Nội san

Ca khúc dân gian đương đại

28 Tháng Giêng 2011

Nguyễn Đăng Nghị

Cũng có thể là một cách nói để chỉ một loại thể ca khúc viết ở thời điểm hiện nay, mà trong giai điệu của nó có phản phất đôi chút âm hưởng, chất liệu, hoặc cốt truyện dân gian; nhưng nếu quá lạm dụng ngôn từ, cho dù vô tình hay cố ý, thì cụm từ ca khúc dân gian đương đại theo thời gian dễ biến thành khái niệm hay thuật ngữ. Nếu thực sự như thế sẽ tạo nên sự ngộ nhận cho các tác giả, gây nên một xáo trộn lớn trong nhận thức của công chúng trên phương diện tiếp cận, thưởng thức, đánh giá cũng như phân chia các loại thể âm nhạc.

1.                  Một cách nói ngôn từ theo trào lưu…

Hơn mười năm trở lại đây, khi chúng ta đã quen với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, thì cũng trong khoảng thời gian đó, nền văn hóa nghệ thuật nước nhà có những chuyển biến khá phức tạp. Điều này được thể hiện rõ trong các tác phẩm, trên nhiều phương diện: phương thức, thủ pháp sáng tác, khả năng nhận thức và tiếp cận vấn đề của từng tác giả, thậm chí là sự quảng bá tác phẩm đến với công chúng... Mặt được của nó chính là sự sôi động, thể hiện tính năng động của diện mạo bức tranh âm nhạc Việt Nam, nhưng hiệu ứng đối với xã hội, hay nói cách khác là, vai trò vốn có của văn hóa nghệ thuật trong những năm này tác động theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực đến đời sống tinh thần của công chúng thì vẫn là một vấn đề thời sự đáng quan tâm.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều người thường nói đến sự xuống cấp về giá trị nghệ thuật của không ít tác phẩm trong sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà, nhất là trong điều kiện kinh tế đang phát triển như hiện nay. Đó phải chăng là nghịch lí? Nhưng hãy khoan bàn đến nguyên nhân, chúng ta hãy nhìn vào hiện tượng sẽ thấy ngay chiều sâu, bản chất vấn đề này. Thực tế thì chưa có quãng thời gian nào trong lịch sử âm nhạc nước nhà, "nhân tài" xuất hiện nhiều như mấy năm gần đây. Một anh lái xe, mấy chị người mẫu, hay các em học sinh, sinh viên chỉ cần có gương mặt khả ái, thân hình ưa nhìn, thì chỉ cần qua bàn tay của mấy ông bầu, bằng cách gây scandal hay với những tâm ảnh nóng trên blog, trên các trang tin điện tử… là có thể trở thành ca sĩ, thành các “sao” được nhiều người chú ý. Những tưởng chúng chỉ là những chuyện tiếu lâm nhưng lại là thực trạng ở nước ta. Thực tế đó cũng đúng với âm nhạc. Nếu ai đó viết được một vài ca khúc, hoặc đặt lời Việt trên một giai điệu âm nhạc có sẵn của nước ngoài thì đã nghiễm nhiên trở thành nhạc sĩ. Tự thêu hoa, dệt gấm, tự làm, tự khen, rồi tự đánh bóng tiếng tăm bản thân để thu hút sự chú ý của công chúng,… có lẽ đã trở thành “mốt” của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Thậm chí, những người này sẵn sàng làm mới những cái cũ bằng việc sử dụng các cụm từ có tính hoa mỹ (nhiều khi không hẳn cần thiết) nhằm những mục đích khác nhau. Điều này dẫn đến xu hướng chung là tạo ra cái hào nhoáng bên ngoài, chẳng hạn với ca sĩ thì: ca sĩ triển vọng, ca sĩ xuất sắc, ca sĩ nhạc sĩ, ca sĩ búp bê... Việc phong tặng những danh hiệu này nhằm làm cho diện mạo âm nhạc thêm sắc màu, cách phong tặng danh hiệu dễ dãi này cốt là để “vui tai” thì có thể chấp nhận được, nhưng trong lĩnh vực thông tin đại chúng thì thiết nghĩ cần nên xem lại. Lẽ ra, với âm nhạc trong thời buổi trăm hoa đua nở như hiện nay, những người làm chương trình hay người viết bình luận âm nhạc cần có cái nhìn nhà nghề, không nên làm dụng ngôn từ để tránh gây sự nhiễu loạn trong nhận thức của công chúng (liệu có cần thiết?!).

Cách đây không lâu, ở những buổi bình chọn tháng, trao giải năm của chương trình Bài hát Việt (VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam), Hội đồng Nghệ thuật có phân định ra các loại ca khúc thính phòng, ca khúc nhạc nhẹ, ca khúc dân gian đương đại... Cụm từ ca khúc dân gian đương đại có lẽ bắt nguồn từ đó mà lan rộng trên các mặt báo. Vẫn biết, trong âm nhạc Việt Nam từ trước tới nay, việc phân loại một cách rạch ròi giữa các loại ca khúc với nhau không dễ dàng gì, thậm chí nhiều khi chúng ta ngầm hiểu với nhau rằng, cách đặt tên cho một loại ca khúc nào đó chỉ mang tính áng chừng, chứ không bộc lộ rõ bản chất vốn có của nó. Chẳng hạn: nhạc tiền chiến để chỉ những ca khúc trữ tình viết trước Cách mạng Tháng Tám; ca khúc cách mạng là những bài hát được sáng tác trong giai đoạn 1930-1975, mà tác giả phải là người đi theo cách mạng, nội dung phản ánh tính tích cực trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta... Tuy nhiên, có cụm từ (hoặc cao hơn nữa là thuật ngữ) dù không phản ánh đúng tính chất của sự vật, nhưng theo thời gian, mọi người vẫn mặc nhiên chấp nhận. Lại có những cụm từ như nhạc nhẹ, đã bao năm mà tới thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn không chấp nhận theo cách gọi ấy. Vậy thì tên gọi “ca khúc dân gian đương đại” liệu có được đông đảo công chúng và các nhà nghiên cứu chấp nhận hay không? và bản chất của tên gọi này là gì? Đó chính là điều chúng ta cần phải quan tâm.

2.                  … nhưng không mới.

Như trên đề cập, trong bối cảnh toàn cầu hóa, âm nhạc nước nhà, đặc biệt lĩnh vực ca khúc đã tiếp nhận, học hỏi nhiều thể loại âm nhạc của các nước trên thế giới là một quy luật mang tính tất yếu. Nhưng sự sôi động, cởi mở trong cách tiếp cận, tiếp nhận ấy nhiều khi làm các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật phải đau đầu. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ca khúc Việt trong mấy năm gần đây, không ít người gán cho nó những cụm từ không đẹp: đầu Ngô mình Sở hay đầu Mỹ thân Hàn... Thiết nghĩ, nhận xét này có lẽ chỉ đúng một phần, bởi bức tranh đó không đơn nhất một tông mà còn có nhiều màu sắc đan xen. Trong cái ồn ã của tiết tấu và sự nhàm chán của ca từ, người nghe vẫn thấy xuất hiện nhiều giai điệu đẹp thấm đẫm bản sắc Việt. Những ca khúc Giấc mơ trưa (Giáng Son - Thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến) hay A í a, Quê tôi (Lê Minh Sơn), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Con cò (Lưu Hà An)... trong chương trình Bài hát Việt chính là những minh chứng rõ nét chi điều đó.

Ca sĩ Khánh Linh với ca khúc “Giấc mơ trưa”

 

Những ca khúc nói trên, nếu gọi là ca khúc dân gian đương đại, thực ra cũng là kiểu “rượu cũ bình mới” mà thôi. Có lẽ điều này ảnh hưởng từ  cách gọi văn học đương đạihội họa đương đại, nhưng rõ ràng là nội hàm của chúng hoàn toàn khác nhau. Văn học, hội họa đương đại, chí ít cụm từ này cũng phản ánh một trào lưu hay một bút pháp sáng tác mới đang diễn ra ở thời điểm hiện tại, còn ca khúc dân gian đương đại thì chỉ mang ý nghĩa về mặt thời gian mà thôi.

Tôi xin lấy dòng ca khúc cách mạng trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975 để làm rõ thêm vấn đề này. Các tác giả cuốn Âm nhạc mới Việt Nam, tiến trình và thành tựu chia mảng thanh nhạc thành nhiều thể loại, trong đó dành hẳn một chương cho ca khúc trữ tình. Ca khúc trữ tình là một tập hợp, lại được chia thành nhiều dạng: phong cách dân gian, trần thuật, chính luận, tình ca, ca khúc nghệ thuật. Ở đây, tôi đặc biệt quan tâm tới hai dạng bài hát trữ tình mang phong cách dân gian và Bài hát trữ tình kiểu trần thuật.  

Với những bài hát trữ tình mang phong cách dân gian, các tác giả cho rằng: giai đoạn này (1954 - 1975) vẫn duy trì được những đặc trưng nghệ thuật, thi pháp (trong ca từ) như giai đoạn trước. Để nhận biết nó phải nhìn góc độ đặc trưng có tính bao quát nhất đó là "sự mô phỏng xuyên suốt, đa diện, từ âm điệu đường âm đặc trưng, thang âm điệu thức đến cấu trúc, cú pháp và các thủ pháp nghệ thuật khác. Tất nhiên, những đặc trưng dân gian có thể đậm nhạt khác nhau ở mỗi tác phẩm, nhưng chúng phải tạo ra một cảm quan "giống như dân ca mà không phải dân ca", nó là vậy mà không phải là vậy! Nó phải là một tác phẩm có địa chỉ tác giả với một phong cách, bút pháp mà ca tính sáng tạo không thể hòa tan và đồng nhất với cái cổ truyền"(1). Cùng với nhận xét này các tác giả cuốn sách đưa ra một số bài hát tiêu biểu: Ai về miền Bắc (Đắc Nhẫn), Giữ trọng tình quê (Văn Cận), Nhớ đàn xe nước, Nhớ về quê mẹ (Vân Đông), Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiêp - Đằng Giao)... cốt là để minh chứng vai trò của cá thể chứ không phải chứ không phải tập thể trong việc kế thừa phong cách dân gian để sáng tạo lên tác phẩm mới. Nói cách khác, đó là cách khẳng định vai trò của các nhạc sĩ trong việc phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống ở môi trường mới.

 

Tùng Dương thể hiện ca khúc Con cò trong Bài hát Việt  năm 2010

 

Loại ca khúc kiểu trữ tình trần thuật, thường "giãi bày, kể lại một sự việc, một câu chuyện... theo lối diễn đạt dung dị". Nguyên tắc để phân biệt với kiểu ca khúc mang phong cách dân gian ở chỗ: âm nhạc truyền thống được đưa vào một cách đậm đặc hơn, nhưng nó chỉ mô phỏng cục bộ (chủ yếu là vận dụng trên cơ sở chất liệu), còn các mặt như câu tứ, cú pháp, cấu trúc chung, cách xử lý ca từ… có thể không vận dụng hoặc có vai trò không đáng kể. Các tác giả còn nhấn mạnh rằng: Do xu hướng tăng cường chất liệu âm nhạc truyền thống, nên ranh giới về loại hình giữa bài hát mang phong cách dân gian và bài hát kiểu trần thuật, trong nhiều trường hợp khó có thể phân biệt được rạch ròi (2). Một số bài hát sau là những ví dụ điển hình: Lời ca gửi noọng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Suối Lê Nin (Hà Té - Hoàng Đạm), Việt Bắc nhớ Bác Hồ (Phạm Tuyên), Từ trên đỉnh núi, Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Nhưng cô gái quan họ (Phó Đức Phương), Qua bến đò Quan (Thái Cơ), Lời ru trên nương (Trần Hoàn - Thơ: Nguyễn Khoa Điềm), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn)....

Sau ngày đất nước giải phóng, nhất là trong thời kì đổi mới, loại ca khúc trữ tình như hai dạng trên ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Có thể đưa ra một số bài để làm ví dụ: Đi tìm người hát lý thương nhau (Vĩnh An), Cô tấm ngày nay (Ngọc Châu), Thành phố miền quan họ (Nguyễn Cường), Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà Rồng (Trần Hoàn), Qua lới nọ Hạ Long (Trương Ngọc Ninh), Trên đỉnh Phù Vân, Về quê (Phó Đức Phương), Hơi thở mùa xuân, Bài hát ru cho anh (Dương Thụ), Chị tôi, Mưa bay tháp cổ, Quê nhà (Trần Tiến)...

Qua việc dẫn cách phân loại của nhóm tác giả cuốn Âm nhạc mới Việt Nam, tiến trình và thành tựu, cũng như dẫn tên một số bài hát là để minh chứng cho nhận định: luôn có một dòng chảy văn hóa âm nhạc dân gian của dân tộc trong ca khúc Việt Nam. Nói cách khác, từ khi âm nhạc mới ra đời đến nay, ở bất cứ giai đoạn nào, các nhạc sĩ Việt Nam luôn có ý thức khai thác những yếu tố dân gian để đưa vào ca khúc. Tuy nhiên cũng có sự khác nhau: người thì tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ, âm hưởng, chất liệu âm nhạc; người lại ở góc độ cốt truyện... Nhưng tất cả những điều đó đều hướng tới mục đích cuối cùng là đem cho người nghe một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, mang đậm tính dân tộc.

Như vậy, một số bài hát gần đây như Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), Con cò (Lưu Hà An), rồi Người ơi  người ở, Đá trông chồng (Lê Minh Sơn)...  xét cho cùng về thủ pháp, bút pháp sáng tác, không khác mấy so với nhiều bài của các nhạc sĩ ở những năm tháng trước đó. Như vậy, những ca khúc dân gian đương đại, thực chất là sự nối dài dòng chảy của một trong hai dạng trên (tất nhiên không thể dùng tên gọi là ca khúc trữ tình như các nghiên cứu đã đưa ra để đặt tên cho loại ca khúc này).

Một điều nữa cần chú ý, nếu là dân gian thì nghĩa là đã xóa nhòa tính sáng tạo của cá thể (nhạc sĩ) mà đề cao vai trò của tập thể (đấy là chưa kể tới không gian diễn xướng), nhưng rõ ràng ở đây, mỗi bài hát lại có tên tác giả hẳn hoi. Mặt khác, đương đại cũng giống như cận đại, hiện đại, thậm chí là thời đại, những từ chúng ta hay dùng, luôn gây ra sự tranh cãi bây lâu nay do thường chỉ nghiêng về mặt xác định thời gian. Chỉ cách đây mươi mười lăm năm, người ta thường hay nói tới tác phẩm hiện đại hay mang hơi thở thời đại, thì nay sẽ là tác phẩm âm nhạc đương đại... rồi mười, hai mươi năm sau, có thể sẽ là trung đương đại, rồi hậu đương đại chăng?

Vẫn biết rằng, việc xé lẻ từ ra khỏi tổng thể cụm từ đôi khi làm mất đi ý nghĩa vốn có của một khái niệm. Nhưng ở trường hợp này lại khác, dẫu có để nguyên trạng thì vẫn không phản ánh đúng một "thực thể" đang hàng ngày diễn ra trong sinh hoạt ca nhạc của nước nhà. Như vậy, không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật của những ca khúc dân gian đương đại (thực chất là những bài hát mà giai điệu, nội dung hay lời ca có sự tiếp thu một số yếu tố của âm nhạc dân gian) trong bối cảnh âm nhạc hiện nay. Nhưng việc nên gọi chúng như thế nào, sao cho hợp lý và đúng với bản chất của chúng nhất, có lẽ là công việc của các nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc nước nhà?./.

N.Đ.N   

--------

1.2. PGS.TS. Tú Ngọc - PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung – TS. Vũ Tự Lân - Nguyễn Ngọc Oánh - Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam, tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc Xb, Hà Nội, 2000, tr. 373, 379.