Tin tức

Thực trạng và giải pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở phường Cầu Diễn giai đoạn 2014-2017

17 Tháng Năm 2018

Nguyễn Đình Trọng [*]

      Cầu Diễn là một phường thuộc quận Nam Từ Liêm. Phường nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 6 km về phía Tây. Từ năm 2013, việc thành lập quận Nam Từ Liêm đã mang lại những thay đổi sâu sắc cho phường Cầu Diễn. Sự chuyển đổi sang môi trường đô thị đưa đến những biến đổi mạnh mẽ về các mặt kinh tế, văn hóa xã hội.

      Phường Cầu Diễn có dân số trên 17.000 người, được phân bố trên 15 tổ dân phố. Dân cư trên địa bàn phường thuộc nhiều thành phần khác nhau: cán bộ, công chức, viên chức, bộ đội, công nhân lao động, thợ thủ công, học sinh, sinh viên từ nhiều tỉnh thành phố về công tác và cư trú; chỉ có ít cư dân bản địa làm nông nghiệp. Số cán bộ, viên chức, bộ đội và gia đình họ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong thành phần dân số trên địa bàn phường. Đáng chú ý là số viên chức trung, cao cấp lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, sĩ quan chỉ huy trong lực lượng vũ trang, thành phần trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu và giảng viên. Họ là những người có chức vụ, nghề nghiệp chuyên môn cao nên đời sống khá hơn. Còn lại số đông là viên chức nhỏ, công nhân lao động có đời sống khó khăn hơn. Với vai trò là “trung tâm hành chính” của quận Nam Từ Liêm, phường Cầu Diễn hiện là địa bàn tập trung các nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp, dân dụng, quốc phòng, phục vụ nông nghiệp và nhiều cơ quan, đơn vị chuyên hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ứng dụng và chế tạo, giáo dục - đào tạo... Đó chính là điều kiện để khai thác tiềm năng hỗ trợ phát triển các phong trào văn hoá, thể thao cho cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn phường giai đoạn 2014-2017.

     Thực trạng hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở phường Cầu Diễn

      Đảng bộ phường Cầu Diễn có 20 chi bộ với hơn 850 đảng viên sinh hoạt. Hàng năm, Đảng ủy phường Cầu Diễn ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở khu dân cư.

      UBND phường Cầu Diễn: có 53 cán bộ công chức, lao động hợp đồng, cán bộ không chuyên trách. UBND phường đã chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó có công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn phường Cầu Diễn trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát Chương trình, Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND Phường.

      Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) phường Cầu Diễn là cơ quan tổ chức, triển khai các nội dung của Phong trào này trên địa bàn phường. Ngày 06/02/2018, UBND phường Cầu Diễn đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH phường Cầu Diễn bao gồm 16 thành viên. Trong đó, thành phần thường trực Ban chỉ đạo Phong trào gồm các thành viên: Trưởng ban là Chủ tịch UBND phường; phó ban là Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực Văn hóa - xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phường là phó ban chỉ đạo. Ủy viên thường trực là cán bộ văn hoá thông tin, còn lại Chủ tịch hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Phụ nữ, phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phường và cán bộ công chức văn hóa phường là Uỷ viên.

      Do là địa bàn mới được thành lập, nên hiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn phường Cầu Diễn chưa đầy đủ và hoàn thiện. Hiện phường có một Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) cấp phường và 5 nhà văn hóa (NVH) của các tổ dân phố.

      Trung tâm VHTT phường Cầu Diễn được xây dựng năm 2007, có diện tích sử dụng khoảng 1.000 m2. Trung tâm có NVH đa năng, phòng đọc sách, báo; phòng truyền thanh; và đầy đủ các công trình phụ trợ nhà để xe, khu vệ sinh; và trang thiết bị bàn ghế, tủ, trang bị âm thanh… trong khuôn viên Trung tâm có sân tập dành cho các môn thể thao đơn giản.

      Phường hiện có 5/15 NVH của tổ dân phố (TDP). Trong đó, NVH tổ dân phố 1, 2, 3, 4 mới đi vào hoạt động từ năm 2017. NVH của TDP 15 được xây dựng từ năm 2011.Các NVH đều được trang bị bàn ghế, âm thanh phục vụ các hoạt động cộng đồng tại các khu dân cư, tổ dân phố. Còn lại các TDP chưa có NVH đều sinh hoạt chung tại Trung tâm VHTT phường. Ngoài ra, phường Cầu Diễn còn thụ hưởng các thiết chế văn hóa cấp quận, Thành phố nằm trên địa bàn của phường. Cấp quận có: Hội trường và sân khấu ngoài trời của UBND quận, Trung tâm Văn hóa quận, Trung tâm TDTT quận. Cấp Thành phố có: Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Cung Điền kinh trong nhà Hà Nội,… Đây là những cơ sở vật chất có chất lượng và quy mô vượt xa các cơ sở của phường Cầu Diễn. Tuy phường Cầu Diễn không quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao này, nhưng người dân của phường cũng được hưởng những lợi ích mà nó mang lại. Những nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền cũng như MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động các hộ gia đình xây dựng “Gia đình văn hóa” đã mang lại hiệu quả cao. Bình quân trong 5 năm giai đoạn 2013-2017 thực hiện đạt hơn 97%. So với mức bình quân chung của quận Nam Từ Liêm, cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa” của phường Cầu Diễn năm nào cũng cao hơn, và mức bình quân chung cho cả giai đoạn 2013-2017 là gần 9%. Việc xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa” thành công trên diện rộng đã tác động tích cực đến việc xây dựng và hình thành môi trường văn hóa trong sạch và lành mạnh, góp phần vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội của phường giai đoạn 2013-2017.

      Hệ thống 15 Câu lạc bộ “Văn hóa gia đình”như 5 câu lạc bộ văn hoá, 5 câu lạc bộ thể dục thể thao, 5 câu lạc bộ thơ ca ở tất cả các khu dân cư được chú ý phát triển và duy trì hoạt động đều đặn với nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những kiến thức cần thiết về đối nhân xử thế trong quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng; sinh hoạt tín ngưỡng; chăm sóc, giáo dục con cái và các biện pháp phòng chống các tệ nạn xã hội; giúp nhau phát triển kinh tế... Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tốt sẽ tác động tích cực đến con người của địa phương, đồng thời công tác xây dựng đời sống văn hóa có tác động rõ rệt đối với việc phòng chống tiêu cực và tệ nạn xã hội ở cơ sở. Đây là hoạt động được nhiều địa phương quan tâm, thông qua hoạt động này giáo dục các thành viên tiếp thu các giá trị chân, thiện, mỹ; ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến tình bền vững của gia đình trong cơ chế thị trường, hướng tới xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

      Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH

      Để nâng cao chất lượng cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn phường Cầu Diễn trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cũng như các tổ chức chính trị xã hội cho đến các hộ gia đình và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đối với đời sống xã hội nói chung và phường Cầu Diễn nói riêng. Từ đó thấy được vai trò và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và phát triển đời sống văn hóa ở địa phương, đưa văn hóa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể dục thể thao ngày càng cao của nhân dân. Để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cuộc vận động phường Cầu Diễn cần tập trung vào ba nhóm giải pháp là:

      Một là, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về công tác xây dựng đời sống văn hóa. Đây là nhóm giải pháp có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các phương tiện thông tin, tuyên truyền cũng như hệ thống truyền thanh, thông tin cơ sở. Việc nâng cao nhận thức về công tác xây dựng đời sống văn hóa tỉ lệ thuận với sự thành công của phong trào TDĐKXDĐSVH.

      Hai là, nhóm giải pháp về tăng cường công tác quản lý của Nhà nước. Đây cũng là nhóm giải pháp được chính quyền phường Cầu Diễn thực hiện tốt trong giai đoạn 2013-2017. Nhờ có bộ máy chính quyền, Ban chỉ đạo, các tổ chức chính trị, xã hội hoạt động hiệu quả mà kết quả phong trào TDĐKXDĐSVH rất khả quan và toàn diện. Trong giai đoạn tới, phường Cầu Diễn xem việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước là một trong những nhóm giải pháp căn bản có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của phong trào TDĐKXDĐSVH.

      Ba là, nhóm các giải pháp về nghiệp vụ. Chúng có ý nghĩa bổ sung, hoàn thiện cho việc thực hiện thành công các phong trào TDĐKXDĐSVH. Đặc biệt là chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa; chất lượng các mô hình văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch,…

      Các nhóm giải pháp này đều mang tính trước mắt và lâu dài, phù hợp với tình hình thực tại từng bước đi trong mỗi giai đoạn phát triển. Việc thực hiện tốt các giải pháp mang tính chất tổng hợp, sát với thực tế sẽ đảm bảo quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở phường có những bước thay đổi tiến bộ, phù hợp với quá trình xây dựng con người xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.

      Kết luận

      Xây dựng đời sống văn hóa là một quá trình lâu dài, cần phải tính toán thận trọng trong từng bước đi nhằm tạo những nền tảng cơ bản về vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhìn chung, các quan điểm về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong thời gian tới đều hướng xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển toàn diện của con người trong thời kỳ mới.

      Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở phường Cầu Diễn giai đoạn 2014-2017 đạt nhiều kết quả khả quan. Phong trào được triển khai trên diện rộng, với đầy đủ các nội dung từ vĩ mô đến vi mô. Từ các nội dung phát triển văn hóa cộng đồng như xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và xây dựng kỉ cương pháp luật cho đến xây dựng phong cách, lối sống văn hóa đối với cá nhân, gia đình, các nội dung này đều được chú ý triển khai. Trong đó nổi bật là xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa, như: “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” đạt tỉ lệ gần như tuyệt đối và luôn cao hơn khi so sánh với mức bình quân của quận Nam Từ Liêm.

      Với vai trò là “Trung tâm hành chính” của quận Nam Từ Liêm phường Cầu Diễn đã có tác động tích cực đến phong trào TDĐKXDĐSVH trong giai đoạn 2014-2017. Nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ và TDTT quy mô lớn do Quận được tổ chức trên địa bàn phường Cầu Diễn, Những sự kiện này đã thúc đẩy nhiều phong trào văn nghệ và thể dục thể thao của phường phát triển, cũng như góp phần trực tiếp nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn phường Cầu Diễn.

Tài liệu tham khảo

1.Ban Chấp hành Đảng bộ phường Cầu Diễn (2015), Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ phường Cầu Diễn nhiệm kỳ 2015-2020.

2.Bùi Việt Mỹ, Nguyễn Tọa (2005), Từ Liêm với văn hóa Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Lao động.

3.Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thị trấn Cầu Diễn (2012), Lịch sử 30 năm xây dựng và phát triển thị trấn Cầu Diễn (1982-2012), NXB Chính trị - Hành chính.

4.Nguyễn Hữu Thức (2005), Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

5.Nguyễn Hữu Thức (2007), Một số kinh nghiệm quản lý văn hóa và hoạt động tư tưởng văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6.Nguyễn Hữu Thức (2009), Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nhà xuất bản Bách khoa và Viện Văn hóa.

7.Quận ủy Nam Từ Liêm (2015), Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ quận Nam Từ Liêm, nhiệm kỳ 2015-2020.

      --------------------------------------------------------------------------

 
   

      [*] Lớp Cao học K5 – Chuyên ngành  Quản lý văn hóa