Nội san

Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên giáo dục nghệ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tỉnh Phú Thọ

10 Tháng Mười Hai 2010

 

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

 

Nguyễn Quang Hưng

Trường Đại học Hùng Vương - Phú Thọ

 

1. Đặt vấn đề

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi phía bắc với 13 huyện thành thị, có 275 xã, trong đó điển hình nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, Đoan Hùng có đồng bào  dân tộc Mường, Dao, Thái… sinh sống.

 Trong những năm vừa qua, sự nghiệp phát triển giáo dục đặc biệt là giáo dục nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở,  ban ngành trong tỉnh, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu rất lớn của cán bộ giáo viên giảng dạy nghệ thuật nên bước đầu đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác trên, qua đó đã đạt được những thành tựu đáng kể: hầu hết các trường phổ thông từ tiểu học, THCS trong tỉnh đều có giáo viên giảng dạy nghệ thuật, tỉ lệ học sinh yêu thích các môn nghệ thuật cũng đã dần nâng lên, chất lượng giáo dục nghệ thuật dần được cải thiện, việc phổ cập nghệ thuật được tiến hành rộng và đều khắp các địa bàn dân cư trong tỉnh. Điều đó đã góp phần không nhỏ cho công tác đào tạo, phát triển giáo dục toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ cho học sinh phổ thông của tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì ở một số nơi, một số địa phương công tác giáo dục nghệ thuật vẫn còn tồn tại các mặt hạn chế cần được quan tâm, khắc phục. Với bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên giảng dạy nghệ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tỉnh Phú Thọ trong xu thế hiện nay.

2. Đánh giá thực trạng trong công tác giáo dục nghệ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tỉnh Phú Thọ.

2.1. Về ưu điểm.

Đội ngũ giáo viên giảng dạy nghệ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tỉnh Phú Thọ có độ tuổi tương đối đồng đều, các giảng viên trẻ mới được tuyển dụng nhiệt tình, có trình độ chuyên môn vững vàng, hăng say trong công tác, đều được đào tạo bài bản, tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng, đại học ở các trường nghệ thuật. Môn nghệ thuật được lãnh đạo Sở GD&ĐT, các ban ngành quan tâm tạo mọi điều kiện về vật tư, trang thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học, luôn khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, ủng hộ hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, phổ cập giáo dục nghệ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

2.2. Về hạn chế.

Hầu hết giảng viên giảng dạy nghệ thuật ở các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn đều có tuổi đời trẻ và ít tuổi nghề  nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Đối tượng giảng dạy là học sinh dân tộc, miền núi nên vấn đề yêu cầu về trình độ thưởng thức, tiếp thu nghệ thuật thường xảy ra những tình huống khá nhạy cảm trong ứng xử sư phạm, gây không ít khó khăn trong quá trình truyền thụ và lĩnh hội kiến thức giữa thầy và trò. Do được đào tạo trong môi trường nghệ thuật, tốt nghiệp được tuyển dụng về các trường phổ thông, một số giáo viên trẻ chưa có thói quen làm việc theo giờ hành chính, lại xuất hiện tư tưởng là dạy ở trường xã, trường thôn, bản nên hiện tượng oể oải, lề mề, mệt mỏi, chán nản... diễn ra phổ biến. Các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, lương và phụ cấp giáo viên được hưởng khá cao nhưng không biết tiêu ở đâu do chợ chỉ họp một tuần 1 lần, mà các cơ sở dịch vụ thì hầu như không có. Lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt... còn thiếu thốn nên dẫn đến tình trạng một số giáo viên nghệ thuật chỉ muốn nhanh chóng chuyển công tác, thoát ly càng sớm càng tốt. Một số giáo viên nữ trẻ mới đựơc phân công công tác vào xã vùng sâu, vùng xa vẫn có tư tưởng sợ “ế”, sợ buồn, sợ xa nhà, xa “người thương”...  nên thực tâm vẫn không muốn gắn bó với trường lớp và học sinh ở đây. Một số giáo viên trẻ mới tuyển dụng cảm thấy “quá” tự tin vào bản thân do có trình độ chuyên môn vững, nên khi giảng dạy, truyền đạt kiến thức mang tính áp đặt, yêu cầu các bài tập của học sinh dân tộc phải thực hành giống như bài của học sinh thành thị, khiến cho các em cảm thấy “sợ”, “ngại” học các môn nghệ thuật.

Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng ưu điểm và hạn chế đã nêu, nhằm nâng cao chất lượng giáo viên giảng dạy nghệ thuật, giúp giáo viên yêu nghề hơn, quyết tâm gắn bó cuộc sống, sự nghiệp giáo dục lâu dài với các xã vùng sâu vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tỉnh Phú Thọ, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau.

3. Một vài giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên giáo dục nghệ thuật ở các xã vùng sâu vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tỉnh Phú Thọ.

3.1. Bản thân giáo viên nghệ thuật phải xác định được vai trò cũng như đặc thù của môn mà mình giảng dạy, cần có chuyển biến sâu sắc về quan điểm, hành vi, thái độ trong công tác, phải thực sự yêu nghề, gắn bó, tâm huyết với nghề mà mình lựa chọn và theo đuổi.

Phải biết yêu quý, tôn trọng nghề nghiệp của mình đã lựa chọn, biết chấp nhận khó khăn trở ngại trước mắt về các điều kiện vật chất và tinh thần. Đồng thời cũng cần hiểu tương lai của bản thân, tương lai của học sinh, nhà trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức phấn đấu vượt qua khó khăn của chính mình, nhằm vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3.2. Tăng cường vấn đề tự bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ của giáo viên nghệ thuật, có sự chỉ đạo, theo dõi hướng dẫn của Bộ môn và Ban Giám hiệu nhà trường, cần chú ý đặc biệt đến bồi dưỡng năng lực sư phạm, tư cách đạo đức, tính khiêm tốn, ham học hỏi, vươn lên trong chuyên môn, trong rèn luyện.

 Mỗi giáo viên nghệ thuật cần xác định ngoài nhiệm vụ giảng dạy thì công tác tự bồi dưỡng phải đặt lên hàng đầu với các nội dung như: tăng cường dự giờ thăm lớp, tổ bộ môn bố trí cho giáo viên  dự giờ thao giảng của những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, có bề dày năng lực sư phạm. Tổ bộ môn tránh giao cho giáo viên nghệ thuật tham gia giảng dạy kiêm quá nhiều giờ chuyên môn khác như toán, vật lý, sinh, hoá, kỹ thuật... dễ dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chính điều này có tác hại không nhỏ đến việc giáo viên nghệ thuật không có thời gian nghiên cứu kỹ, sâu chính môn của mình. Trước khi lên lớp cần chuẩn bị kỹ nội dung môn học, giáo trình, bài giảng, đồ dùng trực quan..., có kế hoạch cụ thể nhằm trao đổi, quán triệt trong tổ bộ môn và nhất trí quyết tâm thực hiện. Giáo viên nghệ thuật cần tăng cường cập nhật thông tin từ Internet, năng lực sư phạm và các tình huống ứng xử sư phạm, thường xuyên trau dồi đạo đức, tác phong của người giáo viên, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

3.3. Tăng cường  hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên  trong tổ bộ môn của trường và các trường bạn.

 Tổ bộ môn tạo điều kiện cho giáo viên nghệ thuật đi học hỏi giao lưu tiếp xúc với các trường, đơn vị bên ngoài, với chính quyền đoàn thẻ trong xã, thôn... để giúp họ có cái nhìn đúng đắn về vị trí, vai trò của bản thân, giao nhiệm vụ cho giáo viên nghệ thuật phụ trách chủ nhiệm lớp, tham gia công tác Đoàn, Đội nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, lòng yêu nghề của họ. Phân công các buổi coi thi học sinh giỏi, học kỳ... sẽ giúp họ hình thành ý thức chấp hành quy chế tốt hơn.

3.4. Tham gia là thành viên câu lạc bộ, Hội Văn học nghệ thuật trong tỉnh.

Đăng ký tham gia hoạt động tại các câu lạc bộ nghệ thuật của xã, huyện, tham gia Hội văn học nghệ thuật tỉnh, chủ động thực hiện các kế hoạch hoạt động sáng tác tranh, sáng tác ca khúc, tham gia các cuộc thi, các triển lãm trong tỉnh và khu vực. 

3.5. Tham dự các hội thảo về đổi mới công tác giảng dạy nghệ thuật nhằm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của bậc giáo dục phổ thông tại địa phương.

Giáo viên nghệ thuật tại các vùng trên hàng năm cần được tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học, các chương trình tập huấn có nội dung phù hợp với chuyên ngành, tham gia viết các bài báo tạp chí... nhằm tích luỹ kinh nghiệm và nâng cao chất lượng giảng dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh vùng dân tộc, vùng khó khăn trong tỉnh.

3.6. Tăng cường tìm hiểu giám sát, trao đổi giữa các tổ chức chính quyền, đoàn thể với  giáo viên nghệ thuật nơi công tác nhằm tạo ra sợi dây liên kết, gắn bó giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp vì mục tiêu chung.

Tổ bộ môn giao nhiệm vụ giáo viên kinh nghiệm giảng dạy lâu năm có trách nhiệm bồi dưỡng uốn nắn, tìm hiểu nắm bắt những sở trường, hạn chế chuyên môn của giáo viên nghệ thuật mới vào nghề để giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc.

Đảng uỷ, Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ cho công đoàn, đoàn thanh niên tìm hiểu hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như tính cách, tâm tư, nguyện vọng của từng giáo viên nghệ thuật giảng dạy xa nhà (đặc biệt là cán bộ nữ trẻ mới ra trường) để tìm ra cách bồi dưỡng, định hướng, chăm lo đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của từng người, đề xuất với lãnh đạo trường giải quyết những yêu cầu chính đáng của giáo viên nghệ thuật về điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, về phúc lợi, về tham quan du lịch và các chế độ chính sách khác... sao cho có  hiệu quả nhất, giúp cho giáo viên nghệ thuật thêm yêu nghề hơn và mong muốn gắn bó lâu dài với công tác giáo dục nghệ thuật ở  những vùng này.

4. Kết luận.

Chất lượng đội ngũ giáo viên nghệ thuật có tầm quan trọng đặc biệt trong chất lượng phổ cập giáo dục đào tạo của nhà trường, việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật cho đội ngũ giáo viên vừa là nhiệm vụ trọng tâm của họ vừa là trách nhiệm chung  các cán bộ giáo viên trong tổ bộ môn và nhà trường và cả xã hội.

Muốn giáo viên nghệ thuật thực sự yêu trường, yêu lớp, quyết tâm bám trụ với con em đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa, xã đặc biệt khó khăn thì đòi hỏi sự quan tâm  nhiều hơn nữa của các cấp các ngành, sự chung tay góp sức của cả hệ thống giáo dục với những chủ trương đúng đắn, với cách chỉ đạo cụ thể mới góp phần thiết thực cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt là giáo dục nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay./.

*Tài liệu tham khảo.

1. Bộ giáo dục và đào tạo-Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Âm nhạc-Mỹ thuật trong nhà trường phổ thông”(tiểu học và THCS) tháng 1/2008.

2. Bộ giáo dục và đào tạo-Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo giáo viên Âm nhạc-Mỹ thuật cho trường phổ thông”- Tháng 6/2008.