Tin tức

“Bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao”

09 Tháng Tám 2018

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp 26, chiều 8/8, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, về chính sách lương nhà giáo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (1996) khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức tài.”

Do đó phải tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ nhà giáo bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiền lương: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ độ phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

Điều 71 Luật Giáo dục 1998 thể chế hóa quan điểm trên, quy định “Thang, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Nhà nước” và “Nhà giáo được hưởng phụ cấp nghề nghiệp và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.”

Năm 2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) tiếp tục khẳng định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.” Điều này cho thấy sự nhất quán trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo và chính sách tiền lương của nhà giáo tương xứng với vị trí, vai trò đó.

Trong khi đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết 27-NQ/TW) khẳng định nguyên tắc xây dựng chính sách lương mới đối với người lao động phải theo vị trí việc làm, phù hợp với mức độ phức tạp của công việc, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; làm sao để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương.

“Thường trực Ủy ban xin ý kiến UBTVQH để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội” – ông Phan Thanh Bình nói.

Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc sửa luật này trên cơ sở luật hiện hành và thực tế nên chính sách đưa ra cần đánh giá tác động, dự báo để khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay, tránh việc đưa ra quy định nhưng tính khả thi lại thấp.

Nghị quyết của Đảng thể hiện lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, nhưng Điều 74 của dự thảo Luật này lại quy định “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Theo ông Uông Chu Lưu, quy định như vậy là quá chung, không rõ bằng nghị quyết của Đảng và thậm chí thụt lùi so với Luật Giáo dục 1998.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị cân nhắc quy định chính sách tiền lương, thang bảng lương vào trong dự luật này. Vì tiền lương đã có nghị quyết của Đảng, vì vậy các quy định phải đúng và phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng.

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về xác định mức thu học phí căn cứ theo hạch toán chi phí dịch vụ giáo dục, đồng thời quy định rõ các hợp phần để làm căn cứ tính chi phí dịch vụ giáo dục.

Để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ và minh bạch trong tài chính giáo dục, cũng như bảo đảm quyền lợi của người học, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về định mức kỹ thuật – kinh tế trong xác định chi phí dịch vụ giáo dục (chi phí đơn vị trong giáo dục, đào tạo).

Từ đó, giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định chi tiết việc xây dựng, thẩm định và ban hành các định mức kỹ thuật – kinh tế trong giáo dục và đào tạo phù hợp với từng cấp học/trình độ đào tạo, từng khu vực, làm căn cứ để tính chi phí giáo dục bảo đảm chất lượng đầu ra và xác định khung học phí, mức học phí phù hợp./.

Cũng trong chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiên khác nhau của dự án Luật Giáo dục đại học và đồng thuận sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước; đề cao vai trò của Hội đồng trường khi tự chủ, trong đó thể hiện rõ việc cũng như thẩm quyền để tránh hình thức.

Liên quan vấn đề học phí thì cơ bản coi trọng chất lượng giáo dục từng trường, đề cao trách nhiệm và uy tín của trường.

(Nguồn: Ngọc Thành/VOV.VN)