Nội san

Nghệ thuật đồ họa trong đào tạo và cuộc sống

24 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

 

Phạm Hùng Cường

Khoa văn hóa Nghệ thuật

Một trong những thể loại thuộc nghệ thuật thị giác có sức lan toả rộng nhất, xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đó là nghệ thuật Đồ họa. Khái niệm Đồ họa bao gồm đồ họa tạo hình và đồ họa ứng dụng. Đồ họa tạo hình là các thể loại tranh khắc, tranh được in trực tiếp qua bàn tay của họa sĩ. Đồ họa ứng dụng hầu hết là các tác phẩm mỹ thuật được in ấn hàng loạt bằng quy trình công nghiệp, nhằm ứng dụng một cách phổ cập vào đời sống, như các thể loại tranh minh họa, biếm họa, tranh cổ động chính trị-xã hội, trình bày sách, tem thư, thiết kế logo, bao bì, nhãn hiệu...

Đất nước ta khi bước vào sự nghiệp đổi mới, họat động  Đồ họa đã có điều kiện tiếp xúc rộng rãi hơn với thị trường nghệ thuật thế giới. Chúng ta đã có những cuộc giao lưu về kỹ thuật đồ họa hoặc những triển lãm tác phẩm đồ họa với các họa sĩ trong khu vực và trên thế giới. Các họa sĩ đồ họa Việt Nam cũng đã đưa tác phẩm của mình đi triển lãm ở một số nước như Nhật Bản, Rumani, Trung Quốc, Đài Loan vv... Những thông tin trên mạng intemet cũng góp phần không nhỏ để mở mang tầm nhìn về họat động đồ họa thế giới.

Sự giao lưu hội nhập với nước ngoài cùng với những điều kiện thuận lợi hơn về phương tiện vật chất ở trong nước, đã làm cho nghệ thuật đồ họa có nhiều khởi sắc và có diện mạo sáng sủa hơn trước đây rất nhiều.

Theo nhận định của một số nhà chuyên môn, chúng ta có thể đưa ra một vài nét khái quát về sự phát triển của ngành Đồ họa nước nhà như sau:

Về Đồ họa tạo hình, những năm gần đây thể loại tranh in khắc đã có bước chuyển mình, tạo được sự đột khởi về hình thức. Nếu trước đây trong hoàn cảnh khó khăn tranh khắc của ta hầu như chỉ là khắc gỗ và khắc thạch cao với khuôn khổ nhỏ thì hiện nay số lượng tranh khắc đồng, khắc kẽm, tranh in đá đã tăng lên đáng kể, đặc biệt có thêm những kỹ thuật mới như in lõm cảm quang, in kỹ thuật tổng hợp... Kích cỡ của tranh ngày càng mở rộng để phù hợp với yêu cầu trưng bày trong những không gian lớn. Ngôn ngữ nghệ thuật cũng đa dạng hơn, ngoài phong cách tả thực đã xuất hiện những phong cách khác như xu hướng trừu tượng và bán trừu tượng. Chắc chắn trong những năm tới thể loại này sẽ còn tiến triển mạnh mẽ hơn.

Về Đồ họa ứng dụng, có thể khẳng định lĩnh vực này đã góp phần quan trọng đẩy nhanh nhịp điệu cạnh tranh và đem lại bộ mặt văn minh của nền kinh tế thị trường. Bao bì, nhãn hiệu, các sản phẩm quảng cáo tạo nên giá trị của hàng hóa, gây nên ấn tượng nhộn nhịp của thương trường nước ta. Một trong những sáng tạo tiêu biểu của đồ họa ứng dụng là thiết kế logo. Việc tuyển chọn logo đẹp không chỉ là nhu cầu, là niềm tự hào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, mà còn là của các đoàn thể, các tổ chức xã hội và các cơ quan. Các cuộc thi logo đã diễn ra liên tục thường xuyên, trở thành sự kiện văn hoá nổi bật hiện nay.

Lĩnh vực trang trí sách báo và tạp chí cũng đạt được nhiều thành công đáng kể. Trong hoàn cảnh đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, chúng ta thật phấn khởi khi thị trường sách báo trong nước có được bộ mặt khá tưng bừng, nói lên mức độ phong phú về đời sống tinh thần của dân tộc.

Đồ họa ứng dụng có triển vọng rất lớn, bởi có nền tảng là sự phát triển nhanh chóng của môi trường kinh tế-xã hội, tiềm lực công nghệ ngày càng được cải thiện, đặc biệt là họa sĩ thiết kế của ta rất nhạy cảm trong quá trình tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của thế giới.

      Bên cạnh những mặt được nói trên, nghệ thuật Đồ họa trong giai đoạn hiện nay vẫn tồn tại không ít những điều bất cập, trong đó chất lượng không đồng đều của từng chuyên ngành Đồ họa là vấn đề đáng để các họa sĩ lưu tâm. Điều này có thể thấy rõ khi điểm qua một số họat động cụ thể dưới đây.

    - Tranh in khắc tuy có phát triển về số lượng nhưng còn thiếu sự đa dạng về phong cách, thiếu nét cá tính nổi trội của từng tác giả. So sánh vựng tập tranh của ta với một số vựng tập của tác giả nước ngoài sẽ thấy nổi bật điều đó. Sự phấn đấu để hình thành bút pháp và phong cách độc lập của từng tác giả là một thách thức rất lớn đối với nghệ thuật tạo hình nói chung và Đồ họa tạo hình nói riêng.

   - Tranh cổ động chính trị-xã hội, như mọi người đều biết, đã trở thành một thể loại mang giá trị truyền thống của nền mỹ thuật cách mạng nước ta. ở giai đoạn hiện nay, tranh cổ động cho những Đại hội Đảng, những ngày kỷ niệm lớn hoặc những sự kiện APEC, ASEM, SEAGAMES v.v.. đã đạt được thành quả đáng ghi nhận. Song phần nhiều tranh chỉ rực rỡ về mặt hình thức, ít tác phẩm mang sức mạnh lay động tư tưởng và tình cảm người xem như ở các giai đoạn trước.

   - Tranh châm biếm cũng ở tình trạng tương tự như tranh cổ động. Số lượng họa sĩ biếm không nhiều, tác phẩm biếm họa trên báo chí chưa gây được sự chú ý của công chúng, chưa “châm” được sâu vào ấn tượng thị giác của độc giả, để từ đó gây nên niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở mang tính xã hội sâu sắc.

    - Tem thư vừa là một tác phẩm nghệ thuật vừa là sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế đối nội và đối ngoại. Mấy chục năm qua nghệ thuật tem của ta tiến triển chậm chạp, không có bước đột phá đáng kể về nội dung, hình thức và kỹ thuật in ấn, con tem của ta mang tính đơn điệu rất nhiều so với sự phong phú của tem nước ngoài.

    - Ngay cả lĩnh vực thiết kế bìa và trình bày sách, tuy có nhiều ưu điểm như đã trình bày ở trên, song cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết. Dạo qua các cửa hàng sách, ta thấy xu hướng khá phổ biến là mỗi cuốn sách đều muốn “bắt mắt” bằng cách trang trí nhiều hình và màu, dùng hình ảnh có sẵn để in hàng loạt. Kết quả là sách văn học nghệ thuật, sách khoa học kỹ thuật, sách nghiên cứu lý luận... đều na ná giống nhau, không mang tính đặc trưng chuyên biệt của từng chủng loại.

Những nhược điểm của nghệ thuật đồ họa như đã nêu trên đây là có lý do khách quan về thời cuộc, về cơ chế xã hội và cũng có lý do chủ quan về tính chuyên nghiệp của họa sĩ.

Vì sao tranh cổ động và tranh châm biếm đã kém phần thân thiết với mọi người? Thời kỳ toàn dân tiến hành chiến tranh bảo vệ độc lập của Tổ quốc đã qua đi, sinh mạng và ý chí của con người không còn lập trung vào cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù xâm lược. Tranh cổ động không còn là hiện thân của tiếng thét căm hờn, của tinh thần sục sôi sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa. Nội dung cổ động giờ đây đã bao hàm nhiều phương diện không còn gắn chặt với những suy tư và hành động bức xúc nhất của từng con người. Trong hoàn cảnh ấy, thể loại này có giảm thiểu sức lôi cuốn hấp dẫn so với trước đây cũng là điều dễ hiểu.

Vì sao nhiều thiết kế đồ họa vẫn giữ khoảng cách khá xa, chưa vươn lên tầm cao của chất lượng thiết kế? Ngoài lý do về trình độ nhận thức còn có lý do về cơ chế thị trường. Trong cơ chế thị trường, không chỉ có những nhân tố kích thích sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tiềm ẩn những mặt tiêu cực bất khả kháng. Lợi nhuận là yếu tố chi phối toàn diện cuộc sống. Đôi khi vì lợi nhuận mà nhà kinh doanh, nhà thiết kế mẫu và cả nhà quản lý xã hội không dám cưỡng lại những thị hiếu còn ở mức hạn chế của người tiêu dùng. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều mẫu thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xuất bản phẩm còn mang tính bảo thủ, chưa có được sự bứt phá tích cực theo chiều hướng thẩm mỹ hiện đại.

Cuối cùng là kiến thức học thuật và tính chuyên nghiệp của người họa sĩ. Do hoàn cảnh lịch sử, các họa sĩ và nhà thiết kế của ta thường phải trải nghiệm qua nhiều thể loại Mỹ thuật khác nhau. Điều đó tạo nên tính linh họat trong tư duy và kỹ năng sáng tác. Một số tác giả đã thành đạt không chỉ ở một thể loại Mỹ thuật. Song nói chung, giới họa sĩ nước ta thiếu công phu nghiên cứu chuyên sâu, tính chuyên môn hoá trong từng thể loại chưa cao, ảnh hưởng nhiều đến phong cách và chất lượng tác phẩm của từng họa sĩ.

Trước tình hình phát triển của ngành Đồ họa nói trên, việc giáo dục-đào tạo lớp họa sĩ, nhà thiết kế Đồ họa trẻ cho đất nước cũng phải có định hướng cụ thể. Nội dung đào tạo chuyên ngành của các trường nghệ thuật và các cơ sở đào tạo cũng là một tiền đề quan trọng quyết định về chất lượng chuyên môn. Ngày nay các trường đào tạo về mỹ thuật và nghệ thuật thiết kế trên thế giới đã có thêm nhiều kiến thức tiên tiến và những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Riêng nghệ thuật thiết kế đồ họa đã được hỗ trợ bởi các môn học cơ bản như nghệ thuật thị giác, nguyên lý cấu trúc, nguyên lý marketing... và những kỹ thuật ứng dụng hiệu ứng của công nghệ thông tin, từ đó tạo ra nhận thức mới và kỹ năng mới trong phương pháp sáng tạo, đem lại hiệu quả độc đáo và những hình thức mới mẻ cho việc thể hiện ý tưởng sáng tác.

Ở nước ta những nội dung nói trên chưa được đề cập một cách hệ thống trong chương trình đào tạo. Bản thân các chương trình đào tạo cũng chưa có những thay đổi, bổ sung bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội cả về công nghệ lẫn thị hiếu tiêu dùng. Cơ sở vật chất đào tạo vẫn chưa đáp ứng được thực tế giảng dạy theo yêu cầu. Khác với các thể loại chú trọng đề cao cái “tôi” cá nhân của từng họa sĩ và còn mang những nét riêng của xu hướng, trường phái như Đồ họa tạo hình và Hội họa… Đồ họa ứng dụng lại đề cao cái chung, đề cao công chúng, người tiêu dùng. Có thể nói rằng, Đồ họa ứng dụng mang tính cộng đồng rất lớn, vì vậy khi đào tạo phải hết sức chú trọng vấn đề này.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong công tác giáo dục-đào tạo là tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực, từng thể loại. Vì Đồ họa là một nghệ thuật đa lĩnh vực, ít có họa sĩ, nhà thiết kế nào lại cùng một lúc thành công ở nhiều lĩnh vực, nếu có thì cũng phải trải nghiệm và phấn đấu lâu dài. Vì vậy việc đẩy sâu chuyên môn hoá theo sở trường của người học trong công tác Đào tạo là một việc hết sức thiết thực, chúng ta sẽ phát huy được hết khả năng của người học, đồng thời cũng cho ra trường những lớp Họa sĩ, nhà thiết kế trẻ có tay nghề cao. Để làm được việc này đòi hỏi các nhà chuyên môn, các chuyên gia biên soạn chương trình phải vào cuộc, chương trình đào tạo phải thật cô đọng, có tính chuyên môn hoá cao, đặc biệt vào năm thứ hai của chương trình đào tạo đại học đã phải phân ngành, phân lĩnh vực một cách rõ ràng, sinh viên phải được tiếp cận thật nhiều với lĩnh vực mà mình đã lựa chọn.

Đào tạo về công nghệ tin học chuyên ngành cũng phải được đặc biệt chú trọng, thời lượng tiếp cận và chiếm lĩnh các phần mềm hỗ trợ cho sáng tác thiết kế phải được tăng thêm hơn nữa so với chương trình mà các trường đang thực hiện. Đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ máy móc cho  lớp học phải được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Để thay đổi một cái gì đó mang tính nền tảng thì không phải chỉ một sớm một chiều, dẫu sao thì hàng năm, các trường nghệ thuật và các cơ sở đào tạo cũng cho ra trường những sinh viên trẻ là những nhà Đồ họa có tài năng và đầy nhiệt huyết, đã và đang cống hiến rất nhiều cho đất nước, làm bộ mặt đời sống thẩm mỹ của xã hội thay đổi từng ngày. Song đổi mới để luôn bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, của đất nước trong khu vực và trên thế giới là điều mà chúng ta phải hướng tới. Với cương vị là một giảng viên chuyên ngành thiết kế Đồ họa của một trường Nghệ thuật, dựa trên những thông tin của các nhà chuyên môn có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và sáng tác, tôi mạnh dạn đưa ra những suy nghĩ về chuyên ngành mà mình đang giảng dạy, hy vọng sẽ góp được một ý nhỏ trong công tác đào tạo và phát triển nghệ thuật đồ họa nói chung. Mong đồng nghiệp và các nhà chuyên môn tham khảo./.