Nội san

Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

28 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

 

 

    PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

                                                                                               

Kính thưa các quý vị đại biểu!

1.      Mỗi thời đại bao giờ cũng mang dấu ấn riêng, khẳng định sự tồn tại của thời đại mình trong lịch sử xã hội. Thế giới loài người hiện đang ở vào một thời đại mang tính phát triển mạnh và có nhiều biến động khác thường. Đó là thời đại của những thành tựu vượt trội thuộc lĩnh vực CNTT, thời đại của nền kinh tế tri thức, thời đại mà toàn cầu hoá được toàn thế giới nhìn nhận như một giai đoạn phát triển tất yếu của diễn trình lịch sử loài người. Thời đại hiện nay mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của mỗi dân tộc, nhưng bên cạnh đó cũng còn là những thách thức không kém phần khó khăn mang tầm thời đại. Sự hội nhập giữa các nền văn hoá là cơ hội để nhân loại đa dạng hơn, phong phú hơn nền văn hoá của mình. Và chính trong một thời đại như vậy, vai trò của văn hoá nói chung, của nghệ thuật nói riêng lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định bản sắc văn hoá - sự tồn tại của một dân tộc, đất nước. Điều đó cũng có nghĩa: giáo dục nghệ thuật giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời đại hiện nay.

 

2.      Giáo dục nghệ thuật mang trong nó nội hàm rất rộng như chính đặc điểm tồn tại của nội dung khái niệm nghệ thuật. Nghệ thuật sinh ra như một đòi hỏi tất yếu của xã hội, như một thể hiện, biểu hiện cần có của con người với thế giới xung quanh. Nhưng tôi nghĩ, tất cả các loại hình của nghệ thuật đều có thể được coi là đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Và bên cạnh đó, trong tôi luôn tồn tại một hoài nghi: có thể cả ngôn từ và nghệ thuật đã cùng nhau sinh ra khi có sự xuất hiện của loài người, cùng song hành tồn tại và trong từng giai đoạn nhất định của diễn trình lịch sử xã hội loài người có những tương quan, quan hệ khác nhau.

 

3.      Các loại hình nghệ thuật bao giờ cũng mang trong nó những đặc thù riêng về phương diện biểu hiện. Điều đó cũng có nghĩa: để hiểu, để thưởng thức một loại hình nghệ thuật cần có những tri thức cơ bản,  kiến thức nhất định về loại hình nghệ thuật đó. Để làm được việc đó thì vai trò của công tác giáo dục nghệ thuật là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghệ thuật là lĩnh vực có thể sẽ mang đến cho đối tượng cần những tri thức cơ bản để có thể tiếp cận với một loại hình nghệ thuật.

Thật ra, việc đánh giá cao vai trò của giáo dục nghệ thuật không phải là điều mới trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Từ thời cổ đại, các triết gia đã coi giáo dục nghệ thuật là một từ những phương thức hiệu quả nhất cho việc giáo dục con người trở thành người tốt. Chính vì vậy, diễn trình lịch sử xã hội loài người cũng có thể được nhìn nhận ở góc độ của những quan điểm khác nhau về giáo dục nghệ thuật.

 

Nghệ thuật luôn không chỉ mang đến cho con người những giây phút giải trí thoải mái, mà hơn vậy, mang đến cho con người sự hưởng thụ mang tính thẩm mỹ về phương diện tinh thần, mang đến cho con người sự thanh cao - cao thượng và cả nghị lực vươn lên trong cuộc sống

 

4.      Một từ những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của Giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Từ đó, mỗi con người Việt Nam sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị vốn làm nên, khẳng định sự tồn tại của một dân tộc trong sự hội nhập giữa các nền văn hoá trên thế giới. Để thực hiện tốt vấn đề này, theo chúng tôi không phải là công việc có thể làm ngay được và phải tốn rất nhiều công sức của một tầm chiến lược mang tính định hướng cao. Nhưng chắc chắn đây là công việc cần phải làm của toàn xã hội vì thế hệ trẻ và cũng là vì tương lai của đất nước.

 

5.      Giáo dục nghệ thuật là một nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo. Nếu được tiến hành có hiệu quả nó sẽ là một từ những nhân tố góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục – đào tạo. Với thành tựu nhất định của nhiều chục năm kinh nghiệm giáo dục nghệ thuật Việt Nam, với sự chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo hữu quan, với sự ý thức trách nhiệm và năng lực của đội ngũ những người làm công tác giáo dục nghệ thụât, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào thành công của công tác giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam trong thời gian tới./.