Nội san

Một vài suy nghĩ về nghệ thuật hợp xướng Việt Nam

17 Tháng Mười Một 2010

                       Ths. Lê Vinh Hưng

                  Phó Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc

 

Thời gian gần đây, khi nói về lĩnh vực sáng tác cho thanh nhạc ở Việt Nam, người ta thường thấy phần lớn là sự chiếm lĩnh của thể loại ca khúc với các hình thức biểu diễn đơn ca, song ca, tốp ca… mà chủ yếu là đơn ca chiếm ưu thế nổi trội với khá nhiều gương mặt sáng giá xét theo góc độ thương trường. Song, những gương mặt này chưa hẳn đã hoàn toàn trưởng thành về phương diện kỹ thuật thanh nhạc. Cùng với thực trạng đó, ít ai để ý đến một điều rằng nghệ thuật hợp xướng đã và đang lặng lẽ đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống âm nhạc đương đại và có sức biểu hiện khác hẳn với các thể loại ca khúc thông thường. Tuy rằng, ở nước ta nghệ thuật ấy còn ít xuất hiện trên sàn diễn nghệ thuật và phương tiện thông tin đại chúng.

Theo cách hiểu phổ biến nhất của khoa học âm nhạc thì hợp xướng là loại hình nghệ thuật âm nhạc được biểu hiện bằng giọng hát nhiều bè, mỗi bè có một loại giọng trình diễn riêng và đóng vai trò tương đối độc lập về cả âm điệu và nhịp điệu, tuy nhiên giữa các bè có sự liên kết trong một chỉnh thể âm nhạc. Với đặc trưng cơ bản ấy, hợp xướng thể hiện ra như một lối diễn tấu tập thể và có khả năng liên kết thống nhất tư tưởng tình cảm của con người trong tác phẩm âm nhạc độc lập hoặc trong các thể loại âm nhạc khác như: nhạc kịch (opera),  thanh xướng kịch (oratorio), giao hưởng (symphony)... Dù được sử dụng theo cách nào thì hợp xướng vẫn thường được các nhạc sĩ coi là phương tiện âm nhạc để chuyển tải tiếng nói đồng vọng của quần chúng, đồng thời còn là công cụ hiệu quả nhất để tạo màu sắc âm nhạc cho sân khấu, nhất là trong việc tạo ra và phát triển đến cao trào cái kịch tính âm nhạc cho thính giả.

Dàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

biểu diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội

 

Hy Lạp cổ đại là cái nôi của văn minh châu Âu. Trong âm nhạc Hy Lạp cổ đại, các hình thức hát cử hành nghi lễ tôn giáo, nhất là lễ hội mừng chiến thắng thì hát tập thể, đồng ca đã được dùng khá phổ biến. Về cơ bản, đó là nhạc đồng ca một bè (thường là đồng ca nam), song ở thời này, người Hy Lạp đã biết chia giọng hát nam thành ba loại: giọng hát cao (netoide), giọng hát trung (mesoide), giọng hát trầm (iratoide). Sau này, khi bị đế quốc La Mã xâm chiếm, kho tàng âm nhạc Hy Lạp cổ đại bị chiếm đoạt và vô hình trung âm nhạc ấy đã du nhập qua cái cầu nối của đế quốc La Mã đi khắp châu Âu. Như vậy có thể nói âm nhạc châu Âu nói chung và nghệ thuật hợp xướng châu Âu  nói riêng có tiền đề từ âm nhạc Hy Lạp cổ đại.

Âm nhạc nhà thờ thời kỳ Trung cổ (từ năm 476 sau công nguyên đến giữa thế kỷ XV) chủ yếu là hợp xướng, mà là hợp xướng đồng nam. Thế kỷ IV, Giáo hoàng La Mã là St. Sylvester (314 – 336) chính thức mở trường dạy hát Scola Cantorum đầu tiên để đào tạo ca sĩ hợp xướng nhà thờ. Thế kỷ thứ VII Giáo hoàng Gregoire (590 – 604) mở trường âm nhạc tại Lateran, đào tạo các trẻ mồ côi có tài năng âm nhạc thành nhạc sĩ và ca sĩ hợp xướng và nghệ thuật hợp xướng đã trở thành công cụ đắc lực để truyền đạo cho giáo dân. Thời kỳ này đã xuất hiện lối hát đồng ca với hai bè đồng âm (cách nhau một quãng tám). Song, nghệ thuật hợp xướng chỉ thực sự hoàn chỉnh khi đã phân định được những âm vực trầm – cao trong giọng hát (khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIII). Căn cứ vào giọng hát của từng lứa tuổi, giới tính, âm vực, màu giọng… có thể phân định bốn loại giọng chính: nữ cao (soprano), nữ trầm (alto), nam cao (tenor), nam trầm (basse). Riêng ở giọng trẻ em, do chưa trưởng thành về giọng nên chỉ chia thành giọng cao và giọng trầm. Ngoài ra, mỗi loại giọng còn được chia thành nhiều âm vực, âm khu… Đó là cơ sở hình thành nên loại hình nghệ thuật hợp xướng với nhiều hình thức biểu hiện: hợp xướng nam, hợp xướng nữ, hợp xướng thiếu nhi, hợp xướng hỗn hợp, hợp xướng không dàn nhạc đệm (a cappella), hợp xướng có dàn nhạc đệm.

Như vậy, có thể coi hợp xướng là loại hình nghệ thuật thanh nhạc có sự thâm nhập sâu của khoa học vào lĩnh vực âm nhạc, thành thử nó có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp những thành tựu to lớn cho nền âm  nhạc mỗi quốc gia. Trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng như các nền âm nhạc dân gian, nghệ thuật hợp xướng không tự phát hình thành cũng bởi chính tính bác học của nó.

Nghệ thuật hợp xướng xuất hiện ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX, ban đầu là do các nhà truyền giáo phương Tây du nhập vào. Đầu tiên, nó được trình diễn các bản thánh ca ở các nhà thờ, trường dòng, cô nhi viện để phục vụ lễ nghi tôn giáo. Những bài học đầu tiên của các nhạc sĩ chuyên nghiệp tiền bối Việt Nam như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Đinh Ngọc Liên… là các buổi tham gia các dàn hợp xướng kiểu đó. Tuy nhiên, những tác phẩm hợp xướng đầu tiên của Việt Nam còn rất sơ giản, cấu trúc chưa chặt chẽ, ngôn ngữ âm nhạc chưa tinh luyện. Đó là do các nhạc sĩ lúc bấy giờ chủ yếu tự học âm nhạc, mới chỉ sáng tác theo cảm hứng, mò mẫm, trong khi nghệ thuật hợp xướng đòi hỏi cao về khoa học âm nhạc, cả về sáng tác và biểu diễn. Chỉ từ khi nước nhà giành được độc lập, nhất là sau khi miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhạc sĩ Việt Nam có điều kiện học tập, được đào tạo một cách chính qui tại các nhạc viện trong và ngoài nước thì nghệ thuật hợp xướng Việt Nam mới có đủ các điều kiện cần thiết để phát triển hoàn chỉnh.

Về phương diện sáng tác, trước hết có thể thấy sự tinh tế trong bút pháp hợp xướng của các nhạc sĩ Việt Nam ngày càng trở nên rõ nét. Một tác phẩm hợp xướng đòi hỏi người sáng tác không những phải có cảm xúc âm nhạc sâu sắc mà còn phải có những tri thức khoa học về tổ chức âm thanh, hòa âm, phối giọng, phối khí, từ nguyên tắc cấu trúc âm nhạc, đoạn nhạc đến qui mô lớn nhiều chương với nhiều tình tiết thay đổi (biến tấu, biến điệu, phức điệu, đối vị, mô phỏng…). Không những thế, người nhạc sĩ sáng tác hợp xướng còn phải thấu hiểu cả về khả năng biểu hiện và phối hợp của các loại giọng, chất giọng… Ở nhiều nhạc sĩ Việt Nam, việc sáng tác hợp xướng đã bắt đầu thể hiện cá tính, tư duy độc đáo, kết hợp giữa tiếp thu chọn lọc kỹ thuật sáng tác căn bản với sự thể nghiệm, tìm tòi những sáng tạo mới. Điều đó được thể hiện ở nhiều tác phẩm hợp xướng lớn như Việt Nam trên đường chiến thắng của Chu Minh, Được mùa của Trọng Bằng, Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải, Biết mấy tự hào Việt Nam tổ quốc ta của Phạm Đình Sáu, Hàm Luông dòng sông chiến thắng của La Thăng v.v…

Dàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

biểu diễn ngày 02/09/2010 tại Nhà hát lớn Hà Nội

 

Sự trưởng thành trong sáng tác hợp xướng của các nhạc sĩ Việt nam còn thể hiện ở tính dân tộc đậm nét trong bút pháp sáng tạo. Đó là sự vận dụng âm hưởng dân gian trong lối kể và xô, trong những tiếng hò trải dài mênh mang vô tận, những tiết tấu đệm dô huầy… Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có một nền văn hóa dân gian rất phong phú và đa dạng, là nguồn nguyên liệu quý giá cho các tác phẩm âm nhạc hiện đạị. Đó là một lợi thế lớn để phát triển nền  âm  nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể thấy rất nhiều nhạc sĩ nước ngoài đến Việt Nam, đều thèm muốn được sinh ra trong cái nôi văn hóa dân gian giàu bản sắc dân tộc như vậy. Tuy nhiên, muốn cho dòng sữa dân gian ấy thấm đậm vào trong những tác phẩm âm nhạc hiện đại như hợp xướng, thì sự cố gắng  vượt bậc của các nhạc sĩ sáng tác là nhân tố không thể thiếu. Có thế thấy điều đó qua nhiều tác phẩm tiêu biểu như Hò đẵn gỗ của Đỗ Nhuận, Sóng cửa Tùng của Doàn Nho, Vượt núi của Hoàng Vân, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ (phối âm Đỗ Dũng), Ca ngợi Tổ quốc của Hồ Bắc (phối âm Lưu Cầu)… Nếu như nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, trong đó có nghệ thuật hợp xướng, tiếp tục được cái đà phát triển này thì không những sẽ góp phần giữ gìn, phát huy, phát triển truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo thế đứng vững chắc để nền âm nhạc Việt Nam trở nên giàu có hơn, chủ động hơn trong giao lưu với âm nhạc quốc tế.

Nói đến thành tựu trong sáng tác hợp xướng không thể không nói đến tổ chức biểu diễn hợp xướng. Đương nhiên, bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào có thể đến với công chúng một cách trọn vẹn đều phải thông qua biểu diễn. Với nghệ thuật hợp xướng thì dàn diễn viên thực sự trở thành người sáng tạo thứ hai của tác phẩm. Những thành tựu biểu diễn hợp xướng đã đạt được trong mấy chục năm qua đã chứng tỏ điều đó.

Ngay từ đầu hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954) đã xuất hiện nhiều dàn hợp xướng biên chế từ 20 người đến 60 người như Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, Dàn nhạc giao hưởng – hợp xướng Quốc gia Việt Nam (hơn 120 người) đã biểu diễn trên các sân khấu trong và ngoài nước, gây được tiếng vang trong công luận và thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của công chúng. Bên cạnh những dàn hợp xướng chuyên nghiệp, phong trào nghệ thuật quần chúng cũng hình thành những tổ chức hợp xướng dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp có năng lực, có tâm huyết (chẳng hạn Dàn hợp xướng Thành đoàn Thanh niên Hà Nội, Dàn hợp xướng các trường đại học, Dàn hợp xướng thiếu nhi ở các nhà văn hóa, Dàn hợp xướng các nhà máy, Dàn hợp xướng ở các nhà thờ công giáo v.v…). Tuy vậy, việc biểu diễn hợp xướng ở nước ta không phải hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Có những thời gian, nghệ thuật hợp xướng dường như thưa hẳn trên các sân khấu biểu diễn và các phương tiện thông tin đại chúng. Một số chương trình biểu diễn trong nước, nếu có tổ chức được thì cũng mang nặng tính hình thức, gấp gáp, ít luyện tập, gây phản cảm choa người nghe. Tất nhiên, đó không phải tình trạng riêng của nghệ thuật hợp xướng mà còn là hiện trạng chung của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh hiện nay.

Dàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

 

Trong những năm cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, cùng với những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước, nền âm nhạc Việt Nam nói chung và nghệ thuật hợp xướng nói riêng có sự khởi sắc mới.  Tại các Học viện, các trường đại học đào tạo âm nhạc như:  Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương,… đã có môn học hợp xướng và được tập luyện biểu diễn hợp xướng thường xuyên. Năm 1998 chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng đã được khôi phục lại ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Các chương trình biểu diễn âm nhạc, liên hoan âm nhạc lớn đều có dàn hợp xướng ở các đơn vị tham gia và luôn được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng yêu nhạc. Chương trình hòa nhạc mừng thiên niên kỷ mới, chào mừng Thăng Long – Hà Nội 990 năm, với các tác phẩm Giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức L.V. Beethoven, Fantedi chào thiên niên kỷ mới của nhạc sĩ Trọng Bằng, Giao hưởng Côn Đảo của hai nhạc sĩ (cha và con) Hoàng Hà – Hoàng Lương,... đã tập trung được một số lượng diễn viên đông đảo từ Nhạc viện Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… Nhiều nhạc sĩ đã quan tâm, đầu tư sáng tác cho loại hình nghệ thuật này. Nhiều tác phẩm với qui mô lớn, nhỏ đã ra đời trong thời gian này như: “Requiem – Khúc cầu nguyện” gồm 7 chương, Cantata – Ngàn năm Phật giáo Thăng Long gồm 3 chương của nhạc sĩ Đỗ Dũng, Truyện Kiều gồm 3 chương của nhạc sĩ Vũ Đình Ân và lời thơ đại thi hào Nguyễn Du, Khai giác gồm 7 chương của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, Bài ca lính thời bình gồm 3 chương của nhạc sĩ Doãn Nho và lời thơ Trần Đăng Khoa,… Ngoài ra, có rất nhiều các bài dân ca, các ca khúc được các nhạc sĩ chuyển thể cho các dàn hợp xướng khác nhau như: Bắc kim thang, Lý ngựa ô, Ru em, Trống quân, Trống cơm…

 Năm 2010, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nghệ thuật hợp xướng hầu như xuất hiện ở các chương trình tổ chức sự kiện, các chương trình trọng đại Quốc gia như: Liên hoan hợp xướng học sinh – sinh viên Những bài ca dâng Đảng kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, Quốc khánh 2 – 9 “Điều còn mãi 2010”, sự kiện “Ngày Âm nhạc Việt Nam - lần thứ nhất… Đặc biệt là chương trình Đại hoà nhạc Giao hưởng - hợp xướng “Symphony No. 8” của Gustav Mahler - nhà soạn nhạc và chỉ huy người Áo, với qui mô khổng lồ diễn ra ngày 23/10/2010 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Buổi biểu diễn đã rất  thành công, tập trung được khoảng 1000 diễn viên đến từ trong nước và quốc tế như: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội,Nhà Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội, các nghệ sĩ quốc tế đến từ Nhật Bản, Malaisia, Na uy, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Hungari, … Đây là một sự kiện đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của văn hoá Việt với những hoạt động nghệ thuật âm nhạc ngày càng uy tín, được đánh giá khả quan của bạn bè quốc tế.

Dàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tham gia biểu diễn

“Symphony No. 8” của Gustav Mahler tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

 

Trong các chương trình giao lưu văn hóa âm nhạc thế giới, công chúng yêu nhạc Việt Nam đã được thưởng thức những tài nghệ, những kỹ năng tinh tế, những phong cách sáng tạo mới lạ giữa  nghệ thuật hợp xướng truyền thống và nghệ thuật hợp xướng hiện đại có pha trộn đường nét nhạc Pop, Blue, Jazz… Đó là sự trình diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển, âm nhạc lãng mạn, âm nhạc đương đại của các nhạc sĩ tên tuổi trên thế giới như: Johann Sebastian Bach, George Frederic Handel, Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Peter Schubert, Felix Mendelssohn, Leonard Bernstein, Andre Thomas… và cả những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam, với các dàn hợp xướng nước ngoài: Dàn hợp xướng hỗn hợp Canada, dàn hợp xướng hỗn hợp Trường Đại học Tổng hợp bang Florida (Mỹ), Dàn hợp xướng nam học sinh Tucson (Mỹ), Dàn hợp xướng Keystone State Boychoir (Mỹ), Dàn hợp xướng Viena Boys Choir, Dàn hợp xướng Copenhagen Royal (Đan Mạch), Dàn hợp xướng Thanh thiếu niên Đài phát thanh Wernigerode (Đức)... Những thành công này thực sự là nhân tố kích thích lòng ham mê sáng tạo loại hình nghệ thuật giàu sức biểu cảm, phản ánh sinh động những tâm trạng, nguyện vọng, khát vọng, tư tưởng và những vấn đề lớn lao của xã hội đối với đội ngũ những người làm công tác âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Nhìn nhận, đánh giá quá trình phát triển của nghệ thuật hợp xướng ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, một tác phẩm đạt hiệu quả cao không chỉ nhờ sự tìm tòi sáng tạo của các nhạc sĩ sáng tác, sự nhiệt tình cố gắng của dàn hợp xướng mà còn tùy thuộc rất lớn vào khả năng cảm thụ của công chúng. Song vấn đề bồi dưỡng tri thức âm nhạc cho quần chúng đến trình độ hiểu được, đánh giá được, yêu thích nghệ thuật hợp xướng không phải là vấn đề đơn giản. Muốn hiểu được loại hình âm nhạc có phương tiện biểu hiện đa thanh bằng giọng người, với tư duy âm nhạc và lời ca theo cả chiều ngang và chiều dọc, người nghe phải có vốn tri thức âm nhạc nhất định. Bởi vì ngôn ngữ âm nhạc loại hình này có giai điệu xuất hiện ở các bè thường không toàn vẹn như ca khúc. Phải nói rằng, thời gian qua nhiều cơ quan chức năng đã rất cố gắng trong việc giáo dục âm nhạc nhằm nâng cao thẩm mỹ cho công chúng. Các chương trình dạy nhạc, giao lưu âm nhạc, liên hoan nghệ thuật đồng ca – hợp xướng… luôn được giới thiệu trân trọng trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình của các địa phương. Tuy nhiên, việc tiếp tục giáo dục âm nhạc một cách có hệ thống, khoa học trong thời gian tới không chỉ đòi hỏi sự cố gắng của những nhà giáo dục âm nhạc, mà còn cần có sự phối hợp một chặt chẽ, tâm huyết của nhiều cơ quan, cá nhân trong lĩnh vực này.

Cho đến nay, ở Việt Nam chưa thực sự có một dàn hợp xướng với đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo chính qui, được thường xuyên nuôi dưỡng tập luyện và biểu diễn. Việc nghiên cứu một cách khoa học và có hệ thống về nghệ thuật hợp xướng cũng chưa phải là vấn đề mà các cơ quan chức năng và những người có tâm huyết với âm nhạc quan tâm thỏa đáng. Các chương  trình giao lưu nghệ thuật hợp xướng mới chỉ đảm bảo được về mặt học thuật, mà chưa thấy hết được những giá trị hiện thực của nó. Nghệ thuật hợp xướng vẫn chưa phát huy hết được mọi khả năng tiềm tàng trong việc giáo dục con người và nhất là hình thế thành thế giới quan thẩm mỹ, tình cảm con người với con người, con người với tập thể, con người với dân tộc và con người với thời đại.

Chính vì vậy, để phát triển nghệ thuật hợp xướng, về phương diện sáng tác, các nhạc sĩ cần có nhiều tác phẩm được sáng tác từ dễ đến khó sao cho phù hợp với trình độ từng đối tượng người Việt Nam. Cần khéo léo đáp ứng thị hiếu âm nhạc và định hướng thị hiếu âm nhạc, nhưng vẫn đảm bảo giá trị nghệ thuật, giá trị nội dung. Nghệ thuật hợp xướng phải bảo đảm ngôn ngữ dân tộc, bám sát hơi thở của cuộc sống hiện đại, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cả về cảm tính và lý tính đối với quần chúng. Về phương diện biểu diễn, việc tổ chức các chương trình giao lưu không nên chỉ dành cho các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước mà ngay trong các nhà trường cũng nên có sự nuôi dưỡng, duy trì; các cuộc liên hoan, hội diễn âm nhạc các cấp cũng cần khuyến khích hình thức biểu diễn này. Cần tạo điều kiện cho mọi người làm công tác âm nhạc được trao đổi, học tập, tiếp thu chọn lọc tinh hoa của các trào lưu âm nhạc thế giới, góp phần mở mang tri thức trong việc sáng tạo, tạo tiếng vang cho nghệ thuật hợp xướng Việt nam được bay cao, bay xa đến với các nước bạn. Đồng thời, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, cá nhân… cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng từ khâu đào tạo,  sáng tác đến biểu diễn để duy trì và phát triển tốt loại hình nghệ thuật này.

Con đường phát triển của nghệ thuật hợp xướng đích thực ở Việt nam đang đòi hỏi sự đầu tư và cố gắng rất nhiều về thời gian, công sức lao động nghệ thuật, nhưng những gì nghệ thuật hợp xướng đạt được trong thời gian qua là niềm tự hào để chúng ta hy vọng vào tương lai vững chắc của nền âm nhạc Việt Nam./.