng cao năng lực cảm thụ và sáng tạo của con người, làm cho con người phát triển một cách hài hoà trong mọi hoạt động. Ở các trường đại học, trong chương trình đào tạo các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật và giáo dục chính trị… đều có môn học Mỹ học. Theo đó, việc bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên thông qua bộ  môn này cũng là một trong những nội dung cần quan tâm.

1. Trước hết cần xác định, việc bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên không thể tách rời với quá trình giáo dục thẩm mỹ. Nhiều người cho rằng giáo dục thẩm mỹ chính là giáo dục cái đẹp. Nhận định này khiến cho các sinh viên khi tiếp cận với nội dung môn học phải nghĩ lại. Việc cho rằng giáo dục thẩm mỹ là giáo dục cái đẹp vẫn chưa đầy đủ. Trong mỹ học, giáo dục thẩm mỹ không chỉ là giáo dục cái đẹp mà còn hướng đến việc hiểu những quy luật phổ biến nhất trong mối quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực và những quy luật phổ biến của quá trình phát triển nghệ thuật, một hình thái đặc thù của ý thức xã hội. Giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên tức là đã làm một phần việc quan trọng trong quá trình bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho các em.

2. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ học, có 4 hình thức giáo dục thẩm mỹ cơ bản đó là: giáo dục thẩm mỹ thông qua lao động; giáo dục thẩm mỹ bằng tấm gương sáng về đạo đức; giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật và cuối cùng là giáo dục thẩm mỹ bằng hệ thống các quan điểm giáo dục tiến bộ, hiện đại. Bởi bên cạnh những yếu tố khác thì con người không thể nhận thức, khám phá, cảm thụ các giá trị thẩm mỹ một cách trọn vẹn, sâu sắc; không thể cải biến thế giới theo quy luật cái đẹp nếu không có sự dẫn dắt, soi sáng của một hệ thống các quan điểm, nguyên lý, lý luận mỹ học hiện đại. Như vậy, việc vận dụng các hình thức giáo dục thẩm mỹ trong thực tế bao giờ cũng đòi hỏi phải tuân theo nguyên tắc đồng bộ. Nhưng do đối tượng của giáo dục thẩm mỹ không phải là một đối tượng đồng nhất, mặt khác mỗi một hình thức giáo dục thẩm mỹ lại có những đặc điểm riêng nên bên cạnh yêu cầu về tính đồng bộ, việc vận dụng các hình thức thẩm mỹ còn đòi hỏi phải lưu ý đến tính đặc thù của đối tượng như lứa tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nhóm nghề trong xã hội…để có hình thức giáo dục hợp lý.

3. Bên cạnh kiến thức cơ bản về mỹ học mà giảng viên cần có, việc bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên cần phải đảm bảo một số yêu cầu cụ thể, phù hợp với đặc thù sinh viên ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền.

Thứ nhất, giảng viên là người biết căn cứ vào lứa tuổi để có những biện pháp khác nhau, có mục tiêu và nội dung tri thức khác nhau, từ đó hình thành những khả năng sáng tạo phong phú cho sinh viên.

Thứ hai, nguyên tắc giáo dục thẩm mỹ có hệ thống đòi hỏi tính liên tục. Tính liên tục ở đây không phải như một vòng tròn khép kín mà là những vòng tròn đồng tâm. Ở mỗi vùng xoáy rộng đều có hệ thống đón nhận và chuẩn bị mở rộng khả năng sáng tạo tốt hơn.

Thứ ba, tính liên tục trong hệ thống giáo dục thẩm mỹ gắn liền trực tiếp tính lịch sử với tính logic. Nó như một sự kết cấu của một thân thể bởi các tế bào, các dòng máu cùng chung một con tim. Tính logic bảo đảm có sự phát triển từ đơn giản đến phức tạp. Bổ sung thêm cho điều này là quan điểm giáo dục toàn diện. Quan điểm giáo dục toàn diện là không thể nào thiếu được trong quá trình vận dụng phương pháp dạy học ở bộ môn Mỹ học.

Giáo dục thẩm mỹ có một hệ thống kiến thức rộng nhưng điểm trung tâm nhất vẫn là nhằm xây dựng những năng lực thẩm mỹ khởi đầu từ việc hoàn thiện các giác quan, mang lại sự phát triển phong phú về tinh thần. Hay nói cụ thể hơn, việc rèn luyện cách nhìn, cách nghe và cả cách làm bằng hai tay nữa làm xuất hiện một năng lực cảm xúc đúng đắn và từ đó mà nảy sinh một cách phổ biến những tài năng sáng tạo của con người.

4. Hiện nay, nhiều nhà tâm lý học và mỹ học đã chia thành hai loại xúc cảm chủ yếu tác động đến thị hiếu thẩm mỹ. Một loại xúc cảm xuất hiện trong quá trình thưởng thức - phản ứng - tiếp nhận. Đó là loại xúc cảm hưởng thụ. Còn một loại xúc cảm khác xuất hiện trong quá trình hoạt động thực tiễn và sáng tạo. Một số nhà tâm lý học đã chia hoạt động sáng tạo trong quá trình giáo dục thẩm mỹ thành bốn loại hoạt động: hoạt động sản xuất; hoạt động lý luận - thực tiễn; hoạt động thuần tuý lý luận; hoạt động trò chơi. Trong tất cả các dạng hoạt động hình thành cảm xúc thẩm mỹ ở con người thì dạng hoạt động trung tâm nổi lên có tính chất quyết định sự bền vững của năng lực xúc cảm là hoạt động sáng tạo. Hoạt động này đã góp phần xã hội hoá mỗi cá thể. Việc xã hội hoá cá thể trong sáng tạo như vậy, mỗi chủ thể không chỉ trưởng thành về mặt thẩm mỹ mà cả đạo đức, thế giới quan, tình cảm, lý trí. Hoạt động sáng tạo có vai trò quan trong trong quá trình giáo dục thẩm mỹ. Vì vậy, đối với sinh viên, việc xây dựng năng lực sáng tạo chính là biểu hiện bản chất nhất của quá trình giáo dục thẩm mỹ một cách có hệ thống. Giảng viên cần hiểu rõ điều này để thực hiện việc rèn luyện khả năng thẩm mỹ cho sinh  viên một cách sáng tạo.

Để thấu hiểu những con đường bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên không phải đơn giản chỉ qua một số tiết học về Mỹ học trong chương trình. Muốn áp dụng nó, giảng viên viên cần có một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, đào sâu suy nghĩ, lựa chọn những nội dung thiết thực, phù hợp với công việc dạy học của mình.

            Một số biện pháp:

            Từ những nhận xét trên chúng tôi đề xuất một số biện pháp sau:

            1. Cần mở rộng hơn nữa phạm vi của môn học đến các ngành thuộc khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, loài người đang tự sa mạc hóa tâm hồn bằng nhịp sống của thời đại công nghệ thông tin. Thực tế, kiến thức về giáo dục nghệ thuật trong môn Mỹ học này chỉ có trong chương trình dạy cho sinh viên chuyên ngành Văn hoặc Văn - Nhạc, Văn - Hoạ, Văn - Giáo dục công dân… (nói chung là những sinh viên thuộc khoa học xã hội và nghệ thuật). Như vậy, một phần lớn sinh viên các ngành khác, vấn đề này đã không hề được đặt ra. Thực tế này cho thấy sinh viên theo học các ngành tự nhiên đã có một phần thiếu hụt nào đó trong kiến thức cơ bản. Chuyện có thực gần đây là: trong tháng 12, năm 2009, nhiều người bàn tán về một sinh viên Đại học vì chưa bao giờ biết bức tranh Mùa thua vàng của Lêvitan nên đã không trả lời được câu hỏi thứ 30 (Câu hỏi: Bức tranh này có tên gì, của ai?) và không rung được chuông vàng. Đó là điều đáng tiếc không chỉ với sinh viên đó mà cũng là điều đáng tiếc cho cả quá trình giáo dục đã đào tạo ra em sinh viên này. Thực tế này cho thấy kiến thức cơ bản về nghệ thuật của sinh viên nước ta còn thiếu nói gì đến lòng yêu nghệ thuật.  

Từ đây, thêm một câu hỏi nữa đặt ra là: Bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật bắt đầu từ đâu? Ai sẽ là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ấy? Trước hết cần xác định, bên cạnh gia đình, nhà trường, các đoàn thể thì giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp bồi dưỡng lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên. Do vậy, những ý kiến về vấn đề giáo dục lòng yêu nghệ thuật với sinh  viên cũng cần được xem xét lại đúng đắn hơn. Gustave Le Bon có một câu nói rất hay rằng: Cái phi thực, trong một số trường hợp, lại thật hơn là cái thực…Hình như đằng sau các sự kiện có thể trông thấy được đôi khi còn ẩn giấu hàng nghìn nguyên nhân không thể trông thấy.

            2. Giảng viên phải là người chủ động lập ra kế hoạch nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn giảng dạy

Chương trình Đại học hiện nay cần giúp sinh viên biết nghiên cứu và có những kiến thức cơ bản và tương đối toàn diện về đất nước, con người Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp Đại học không những chỉ để có cơ hội được làm việc mà còn có cơ hội  mở mang tri thức. Do vậy, giảng viên phải là người chủ động lập ra kế hoạch nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn giảng dạy. Giảng viên Đại học là người vừa thực hiện công việc giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Giảng viên có trực tiếp nghiên cứu khoa học mới có thể hướng dẫn sinh viên tự học được. Tuy vậy, để hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên những tạp chí có uy tín về chuyên môn không phải là điều đơn giản. Có khi một, hai năm, giảng viên mới có thể phát hiện ra được một vấn đề mới. Từ phát hiện đến việc hoàn thành một bài viết còn phải trải qua một quá trình. Thậm chí, giảng viên cần phải tìm được những chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong nghiên cứu khoa học về bộ môn mình đang đảm nhiệm để tranh thủ được sự giúp đỡ chuyên môn của họ. Đó là điều cần thiết đối với giảng viên Đại học trong việc thực hiện chuyên môn sâu. Tuy vậy, giảng viên có nhiều điểm khác với các nhà khoa học. Một trong những điểm đó là giảng viên có thể cùng lúc phải đảm nhiệm 4, 5 lĩnh vực có chuyên ngành lân cận hoặc có khi còn nhiều hơn. Vậy điều quan trọng là làm cách nào để giảng viên vừa nghiên cứu những vấn đề khoa học sát hợp với công việc dạy học mà không bị xem là ôm đồm trong nghiên cứu? Nghiên cứu khoa học là một việc khó, nghiên cứu khoa học trong nghệ thuật lại càng là khó hơn. Thiết nghĩ đây không chỉ là vấn đề cần quan tâm của riêng tôi mà là vấn đề quan tâm của nhiều giảng viên trong các trường Đại học ở nước ta hiện nay.

3. Giảng viên chủ động lập kế hoạch nghiên cứu dạy học, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp đối tượng.

Những năm gần đây, giảng viên thường hay nói đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Có người cho rằng: có ứng dụng công nghệ thông tin, soạn bài giảng điện tử, thi trắc nghiệm...là đã đổi mới phương pháp dạy học. Theo tôi, dù dạy bằng phương pháp nào, giảng viên cũng phải dành thời gian để truyền đạt đến cho sinh viên những kiến thức cơ bản. Những kiến thức đó phải đến tận từng địa chỉ sinh viên trong một lớp học. Phần kiến thức cơ bản là điểm gốc để sinh viên phát huy tính chủ động sáng tạo của mình. Tuy nhiên bài viết này tôi không có ý bàn sâu về phương pháp dạy học. Trong đổi mới phương pháp dạy học đối với các môn có liên quan đến nghệ thuật, không chỉ phát huy tính chủ động của sinh viên mà vai trò chủ động của giảng viên cũng là yếu tố cần thiêt tạo nên chất lượng đào tạo. Yếu tố tài năng của giảng viên cũng cần được coi trọng trong lĩnh vực này.

4. Biên soạn chương trình chi tiết phù hợp đối tượng

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ minh hoạ hoạt động xây dựng chương trình chi tiết của giảng viên qua môn học Mỹ học đại cương trong đào tạo sinh  viên thuộc các ngành xã hội và nghệ thuật. Trước khi tổ chức dạy học, giảng viên căn cứ vào chương trình khung và biên soạn thành các đơn vị học trình có nội dung phù hợp với sinh viên mỗi chuyên ngành. Thông thường, chương trình Mỹ học ở các chuyên ngành đều có các nội dung cơ bản như: Khái quát mối quan hệ thẩm mỹ; Chủ thể thẩm mỹ; Khách thể thẩm mỹ; Nghệ thuật; Các loại hình nghệ thuật; Nghệ sỹ; Các hoạt động thẩm mỹ của con người; Giáo dục thẩm mỹ. Như vậy, tự mỗi bài học trong chương trình đã bao hàm nội dung giáo dục lòng yêu nghệ thuật cho sinh viên chứ không phải chỉ có ở bài học về Nghệ thuật. Trách nhiệm của giảng viên là phải biết lựa chọn các ví dụ minh họa, kết hợp giáo dục cho sinh viên như thế nào để khỏi nặng nề như bài học về đạo đức.

5. Các trường Đại học cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng đội ngũ giảng viên dạy học môn Mỹ học

Thực tế cho thấy là, Mỹ học là một trong những môn học xuất hiện muộn ở các trường Đại học nên đội ngũ giảng viên được đào tạo chính quy, bài bản về khoa học này ở các trường còn rất ít. Các trường Đại học cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên dạy học môn này.

Trên đây không phải là phương án duy nhất hay tối ưu cho giảng viên trong quá trình tham gia đào tạo bởi một phương pháp tốt có thể mang lại hiệu quả cao trong nghiên cứu nhưng sự gò bó của phương pháp cũng có khi tạo ra những ngăn trở, những giới hạn trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi phân tích một số biểu hiện dễ thấy từ chân trời dạy học của giảng viên Đại học và đôi khi tự bản thân nó cũng đã bộc lộ những giới hạn. Điều quan trọng là giảng viên biết lập kế hoạch để vượt lên những giới hạn đó.

Tài liệu tham khảo :

  1.  Roland Barthes (1997), Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
  2.  Jean Chervalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới Phạm Vĩnh Cư chủ biên, Nxb Đà Nẵng.
  3.  Trương Đăng Dung (1990), Về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật trong mỹ học Ch. Cốtoen và G. Lucát, Sách Văn học và hiện thực, Nxb KHXH, Hà Nội.
  4.  Trần Văn Đoàn (2006), Thông diễn học và khoa học xã hội nhân văn, http://www. Catholic.org.tw/vn/taiwan/thongdien/thongdien.htm.

 Hêghen G.W.Ph (1999), Mĩ học, 2 tập, Phan Ngọc dịch và giới thiệu, Nxb Văn học Hà Nội.