Tin tức

Tự chủ đại học: Tháo gỡ... điểm nghẽn

02 Tháng Mười Hai 2019

Ảnh minh họa/ INT

GD&TĐ - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) (Luật số 34) có hiệu lực đã giải quyết được nhiều vấn đề đang là điểm nghẽn để phát triển hệ thống GDĐH công lập Việt Nam. Tự chủ ĐH là yếu tố mấu chốt của việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật số 34 lần này. Nhưng trên thực tế vẫn còn có nhiều khó khăn. 

Vướng từ nhiều luật chuyên ngành khác

NGƯT.GS.TS Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho rằng: Luật số 34 là luật chuyên ngành về GDĐH nên sẽ rất khó để có thể giải quyết triệt để, toàn diện những bất cập chỉ nội trong Luật số 34; do các mặt hoạt động của cơ sở GDĐH hiện đang bị nhiều luật chuyên ngành khác điều chỉnh, đòi hỏi phải sửa đổi các luật chuyên ngành có nội dung liên quan.

Việc chậm sửa đổi các luật chuyên ngành liên quan đang là trở ngại; làm suy yếu hiệu quả Luật số 34; và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cho các ĐH công lập tự chủ, bởi nó tạo những khoảng hở mà các cơ quan chủ quản hiện nay có thể dùng để can thiệp vào công việc, thẩm quyền của hội đồng trường và nhà trường.

“Quyền tự chủ ĐH được xác định trên các phương diện chủ yếu: Tổ chức bộ máy, nhân sự; Hoạt động GD, nghiên cứu khoa học; Tài chính và cơ sở vật chất. Có thể nói, cả 3 phương diện tự chủ này hiện đều vướng các luật chuyên ngành.

Về tổ chức bộ máy, con người có Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động. Về tài chính, tài sản có Luật Quản lý tài sản Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và hàng loạt các văn bản hướng dẫn luật.

Trong thực tế, các luật này và hệ thống văn bản dưới luật chưa được điều chỉnh kịp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW; nên không tạo được hành lang pháp lý đồng bộ cho tự chủ ĐH phát triển. Những quy định trong các luật chưa sửa gây ra nhiều khó khăn về tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng và chi trả chế độ cho viên chức, giảng viên, người lao động; cũng như đầu tư xây dựng, xác định loại hình nguồn vốn đầu tư, tài sản trong các cơ sở GDĐH công lập tự chủ.

Vì vậy, cần có sự quyết liệt sửa đổi sớm các văn bản luật có liên quan để có thể tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH phát huy quyền tự chủ theo đúng chỉ đạo của Đảng. Nếu không, không có trường nào dám làm; bởi sờ đâu cũng vướng luật; làm gì cũng có thể bị bắt lỗi!” – GS Lê Vinh Danh cho hay.

 GS Lê Vinh Danh.

 

Trao thực quyền cho hội đồng trường

Để hội đồng trường được trao thực quyền quản trị ĐH, theo GS Lê Vinh Danh, việc quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự của cơ sở GDĐH cần được Chính phủ quy định thống nhất, đồng bộ trong các nghị định hướng dẫn một số điều của Luật số 34, Nghị định tự chủ và Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 16/2015/NĐ-CP…

Một trong điều kiện tiên quyết, quan trọng là các quy định này phải không bị giới hạn bởi các cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Trong khuôn khổ thuật ngữ “quy định pháp luật” nhưng không có chỉ dẫn cụ thể “quy định pháp luật nào?” dẫn đến tình trạng khi ban hành các thông tư, quyết định, văn bản chỉ đạo... cơ quan quản lý có thể tự đặt ra những hạn chế đối với quyền tự chủ của cơ sở GDĐH.

GS Lê Vinh Danh cũng nhấn mạnh: Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự phải được khẳng định là một trong những quyền cơ bản nhất của cơ sở GDĐH tự chủ. Khoản 1 Điều 16 Luật số 34 về vai trò, thẩm quyền của hội đồng trường quy định: “Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

 Trên thực tế, có vị trí nhân sự trước đây thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý, nhưng hiện đã được Bộ Nội vụ phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoàn toàn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đơn cử như: Vị trí kế toán trưởng quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 04/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại kế toán trưởng: “Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại kế toán trưởng.  

GS Lê Vinh Danh

Khi hội đồng trường là tổ chức quản trị, việc quyết định các vấn đề tổ chức bộ máy phải do hội đồng trường. Đã giao quyền cho hội đồng trường quyết định mà phải trình phê duyệt/công nhận, thì cơ chế phê duyệt/công nhận sẽ tước đi quyền hạn của hội đồng trường. Theo Luật số 34, hội đồng trường của trường tự chủ hoàn toàn (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) phải có quyền tự bổ nhiệm hiệu trưởng.

Đây chính là phương thức làm giảm sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các cơ sở GDĐH tự chủ, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản. Việc hội đồng trường của trường tự chủ có toàn quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cấp cao; cũng như được toàn quyền quyết định về cơ cấu tổ chức, nhân sự và các nội dung liên quan theo Luật số 34, chính là một trong các nhân tố khuyến khích, thúc đẩy các trường chưa tự chủ mạnh dạn thực hiện tự chủ.

Như vậy, trong thực tế, các quy định tự chủ về tổ chức, nhân sự đã được triển khai, nhưng hiện đang rải rác tại nhiều văn bản, không thống nhất, đồng bộ” - GS Lê Vinh Danh nêu quan điểm.

Khi sửa các nghị định hướng dẫn Luật số 34, Nghị định về tự chủ ĐH, Luật Viên chức, các nghị định và thông tư liên quan, cần quy định thống nhất nội dung giao tự chủ toàn diện về tổ chức bộ máy và nhân sự cho cơ sở GDĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để các cơ sở này không bị ràng buộc bởi cụm từ: “Theo quy định của pháp luật” như các văn bản pháp quy trước đây.
GS Lê Vinh Danh

Hiếu Nguyễn