Nội san

Đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật đáp ứng nhu cầu xã hội

08 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

                       

ThS.Nguyễn Quang Hải

Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

          Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hôi là nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra với các trường đại học trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường và hội nhập. Đã có nhiều hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội nghị khách hàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Đại học Nông Lâm Tp.HCM đã tổ chức “Hội thảo đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Nhu cầu xã hội cũng được xác định là: nhu cầu về ngành nghề xã hội cần, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là trình độ sinh viên khi tốt nghiệp phải đáp ứng được mong đợi của người sử dụng. Nhu cầu có thể thay đổi theo từng giai đoạn của phát triển xã hội, có thể ngắn hạn hay dài hạn nên việc xác định nhu cầu cũng được quan tâm. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra: Sự phối hợp chặt chẽ 3 nhà (nhà nước, nhà trường, và nhà doanh nghiệp), vai trò của sinh viên trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ, đổi mới nội dung…

          Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên nghệ thuật phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện. Năm 2000, môn Mỹ thuật và Âm nhạc đã được chính thức đưa vào chương trình phổ thông. Nhu cầu giáo viên âm nhạc và mỹ thuật là cấp thiết. Trường đã cùng một số cơ sở đào tạo khác đổi mới  phương thức đào tạo, đa dạng hình thức đào tạo nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trên. Cho đến nay số lượng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu số lượng cho hầu hết các trường tiểu học và THCS trong cả nước. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được Bộ GD&ĐT giao cho là: đào tạo giáo viên âm nhạc và mỹ thuật, trường còn có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế thị trường. Trong thời kỳ bao cấp, nhu cầu con người là “ăn no, mặc ấm”, ngày nay nền kinh tế hàng hóa cần sức cạnh tranh mạnh đòi hỏi sản phẩm có chất lượng, hình thức đẹp và hấp dẫn người tiêu dùng. Các ngành đào tạo: thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang… đang được đưa vào giảng dạy thể hiện sự bắt nhịp với nhu cầu xã hội của nhà trường.

          1. Về chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật.

          Hội thảo về giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi trong và ngoài trường diễn ra năm 2004 do Vụ Mỹ thuật – Bộ Văn hóa tổ chức. Đã có nhiều ý kiến khẳng định vai trò giáo dục mỹ thuật trong trường phổ thông và cũng có ý kiến cho rằng: việc dạy mỹ thuật hiện nay là cứng nhắc, nặng về dạy kỹ năng, thiếu tính giáo dục thẩm mỹ, không phát huy được tính sáng tạo cho lứa tuổi thiếu nhi, và lạc hậu. Trong đề tài khoa học về thực trạng chất lượng giáo viên mỹ thuật vùng đồng bằng sông Hồng của tiến sĩ Phạm Văn Thanh cho thấy: giáo viên mỹ thuật còn nặng về dạy lý thuyết đơn thuần, phương pháp diễn đạt còn yếu, chưa làm tốt chức năng nhiệm vụ giáo dục cái đẹp, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh qua các tiết giảng…

            Thực trạng chất lượng đào tạo còn thể hiện qua tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Theo số liệu khảo sát của dự án giáo dục đại học về việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay và có việc trong khoảng thời gian 3 năm sau khi ra trường có khoảng cách khá lớn. Khi mới tốt nghiệp chỉ có 45-62% sinh viên tìm được việc làm, trong khi 2 năm sau, con số này ở mức 90-100% (đây là số liệu khảo sát chung của tất cả các ngành đào tạo). Mục tiêu của đào tạo giáo viên mỹ thuật là dạy được tiến tới dạy tốt chương trình, sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thì cần tới sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, nhà trường, cơ sở sử dụng nguồn nhân lực và sinh viên.

            1. Đối với nhà nước.

          Nhà nước cần thực sự quan tâm tới tính đặc thù của ngành nghề đào tạo. Với chuyên ngành mỹ thuật, đây là ngành cần trang bị rất tốn kém cho dạy và học. Nếu học tập ở các ngành khác chỉ cần giấy và bút thì học mỹ thuật cần: sơn dầu, toan vẽ, sơn mài, lụa mỗi bài học sinh viên tốn hàng trăm ngàn đồng mua vật liệu. Mẫu vẽ người thuê 40.000đ/giờ. Hầu hết sinh viên không được trang bị học hình họa và chất liệu trong giai đoạn học phổ thông nên giờ học các môn này ở đại học cần đủ để có được kiến thức tối thiểu để dạy học. Trang bị phòng học phải đạt chuẩn, cơ sở vật chất cần phù hợp chuyên ngành đào tạo, cần đầu tư kinh phí đào tạo phù hợp cho các môn nghệ thuật.

          Về chương trình đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật còn nhiều bất cập, nhiều môn có nội dung chồng chéo như: giữa chuyên môn và nghiệp vụ… nên tích hợp nội dung các môn học nhằm giảm tải thời gian học, tăng cường sự liên kết, giao thoa giữa kiến thức, kỹ năng dạy học và dạy học mỹ thuật.  Xây dựng chương trình đào tạo có tỷ lệ thực hành, lý thuyết, chuyên môn phù hợp đặc biệt chú trọng về tính đặc thù của mỹ thuật.

Do việc bù đắp sự thiếu hụt về số lượng giáo viên dạy mỹ thuật trong giai đoạn đầu khi triển khai chương trình mỹ thuật ở tiểu học và trung học cơ sở nên nhiều cơ sở không đáp ứng điều kiện: cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, chất lượng đầu vào… vẫn tham gia đào tạo. Số lượng giáo viên tăng nhanh nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề phải xem xét. Giáo viên dạy mỹ thuật là người định hướng và thẩm định thị hiếu thẩm mỹ, việc đào tạo giáo viên kém chất lượng sẽ ảnh hưởng hình thành thị hiếu thẩm mỹ cho nhiều lứa học sinh.  Cần xây dựng chuẩn đào tạo giáo viên mỹ thuật, kiểm tra các cơ sở đào tạo, tránh đào tạo ồ ạt, không đào tạo từ xa với chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật.

            2. Đối với nhà trường.

          Hàng năm cần có khảo sát về nhu cầu xã hội với chuyên ngành đào tạo. Có thống kê về số lượng sinh viên có việc làm sau 1 - 2 năm tốt nghiệp và cung cấp thông tin cho sinh viên về việc làm. Tổ chức hội thảo tư vấn việc làm, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thông tin, các nhà quản lý, các cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng trao đổi, tiếp xúc và cung cấp thông tin cho sinh viên.

          Thường xuyên rà soát chương trình sao cho cân đối, tích hợp nội dung để giảm tải, nâng cao chất lượng.

          Xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ là xu thế phù hợp cho việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Với chuyên môn mỹ thuật kiến thức, kỹ năng cần tích lũy thường xuyên, có hệ thống, việc xây dựng các modul chỉ nên thực hiện ở một số môn.

          Một trong những nguyên nhân giáo sinh không có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp do năng lực sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của trường phổ thông. Trong chương trình học đã có các môn: Phương pháp dạy học mỹ thuật, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, hoạt động giáo dục trong trường phổ thông, sinh viên được tham gia thực tập sư phạm nhưng việc cọ sát với thực tiễn dạy học chưa đủ để có được năng lực sư phạm cần thiết. Chú trọng tới việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thường xuyên tổ chức hội thi nghiệp vụ sư phạm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và thái độ đúng đắn về nghề sư phạm.

            Các trường đào tạo sư phạm mỹ thuật cần ưu tiên đầu tư cho phòng học lớp học đạt chuẩn, mua sắm trang thiết bị phù hợp cho các môn học đặc thù.

            3. Đối với cơ sở tuyển dụng.

          Nhận thức rõ vai trò của các trường phổ thông với việc nâng cao chất lượng đào tạo, trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương đã mời đại diện các trường tham gia hội thảo về giáo dục nghệ thuật. Nhiều nhà quản lý, các thày cô trực tiếp đứng lớp đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về thực tiến dạy học, yêu cầu về chất lượng về giáo viên dạy mỹ thuật trong trường phổ thông. Trường đã nhận sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở giáo dục trong việc đưa sinh viên thực tập sư phạm, tạo điều kiện cho việc thực tập hành nghề.

          4. Đối với sinh viên.

          Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tỷ lệ chênh lệch giữa sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp và sau 2-3 năm là khá lớn lý do là tâm lý e ngại, sinh viên chưa đáp ứng được ngay công việc được phân công. Trước tiên, sinh viên cần nhận thức được rõ vai trò của mình trong quá trình đào tạo và trong thời gian đầu khi tham gia giảng dạy:

-          Để có hiệu quả trong học tập sinh viên cần xác định rõ mục tiêu học tập, có thái độ học tập đúng đắn, tích cực.

-          Rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm và các kỹ năng mềm khác như: làm việc trong môi trường hiện đại như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng sáng tạo...

-          Nâng cao kiến thức chuyên ngành, chú trọng kiến thức nền tảng làm cơ sở để nhanh chóng tiếp thu những kiến thức do thực tiễn đòi hỏi.

2. Về định hướng đào tạo các ngành mới thuộc lĩnh vực mỹ thuật đáp ứng nhu cầu xã hội.

          Hiện nay, nhu cầu về ngành nghề mới thuộc lĩnh vực mỹ thuật đang được nhà trường tiếp tục quan tâm, nhà trường đã tuyển sinh và đang đào tạo các ngành: Thiết kế thời trang và Thiết kế đồ họa. Hai ngành này đã thu hút được nhiều sinh viên tham gia học tập khẳng định bước đầu đáp ứng nhu cầu xã hội.

          Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Một số ngành nghề mới do sự tích hợp giữa công nghệ thông tin và mỹ thuật như: Công nghiệp giải trí, quảng cáo, thương mại điện tử chiếm lĩnh thị trường lớn trong nền kinh tế. Nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này còn rất khan hiếm. Đã có một số cơ sở đào tạo ngành mỹ thuật đa phương tiện, nhưng các cơ sở này chủ yếu là đào tạo thiên về kỹ năng kỹ sư tin học, thiếu phần đào tạo kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực mỹ thuật. Đây là một trong những hướng mà trường cần chuẩn bị những bước cần thiết để mở mã ngành mới.

          Mỹ thuật là một lĩnh vực rộng lớn gồm nhiều ngành nghề phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội. Để đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng của những ngành đang đào tạo: Sư phạm Mỹ thuật, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa tiến tới đào tạo Hội họa cần phối hợp tốt 3 nhà: nhà nước, nhà trường, nhà tuyển dụng (các cơ sở giáo dục) trong đó sinh viên đóng vai trò trung tâm quyết định chất lượng. Nhà trường cần tiếp tục khảo sát về các ngành nghề thuộc lĩnh vực mỹ thuật để mở các mã ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội./.