Nội san

Áp dụng hệ thống câu hỏi (theo hệ thống phân loại các mức độ câu hỏi của Bloom) và sử dụng đồ dùng dạy học trực quan để xây dựng nội dung dạy-học Mỹ thuật ở trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

13 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và Cuộc sống

 

                                                             ThS. Nguyễn Thành Việt

Trưởng khoa Mỹ thuật cơ sở

I.        Đặt vấn đề

Mỹ thuật là môn học gắn với đồ dùng dạy học trực quan (sau đây gọi tắt là ĐDDHTQ). Đối tượng của mỹ thuật thường là những gì có thể nhìn thấy, sờ thấy được, có hình khối, đậm nhạt màu sắc, ở xung quanh ta, gần gũi, quen thuộc. Tất cả các môn học mỹ thuật đều phải sử dụng ĐDDHTQ, bao gồm: Những gì có thực như: các đồ vật, hoa, quả, củ, con người, động vật, nhà cửa, cây cối, mây trời, sông nước…; tranh, ảnh, hình vẽ trên bảng; biểu bảng…

Dạy mỹ thuật thường dạy trên ĐDDHTQ. Do vậy ĐDDHTQ ở mỹ thuật là nội dung, là kiến thức của bài học. ĐDDHTQ còn phản ánh kiến thức của bài học, trình độ của học sinh. Chuẩn bị tốt ĐDDHTQ xem như giảng viên đã nắm được nội dung bài và phương pháp dạy, học. Nói đến phương pháp trực quan tức là đề cập đến cách dạy cho sinh viên thấy ngay, thấy một cách rõ ràng, cụ thể, hiểu nhanh, nhớ lâu, đồng thời có hứng thú học tập. Dạy học bằng trực quan sẽ làm cho những khái niệm trừu tượng như cân đối, hài hòa hay những gì ẩn chứa trong bố cục, nét, mảng, màu…của đối tượng được thể hiện một cách cụ thể.

Để khai thác ĐDDHTQ hiệu quả người dạy khi trình bày ĐDDHTQ trong dạy-học mỹ thuật đương nhiên phải sử dụng hệ thống nhóm các phương pháp thích hợp để giảng giải, phát vấn, gợi ý…Với nguyên tắc từ đơn giản tới phức tạp, từ bao quát đến chi tiết để sinh viên lĩnh hội tri thức cho từng mục tiêu. Với mỗi mục tiêu dạy học (người học sẽ phải đạt tới cấp độ nào của thang bậc nhận thức). Trong khuôn khổ bài viết này tôi trình bày một hướng dạy học dựa trên quan điểm nhận thức của Bloom nhằm mục đích xây dựng và phân loại kiến thức bài học khi sử dụng ĐDDHTQ theo bậc mục tiêu là một trong những cơ sở giúp giảng viên lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp trong quá trình tổ chức sinh viên lĩnh hội kiến thức. Khi xây dựng hệ thống câu hỏi theo các bậc mục tiêu giúp giảng viên dễ dàng và thuận lợi trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nhằm huy động khả năng tri giác, phân tích, tư duy, lựa chọn và tìm ra giải pháp trong câu trả lời nhất định. Đây thực chất là quá trình hoạt động trí tuệ của người học được định hướng sư phạm bằng hệ thống câu hỏi giảng viên xây dựng phù hợp và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ khi trình bày ĐDDHTQ nhằm phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo chiếm lĩnh tri thức và bồi dưỡng năng lực tự học cho sinh viên.

II. Áp dụng hệ thống câu hỏi (Theo hệ thống phân loại các mức độ câu hỏi của Bloom).

* Câu hỏi bậc thấp.

1. Câu hỏi BIẾT

- Mục tiêu :

Nhằm kiểm tra trí nhớ của sinh viên về hình ảnh của thế giới hiện thực mà mình từng biết; khái niệm, tính chất, đặc điểm, về đối tượng sáng tạo; tác giả, tác phẩm, nguyên tắc trang trí, quy luật màu sắc...

- Tác dụng đối với sinh viên:

  Giúp sinh viên ôn lại những gì đã biết, đã trải qua để làm cơ sở lĩnh hội, tìm tòi kiến thức, thông tin mới có hệ thống. 

- Cách thức dạy học:

 Khi hình thành câu hỏi giảng viên có thể sử dụng các từ sau đây: Ai…? Cái gì…? Ở đâu …? Thế nào …? Khi nào…? Hãy mô tả…; Hãy kể lại…

- Ví dụ:

+ Em hãy cho biết bức tranh này là của tác giả nào?

+ Tác giả... vẽ bằng chất liệu gì?

+ Họa sĩ vẽ bức tranh... trong hoàn cảnh nào?

+ Em hãy cho biết tính chất, đặc điểm của hình vuông, hình tròn?

+ Em hãy nhắc lại các nguyên tắc trang trí hình cơ bản?

+ Em hãy nhắc lại khái niệm về tranh bố cục?

2. Câu hỏi HIỂU:

- Mục tiêu :

Nhằm kiểm tra sinh viên cách liên hệ kết nối các các môn học mỹ thuật như hình họa, trang tri, bố cục... các đặc điểm của đối tượng, khi tiếp nhận thông tin.

- Tác dụng đối với người học:

Giúp người học có khả năng nêu ra được những yếu tố cơ bản trong bài học.

Biết cách so sánh các ngôn ngữ, yếu tố tạo hình… trong bài học như: đường nét, hình mảng, khối, sáng tối đậm nhạt, màu sắc trong tương quan chung của bài vẽ.

Giúp sinh viên hiểu về mối quan hệ trong hội họa và trong cuộc sống từ đó có nhận thức để phản ánh. 

- Cách thức dạy học.

 Khi hình thành câu hỏi giáo viên có thể sử dụng các từ sau đây: Vì sao…? Hãy giải thích…? Hãy so sánh…, Hãy liên hệ…

Ví dụ:

+ Quan sát lại mẫu em hãy so sánh tương quan nóng lạnh, đậm nhạt của bài vẽ.

+ Em cho biết trong 4 bố cục trang trí hình vuông trên bố cục nào là thuận mắt nhất? Vì sao?

+ Trong 4 phác thảo bố cục trên đây phác thảo bố cục nào có hiệu quả vui mắt, tại sao?

+ Màu sắc trong tự nhiên và màu sắc trong tác phẩm Hội họa có gì giống và khác nhau không? Tại sao? 

3. Câu hỏi ÁP DỤNG.

- Mục tiêu :

Nhằm kiểm tra sinh viên khả năng áp dụng những thông tin đã tiếp thu được (các khái niệm, tính chất đặc điểm, phương pháp vẽ đối tượng, hình ảnh cuộc sống thực tế…) vào bài tập sáng tạo.

- Tác dụng đối với người học:

* Giúp người học hiểu được nội dung kiến thức, quy luật của đối tượng phản ánh và phản ánh (vẽ) đối tượng theo nhận thức và cảm xúc của mình.

* Biết cách lựa chọn nhiều phương pháp để giải quyết bài tập và các vấn đề trong cuộc sống liên quan.

- Cách thức dạy học.

 * Khi dạy học giảng viên cần tạo ra các tình huống mới, các bài tập trang trí ứng dụng, trang trí nhà trường , lớp học, vẽ tranh về các đề tài, sáng tác tranh cổ động, viết tiểu luận, các ví dụ liên hệ giữa lý thuyết và thực hành, lý luận và cuộc sống... giúp người học vận dụng các kiến thức , bài học cơ bản như hình họa, điêu khắc, trang trí cơ bản vào trang trí ứng dụng, vẽ tranh, áp dụng vào dạy học môn mỹ thuật ở trường phổ thông.

Ví dụ:

+ Những họa tiết trên có thể áp dụng vào những sản phẩm trang trí nào là hợp lý? Nội thất, đồ gốm, phục trang, in ấn, mỹ nghệ...

+ Các em hãy chọn ra những bức tranh trên đây mà tác giả đã sử dụng nét như là một phương tiện chính để tạo hiệu quả tạo hình?

* Giảng viên có thể đưa ra nhiều câu trả lời khác để sinh viên lựa chọn một câu trả lới đúng. Chính việc so sánh các lời giải khác nhau là một quá trình tích cực.

* Câu hỏi bậc cao.

4. Câu hỏi PHÂN TÍCH:

- Mục tiêu :

Nhằm kiểm tra người học khả năng phân tích nội dung vấn đề, để tìm ra mối liên hệ hoặc chứng minh luận điểm hoặc đi đến kết luận.

- Tác dụng đối với người học :

* Giúp người học tìm ra được các mối quan hệ trong hiện tượng, sự kiện, tự diễn giải hoặc đưa ra kết luận riêng, từ đó phát triển được tư duy lôgic .

- Cách thức dạy học.

* Câu hỏi phân tích thường đòi hỏi học sinh phải trả lời: Tại sao? (khi giải thích nguyên nhân). Em có nhận xét gì? (khi đi đến kết luận). Em có thể diễn đạt như thế nào? (khi chứng minh luận điểm).

* Câu hỏi phân tích thường có nhiều lời giải.

Ví dụ:

+ Em hãy phân tích về kỹ thuật tạo chất trên bề mặt tranh sơn mài của tác giả..., tác phẩm...? Để nêu bật được hiệu quả thị giác về: Động, tĩnh, nông sâu, thực ảo..., tính ước lệ của tranh sơn mài.

+ Em hãy phân tích về cách sử dụng nét, mảng trong tranh sơn mài của tác giả..., tác phẩm...? Để nêu bật được tính trang trí của tranh sơn mài.

5. Câu hỏi TỔNG HỢP.

- Mục tiêu:

Nhằm kiểm tra khả năng của sinh viên có thể đưa ra những dự đoán, cách giải quyết vấn đề, các câu trả lời hoặc đề xuất có tính sáng tạo.

- Tác dụng đối với người học:

Kích thích sự sáng tạo của học sinh, hướng các em tìm ra nhân tố mới, hướng sáng tạo mới…

- Cách thức dạy học.

* Giảng viên cần đưa ra những tình huống, những câu hỏi, khiến sinh viên phải suy đoán, có thể tự do đưa ra những đề xuất, phương án thể hiện mang tính sáng tạo riêng của mình.

Ví dụ:

+ Quan sát, ghi chép các sự vật, hiện tượng cuộc sống nơi thực tế chuyên môn, em nhận thấy nơi đó có đặc điểm gì riêng biệt, khác lạ có quy luật? Bằng cảm xúc của mình trước những phát hiện đó đề xuất hướng tìm tòi bố cục cho bức tranh.

+ Trước những thực trạng dạy và học môn mỹ thuật ở trường em thực tập sư phạm mà em đã khảo sát, nếu cứ diễn ra như thế chất lượng đào tạo sẽ thế nào? Em có thể đưa ra những giải pháp nào để cải thiện tình trạng trên.

6. Câu hỏi ĐÁNH GIÁ.

- Mục tiêu :

Nhằm kiểm tra khả năng đóng góp ý kiến, sự phán đoán của sinh viên trong việc nhận định đánh giá các ý tưởng, sự kiện, hiện tượng, tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật… dựa trên các tiêu chí đã đưa ra.

- Tác dụng đối với học sinh:

Thúc đẩy sự tìm tòi tri thức, sự xác định giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ của sinh viên.

- Cách thức dạy học.

Giảng viên có thể tham khảo một số gợi ý sau đây để xây dựng các câu hỏi đánh giá: Hiệu quả thẩm mỹ của nó như thế nào? Hướng giải quyết đó có hợp lý dẫn tới thành công không? Tại sao? Theo em trong số các giả thuyết nêu ra, giả thuyết nào hợp lý nhất và tại sao? Bài (bức tranh) nào em thấy đẹp nhất, tại sao?

Ví dụ:

+ Hãy chọn ra bài tập nào đẹp nhất và cho biết ý kiến của mình?

+ Những bài tập nào chưa đạt yêu cầu? Theo em cần phải sửa lại những chỗ nào?

+ Kỹ năng thể hiện chất liệu ở bài nào mà em cho là đạt nhất? 

+ Hướng thể hiện bài tập trang trí hội trường của bạn có đảm bảo tính thực tiễn không? 

Ví dụ áp dụng hệ thống câu hỏi (Theo hệ thống phân loại các mức độ câu hỏi của Bloom) và trình bày  trực quan xây dựng nội dung bài học trong bài tranh cổ động.

Mục tiêu 1 Tìm hiểu về tranh cổ động.

- Khái niệm.

Câu hỏi lớn: Tranh cổ động thuộc thể loại nghệ thuật nào? Hội họa, đồ họa?

Cho sinh viên xem hai bức tranh (Tranh sơn dầu, tranh cổ động) Giúp sinh viên nhận ra tranh cổ động thuộc thể loại đồ họa.

Câu hỏi nhỏ:

- Em hãy phân tích cách sử dụng nét, mảng, màu, đậm nhạt trên hai bức tranh và cho biết nhận xét của mình.

 Tranh cổ động có những nội dung gì?

- Tuyên truyền

- Cổ động

- Cho mục đích chính trị hay một hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội

       

           (H1)                                            (H2)                                    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                       (H3)

 

 

 

Tranh cổ động thường được treo ở đâu? Kích thước tranh lớn hay nhỏ?

  

(H4)                                                                    (H5)   

 

 

                   

               (H6)                                             (H7)

 

Sinh viên xây dựng khái niệm: Tranh cổ động là một thể loại tranh trong nghệ thuật Đồ họa, giàu chất trang trí. Nội dung nhằm tuyên truyền, cổ động cho một mục đích chính trị, một hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội.

Tranh cổ động có kích thước to, lớn thường treo ở các vị trí công cộng nơi có đông người qua lại, cũng có khi rất nhỏ bé.

- Vai trò, tác dụng của tranh cổ động.

Câu hỏi: Em hãy nêu vai trò, tác dụng của tranh cổ động?

Sinh viên quan sát và phân tích hình ảnh trong tranh (H8), hành động ĐẤU TRANH chống giặc ngoại xâm để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Với các câu hỏi sau: Hãy mô tả các nhân vật trong tranh? Họ có những hành động gì? ...

          

          (H8)                                            (H9)                                    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                     (H10)

 

 

- Tranh 9: Cờ bạc là bác thằng bần, Tranh 10 Ma túy AIDS

Đặt câu hỏi nhằm giúp sinh viên phân tích hình ảnh trong tranh tìm hiểu vai trò tác dụng của tranh nhằm Nhắc nhở, khuyên nhủ nhân dân không tham gia chơi cờ bạc, tránh xa ma túy bởi kết cục dẫn tới phải đi ăn mày, AIDS...

 

                                (H11)                                      (H12)

 

 

- Tranh 1:  Lao động- Hạnh phúc- Ấm no

- Tranh 12 Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Sinh viên phân tích hình ảnh trong tranh tìm hiểu vai trò tác dụng của tranh nhằm: Ca ngợi lãnh tụ, Cổ động, tuyên truyền.

Giảng viên thiết kế hệ thống câu hỏi có gợi mở để khai thác trực quan giúp sinh viên tự xây dựng nội dung: Vai trò, tác dụng của tranh cổ động: Tranh cổ động có vai trò tác dụng rất lớn tới đời sống chính trị xã hội nó là thứ vũ khí đấu tranh chống kẻ thù dân tộc; khuyên nhủ, vận động mọi tầng lớp nhân dân tránh xa các tệ nạn xã hội; Ca ngợi Đảng, ca ngợi lãnh tụ; Cổ động, tuyên truyền cho đường lối chính sách của Đảng, nhà nước.

III. Kết luận.

Trình bày trực quan kết hợp áp dụng hệ thống câu hỏi (Theo hệ thống phân loại các mức độ câu hỏi của Bloom) để xây dựng nội dung dạy-học mỹ thuật nhằm phát huy tính cực, độc lập tự chủ, sáng tạo và bồi dưỡng năng lực tự học cho sinh viên là một sự lựa chọn phương pháp thích hợp để thực hiện đổi mới phương pháp dạy, học mỹ thuật. Khai thác ĐDDHTQ bằng hệ thống câu hỏi mà Giảng viên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng giúp sinh viên tự xây dựng các nội dung thể hiện được mục tiêu bài học. Khi sử dụng hệ thống câu hỏi giảng viên cần chú ý tới các kỹ năng đặt câu hỏi sau:

- Câu hỏi phải tập trung vào trọng tâm giúp học sinh hiểu đuợc trọng tâm bài học thông qua việc trả lời câu hỏi.

- Câu hỏi phải rõ ràng, khi sinh viên trả lời chưa hoàn chỉnh phải giải thích, liên hệ, có thể sử dụng một số câu hỏi nhỏ để nâng cao chất lượng câu trả lời cho sinh viên.

- Câu hỏi phải tích cực hóa tất cả các đối tượng sinh viên để tăng cường sự tham gia của sinh viên trong quá trình học tập đồng thời Kích thích được sinh viên tham gia tích cực vào các họat động học tập.

    - Không phản ứng với câu trả lời sai của sinh viên mà phải tạo ra sự tương tác cởi mở và khuyến khích sự trao đổi, sinh viên cảm thấy mình được tôn trọng, được kích thích, phấn chấn và có thể có sáng kiến trong tương lai./.