Nội san

Giao lưu văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc

03 Tháng Mười Hai 2010

                                                                                                Phạm Lê Hòa

 

 

 

Cùng những thành tựu của khoa học thông tin và xu thế chung của thời đại, chưa bao giờ sự bùng nổ về thông tin lại mang tính toàn cầu như thời gian hiện nay. Những sự kiện nổi trội ở tất cả các lĩnh vực, ở khắp mọi nơi trên trái đất cũng như trong vũ trụ đều dường như ngay lập tức được cả thế giới biết đến. Đây thật sự là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của xã hội loài người nói chung, cho sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên toàn thế giới nói riêng. 

Giao lưu văn hóa với nước ngoài là dịp văn hóa Việt Nam tiếp xúc rộng rãi với những thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời cũng là dịp để chúng ta giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề giao lưu văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc - một vấn đề không phải là mới mẻ gì trong thời gian vừa qua, song chắc chắn đây cũng là một đề tài chẳng bao giờ cũ dù là trong tương lai.

Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ của sự xuất hiện hàng loạt các ý tưởng, khuynh hướng, trào lưu, trường phái mới trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc. So với nhiều trăm năm trước đó, lịch sử âm nhạc thế giới chưa bao giờ lại phong phú và đa dạng đến một cách phức tạp như vậy. Điều đó cũng có nghĩa, những tri thức mới/những trí tuệ mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật âm nhạc dù ở khía cạnh nào cũng đã làm giàu thêm với nhịp độ nhanh kho tàng những giá trị văn hóa âm nhạc của nhân loại. Việc tiếp cận những tri thức đó ngày càng trở thành nhu cầu mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển nghệ thuật âm nhạc của nhiều quốc gia trên thế giới.

Càng ngày, sự hợp tác, giao lưu với những tư duy sáng tạo, với những phương tiện biểu hiện ngôn ngữ, với những kỹ thuật sáng tác âm nhạc mới của thế giới có khả năng phù hợp với việc biểu hiện hình tượng nghệ thuật âm nhạc mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, có khả năng làm giàu thêm phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam là điều vô cùng cần thiết. Trước đây, Việt Nam chưa có âm nhạc giao hưởng theo truyền thống châu Âu, nhưng cùng tiến trình của lịch sử, cùng sự du nhập của các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng, người Việt Nam đã tiếp thu và làm cho âm nhạc giao hưởng mau chóng trở nên một thành tố cấu thành nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Theo tôi, đây là một điều đáng mừng bởi bên cạnh nền âm nhạc dân gian truyền thống với sức sống bất diệt trước mọi sự đồng hoá của bao lũ giặc ngoại xâm, với mạch đập vốn từ ngàn đời trong mỗi con tim của người dân Việt, chúng ta đã có thêm một khả năng mới, một loại hình ngôn ngữ mới trong việc biểu đạt những tâm tư tình cảm của con người Việt Nam. Và điều cần nói ở đây, ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng không chỉ được coi là một trong những loại hình ngôn ngữ giầu khả năng biểu đạt hình tượng nghệ thuật nhất trong nghệ thuật âm nhạc, mà còn là loại hình ngôn ngữ mang tính đồng cảm quốc tế cao trong nghệ thuật âm nhạc.

Trong thời gian vừa qua, các nhạc sĩ Việt Nam, bên cạnh sự kế thừa và tiếp thu một cách có sáng tạo di sản văn hóa truyền thống, còn thể hiện rất rõ sự tiếp thu những kinh nghiệm quí báu của tinh hoa sáng tạo âm nhạc của thế giới. Điều quan trọng và cơ bản cần nói ở đây là việc lựa chọn con đường giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, lấy âm nhạc dân gian làm cơ sở chất liệu cho lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhìn lại lịch sử phát triển của nền âm nhạc thế giới, chúng ta thấy đây là một con đường đi đúng đắn không chỉ được nhiều dân tộc lựa chọn, mà còn là một định hướng đã từng được khẳng định. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian, các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam đã không ngừng thể nghiệm trên nhiều khía cạnh và ở các cấp độ khác nhau của việc phát huy các giá trị âm nhạc dân gian. Có thể kể ra ở đây các tác phẩm đã nhiều lần vang lên không chỉ ở các phòng hoà nhạc ở Việt Nam, mà còn ở các phòng hòa nhạc trên thế giới: Giao hưởng số 1 của nhạc sĩ Hoàng Việt, Thơ múa giao hưởng Những người đi săn của nhạc sĩ Đàm Linh, Vũ khúc Tây Nguyên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Giao hưởng thơ Khát vọng của nữ nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung v.v....

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, từ thực tiễn của công tác giao lưu văn hóa âm nhạc với nước ngoài đã bộc lộ những vấn đề cần được xem xét một cách cẩn thận. Trước hết, một vấn đề mà nhiều nước gặp phải trong quá trình hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới là việc một bộ phận giới trẻ coi trọng những giá trị âm nhạc nước ngoài hơn những giá trị văn hoá âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Đặc điểm tâm lý của giới trẻ là ưa chuộng những cái mới lạ, ham muốn khám phá, hiểu biết và khát vọng khẳng định cái “tôi” của mình. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với các bản nhạc nhẹ nước ngoài cùng tiết tấu vui trẻ, giới trẻ dễ dàng tiếp nhận và say mê chúng là một lẽ tự nhiên. Song điều đáng nói là: có không ít thanh niên, mà phần đông ở các thành phố lớn, lại quá say mê không chỉ nghệ thuật ca hát của nước ngoài mà quên đi những cái hay, cái đẹp trong kho tàng văn hóa dân tộc. Có nhiều người cho rằng cần phải tìm mọi cách hạn chế lọai hình âm nhạc này song song với hàng loạt biện pháp như: phổ cập giáo dục âm nhạc để thanh niên có khả năng nhận thức giá trị thực của một tác phẩm âm nhạc, tăng cường việc giới thiệu cái hay, cái đẹp của các làn điệu âm nhạc dân gian .v.v... Song có điều chắc chắn, đây không phải là công việc có thể giải quyết nhanh chóng trong ngày một, ngày hai bằng những biện pháp có tính chất áp đặt, mà chỉ có thể giải quyết thành công bằng những giải pháp có tình, có lý hợp qui luật phát triển của xã hội loài người.

 

 

Sự ra đời của loại hình ngôn ngữ trong nghệ thuật âm nhạc bao giờ cũng xuất phát từ chính nhu cầu thể hiện những trạng thái tình cảm khác nhau của người nghệ sĩ sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Trong những năm tháng được tiếp xúc với một số từ các nền âm nhạc trên thế giới, chúng tôi cũng có được nghe nhiều phong cách thể hiện khác nhau của các trường phái, các khuynh hướng cùng nhiều quan điểm sáng tạo hết sức khác thường trong tư duy sáng tạo của nghệ thuật biểu hiện âm nhạc. Song sự tôn trọng tư duy của nhà soạn nhạc bao giờ cũng được hết sức coi trọng. Dù giữ vai trò là người sáng tạo thứ hai của tác phẩm qua hoạt động biểu diễn của mình, người nghệ sĩ biểu diễn cần ý thức được những khu vực có thể và những khu vực không thể cũng như mức độ của nó trong sự phát triển chung của toàn tác phẩm. Vậy mà, nếu để ý các chương trình biểu diễn ca nhạc trên các sân khấu Thủ đô cũng như trên sóng Phát thanh và Truyền hình, chúng ta thấy vẫn có một số ca sĩ, tôi cũng không hiểu do ca sĩ hay do nhạc sĩ phối âm, do vô tình hay cố ý, mà thường thể hiện không chính xác những đòi hỏi của tác phẩm cần thể hiện.

Trong thời đại hiện nay, bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc còn phải gắn liền với việc mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế. Chính trong quá trình hội nhập mà không phải hòa nhập với các nền văn hóa trên thế giới, chúng ta sẽ có điều kiện hiểu rõ hơn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Nghiên cứu đầy đủ và khoa học một nền văn hóa là không phải chỉ nghiên cứu ở chính trung tâm của nền văn hóa đó. Bởi thật khó mà có thể xác định một cách rạch ròi ranh giới giữa các vùng văn hoá trên thế giới, mà sự giao lưu giữa các nền văn hóa là điều thường hiện hữu trong cuộc sống.

 

 

Một khía cạnh quan trọng của công tác giao lưu văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc là việc giới thiệu những tác phẩm âm nhạc của Việt Nam với thế giới. Chúng ta đã có rất nhiều “Ngày văn hóa Việt Nam” cũng như nhiều Đoàn ca nhạc đi biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng sự đọng lại trong bạn bè quốc tế “một âm điệu Việt Nam” còn chưa là vấn đề thật sự có ý nghĩa. Theo tôi đây cũng là một vấn đề lớn cần sự quan tâm của những người làm công tác quản lý cũng như những người hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc. Công việc không đơn giản, nhưng với một đội ngũ những người làm công tác âm nhạc đầy tài năng và lòng đam mê nghề nghiệp như hiện nay là cơ sở vững chắc cho niềm tin vào tương lai của công tác này.