Nội san

Phương pháp trực quan trong dạy và học môn Mỹ học

08 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

 

Nguyễn Thị Hồng Thư

Khoa Mỹ thuật cơ sở

 

 

1. Tình hình chung của dạy và học các môn lý luận chuyên ngành

Trong chương trình đào tạo sinh viên Sư phạm Mỹ thuật, các môn lý luận và lịch sử mỹ thuật được phân bổ với số lượng đơn vị học trình không nhiều so với các môn tâm lý, giáo dục, ngoại ngữ. Mục đích của môn lý luận là cung cấp cho sinh viên những kiến thức về mỹ thuật để cùng với các môn học khác, sau khi ra trường sinh viên có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ ở trường phổ thông. Qua nhiều năm giảng dạy tôi đã rút ra những đặc điểm của sinh viên mỹ thuật ở trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương như sau:

            Đối tượng tuyển sinh vào khoa Sư phạm Mỹ thuật là những em có năng khiếu mỹ thuật. Điều đó hoàn toàn đúng với yêu cầu chung của nhà trường. Vì vậy điểm chuyên môn luôn được ưu tiên ở hệ số 2. Nếu điểm chuyên môn cao thì điểm môn văn các em chỉ cần 0,5 điểm cũng có thể đỗ vào trường. Mặt bằng văn hoá của sinh viên trường ta có thể nói là rất thấp. Đại đa số sinh viên mỹ thuật ở các khu vực 2 trở xuống đến vùng nông thôn, miền núi. Đối tượng khu vực 3 rất ít. Như vậy sẽ thấy điều kiện để sinh viên tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật là rất hạn chế. Trình trạng sinh viên viết chưa thành câu, sai lỗi ngữ pháp, chính tả còn rất nhiều. Có không ít sinh viên viết không nổi một đơn xin nghỉ học. Việc giảng dạy những môn lý luận chuyên ngành cho các em không chỉ đòi hỏi cái tâm của người thầy mà còn là sự lựa chọn một phương pháp thích hợp. Một số lượng không ít khi đã vào học rồi các em tỏ ra không yêu nghề, thờ ơ với chuyên môn thì chắc chắn những môn học lý luận cũng không thể nào thu hút được các em. Phần lớn sinh viên nhận thức chưa đầy đủ về các môn học. Các em luôn cho rằng chỉ cần học tốt chuyên môn là đủ, các môn lý luận chuyên ngành không cần phải đầu tư, cố gắng đạt điểm năm không phải thi lại là hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt sinh viên trường ta rất ít tham khảo sách tài liệu liên quan đến chuyên ngành. Nhà trường có cả một thư viện lớn,  nguồn tư liệu phong phú nhưng phần lớn sinh viên ít quan tâm. Thư viện chỉ trở nên nhộn nhịp khi các em phải làm một bài kiểm tra hoặc viết một tiểu luận theo yêu cầu của giảng viên, đòi hỏi phải có tư liệu mới làm bài được. Nhiều sinh viên đã học hết năm thứ nhất nhưng vẫn chưa một lần làm thủ tục mượn sách ở thư viện, đủ cho chúng ta thấy nguồn tư liệu quý giá đó chưa được khai thác hiệu quả. Về phía khách quan, lịch học của sinh viên trường ta được phân bổ 2 buổi trên ngày, dù muốn hay không việc khai thác nguồn tư liệu phong phú trong thư viện nhà trường sẽ gặp không ít khó khăn. Phần lớn sinh viên ngại học các môn lý luận vì cho rằng đó là những môn học gò bó, khô khan, không mang tính sáng tạo. Vì vậy kiến thức về các môn này sinh viên nắm không chắc, chưa được tích hợp để soi sáng cho hiểu biết về chuyên môn.

Khoa Mỹ thuật Cơ sở chỉ có 2 giảng viên giảng dạy chuyên ngành lý luận. Thực tế đó đã tạo điều kiện cho giảng viên làm việc nhiều, độc lập và phải thật cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ dạy học của mình với trách nhiệm, lương tâm của người thầy, không sa vào tình trạng chủ quan, yếu kém. Mặt hạn chế đó là không tạo được sự giao lưu, cọ xát, trao đổi kinh nghiệm dạy học . Khoa Mỹ thuật Cơ sở có bộ môn Lý luận, có 7 giảng viên dạy lý thuyết chuyên ngành khác nhau, song thực tế đó lại là nơi để có thể trao đổi về chuyên môn,  cũng như nghiệp vụ sư phạm.

            Về cơ sở vật chất phục vụ cho viêc dạy và học các môn lý luận chuyên ngành: những năm gần đây, do quy mô của trường phát triển nên số lượng phòng học chưa đáp ứng kịp. Để giải quyết mâu thuẩn đó, phòng học lý thuyết chuyên môn được sử dụng để học các môn học khác, luân phiên. Vì vậy khoa chưa có được phòng học lý thuyết chuyên ngành riêng, giảng viên muốn sử dụng máy chiếu phải làm đơn từ hôm trước, đến giờ học mới đem máy móc lên lắp đặt mất rất nhiều thời gian. Điều đó cũng tạo nên tâm lý ngại dùng thiết bị dạy học hiện đại trong tư tưởng tình cảm của giảng viên, dẫn đến sự hạn chế trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Do vậy các giảng viên lên lớp sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu. Phần trực quan rất hạn chế cũng là một vấn đề khiến sinh viên kém hứng thú trong các giờ lý thuyết nói chung và lý luận chuyên ngành nói riêng.

            Để sinh viên ngày càng hứng thú và yêu thích các môn học lý luận, gắn kết với thực hành thì việc tìm những phương pháp dạy học thích hợp với đối tượng sinh viên là một vấn đề bản thân tôi luôn trăn trở. Với những định kiến từ trước cho tới nay: Nhiều người vẫn cho rằng dạy Mỹ học có khác gì dạy triết học cần gì phải giáo cụ trực quan, cứ thuyết trình vấn đáp đã là quá đủ.

            Qua nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm phương pháp dạy-học môn Mỹ học, đến nay tôi đã thu được những kết quả khả quan. Sinh viên đã hứng thú hơn nhiều đối với môn Mỹ học. Một trong những phương pháp tạo nên hiệu quả đó là phương pháp trực quan trong dạy và học Mỹ học.

 

2. Phương pháp trực quan trong dạy và học môn Mỹ học.

            Phương pháp trực quan là nhóm phương pháp tổ chức dạy học sao cho sinh viên có thể sử dụng nhiều giác quan vào quá trình học tập. Phương pháp này sẽ giúp sinh viên hiểu sâu hơn, nhớ chính xác hơn và vận dụng kiến thức linh hoạt hơn. Trong nhóm phương pháp trực quan đối với dạy học môn Mỹ học có thể sử dụng một số phương pháp sau:

2.1. Phương pháp minh họa.

Yêu cầu đối với dạy và học là phải có đồ dùng dạy học. Đặc biệt đối với các môn lý luận chuyên ngành, giáo cụ trực quan là một phần quan trọng của nội dung bài giảng. Muốn sinh viên hiểu được giá trị tác phẩm nghệ thuật, đặc điểm của một trào lưu, trường phái nghệ thuật thì phải cho sinh viên thấy được tác phẩm dù chỉ là phiên bản. Muốn thực hiện được mục tiêu bài dạy cần phải có phương tiện trực quan để minh hoạ cho nội dung bài giảng sau khi giảng viên đã thuyết trình. Phương tiện trực quan bao gồm: Tranh, ảnh, băng, đĩa hình, máy chiếu… Để minh hoạ đạt được kết quả tốt phương tiện trực quan để minh hoạ cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

            + Tranh, tượng minh hoạ nếu khác xa với nguyên mẫu sẽ làm cho sinh viên cảm nhận sai lệch về tác phẩm dẫn đến sự đánh giá sai về tác phẩm, tác giả hoặc một nền nghệ thuật nào đó.

            + Minh hoạ cần đưa ra đúng lúc, hợp lý, vừa đủ và gắn bó với nội dung bài giảng. Minh hoạ phải chọn lọc. Không nên đưa ra quá nhiều dẫn đến sinh viên không tập trung vào vấn đề trọng tâm của bài học. Những tác phẩm được chọn lọc phải có đặc trưng tiêu biểu làm sáng tỏ nội dung cần truyền thụ. Minh họa đẹp, phong phú, phương pháp trực quan hiện đại sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn của tiết học và thuyết phục sinh viên.

            Ví dụ khi dạy bài Các loại hình nghệ thuật, sau khi thuyết trình, muốn sinh viên hiểu được những căn cứ khách quan dẫn đến sự ra đời và phân chia các loại hình nghệ thuật tôi đã chọn và chiếu lên màn hình những minh họa như sau:

+ Một số bức ảnh ghi lại những vẻ đẹp khác nhau của cuộc sống: Màu sắc, ánh sáng, đường nét, hình khối, những hình ảnh chuyển động.

+ Cho sinh viên nghe một số âm thanh: tiếng mưa rơi, gió thổi, tiếng lá rụng, tiếng sóng biển dạt dào, tiếng bước chân của những con lạc đà…

+ Một số tác phẩm nghệ thuật thuộc các loại hình nghệ thuật: Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Hội họa, Kiến trúc, Đồ họa, Điêu khắc, Văn học… Trong khi trình bày minh họa, tôi đã hướng cho sinh viên quan sát, tập trung vào những vấn đề được gợi mở. Ví dụ như: những vẻ đẹp khác nhau của cuộc sống, những phương tiện biểu đạt khác nhau của nghệ thuật, những nhu cầu đòi hỏi phải được thoả mãn khác nhau của các giác quan con người. Sinh viên thảo luận, trả lời, giáo viên đánh giá và tổng kết.

Có ba nguyên nhân dẫn đến sự ra đời và phân chia các loại hình nghệ thuật:

+ Sự đa dạng, phong phú của hiện thực khách quan.

+ Sự đa dạng, phong phú của giác quan con người.

+ Sự phong phú của các phương tiện vật chất và kỹ thuật biểu đạt.  

    Sử dụng phương pháp minh hoạ cần kết hợp với nhóm phương pháp dùng lời sẽ giúp sinh viên nắm bài tốt hơn. Khi sử dụng phương pháp này tôi luôn chú ý đến  những nội dung khó và quan trọng trong bài để lựa chọn minh họa, vì minh họa cũng là một phần trong nội dung dạy học. Sử dụng trực quan phù hợp là góp phần nâng cao chất lượng bài dạy.

   2.2. Phương pháp hướng dẫn sinh viên làm giáo cụ trực quan.

            Việc chuẩn bị minh hoạ, giáo cụ trực quan không phải chỉ là phần chuẩn bị của giảng viên. Sinh viên có thể chủ động tham gia vào quá trình dạy học. Tôi đã tổ chức cho sinh viên làm giáo cụ trực quan thông qua hoạt động vẽ hoặc sưu tầm tranh. Với hoạt động này sinh viên bứơc đầu nắm được nội dung của bài học. Ví dụ với bài Mối quan hệ giữa cái đẹp trong cuộc sống và cái đẹp trong nghệ thuật, để sinh viên có thể chủ động tiếp cận, tìm hiểu mối quan hệ giữa cái đẹp trong cuộc sống và cái đẹp trong nghệ thuật, trong khi thiết kế bài dạy tôi đã tổ chức cho các nhóm vẽ tranh ở nhiều thể loại khác nhau, hoặc sưu tầm tác phẩm mà các em ưa thích. Hoạt động này được thực hiện ở nhà, trước một tuần. Sinh viên đã rất hứng thú khi tham gia làm giáo cụ trực quan phục vụ cho giờ học. Trước khi sinh viên tiến hành vẽ, hoặc sưu tầm tranh, tôi đưa ra một số gợi ý để hướng các em vào việc chủ động khám phá những nội dung chính của bài học. Đến lớp các nhóm sinh viên tự trình bày quá trình từ thâm nhập, khám phá thực tế đến quá trình hình thành ý tưởng và  thể hiện trong tác phẩm hoặc cảm nhận về tác phẩm đã sưu tầm. Trên cơ sở đó tôi đã củng cố đưa ra vần đề cốt lõi sinh viên cần phải ghi nhớ.

+ Cái đẹp trong cuộc sống là ngọn nguồn và là ngọn nguồn duy nhất của cái đẹp trong nghệ thuật.

+ Cái đẹp trong cuộc sống đa dạng, phong phú hơn cái đẹp trong nghệ thuật.

+ Vì sao con người vẫn rất cần và mãi mãi cần cái đẹp trong nghệ thuật, vì cái đẹp trong nghệ thuật tập trung hơn, trong sáng hơn, điển hình hơn cái đẹp của cuộc sống, cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp của sự sáng tạo.

            Khi giao bài tập cho sinh viên, tôi nêu rõ yêu cầu cụ thể phù hợp với nội dung bài học, không để sinh viên sao chép một cách tuỳ tiện sẽ không đáp ứng được yêu cầu của bài học.

            Giờ học đã diễn ra sôi nổi, hào hứng. Với hoạt động này sinh viên đã biết kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và lý luận để tạo ra những bức tranh đẹp giàu cảm xúc.

            Tuy nhiên hoạt động này cũng chỉ áp dụng được đối với những lớp sinh viên có trình độ tương đối đồng đều, có năng lực nhất định mới có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

2.3 Tổ chức tham quan triển lãm,bảo tàng, các khu di tích văn hoá.

            Các bảo tàng, triển lãm,khu di tích văn hoá là nguồn trực quan phong phú và đa dạng. Trong quá trình học tập nhà trường nên tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tế nhiều nơi. Hoạt động này sẽ giúp cho sinh viên có thể hiểu sâu hơn những kiến thức được nghiên cứu trên lớp. Đây là phương tiện trực quan sinh động nhất. Bởi vì sinh viên được trực tiếp nhìn, nghe, thưởng thức và cảm thụ thực sự trước những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản. Các hoạt động này gây hứng thú cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo thẩm mỹ. Hoạt động này có thể tổ chức thường xuyên, hoặc định kỳ tuỳ theo tình hình thực tế của nhà trường. Hoạt động này có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức: nói chuyện ngoại khoá, xem băng đĩa, tham quan hội hè truyền thống ở một số địa phương…

Phương pháp trực quan là phương pháp có hiệu quả đối với việc dạy học môn Mỹ học. Song khi sử dụng cần tránh biến tranh, ảnh minh hoạ thành đối tượng để sinh viên sao chép sẽ không phát huy được tính sáng tạo trong học tập của sinh viên. Từ đó dẫn tới việc lười tư duy. Phương pháp này cần được kết hợp với nhiều phương pháp khác để giờ học đạt được hiệu quả. Nếu chỉ dùng trực quan để minh hoạ cho bài giảng, sinh viên vẫn có thể chưa tích cực, chủ động trong học tập, giảng viên vẫn làm việc là chủ yếu, sinh viên vẫn tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Có thể nói theo cách khác là tích cực hoá quá trình học tập của sinh viên trong dạy và học môn Mỹ học cần sử dụng trực quan để nêu và giải quyết vấn đề, đưa sinh viên vào tình huống có vấn đề để gúp sinh viên tư duy, tìm ra kiến thức mới tiềm ẩm trong các tác phẩm nghệ thuật.

3.  Thiết kế bài giảng Mỹ học với phương pháp trực quan là trọng tâm.

            Trong bài Đặc trưng của nghệ thuật hội hoạ, phương pháp trực quan và minh họa được thể hiện ở những hoạt động sau:

- Hoạt động 1:

Cho sinh viên xem một số tác phẩm điêu khắc: Đa-Vit, nhóm tượng Pi-et-ta của My-ken-lang, Võ Thị Sáu của Diệp Minh Châu, tượng đài thủ khoa Nguyễn Hữu Huân của Nguyễn Hải. Trước khi cho xem tác phẩm, tôi nêu rõ yêu cầu để hướng sự quan sát của sinh viên vào trọng tâm bài. Đây chính là cách nêu vấn đề có tình huống xây dựng bài toán nhận thức, cung cấp cho sinh viên các hình ảnh về bài học. Trong đó hàm chứa mâu thuẫn giữa kinh nghiệm, sự hiểu biết của sinh viên về tác phẩm đó với khả năng tìm hiểu để giải quyết vấn đề đã nêu ra.

- Hoạt động 2:

Chiếu lên màn hình một số tác phẩm hội hoạ tiêu biểu: Em Thuý (Trần Văn Cẩn), Gió mùa hạ (Phạm Hậu), Sao đêm (Van-gogh), Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? (Guguin),Trường học A-ten (Raphaen.)

Hướng dẫn sinh viên quan sát về màu sắc, đường nét, hình khối, không gian. Đây là hoạt động giải quyết vấn đề. Kết hợp với quá trrình quan sát, sinh viên ghi lại những nhận xét của riêng mình.

- Hoạt động 3:

Tổ chức cho sinh viên phát biểu ý kiến, nhận xét của nhóm mình và phản hồi ý kiến của nhóm bạn, tìm ra đáp số cho vấn đề cần giải quyết.

- Hoạt động 4:

Giảng viên đánh giá giờ học, nhận xét ưu điểm, hạn chế của từng sinh viên trong các hoạt động để rút kinh nghiệm cho các giờ học sau. Giảng viên tổng kết ý kiến của sinh viên đưa ra nhận định và kiến thức đúng về đặc trưng của hội họa: tính tạo hình trực tiếp, tính không gian.

Với các hoạt động được thiết kế như trên, trực quan được coi như nội dung bài học cần tìm hiểu. Giảng viên không thuyết trình như cách dạy truyền thống, sinh viên chủ động làm việc, tiếp cận tìm hiểu nội dung, kiến thức mới dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Trên cơ sở đó, dạy Mỹ học sẽ được tích cực hoá. Khi tự mình tìm ra kiến thức mới, sinh viên sễ hứng thú, say mê, nắm bài chắc hơn vì đó là sự ghi nhớ chủ động.

Cách tổ chức giờ dạy Mỹ học nêu trên là ứng dụng của phương pháp nêu và giải quyết vấn đề. Trong đó trực quan là một phần nội dung bài giảng. Tuy nhiên không có phương pháp nào là tuyệt đối, cần được kết hợp với nhiều phương pháp như thuyết trình, vấn đáp để đạt được mục đích đưa sinh viên cùng tham gia vào hoạt động dạy- học, bộc lộ năng lực cá nhân. Như vậy quá trình dạy học mới được tích cực hoá. Giảng viên có thể nhận thức được trình độ của sinh viên ngay trong giờ học. Từ đó có kế hoạch và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng.

Với các hoạt động thiết kế trên, sử dụng phương pháp minh hoạ, phương pháp tổ chức tham quan và phương pháp hướng dẫn sinh viên làm giáo cụ trực quan được áp dụng trong quá trình dạy học môn Mỹ học, tôi nhận thấy sinh viên nắm bài tốt hơn, say mê hơn. Giờ Mỹ học không còn là những khái niệm cứng nhắc, khô khan và trừu tượng nữa. Từ đó sinh viên có cái nhìn đúng đắn hơn về các môn lý luận chuyên ngành./.