Nội san

Bàn về nhiệm vụ đào tạo giáo viên âm nhạc trong thời kỳ hiện nay

22 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

Nguyễn Văn Hảo

Trường CĐ Sư phạm TW-Nha Trang

 

 

Trong mọi thời đại, giáo dục đều hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách con người, bao gồm “đức, trí, thể, mỹ”. Ngày nay, yêu cầu về giáo dục toàn diện nhân cách con người vẫn luôn được đặt ra, đặc biệt đối với việc giáo dục nghệ thuật được xem như phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng nhân cách con người.

Ở nước ta, cùng với mỹ thuật, âm nhạc là môn học nghệ thuật đã được đưa vào trường phổ thông từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên mới chỉ tập trung ở một số trung tâm lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, v.v… Gần 10 năm trở lại đây, môn Âm nhạc đã được phổ cập trong toàn quốc, đã có vị trí như các môn học khác của chương trình giáo dục bậc tiểu học và THCS.

Trong thời kỳ hiện nay, nhân loại đang đi vào nền văn minh trí tuệ với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, xu thế của thời đại được thể hiện rõ nét của một xã hội có nền kinh tế tri thức, một xã hội học tập. Những thành tựu tiến bộ của khoa học công nghệ đã làm thay đổi đáng kể hình thức và nội dung mọi mặt của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v… trên phạm vi toàn thế giới.

Trước những xu thế mới của thời đại, yêu cầu đổi mới giáo dục ở nước ta nói chung, các trường đại học - cao đẳng nói riêng, được đặt ra với những thách thức mới. Đặc biệt, với các cơ sở đào tạo có tính đặc thù: vừa là giáo viên, vừa là nghệ sĩ như chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc thì việc đào tạo giáo viên có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, có phương pháp tư duy khoa học, có nhân cách đạo đức nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của xã hội là việc làm rất quan trọng, vì vậy nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm âm nhạc cần phải được xác định rõ ràng.

1.           Phát triển trí tuệ cho sinh viên

Chắc chắn rằng, một xã hội dựa vào tri thức hẳn phải là một xã hội bắt nguồn từ tiềm năng con người với những tư duy sáng tạo. Vì vậy, phát triển trí tuệ người học là nhiệm vụ thiết yếu đối với tất cả các ngành đào tạo, đó là việc trang bị cho sinh viên những tri thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp xã hội mới.  

Cũng như các ngành khác, phát triển trí tuệ cho sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc là nhiệm vụ không thể thiếu trong đào tạo. Trong âm nhạc chia ra thành nhiều môn học như: Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Lịch sử âm nhạc, Hoà thanh, Phức điệu… Nội dung các môn học bổ trợ qua lại lẫn nhau. Người học âm nhạc nếu không có tri thức âm nhạc thì sẽ không có tư duy âm nhạc. Như vậy, việc trang bị tri thức âm nhạc cho sinh viên cần theo một hệ thống logic về phương diện phát triển tư duy.

Không những các môn học lý luận, các môn học thực hành như: Nhạc cụ, Thanh nhạc, Xướng âm… sinh viên cần được sự rèn luyện để có kỹ năng môn học. Tuy nhiên, khác với các ngành khác, trong âm nhạc ngoài việc hình thành tri thức và kỹ năng thực hành còn gắn với sự rung cảm. Vì vậy, đánh giá nhận thức của người học âm nhạc không chỉ về mặt tư duy thuần tuý mà ở đó không thể thiếu phương diện cảm xúc – một yếu tố quan trọng để thể hiện âm thanh và chuyển tải đến người nghe một cách thuyết phục. Đây là một đặc điểm của ngành học nên chúng ta một mặt trang bị cho sinh viên tri thức âm nhạc song tri thức đó lại gắn với sự rung cảm. Chính cảm xúc trong âm nhạc đã phát huy ở sinh viên sự tưởng tượng, sự sáng tạo và từ đây kích thích ở sinh viên sự hứng thú say mê học tập.

Ở nhiệm vụ này, việc trang bị tri thức âm nhạc cho sinh viên là quan trọng song không có nghĩa là tri thức càng nhiều thì tư duy càng phát triển. Tri thức về âm nhạc hay những tri thức có liên quan đến ngành học là vô cùng rộng lớn, vì vậy việc trang bị tri thức cho  sinh viên cần có sự lựa chọn cho phù hợp với nghề nghiệp của họ - giáo viên âm nhạc tiểu học và THCS.

 Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, đất nước hội nhập, giao lưu văn hóa được mở rộng, việc trang bị tri thức cho sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc cần phải hiện đại, cập nhật. Ngoài ra, sinh viên còn phải nắm được những tri thức khoa học khác để bổ trợ cho nghề nghiệp của mình.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển trí tuệ cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc, hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên là rất cần thiết.

Đối với các môn học Lý luận âm nhạc như: Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Hòa âm, Hình thức Âm nhạc… tùy vào đặc điểm môn học mà giảng viên có thể sử dụng kết hợp các hình thức tổ chức và PPDH khác nhau:  thuyết trình- diễn giảng, vấn đáp,  đóng vai, đố vui,  làm việc theo nhóm, v.v Phương pháp tích hợp, liên môn cũng nên khai thác ở các môn học lý luận âm nhạc. Để hỗ trợ cho việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, giảng viên dạy các môn lý luận âm nhạc nên sử dụng phương tiện dạy học hiện đại như: Máy tính, Projector, máy Cassette…; các phần mềm tin học chuyên ngành, một số tư liệu trên các Website, v.v… Nói chung, những hình ảnh và âm thanh được các giảng viên khai thác từ các phầm mềm âm nhạc và từ các địa chỉ trên mạng internet sẽ làm phong phú cho nội dung bài học, giờ học trở nên sinh động, tạo ra không ít hứng thú và tác động tích cực vào tinh thần học của sinh viên.

Cùng với việc trang bị tri thức cho sinh viên, chúng ta cần rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng nghề nghiệp từ đơn giản đến phức tạp.          Đối với các môn học thực hành âm nhạc như: Ký-Xướng âm, Thanh nhạc, Nhạc cụ… trên cơ sở của phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên có thể thay đổi về hình thức tổ chức và truyền thụ kiến thức như: phối hợp giữa cá nhân và tập thể, hạn chế phương pháp làm mẫu và thay vào đó bằng sự gợi mở tư duy trong thực hành có sáng tạo, yêu cầu về khả năng sáng tạo của sinh viên. Phương pháp chính mà chúng ta vận dụng vào các môn học thực hành là: thực hành luyện tập. Các bài tập thực hành của sinh viên cần được lặp đi lặp lại nhiều lần để hình thành các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết; phương pháp luyện tập từ thấp đến cao, dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

2. Trang bị cho sinh viên phương pháp tư duy khoa học

Nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc không chỉ phát triển trí tuệ cho sinh viên mà cần phải trang bị cho họ phương pháp tư duy khoa học, cách tiếp cận đối tượng.

Tự học là một vấn đề rất quan trọng đối với tất cả các sinh viên, vì vậy nhiệm vụ của người giảng viên là phải trang bị cho sinh viên có được phương pháp tự học. Phương pháp tự học của sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc được biểu hiện như: độc lập suy nghĩ để tiếp thu tri thức; linh hoạt vận dụng tri thức vào thực tiễn; lập cho mình kế hoạch học tập khoa học và hiệu quả; kết hợp hài hoà giữa việc tự học với sự hướng dẫn của giảng viên, với các hoạt động học tập của tập thể; chuyển dần từ phương pháp học tập sang phương pháp nghiên cứu.

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên có đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Hoạt động NCKH giúp cho sinh viên mở rộng tri thức, rèn luyện tư duy khoa học, giúp sinh viên có được những phẩm chất và tác phong của nhà nghiên cứu: tính độc lập, tính tổ chức… Như vậy, để trở thành người giáo viên âm nhạc có tri thức chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp thì ngay khi còn là sinh viên ngồi trên giảng đường trường sư phạm, họ cần nắm được phương pháp luận và phương pháp NCKH trong lĩnh vực hoạt động giảng dạy âm nhạc của mình. Như vậy, có thể coi hoạt động NCKH của sinh viên là một hình thức học tập có hiệu quả, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Không ít sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc thấy xa lạ và khó khăn khi nói đến NCKH. Để sinh viên nhận thức đúng đắn về hoạt động NCKH, người giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức sinh viên, định hướng, gợi mở vấn đề nghiên cứu. Chúng ta không thể đòi hỏi hay đặt ra những yêu cầu cao về hoạt động NCKH của sinh viên, dù chỉ là rất nhỏ nếu như vấn đề nghiên cứu của sinh viên có hiệu quả thực tiễn thì đó cũng là điều đáng quý.

 Hoạt động NCKH của sinh viên có thể tổ chức ở hai hình thức: Bài tập môn học và thực hiện đề tài NCKH.

Bài tập môn học (BTMH) là hình thức tập dượt nghiên cứu bước đầu của sinh viên. Từ một môn học trong chương trình đào tạo như: Lịch sử âm nhạc, Hình thức và thể loại âm nhạc…, giảng viên có thể đưa ra đề tài chung để sinh viên lựa chọn cụ thể vấn đề nghiên cứu. Ví dụ, chủ đề chung mà giảng viên có thể đưa ra “Hình tượng Bác Hồ trong ca khúc Việt Nam”, hoặc chủ đề “Chất liệu dân ca Việt Nam trong ca khúc” (sinh viên chọn một ca khúc để phân tích theo chủ đề). Nhiệm vụ của sinh viên là tổng hợp tài liệu, tìm tòi nghiên cứu, vận dụng tri thức môn học để giải quyết vấn đề theo yêu cầu của giảng viên hoặc vấn đề tự lựa chọn. Các đối tượng sinh viên đều có quyền thực hiện BTMH theo yêu cầu của giảng viên, điểm BTMH có thể thay thế điểm thi học phần của môn học đó.

Đề tài NCKH của sinh viên có thể được coi như một công trình khoa học nhỏ. Yêu cầu của việc thực hiện đề tài NCKH cao hơn hình thức làm bài tập môn học cả về trình tự nghiên cứu, nội dung và hình thức trình bày. Những sinh viên có kết quả học tập tốt, có nguyện vọng tham gia NCKH sẽ được làm đề tài NCKH sư phạm âm nhạc.

Những vấn đề mà sinh viên có thể thực hiện NCKH sư phạm âm nhạc là rất phong phú ở các dạng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Dạng đề tài nghiên cứu cơ bản như: tìm hiểu về dân ca các vùng miền, tìm hiểu thể loại âm nhạc, tìm hiểu về tác giả - tác phẩm, v.v… Đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể kể đến như: đổi mới PPDH các phân môn Học hát, Nhạc lý-Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức trong chương trình môn Âm nhạc của một lớp học hoặc một cấp học (Tiểu học hoặc THCS), sử dụng trò chơi trong dạy học âm nhạc, ứng dụng tin học trong dạy học âm nhạc, v.v…Cho dù đề tài NCKH ở dạng nào thì sinh viên cần phải xác định được các vấn đề cơ bản: lý do chọn đề tài, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và khách thể nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu.

3. Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Bác Hồ đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Vì vậy, song song với việc phát triển trí tuệ và trang bị phương pháp tư duy khoa học cho sinh viên, “dạy người” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường đại học, cao đẳng.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ mới của một xã hội với chính sách mở cửa, hội nhập; sự bùng nổ thông tin qua phương tiện truyền thông, báo chí, Internet, v.v… đã ảnh hưởng nhiều  mặt tích cực cũng như tiêu cực tới đạo đức, lối sống của người dân Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ nói riêng trong đó một bộ phận không nhỏ là sinh viên.

Bên cạnh nhiều mặt tích cực, sinh viên nói chung còn có những biểu hiện thiếu lành mạnh trong đạo đức, lối sống như: đẩy việc khó cho người khác, tinh thần tập thể kém, làm mất trật tự nơi công cộng (KTX), nói tục, v.v… Ở sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc còn xuất hiện một số cá nhân tự coi mình là nghệ sĩ, song thực chất là sự hiểu sai về nghệ sĩ nên họ đã có những hành vi, thái độ thái quá, thiếu lành mạnh như: uống rượu say, hút thuốc, ăn mặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, v.v…

 Sinh viên Sư phạm Âm nhạc, những nhà giáo tương lai sẽ trực tiếp giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho thế hệ trẻ của đất nước, đạo đức, lối sống của họ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đạo đức, lối sống của học sinh Tiểu học và THCS sau này. Nhiều sinh viên có năng lực biểu diễn âm nhạc có thể trở thành “sứ giả” đem đến cho công chúng cái đẹp vốn có của nghệ thuật âm nhạc, phong cách ăn mặc và thái độ của họ sẽ tác động tới công chúng. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường sư phạm, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà giáo dục.

Tóm lại, ba nhiệm vụ phát triển trí tuệ, trang bị phương pháp tư duy khoa học, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên chuyên ngàng Sư phạm Âm nhạc là điều cần thiết của mỗi trường đại học, cao đẳng, mỗi giảng viên trong quá trình đào tạo. Cả ba nhiệm vụ này có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Việc trang bị tri thức và kỹ năng âm nhạc cùng các môn học khác trong chương trình đào tạo sẽ hình thành lý tưởng đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Phát triển trí trí tuệ giúp cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc lĩnh hội tri thức nhanh chóng, giúp họ hình thành thế giới quan, có phương pháp luận đúng đắn. Ngược lại, khi sinh viên Sư phạm Âm nhạc có phẩm chất đạo đức, có thế giới quan, họ sẽ có động cơ học tập, động cơ để nắm tri thức, động cơ để phát triển trí tuệ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây của các trường đại học, cao đẳng đào tạo Sư phạm Âm nhạc sẽ giúp người giáo viên âm nhạc tương lai có đủ bản lĩnh vững bước trên bục giảng của thời đại mới./.

                                                                         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bảo – Bài giảng Lý luận giáo dục đại học – Đại học sư phạm Hà Nội

2.  Nguyễn Văn Hảo – Một vài suy nghĩ về việc nâng cao năng lực chuyên ngành cho sinh viên cao đẳng Sư phạm Âm nhạc (Tạp chí Giáo dục số 130 – kì 2, tháng 1/2006)

3.  Hoàng Long, Hoàng Lân – Thực hành sư phạm âm nhạc – NXB Đại học sư phạm 2005

4.   Vương Thị Luận – Đạo đức, lối sống của sinh viên trường CĐSP Nhà trẻ - Mẫu giáo TW2. Thực trạng và giải pháp giáo dục( Đề tài khoa học cấp Bộ. Mã số: B2003 46 07)