Nội san

Suy nghĩ về đổi mới trong giảng dạy môn bố cục hệ đại học SPMT trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

22 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và Cuộc sống

 

 

ThS. Nguyễn Thị Trang Ngà

Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mĩ thuật Việt Nam đã có sự biến đổi, phân hoá và phát triển mạnh mẽ. Có lẽ mỹ thuật là lĩnh vực sớm hoà nhập được với khu vực và thế giới. Mỹ thuật đã phát triển thêm nhiều xu hướng mới, nhiều phong cách cá nhân đa dạng. Quan niệm về nghệ thuật cũng mở rộng dân chủ và có nhiều thay đổi. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Trong xu thế đổi mới chung đó, việc đào tạo nghệ thuật trong các trường mỹ thuật có nhiều điều kiện để phát triển hơn về hợp tác, trao đổi làm phong phú đa dạng thêm chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Một số trường đào tạo mỹ thuật chuyên nghiệp đã có những thay đổi mạnh mẽ bắt nhịp với xu thế chung của sự phát triển nghệ thuật trong khu vực: mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, đưa những chương trình đào tạo mỹ thuật ở nước ngoài vào trường để tham khảo và triển khai áp dụng nhằm đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học. Đây thực sự là một cơ hội để mỹ thuật phát triển và hoà nhập với khu vực và thế giới. Đó là xu thế tất yếu bởi nếu không đổi mới trong đào tạo nếu không đổi mới trong đào tạo thì mỹ thuật của chúng ta sẽ bị tụt hậu. Trong sáng tạo nghệ thuật, đổi mới là nhu cầu tự nhiên, cần thiết hàng ngày. Mỗi ngày sáng tạo một chút, mỗi ngày cố gắng tự đổi mới mình một chút, từ những đổi mới nho nhỏ cần thiết của mỗi cá nhân - những người làm nghệ thuật, những người quan tâm đến nghệ thuật - những người làm công tác đào tạo nghệ thuật. Như vậy nghệ thuật sẽ tồn tại và phát triển. Trên thực tế, bên cạnh những đổi mới của cá nhân cần phải có những đổi mới lớn hơn, rộng hơn ở tầm vĩ mô có thể trở thành những sự kiện làm thay đổi cả quan niệm về nghệ thuật của một thế hệ, một thời đại. Đó là những thay đổi lớn có tính cách mạng cả về kĩ thuật và quan niệm về nghệ thuật. Trong không khí toàn cầu hoá với xu thế đổi mới mang tính chuyển đổi của mỹ thuật nước ta hiện nay thì vấn đề xây dựng một đời sống nghệ thuật là vấn đề quan trọng mà trong đó giáo dục và đào tạo nghệ thuật có tính quyết định trong việc hình thành một thế hệ sinh viên mỹ thuật có nhân cách, hiểu biết có thị hiếu thẩm mỹ tốt, có trình độ văn hoá, có nhu cầu và khả năng thưởng thức nghệ thuật.

Từ trước đến nay, đào tạo mỹ thuật trong các trường nghệ thuật về căn bản vẫn là truyền nghề, rèn kĩ năng mà kiến thức về lí luận về văn hoá Việt Nam, thế giới những kiến thức lịch sử mỹ thuật và các môn lí luận chuyên ngành vẫn còn hạn chế. Sinh viên tốt nghiệp muốn trở thành trí thức còn phải mày mò tự học và tự nghiên cứu thêm. Mặt khác sự đào tạo mỹ thuật trong trường vẫn bị tách khỏi đời sống xã hội, đời sống nghệ thuật trong nước và khu vực. Sự gắn kết và giao lưu không có trong chương trình đào tạo.

Trong xu thế hội nhập, thiết nghĩ sinh viên mỹ thuật, nhất là sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW phải được đào tạo để trở thành những trí thức hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật. Như vậy theo tôi chương trình đào tạo sư phạm mỹ thuật đích thực phải có những hướng chuyển đổi mạnh mẽ như lấy truyền thụ tri thức văn hoá  nền toàn diện, khơi gợi nuôi dưỡng tài năng làm trọng tâm thay cho việc chỉ rèn kĩ năng mang tính chất truyền nghề như bao lâu nay vẫn thực hiện. Tiếp nữa, có điều kiện thay vì đào tạo khép kín bằng hướng đào tạo mở gắn liên hệ với đời sống xã hội trong và ngoài nước. Theo tôi, chương trình đào tạo mỹ thuật nói chung và chương trình môn Bố cục nói riêng phải có những thay đổi cho phù hợp với thời đại. Nhìn chung cần thay đổi theo hướng hiẹn đại, hấp dẫn người học bằng sự ứng dụng kiến thức thiết thực vào cuộc sống. Muốn hấp dẫn được sinh viên khi học môn bố cục thì phải đào tạo ra những điều mới mẻ bởi những vấn đề mới luôn là hữu ích và cần thiết cho sự phát triển.

Điều đầu tiên theo tôi trong chương trình bố cục phần lí thuyết nên cung cấp kiến thức một cách rất tổng quát, đặc biệt là luôn cập nhật, mở rộng khái niệm về bố cục không nên quá tách bạch giữa bố cục trang trí và bố cục tranh mà đưa ra một khái niệm tổng quát hơn là bố cục tạo hình. Ta nên đưa ra khái niệm mang tính chất mở dù là tranh tả thực, tranh sinh hoạt theo đề tài hay trừu tượng cổ điển, hiện đại, tranh trang trí hay tranh hội hoạ, nói rộng ra là một bố cục nghệ thuật thị giác. Ta có thể mở rộng phạm vi của bố cục trong mọi lĩnh vực nghệ thuật như bố cục ảnh, bố cục trong kiến trúc, bố cục hình tượng múa… suy cho cùng đều là những thông điệp thị giác. Và xu thế chung trên thế giới ngày nay đang xoá bỏ dần ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật. Đồng thời sự hiểu biết rộng về các loại hình nghệ thuật giúp bổ sung hỗ trợ thêm kiến thức cho sinh viên và giúp cho sinh viên rút ra được những gì đặc trưng nhất, điển hình nhất của bố cục tạo hình. Điều này cũnh giúp sinh viên hoàn thiện hơn về kiến thức để ra thực tế có thể linh hoạt làm việc trong môi trường nghệ thuật có tính chất tổng hợp như hiện nay.

Từ khái niệm mang tính chất mở rộng đó giảng viên đưa ra phương pháp hướng dẫn sinh viên nắm bắt được những quy luật cơ bản về sự cảm nhận thị giác để tạo được những hiệu quả thị giác sao cho hợp lí, hài hoà, bắt mắt từ những vẻ đẹp và khả năng biểu cảm của ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình mảng, màu sắc, chất cảm… mà không nhất định phải là những mô phỏng tự nhiên. Chúng ta nên hướng sinh viên cách tao ra những thong điệp bằng hình ảnh đưa đến người xem qua cách xây dựng bố cục, tạo lập một hình thức bố cục và cũng chính qua đó biết cách hướng người xem đọc thông điệp, ý tưởng của mình. Với cách thức này, sinh viên cũng biết cách đọc thông điệp, biết cách thưởng thức một tác phẩm tạo hình của các nghệ sỹ tiêu biểu.

Như vậy việc mở rộng khái niệm về bố cục trong mọi lĩnh vực nghệ thuật từ người thầy kết hợp với những nhận thức vốn sống từ thực tế sinh viên chủ động trong công việc học tập của mình tự hình thành tư duy sáng tạo, tự vạch cho mình một phương pháp làm việc phù hợp.

Vấn đề thứ hai nên có sự mở rông phạm vi đề tài trong các bài thực hành. Có thể đưa ra nhiều nội dung cần đề cập tới để sinh viên lựa chọn, nghiên cứu thảo luận với những chủ đề như: hoài niệm về quá khứ, hoài niệm đồng quê, trò chơi, lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng cho đến những chủ đề tình yêu, thân phận con người với nhiều cái nhìn nội tâm, chủ quan v.v… Bên cạnh đó cũng gợi những cái nhìn mới cập nhật và đề cập tới những nội dung như toàn cầu hoá các vấn đề chung của thế giới, nhân loại như mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm, bạo lực, chiến tranh, tệ nạn xã hội v.v… Với mảng đề tài phong phú, cập nhật, đa dạng về nội dung sẽ là gợi ý tạo cảm hứng mới mẻ trong học tập sáng tạo những bài tập phần chuyên khoa chất liệu. Bởi khi bắt đầu học về chất liệu hội hoạ như Lụa, sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ là khi sinh viên đã chuyển sang giai đoạn sáng tác. Điều quan trọng khi sáng tác là phải tạo dựng được những cái mới có tính sáng tạo. Muốn có những sáng tạo tốt thì phải có cảm hứng. Những thay đổi làm mới đề tài cũng là một trong những yếu tố giúp sinh viên hứng thú tìm tòi, nghiên cứu trong học tập.

Vấn đề thứ ba, đó là sự đổi mới về kĩ thuật xử lí chất liệu. Trong thời đại kĩ thuật ngày nay đã có những thể nghiệm mới tạo những hiệu quả thẩm mỹ mới ấn tượng và lí thú từ việc xử lí các chất liệu Lụa, sơn dầu, sơn mài. Ví dụ như trước đây khi vẽ lụa ta đã quen với kĩ thuật được truyền lại, như lụa phải vẽ nét, phải cọ lụa rửa lụa, phải biểu và trình bày qua khung kính với cách vẽ mang tính trang trí cao như đi nét, tô mảng, lên từ từ từng lớp từ nhạt đến đậm. Nhưng ngày nay kĩ thuật lụa đã có nhiều đổi mới làm mở rộng khả năng biểu cảm của lụa. Việc xử lí về kĩ thuật vẽ lụa đã có những thay đổi như vẽ trực tiếp không cần can nét, vẽ kiểu tả thực, lụa vẽ xong không cần biểu mà xử lí bằng các phương pháp mới vẫn tạo được hiệu quả mềm mại của chất liệu lụa. Với chất liệu sơn dầu, cũng có nhiều đổi mới đó là sự can thiệp của hoá chất để tạo hiệu quả óng ả của chất sơn, bền đẹp. Đối với sơn mài chúng ta đã quen với kĩ thuật xử lí sơn ta cổ truyền. Ngày nay nhiều hoạ sỹ đã kết hợp được những ưu điểm của sơn Nhật như bảng màu sơn Nhật phong phú với sơn ta để tạo được những hiệu quả thẩm mỹ tốt, vẫn mang giá trị nghệ thuật cao.

Ngoài ra có một chất liệu rất đơn giản đã có trong chương trình đó là chất liệu giấy. Môn Trang trí có bài tập tranh xé dán dừng lại ở dạng đơn giản mang tính trang trí. Ngày nay kĩ thuật tranh dán giấy đã phát triển rất phong phú và đa dạng đã có những tác phẩm Hội hoạ rất công phu, tả rất kĩ mang nhiều chất Hội hoạ được làm từ giấy. Ta nên áp dụng kĩ thuật mới này đưa ra những yêu cầu cao hơn cho bài tập xé dán và đưa sang môn bố cục chất liệu.

Vấn đề thứ tư cần đề cập tới đó là quan niệm về thẩm mỹ cũng phải có những thay đổi cho phù hợp với xã hôi hiện đại. Mỹ thuật nước ta trải qua các thời kì và ở mỗi thời kì cũng có những quan niệm về nghệ thuật khác nhau. Những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về cái Đẹp, về bút pháp từ phong cách mỹ thuật Đông Dương với bút pháp hiện thực cổ điển pha ấn tượng phần nhiều mơ mộng, trữ tình, duy mĩ sang lối vẽ tả thực, giản dị, dễ hiểu, tuyên truyền phục vụ kháng chiến. Đến thời kỳ đổi mới quan niệm về nghệ thuật trở về khai thác truyền thống, văn hoá làng,phát triển xu hướng  ngây thơ, trang trí dân gian, hiện thực, hoài niệm. Ngoài ra còn xu hướng hiện đại hoá mạnh mẽ ngôn ngữ tạo hình với các trào lưu trừu tượng, biểu hiện, lập thể, siêu thực… Phát triển mạnh các chất liệu phương tiện nghệ thuật và nghệ thuật không gian. Đây là bước thể hiện sự đổi mới rõ ràng quyết liệt nhất cả về hình thức lẫn quan niệm nghệ thuật, mỹ thuật nước ta hiện nay đang hình thành mô hình khuynh hướng thẩm mỹ thứ 3 và đặc điểm của nó là sự khước từ ảnh hưởng một chiều từ nghệ thuật Đông Dương hay hiện thực XHCN. Mỹ thuật nhìn chung trở về với truyền thống nghệ thuật dân tộc và giao thoa với toàn bộ mỹ thuật hiện đại phương tây hoà nhập với nghệ thuật Đông Nam Á và hội nhập toàn diện với mỹ thuật quốc tế. Với tinh thần chung như vậy ta cũng nên có những động thái tạo khoảng trống để sinh viên tiếp cận cái mới, tiếp cận những trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật đang được phổ biến.

Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì chúng ta phải làm phong phú đa dạng thêm chương trình đào tạo.Về cơ bản phải tiếp cận những phương pháp tư duy mới. Những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống mỹ thuật và xu thế hội nhập của đất nước sẽ dẫn đến những thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ, ngôn ngữ hình thức, chất liệu, quan niệm sáng tác, tính dân tộc, tính hiện đại và tính hậu hiện đại. Trước những thay đổi đó, chúng ta cũng nên có cách nhìn mới, đưa ra những tiêu chí mới để hướng dẫn và đánh giá chất lượng bài tập của sinh viên sư phạm mỹ thuật. Với cách nhìn phù hợp với thời đại ta khuyến khích phát triển nhiều phong cách vẽ, nhiều cá tính mới được bộc lộ, tạo môi trường để 

sinh viên thể hiện tư duy cá nhân, tự do sáng tạo. Các thể nghiệm sáng tác của   

sinh viên có thực hiện hiệu quả hay không là do cách nhìn, cách hướng dẫn của người dạy để uốn nắn sinh viên vừa đi đúng hướng vừa phát triển tư duy cá nhân hợp thời đại.

Đối với môn Bố cục, theo tôi hướng sinh viên tự do sáng tạo trên cơ sở định hướng của giảng viên. Ví dụ các em có thể sáng tác tự do song những tiêu chí cơ bản của việc xây dựng một bức tranh cần phải chú ý những yếu tố cơ bản sau:

 - Tính chân thực và cụ thể: tranh là phản ánh cuộc sống bằng chính diện mạo cuộc sống. Tính chân thực và cụ thể là thuộc tính hai mặt của nghệ thuật: Vừa là thuộc tính của nội dung vừa là thuộc tính của hình thức. Càng chân thực bao nhiêu càng sinh động hấp dẫn bấy nhiêu. Tranh là bằng hình tượng nghệ thuật cụ thể đập vào mắt người xem tác động đến tâm lý người xem gây nên những xúc động cho người thưởng thức.

 - Tính khoa học: Tranh phải thể hiện được logíc của cuộc sống cũng như lôgíc nghệ thuật. Có nghĩa là phải nắm bắt được những quy luật của cái đẹp và vận dụng một cách đúng đắn những quy luật vận động của nghệ thuật để phản ánh và sáng tạo. Chúng ta muốn phản ánh con người Việt Nam dù thể hiện bằng phong cách nào cổ điển, hiện thực hay hiện đại, người vẽ phải nắm bắt được vẻ đẹp của tâm hồn, thể chất và đặc điểm của con người Việt Nam rồi vận dụng những quy luật của tạo hình mà khắc họa nên những nhân vật điển hình.

 - Tính thẩm mỹ: tranh phải đẹp mới gợi cảm xúc, mới xúc động lòng người. Tính thẩm mỹ trong tranh đòi hỏi cái đúng phải mở đường cho cái đẹp. Đây là một đặc trưng không thể thiếu của nghệ thuật tạo hình.

            Như vậy để sinh viên tự do trong sáng tạo nhưng những sáng tạo của các em phải có nội dung chân thực, phong phú, có hình thức độc đáo và tạo hình đẹp. Và luôn để các em hiểu rằng hội hoạ là nghệ thuật sử dụng những yếu tố đường nét, hình thể, màu sắc, đậm nhạt, nhịp điệu với tất cả các mối tương quan tinh tế của nó với sự độc lập giữa chúng nhằm diễn đạt những ý tưởng và sáng tác của người vẽ trước thực tiễn cuộc sống.

            Việc thay đổi các quan niệm của người sáng tác sẽ tạo ra phong cách mới. Sẽ chẳng có một luật lệ nào cho biết khi nào một bức tranh được coi là đạt cũng như không thể giải thích chính xác tại sao ta cảm thấy đó là một tác phẩm tốt. Nhưng như vậy không có nghĩa là mọi tác phẩm đều có giá trị như nhau hoặc không có những tiêu chí đánh giá nhất định. Ngôn ngữ của hội họa là màu sắc, hình khối, đường nét là bố cục tương quan hình thể, không gian... Mỗi bức tranh có một tiếng nói riêng và để tiếng nói đó lay động lòng người đòi hỏi người vẽ phải biết biến hoá dựa trên những quy luật đã nắm chắc và nhuần nhuyễn. Điều mà chúng ta luôn nhắc nhở sinh viên sư phạm mỹ thuật là hãy sáng tạo, hãy đổi mới và tìm tòi nghiên cứu trong học tập khi cơ bản đã vững vàng.

          Trên đây là một số suy nghĩ của cá nhân tôi với mong muốn có một sự đổi mới nho nhỏ ở bộ môn mà tôi giảng dạy. Hy vọng rằng những suy nghĩ đó có thể giúp cho sinh viên sư phạm mỹ thuật hứng thú hơn trong học tập và chất lượng các bài tập chuyên khoa được nâng cao. Tôi nghĩ rằng, mọi thành quả trong xã hội từ kinh tế, thể thao, văn hoá, nghệ thuật… đều được tạo nên từ một chiến lược đào tạo phù hợp với thời đại. Đào tạo không có khả năng sản sinh ra những tài năng định kỳ nhưng là môi trường, là bệ phóng cho sự phát triển cá nhân trong mọi lĩnh vực trong đó có mỹ thuật./.