Nội san

Thực tế chuyên môn là quá trình tự khẳng định về năng lực nghề nghiệp của sinh viên Đại học Sư phạm Mỹ thuật

08 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

 

Nguyễn Huy Trung

                                                                   Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

1. Yêu cầu của thực tế chuyên môn là gì?

2. Thực tế chuyên môn được thực hiện như thế nào?

3. Phải làm gì khi đợt thực tế chuyên môn kết thúc?

4. Làm thế nào để đợt thực tế chuyên môn hiệu quả?

 

            Sinh viên học mĩ thuật nói chung và Sư phạm Mĩ thuật nói riêng đều có quá trình đi thực tế đây cũng là thời gian học tập nó đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo của mỗi người học về cách nhìn với cuộc sống nói chung và sự vận dụng thực tế nói riêng nhì chung các ngành học về nghệ thuật đều lấy thực tế làm đề tài cho sáng tạo, từ thực tế nó mở ra nhiều góc nhìn để người học nghệ thuật có hể vận dụng và sáng tạo. Với ngành học mĩ thuật nói chung và Sư phạm Mĩ thuật nói riêng thì việc quan sát và cảm nhận thực tế là rất cân thiết .Các họa sĩ lớn cũng đi thực tế vì đây là viêc cần thiết cho sáng tác nghệ thuật. Ở đây tôi muốn đề cập tới sinh viên học mĩ thuật đi thực tế đặc biệt là sinh viên mĩ thuật ở trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Đi thực tế chuyên môn là quá trình thâm nhập cuộc sống thực tế để đem những kiến thức đã được học tại trường, vận dụng vào việc ghi chép tài liệu, lấy tư liệu từ đời sống, rèn luyện khả năng chắt lọc, tìm tòi những cái hay, cái đẹp của cuộc sống, phục vụ cho việc học tập và sáng tác mỹ thuật. Quá trình thực tế chuyên môn là không thể thiếu được đối với người sáng tác nghệ thuật. Đặc biệt, đối với sinh viên học mỹ thuật thì đi thực tế chuyên môn chính là sự khẳng định bản thân trong quá trình thâm nhập thực tế thông qua nghề nghiệp.

            Quá trình đi thực tế chuyên môn giúp sinh viên nâng cao hiểu biết thực tế cuộc sống. Đây là dịp tốt để sinh viên có thể tận mắt thấy và cảm nhận các khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Từ sinh hoạt thường ngày đến lao động sản xuất, từ cảnh vật thiên nhiên cho đến những sản phẩm mà bàn tay và khối óc con người có thể tạo ra.

            Học sinh, sinh viên có những quan niệm khác nhau về quá trình đi thực tế chuyên môn. Có sinh viên cho rằng đi thực tế chuyên môn cũng là thực hiện những bài tập thông thường. Có người lại cho rằng, đó chỉ là hình thức sao chép cuộc sống.

Thực tế chuyên môn có tác dụng củng cố những kiến thức đã được học của các môn học khác nhau như hình họa, trang trí, bố cục... để ghi chép tài liệu, lưu giữ lại những cảm nhận, khám phá trong quá trình tìm hiểu cuộc sống ở nơi thực tế. Từ đó nâng cao khả năng nhận thức, tiếp thu dễ dàng hơn các kiến thức chuyên môn. Đồng thời, cá tính sáng tạo cũng được khẳng định rõ ràng và tự tin hơn.

            Cuộc sống sinh động trong đợt thực tế thường làm cho sinh viên nhớ những gì nghe, nhìn thấy và cảm nhận một cách rõ ràng và sâu sắc hơn. Sinh viên cũng hiểu rõ hơn về cuộc sống, con người. Điều đó sẽ góp phần tạo nên cơ sở nền tảng vững chắc cho sáng tạo nghệ thuật sau này.

Đi thực tế chuyên môn cũng thúc đẩy sáng tác, phát triển nghề tốt hơn. Hơn nữa, thực tế chuyên môn không chỉ là những bài học thông thường và ghi chép lại cuộc sống mà còn là quá trình khám phá sự gợi cảm của cuộc sống đối với người học nghệ thuật nói chung và sinh viên mỹ thuật nói riêng. Quá trình này giúp cho sinh viên mỹ thuật hay người nghệ sĩ có cảm hứng sáng tạo, yêu nghề hơn, nhận biết cái đẹp tốt hơn và thậm chí có những giây phút thăng hoa trong nghệ thuật. Thông qua các đợt thực tế chuyên môn, học sinh, sinh viên cũng hiểu và học tập lẫn nhau được nhiều hơn. Vì vậy, thực tế chuyên môn đóng vài rất quan trọng trong quá trình đào tạo mỹ thuật. Đi thực tế chuyên môn là một phần không thể thiếu được trong quá trình đào tạo học tập và sáng tạo của sinh viên mỹ thuật.

            Yêu cầu của thực tế chuyên môn là sinh viên phải thâm nhập thực tế, hiểu biết cuộc sống đang diễn ra, vẽ được những nét đặc trưng nhất của vùng mà họ đến thực tế, ghi lại được những đặc điểm sinh hoạt và đời sống của dân cư vùng đó. các ghi chép có thể là bối cảnh khu vực đến các đặc điểm nhà cửa, trang phục, các sinh hoạt đời thường, gia đình hay các hoạt động sản xuất, văn hoá, chính trị, tín ngưỡng hay sắc tộc. Sinh viên phải vận dụng những kiến thức đã được học về màu sắc, đường nét, hình khối... để biến những "vật liệu" thu được thành các ghi chép, xây dựng được những nét khái quát nhất về con người, phong cảnh và cuộc sống (sinh hoạt, sản xuất) của vùng đó.

            Trong quá trình đào tạo Hệ Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật tại trường, sinh viên được học môn ký hoạ từ đơn giản đến phức tạp theo các bài của chương trình và có một đợt thực tế chuyên môn duy nhất vào năm học cuối. Đối với hệ đại học, sau mỗi đợt học hàng năm sinh viên phải xâm nhập thực tế, đi về các vùng miền tìm hiểu thực tế ở địa phương, ăn ở sinh hoạt cùng với người dân, quan sát và tìm hiểu tính đặc trưng của lối sống, sinh hoạt của dân cư, hoạt động sản xuất (chẳng hạn như của các làng nghề...) ở các vùng miền, sắc tộc. Từ quan sát và tìm hiểu thực tế, sinh viên ứng dụng các kiến thức được học để cảm nhận, chắt lọc những điều tinh tế của cuộc sống bằng nghề nghiệp của mình, lấy được những tư liệu đẹp, nâng cao được trình độ phục vụ cho việc học tập và sáng tác tiếp theo. Yêu cầu của đợt thực tế sau thường cao hơn đợt trước. Sinh viên phải tự tìm những địa điểm có điều kiện và tính chất phù hợp với khả năng và quan điểm sáng tạo.

            Kết thúc một đợt thực tế chuyên môn, sinh viên phải có được một khối lượng nhất định tài liệu ghi chép kết quả của đợt thực tế đó. Những ghi chép này được dùng để xây dựng những tác phẩm hoặc bài chuyên môn, hoặc tranh vẽ dựa trên những ghi chép có thực trong thực tế.

Sau mỗi đợt thực tế, sinh viên phải tự rút kinh nghiệm và có dịp so sánh với những nhận xét, phân tích đánh giá của giáo viên. Từ đó, chắt lọc, phát huy những điểm mạnh trong nghề nghiệp, nhận ra và khắc phục những điểm yêú còn tồn tại trong chuyên môn của mình.

            Thực tế chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng nên các trường đào tạo về mỹ thuật đều không thể bỏ qua,từ đó việc đi thực tế và Làm cho đợt thực tế chuyên môn phát huy tối đa hiệu quả là hết sức cần thiết bởi đây là dịp sinh viên ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế đời sống. Muốn vậy, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của nhà trường cũng như sự chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng của giáo viên và học sinh trước khi đi thực tế. Kế hoạch cụ thể cũng như các phương án của một đợt thực tế cần được giáo viên và học sinh lên kế hoạch trước khi đi thực tế và tuân thủ một cách nghiêm túc trong suốt quá trình thực tế thì mới phát huy dược hiệu quả..

Trong sáng tác nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng các nghệ sĩ,họa sĩ đều lấy đề tài từ cuộc sống. Thực tế cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng vì vậy với các môn nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuât Hội họa cần phải nắm bắt kịp thời thì mới phản ánh được cuộc sống một cách chân thực .Với sinh viên học mĩ thuật nói chung và sư phạm Mĩ thuật nói riêng quá trình học tập và đi thực tế là rất cần thiết,nó giúp cho người học có cảm hứng say mê học tập và sáng tạo nghệ thuật./.