Nội san

Một khía cạnh của Lý luận âm nhạc

25 Tháng Mười Hai 2010

Phạm Lê Hòa

 

 

Công tác lý luận âm nhạc thường được nhìn dưới nhiều giác độ khác nhau. Đó là các hoạt động nghiên cứu, phê bình, giảng dạy lý luận âm nhạc v.v...Mà trong đó, công việc đầu tiên và có ý nghĩa bao trùm lên tất cả các lĩnh vực hoạt động của lý luận âm nhạc là công tác nghiên cứu âm nhạc. Chỉ có thông qua nghiên cứu một cách khoa học, chúng ta mới có thể hiểu kỹ càng một tác phẩm âm nhạc nói riêng, một hiện tượng văn hóa âm nhạc nói chung. Từ đó mới có thể có những nhận thức, phương hướng giải quyết đúng đắn theo những đòi hỏi khác nhau phù hợp với kết quả nghiên cứu. Để đánh giá hay biểu diễn một tác phẩm âm nhạc, bước đầu tiên là nghiên cứu tác phẩm âm nhạc, là phân tích để tìm ra các đặc điểm vốn là bản chất của tác phẩm âm nhạc. Hiểu rõ tác phẩm thì người nghệ sỹ biểu diễn mới có thể xử lý đúng những yêu cầu mà tác phẩm cần biểu hiện và có cơ sở để sáng tạo khi biểu diễn. Cũng như vậy, qua nghiên cứu kỹ tác phẩm âm nhạc, nhà lý luận âm nhạc mới có thể giới thiệu một cách chính xác giá trị thẩm mỹ của tác phẩm âm nhạc đó với đông đảo người nghe. Vì vậy, trong lĩnh vực âm nhạc, công tác nghiên cứu giữ vai trò hàng đầu và hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu âm nhạc ở Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng và đạt được những thành công nhất định. Đặc biệt là trong giai đoạn gần đây, các công trình của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã được xuất bản, góp phần mang đến cho những người làm công tác âm nhạc cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực này những thông tin, những tri thức của âm nhạc Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, công tác lý luận âm nhạc cũng còn nhiều vấn đề cần được xem xét. Một khía cạnh của lý luận âm nhạc mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là việc một số bài bình luận, giới thiệu âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua còn có lúc, có nơi chưa được chính xác, dẫn đến sự hiểu lầm về giá trị thẩm mỹ đích thực của một tác phẩm âm nhạc nói riêng, của một hiện tượng âm nhạc nói chung. Là người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp, hiểu rõ chức năng, tác dụng và vai trò của âm nhạc trong cuộc sống, chúng tôi luôn yêu quí những ai có thiện cảm và góp phần giới thiệu những tri thức âm nhạc cho đông đảo quần chúng nhân dân. Song, nếu các thông tin, các tri thức về âm nhạc đưa ra chưa chính xác sẽ không góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, mà ngược lại, sẽ làm sai lệch những giá trị tinh thần vốn mang bản chất hướng thiện của nghệ thuật âm nhạc.

Nghệ thuật âm nhạc mang tính trừu tượng cao khi phản ánh hình tượng nghệ thuật. Song không phải như vậy thì không thể hiểu nổi hoặc muốn hiểu sao một tác phẩm âm nhạc cũng được. Ngôn ngữ âm nhạc - thế giới các âm thanh âm nhạc trong sự hòa hợp với nhau thật sự là khoa học về sự biểu đạt thế giới tâm cảm của con người. Mọi vấn đề liên quan đến âm nhạc không thể được phát hiện chỉ bởi “trái tim” (sự cảm nhận) mà còn phải bằng cả “khối óc” (trí tuệ) của người viết trên cơ sở tôn trọng các qui luật mang tính khoa học về sự hòa hợp giữa các âm thanh âm nhạc.

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, để hiểu một tác phẩm âm nhạc cần phải có tri thức nhất định về âm nhạc. Tại các Nhạc viện ở Việt Nam và trên thế giới, các học sinh, sinh viên có năng khiếu âm nhạc phải học tập rất công phu trong một thời gian dài (khoảng 16 năm đối với hệ chính qui) mới có trình độ ở bậc đại học, mới có khả năng nắm bắt được những tri thức lý luận cơ bản của nghệ thuật âm nhạc. Vì vậy, ngôn từ sử dụng để giới thiệu một tác phẩm âm nhạc/một ca sỹ/một hiện tượng âm nhạc cho một đối tượng nhất định cần phải được cân nhắc kỹ để phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Tránh tình trạng khi giới thiệu một tác phẩm âm nhạc người nghe chỉ toàn gặp sự nhắc đi nhắc lại của các tính từ trữ tình, thiết tha, trìu mến, tình cảm, bay bổng .v.v... và .v.v...mà không có cùng nó một lượng thông tin nào. Thời đại hiện nay, khi mà sự giao lưu văn hóa đang là hiện tượng mang tính toàn cầu, khi mà trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật của quần chúng đã được nâng lên nhiều so với thời gian trước đây, thì việc giới thiệu, đánh giá một tác phẩm âm nhạc không còn là một vấn đề đơn giản mà những ai không có tri thức về âm nhạc có thể làm được. Điều đó cũng có nghĩa là lịch sử của thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam đã bước sang một trang mới với những đòi hỏi cao, khắt khe hơn. Không phải cứ ca ngợi, kể cả những điều không có, hoặc phản ánh không trung thực ở một hiện tượng âm nhạc, là nâng cao giá trị của hiện tượng âm nhạc đó.

Khi trò chuyện với chúng tôi, nhiều nhạc sỹ thường có các nhận xét rất tinh tế về các vấn đề của nghệ thuật âm nhạc trên các sàn diễn cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng. Họ phát hiện ra nhiều điều chưa chính xác, thậm chí còn sai về tri thức âm nhạc trong nhiều bài giới thiệu, phân tích tác phẩm âm nhạc trên các đài, báo. Và luôn mong muốn: giá như không có những điều đó thì tuyệt diệu biết bao. Ở đây chúng ta cũng nhớ tới một hiện tượng mà báo chí đã đưa là sự khác biệt trong nhiều đánh giá giữa những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp với một số người yêu thích âm nhạc về giá trị nghệ thuật của một tác phẩm âm nhạc cũng như tài năng xử lý tác phẩm của một ca sỹ. Nhiều tác phẩm được số đông bạn trẻ yêu thích thì lại không được giới những người sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp đánh giá cao và ngược lại.

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, điều này cũng không phải là ít khi xảy ra. Có nhiều nhạc sỹ cũng như hiện tượng âm nhạc là thời thượng của một thời, nhưng cho đến bây giờ không ai biết đến và cũng có những nhạc sỹ đương thời không mấy nổi tiếng nhưng tên tuổi còn lưu giữ đến muôn đời bởi sáng tạo của họ thật sự là đóng góp có ý nghĩa mở sang một trang mới cho lịch sử âm nhạc thế giới.

 

 

Theo chúng tôi, khác biệt trên có nhiều nguyên nhân mà trước hết là do sự khác nhau về tiêu chí của quan điểm thẩm mỹ âm nhạc. Quan điểm của các nhạc sỹ chuyên nghiệp - những người đã không chỉ cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật âm nhạc mà còn đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rất đáng được quan tâm. Những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam được đào tạo một cách chính qui tại các Nhạc viện trong nước và trên thế giới theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ kinh điển - những tinh hoa sáng tạo đã được thế giới loài người đúc kết lại từ nhiều thế kỷ. Họ cũng chính là những người Việt Nam yêu tha thiết những làn điệu âm nhạc dân gian vốn là tinh hoa của dân tộc ta. Có người cho cách nhìn nhận của giới những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp thường thiên về phương diện trí tuệ với những tiêu chuẩn gò bó, cứng nhắc trong việc đánh giá một hiện tượng âm nhạc. Trong thực tế điều đó không đúng, bởi nghệ thuật âm nhạc, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, là sự biểu đạt những trạng thái tình cảm con người thông qua phương tiện biểu hiện mang tính đặc thù của loại hình nghệ thuật đó. Không có cảm xúc nghệ thuật thì không thể có sáng tạo nghệ thuật, và cũng không thể có cảm thụ âm nhạc.

Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ muốn lưu ý với các tác giả của một số bài giới thiệu tác phẩm âm nhạc, giới thiệu ca sỹ hay một hiện tượng âm nhạc cần chú ý hơn nữa đến độ chính xác, tính khoa học của loại hình nghệ thuật dùng âm thanh để làm phương tiện biểu hiện này. Như vậy, chúng ta, chúng tôi cùng các bạn, sẽ đóng góp sức mình một cách thiết thực hơn cho việc ngày một nâng cao khả năng thưởng thức âm nhạc của đông đảo quần chúng nhân dân.