Tin tức

Trường đại học thiếu nguồn nhân lực ngành nghệ thuật ở trình độ tiến sĩ

10 Tháng Tám 2022

Đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Quyết định bổ sung biên chế giáo viên là tín hiệu tích cực với việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương vẫn đang “canh cánh” lo thiếu giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các môn nghệ thuật.

Về quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị, trao đổi với phóng viên, Giáo sư Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết, đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục, góp phần truyền cảm hứng cho các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường đại học thiếu nguồn nhân lực ngành nghệ thuật ở trình độ tiến sĩ ảnh 1

Giáo sư Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

"Các trường sư phạm trong hệ thống đào tạo giáo viên của đất nước mấy năm qua đã có những nỗ lực thay đổi, nâng cao chất lượng chương trình, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm khá cao. Theo tôi, đây là cơ hội lớn cho tất cả các trường ngành sư phạm và các trường cũng cần nỗ lực xây dựng và phát triển chương trình đào tạo hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018", Giáo sư Phạm Hồng Quang nói.

Liên quan đến băn khoăn thiếu giáo viên dạy chương trình mới đối với các môn nghệ thuật, Giáo sư Phạm Hồng Quang chia sẻ: trong hệ thống các trường đào tạo giáo viên đã có những ngành đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục thể thao và Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, trong việc phân bổ chỉ tiêu biên chế giáo viên, chúng ta cũng phải tôn trọng quy luật cung, cầu của thị trường lao động và sự điều chuyển giáo viên theo quy luật đó và kế hoạch của địa phương.

Cần có sự cân bằng giữa những trường lớn trong đào tạo giáo viên và chiến lược của các địa phương về đặt hàng cho trường sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Lý giải việc thiếu giáo viên dù chương trình mới đã có sự chuẩn bị từ khá lâu, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, chúng ta đào tạo giáo viên không phải cho một vùng mà cho cả nước, cho nên quy luật cung, cầu cũng phải có lộ trình thời gian mới đáp ứng được. 

Nếu có chiến lược mạnh mẽ hơn, nguồn tài chính dồi dào hơn, việc đào tạo giáo viên, phân bổ giáo viên được giống như ngành công an, quân đội thì sẽ là điều thuận lợi nhất. Tuy nhiên với nguồn lực hạn hẹp thì chúng ta phải từng bước nâng cao chất lượng.

“Với quyết định về bổ sung biên chế giáo viên và chúng ta cũng đang triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, chính quyền địa phương sẽ đặt hàng đào tạo giáo viên tích cực hơn, đồng thời, các trường sư phạm cũng nỗ lực rất lớn về điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp thì tôi tin rằng trong tương lai vấn đề bài toán giáo viên sẽ được giải quyết”, Giáo sư Phạm Hồng Quang nhận định.

Nên có quy định riêng đối với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trong giai đoạn "quá độ"

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra từ cấp mầm non đến đại học.

Nhưng ở bậc đại học, nhà trường có thể linh hoạt trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, thậm chí là giảng viên từ các doanh nghiệp đủ điều kiện. Còn với cấp mầm non, phổ thông, cần tính toán rõ ràng, thiếu giáo viên với số lượng bao nhiêu tương ứng với từng môn học, từng trình độ đào tạo.

Trường đại học thiếu nguồn nhân lực ngành nghệ thuật ở trình độ tiến sĩ ảnh 2

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn)

 

Nếu không giải quyết nhanh vấn đề đội ngũ một cách thấu đáo thì hệ thống giáo dục phổ thông theo chương trình mới sẽ bị ảnh hưởng lớn. Từ đó ảnh hưởng tới nguồn nhân lực của xã hội sau này.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cũng cho rằng, quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị sẽ tác động tích cực đến việc đặt hàng đào tạo giáo viên ở các địa phương.

Thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ- CP sẽ giúp thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số vấn đề kỹ thuật giữa các bên liên quan chưa được hài hòa. Vì vậy tuy đã bước sang năm thứ 2 triển khai theo Nghị định 116/2020/NĐ- CP nhưng nhìn chung hiện việc đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn chưa được như mong muốn.

Các địa phương cần xác định chính xác nhu cầu, số lượng giáo viên các ngành mầm non, phổ thông, các bên liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau, sau đó báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bao nhiêu giáo viên ở từng ngành cụ thể trong từng năm. Trên cơ sở đó Bộ sẽ tính toán để giao chỉ tiêu lại cho hệ thống các trường đào tạo giáo viên hoặc trường đa ngành có khoa đào tạo giáo viên thì chúng ta sẽ thực hiện được việc đặt hàng một cách khoa học, liên tục, thuận lợi.

Năm học 2021 – 2022, Trường Đại học Tiền Giang được tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, ngoài ra chưa có đơn đặt hàng đào tạo nào từ các nơi khác. Nghị định 116 là một chính sách rất tốt nhưng khi thực hiện, việc giải quyết các khâu kỹ thuật còn chưa được hài hòa, thuận lợi. Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang hi vọng thời gian tới vấn đề này sẽ được giải quyết tốt và việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 sẽ phát huy hiệu quả.


Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng nói gì về tình trạng thiếu giáo viên, phòng học?

Bàn về vấn đề thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, việc thiếu giáo viên ở những lĩnh vực này mang tính đặc thù.

Bản thân một số trường đại học cũng đang thiếu nguồn nhân lực của những ngành nghệ thuật ở trình độ tiến sĩ. Giảng viên liên quan đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật có trình độ tiến sĩ còn thiếu nên không thể mở ngành theo quy định để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, cụ thể là đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trường Đại học Tiền Giang có nhiều thạc sĩ Mỹ thuật nhưng không có ai ở trình độ tiến sĩ Mỹ thuật nên không mở được ngành đào tạo trình độ đại học Mỹ thuật mà chỉ có thể đào tạo trình độ cao đẳng Mỹ thuật. 

Thực tế, nghệ thuật là những ngành đặc thù, giảng viên có trình độ thạc sĩ khá nhiều nhưng đạt trình độ tiến sĩ thì rất hiếm, mà quy định mở ngành đại học nghệ thuật cần phải có ít nhất một tiến sĩ tương ứng.

Khi nhà trường chỉ đào tạo cao đẳng đối với ngành Mỹ thuật, Âm nhạc thì không đáp ứng được quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (giáo viên bậc phổ thông phải có trình độ đại học trở lên) nên Trường Đại học Tiền Giang cũng đã dừng tuyển sinh các ngành cao đẳng Mỹ thuật, cao đẳng Âm nhạc từ nhiều năm nay.

Trước tình trạng thiếu giáo viên những lĩnh vực này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, trường phổ thông nào đảm bảo số lượng giáo viên thì tiến hành dạy học bình thường, đối với những cơ sở không có giáo viên, giải pháp trước mắt là có thể sử dụng phương pháp dạy học trên truyền hình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các đài truyền hình và các nghệ sĩ để xây dựng chương trình dạy các môn nghệ thuật trên truyền hình. Việc này có thể khả thi, giải quyết được bài toán thiếu giáo viên nghệ thuật trong giai đoạn trước mắt…

"Ngoài ra, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên nghệ thuật đứng lớp, về mặt quản lý vĩ mô, thiết nghĩ cũng cần có cơ chế riêng, quy định riêng, những giáo viên giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc phổ thông có thể chỉ cần trình độ từ cao đẳng trở lên.

Giải pháp này sẽ giúp tận dụng được đội ngũ sẵn có, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực khi nhiều địa phương còn thiếu giáo viên để triển khai chương trình mới”, Tiến sĩ Thịnh nêu đề xuất.

Phạm Minh