Tin tức

Quản lý các hoạt động văn hóa tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

04 Tháng Sáu 2018

Bùi Anh Sơn [*]

Nước ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, đó là thời cơ nhưng cũng thách thức buộc chúng ta phải tự đổi mới để hòa nhập với môi trường phát triển mới. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tiền Hải cùng với ban ngành luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao, phát huy nội lực tranh thủ mọi điều kiện để không ngừng vươn lên, đi trước một bước trong việc đưa văn hóa văn minh đến mọi tầng lớp nhân dân.

Những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, đặc biệt là sự cố gắng của cán bộ công tác tại Trung tâm, vì thế Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) huyện Tiền Hải đã đạt được nhiều kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực hoạt động, đó là:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, cổ động. Nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, hòa chung với sự phát triển của đất nước công tác tuyên truyền, cổ động luôn được Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải phối hợp cùng các Cấp ủy Đảng, chính quyền, các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện triển khai thực hiện thường xuyên cả chiều rộng và chiều sâu đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động tuyên truyền cổ động của Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải được phát huy cao trong những ngày lễ, tết, những ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị trọng đại bằng nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, họp thôn, tổ dân phố; sinh hoạt các chi hội. Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật qua khai thác sử dụng tủ sách pháp luật ở cơ sở; thông qua các buổi tọa đàm, tuyên truyền lưu động, biểu diễn. Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức công tác tuyên truyền cho các ngày lễ lớn của đất nước như ngày thành lập Đảng; Ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế Lao động 1/5; Ngày Quốc khánh 2/9 trong đó có ngày truyền thống của ngành Văn hóa Thông tin 28/8, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của huyện phục vụ nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất cây vụ Đông; công tác phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng người và gia súc. Tổ chức hướng dẫn cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn hiểu được nội dung cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới, những tiêu chí về Văn hóa - Thể thao trong 19 tiêu chí nông thôn mới. Tiêu chí xây dựng khu Trung tâm văn hóa, thể thao xã, thôn, làng; Chỉ đạo hướng dẫn công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới... luôn bám sát yêu cầu có trọng tâm trọng điểm để tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Ở đây hệ thống tuyên truyền đồng bộ bao gồm pa-no, áp phích, khẩu hiệu, cờ, loa đài tuyên truyền. Việc tuyên truyền ngày càng chất lượng cao nhờ có hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành có liên quan.

Thứ hai, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Những năm gần đây phong trào văn hóa văn nghệ trong toàn huyện đã có bước tiến vượt bậc cả chiều sâu lẫn chiều rộng, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng. Bằng nhiều hình thức, cách làm đa dạng, phong phú, phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ ở các xã, thị trấn mà còn phát triển rộng khắp trong cơ quan, đơn vị, trường học góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Trung tâm Văn hóa huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cơ sở vật chất như âm thanh, đạo cụ, trang phục... đưa nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng, nội dung phong phú. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân, khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo và bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Thứ ba, hoạt động nhà văn hóa, câu lạc bộ. Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động nhà văn hóa, câu lạc bộ được Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải duy trì nâng cao chất lượng hoạt động nên mang lại hiệu quả cao, đa dạng hóa các hình thức tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của mọi thành viên và cộng đồng.

         Hàng năm, Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn điều tra, khảo sát tình hình hoạt động, chất lượng chuyên môn của hệ thống Nhà văn hóa xã, thôn, làng, các loại hình câu lạc bộ (CLB) trong toàn huyện từ đó có những biện pháp cụ thể cũng như động viên khích lệ và nhắc nhở kịp thời để Nhà văn hóa xã, thôn, các loại hình CLB đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả.

          Đi đôi với duy trì nâng cao chất lượng hoạt động Nhà văn hóa, CLB, Trung tâm còn chủ động nghiên cứu đổi mới nội dung hoạt động nhà văn hóa, CLB đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn nghệ, các CLB giữa xã với xã, giữa huyện với huyện trong toàn tỉnh, ngoài ra còn giao lưu với các CLB ở tỉnh lân cận (CLB bạn yêu nhạc huyện Tiền Hải, CLB cầu lông Trung tâm VHTT giao lưu cùng CLB bạn yêu nhạc, CLB cầu lông huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng...). Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ tham gia, góp phần thiết thực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

         Thời gian qua, Trung tâm kết hợp với Nhà văn hóa trung tâm tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa xã, thôn, quy trình thành lập phương pháp tổ chức các hoạt động của CLB, nhóm sở thích, tổ, đội văn nghệ, mở các lớp dạy múa hát chèo, dân ca,… cho các đối tượng; tạo sân chơi và cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân đến với các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương.

            Thứ tư, hoạt động thể dục, thể thao (TDTT). Xác định phát triển thể dục thể thao là nội dung quan trọng nên những năm qua, Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải thường xuyên tiến hành công việc dự báo, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ngắn hạn, dài hạn; thực hiện và triển khai các chính sách và chế độ của Nhà nước liên quan đến hoạt động; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động nói trên; phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức điều hành một số hoạt động thể thao quan trọng. Đồng thời, Trung tâm còn triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân tập luyện và thi đấu thể thao gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ”. Bên cạnh đó, Trung tâm còn sưu tầm, thống kê, phân loại các trò chơi dân gian trong các lễ hội truyền thống hàng năm của địa phương, lựa chọn trong số đó một số trò chơi vận động dân gian để từng bước đưa vào hệ thống thi đấu thể thao của huyện, của tỉnh.

       Mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên TDTT cấp xã và cấp thôn theo chương trình tài liệu của ngành TDTT quy định. Quản lý, sử dụng đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên.

         Tham mưu đề xuất với UBND huyện, phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao, UBND các xã thị trấn lập dự án quy hoạch đất đai cho TDTT, đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại thôn, xã. Đồng thời Trung tâm cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức khuyến khích nhân dân tích cực tham gia TDTT. Từ đó cho thấy phong trào TDTT huyện Tiền Hải đã có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia. Nhiều giải thể thao được tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước cũng như ngày hội của địa phương như kỷ niệm ngày thành lập huyện với các môn thi đấu như vật, bơi lội, cờ tướng, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, bóng bàn... thuộc nhiều tầng lớp và độ tuổi tham gia đã tạo nên khí thế sôi nổi góp phần nâng cao sức khỏe, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị trong huyện. Đồng thời thông qua các cuộc thi phát hiện giới thiệu với ngành TDTT những vận động viên có năng khiếu để bồi dưỡng, bổ sung cho đội tuyển của tỉnh và quốc gia. Tại các cơ sở, số lượng Câu lạc bộ TDTT trong huyện ngày càng tăng; việc quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất như sân bãi, địa điểm luyện tập, phương tiện thiết bị cho tập luyện được các địa phương quan tâm đầu tư tạo điều kiện.

          Với cách thức tổ chức và hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT đã đi sâu vào đời sống xã hội, lan tỏa thu hút đông đảo người tham gia đủ mọi thành phần, đủ mọi đối tượng từ các cơ quan, đoàn thể, các trường học đến các cá nhân. Ý thức rèn luyện thân thể để bảo vệ sức khỏe để lao động sản xuất, để học tập và công tác của người dân trong huyện ngày một nâng cao thiết thực và hiệu quả.

Thứ năm, hoạt động thư viện. Thư viện huyện Tiền Hải đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn và khơi dậy văn hóa đọc, có thêm nhiều lựa chọn cho việc tiếp cận thông tin, tri thức và duy trì đều đặn lượt mở cửa đón độc giả. Thư viện huyện đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ, luân chuyển sách, báo với thư viện khoa học tổng hợp tỉnh với số lượng hàng 1.000 đầu sách, mua sắm tài sản, đặt mua báo và tạp chí phục vụ bạn đọc với số tiền bình quân hàng năm là hơn 50 triệu đồng.

            Trung tâm đã phối hợp với Ban tuyên giáo, Phòng giáo dục tổ chức chương trình giao lưu Văn hóa đọc nhằm thiết thực hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4, ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, và chào mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, ngày quốc tế lao động 1/5. Qua đó truyền tải ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc, tạo thêm niềm yêu thích đọc sách cho cán bộ và nhân dân, thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn toàn huyện cũng như góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc trên toàn huyện.

Phối hợp với UBND thị trấn huyện Tiền Hải tạo điều kiện về cơ sở vật chất giúp đỡ tổ dân phố Hùng Thắng khai trương thư viện đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tổ. Tổ chức tốt 6 tủ sách tuyên truyền, giới thiệu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị như: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Đại hội Đảng các cấp, Bầu cử Đai biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

            Thứ sáu, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn liền với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Xây dựng phong trào đời sống văn hóa ở cơ sở” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được ngành văn hóa thực hiện trong những năm trở lại đây. Đảng ta đã xác định việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là bước đi ban đầu, là nền tảng xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

         Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh (nay là Quyết định số 17/QĐ-UBND) quy định về thực hiện nếp sống văn hóa (NSVH) trên địa bàn tỉnh, Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải kết hợp cùng với phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho UBND huyện có nhiều văn bản về quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa thông tin cơ sở; đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động văn hóa thông tin cơ sở nhằm đảm bảo cho các hoạt động phong phú, đa dạng được quản lý, đúng hướng. Nhờ vậy, đã đạt những kết quả tích cực, từng bước được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn.

         Từ những nhận thức đúng đắn vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có ý nghĩa sâu sắc trong việc hình thành nếp sống và các chuẩn mực đạo đức của người dân tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa đã được Trung tâm cũng như Cấp ủy, chính quyền của huyện Tiền Hải chăm lo, tổ chức, chỉ đạo sát sao “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

         Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của nhâ dân trong huyện tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa cơ sở diễn ra trên diện rộng, chất lượng hoạt động ngày một nâng cao có tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội; tạo điều kiện cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi lên, giúp huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng như: hiến xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân.

         Việc cưới, việc tang và lễ hội ở huyện Tiền Hải có chuyển biến tích cực đặc biệt các gia đình cán bộ, đảng viên. Đa số đám cưới ở huyện Tiền Hải tổ chức theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm và an toàn, hạn chế tình trạng mời thuốc, cỗ bàn linh đình. Các đám tang cơ bản thực hiện tốt các quy định đề ra, giảm đốt vàng mã, không còn nhiều tình trạng mê tín dị đoan. Bằng hình thức tuyên truyền Trung tâm VHTT huyện đã tuyên truyền sâu rộng tới người dân khắc phục tình trạng cát táng lộn xộn, xây mộ to và nhận phần mộ cho người còn sống, xây dựng thôn làng không có người nghiện ma túy; vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh... được nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

         Thứ bảy, hoạt động mở các lớp năng khiếu. Hàng năm vào dịp hè Trung tâm VHTT huyện thường xuyên chiêu sinh các lớp năng khiếu dành cho lứa tuổi học sinh, rất đông các em học sinh tham gia, đó vừa là kiến thức vừa là sân chơi bổ ích cho các em học sinh trong dịp hè. Các lớp năng khiếu điển hình như: lớp âm nhạc; đàn Organ, guitar, lớp múa, lớp mỹ thuật, lớp nhảy; khiêu vũ, lớp võ thuật; caratedo, võ thuật cổ truyền... trong đó lớp đàn Organ, đàn Guitar trực tiếp là cán bộ của Trung tâm VHTT huyện học chuyên nghành âm nhạc Trường ĐHSP Hà Nội giảng dạy. Từ các lớp năng khiếu trên, nhiều em đã phát triển tài năng và là hạt nhân cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sau này.

Từ những hoạt động trên cho thấy công tác Quản lý các hoạt động văn hóa ở Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương đất nước trong thời đại mới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc quản lý các hoạt động của Trung tâm VHTT huyện vẫn còn bất cập và hạn chế. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo giữa sở VHTT&DL, UBND huyện, Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao, Trung tâm VHTT huyện thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống thiết chế văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.

Việc triển khai xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn còn chậm do thiếu những tiền đề vật chất, thiếu kinh phí. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương chưa được quan tâm nhiều, do biên chế có hạn nên cán bộ văn hóa lại phải kiêm nhiệm một số công việc khác của địa phương.

Đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ cao đã có nhưng khi thực tiễn công việc thì còn bỡ ngỡ, cơ chế sử dụng, đào tạo, đãi ngộ còn chưa theo kịp những biến đổi của đời sống. Chưa có công trình nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa cao. Công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chưa được chú trọng chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công việc. Việc hợp đồng cộng tác viên còn gặp khó khăn nhất là kinh phí chi trả lương, thù lao.

Quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa chưa thường xuyên có lúc có nơi còn buông lỏng, chậm đổi mới.

         Công tác thông tin, tuyên truyền cổ động trực quan còn những mặt hạn chế như: chưa chú trọng, có nơi làm còn mang tính hình thức, đối phó. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn, đơn điệu, chưa đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền trước tình hình hiện nay. Hoạt động tuyên truyền ở cơ sở còn yếu. thiếu cán bộ có chuyên môn.

Hiệu quả đầu tư cho Văn hóa - xã hội chưa cao, công tác xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa - xã hội hiệu quả thấp, vẫn nặng hình thức chưa khai thác được tiềm lực đóng góp của nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Để giải quyết những mặt hạn chế trên cũng như nâng cao chất lượng hoạt động Quản lý văn hóa của Trung tâm VHTT huyện trong thời gian tới cần có các giải pháp đồng bộ. Đó là sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, sự phối kết hợp trong hoạt động giữa Trung tâm với các ban ngành liên quan của huyện nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển văn hóa, thể thao. Đồng thời việc bố trí, sắp xếp cán bộ, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa cần được sự quan tâm đúng mức của chính quyền huyện và xã, thị trấn. Về phía Trung tâm phải chủ động dự tính, dự báo sự phát triển văn hóa trên địa bàn, chú trọng sơ kết, tổng kết nhân điển hình; nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể trình UBND huyện để có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nghị quyết lần thứ 9 (1998), Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
  2. Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện (2015), Báo cáo tổng kết số 14/BC - VHTT ngày 19/12/2015 về “ Tổng kết 5 năm công tác Văn hóa - Thể thao năm 2010 - 2015”.
  3. UBND huyện Tiền Hải, Quy chế số 14/2012/QĐ - UBND, ngày 1/10/2012 về Tổ chức và hoạt động của Trung tâm VHTT huyện Tiền Hải
  4. .UBND huyện Tiền Hải, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, số liệu gia đình, Thôn làng văn hóa năm 2017
  5. UBND tỉnh Thái Bình, Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 18/3/2009 về việc Ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình

       -------------------------------------------------------------------------

 

 

 

     [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa