Tin tức

NÂNG CAO GIÁ TRỊ DÂN CA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LỤC NGẠN, TỈNH BẮC GIANG

24 Tháng Tư 2020

Lê Xuân Thắng [*]

Như chúng ta đã biết, âm nhạc nói chung và dân ca của bất kỳ dân tộc nào cũng đều bắt nguồn từ lao động, sản xuất, từ thực tế cuộc sống của người lao động; những làn điệu dân ca các dân tộc được sinh ra từ núi rừng, từ ngọn cỏ, gốc cây, từ cuộc sống của tình yêu lứa đôi: “Gió ơi! ai xui gió lùa qua núi cao/ cho cây rừng phải xôn xao. Suối ơi! Ai đưa nước về khe suối/ cho nhịp guồng quay không nguôi”…

Guồng quay thời buổi kinh tế thị trường đã làm phai nhạt các lối hát, các phiên chợ vùng cao và lời hát thưa dần, nay chỉ còn trong lớp người trung tuổi trở đi.…Bẵng đi một thời do nhiều nguyên nhân…nay được phục dựng trở lại, được Đảng quan tâm, có nghị quyết soi đường, chỉ lối, các dân tộc đã dần ý thức được vai trò quan trọng về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một vấn đề thiết yếu, tồn tại hay không tồn tại của dân tộc mình, họ đã nhận thức được: mất bản sắc văn hoá là mất tất cả, và họ sẽ cùng chung tay chăm lo, bảo tồn.

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40 km về phía Đông Bắc. Diện tích tự nhiên rộng trên 103.000ha, không chỉ là vùng cây ăn quả nổi tiếng, Lục Ngạn còn là vùng đất “Địa linh- Nhân kiệt”; “Văn hiến và cách mạng”, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Dân số hơn 22,5 vạn người, dân tộc thiểu số chiếm 49% (gồm 8 dân tộc anh em: Kinh, Nùng, Tày, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Hoa và Dao) được phân bố khá đều ở 28 xã và một thị trấn. Lục Ngạn không chỉ có tiềm năng kinh tế phát triển mà còn có bề dầy về phát huy giá trị truyền thống văn hoá các dân tộc trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn. Năm 1996, từ trước khi có Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ V (khóa 8 - ngày 16/6/1998), Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã có chủ trương khôi phục hội hát truyền thống tại chợ Chũ, trung tâm huyện vào ngày 18 tháng 2 âm lịch hàng năm và các ngày chợ phiên vùng cao của huyện (chợ Thác Lười - Tân Sơn hiện nay). Chợ ở Lục Ngạn có một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc (tương tự như chợ Tình Sa Pa) của trai gái các dân tộc. Đến chợ, họ không chỉ mua bán, trao đổi các loại hàng hóa nông, lâm, thủy, thổ sản, mà chính là nơi gặp mặt, tìm nhau qua câu hát giao duyên bằng các làn điệu dân ca của mình.

Sau hai năm 1996, 1997, Ngành Văn hóa tham mưu giúp UBND huyện tổ chức Hội hát cấp huyện (tại khu du lịch sinh thái Hồ Khuôn Thần, thuộc xã Kiên lao) được công chúng hưởng ứng tham gia tích cực. Năm 1998, Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang ( nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich tỉnh) phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức “Hội hát dân ca các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất” tại trung tâm huyện Lục Ngạn. Hội hát dân ca các dân tộc được tổ chức thường niên đã tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống cho bà con vùng Lục Ngạn vào dịp mùa xuân. Năm 2002, huyện Lục Ngạn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) có quyết định số 752 QĐ-BVHTT ngày 3/4/2002 cho Lục Ngạn thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa huyện miền núi Lục Ngạn giai đoạn 2001-2010”. Từ Hội hát dân ca các dân tộc trong huyện đã được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn cho đến nay là một trong 4 hội lớn được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận.

Không giống như lễ hội khác vào dịp xuân trên nhiều vùng miền. Ngày hội hát của các dân tộc vùng Lục Ngạn không có yếu tố tâm linh mà hướng tới bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống qua các lối hát dân ca các dân tộc Lục Ngạn, cùng với hát quan họ, hát chèo. Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn được tổ chức rất phong phú, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự với các hoạt động như: hát đối đáp, hát quan họ trên thuyền, tấu nhạc cụ dân tộc, các điệu dân vũ, trình diễn và thi người mặc trang phục dân tộc đẹp, thi văn hóa ẩm thực, trưng bày các sản phẩm ẩm thực, các món ăn truyền thống. Bên cạnh nét văn hóa đặc trưng đó, các hoạt động thi cắm trại, thi các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập niêu, ném còn…cùng với các môn thi đấu bóng chuyền hơi người cao tuổi, cầu lông, bóng bàn…

        Để bảo tồn bền vững và phát triển rộng khắp các điệu hát dân ca, UBND huyện đã đầu tư kinh phí tổ chức sưu tầm, viết thành sách các bài dân ca dân tộc thiểu số như Sán Chí, Sán Dìu…cùng đó là các lớp truyền dạy chữ nôm, hát dân ca dân tộc, khuyến khích thành lập các CLB hát dân ca. Đến nay toàn huyện đã có 32 CLB hát dân ca các dân tộc, chủ yếu do lớp người cao tuổi xây dựng và duy trì. Mỗi CLB được huyện đầu tư kinh phí may sắm trang phục dân tộc và nhạc cụ truyền thống. Hát dân ca các dân tộc là một trong những tiêu chí sinh hoạt văn hóa văn nghệ  trong các Ngày hội văn hóa, các Lễ hội đền, chùa, các kỳ Liên hoan, Hội diễn NTQC trên địa bàn huyện. Năm 2012, dân ca Sán Chí và dân ca Cao Lan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia”. Nhiều nghệ nhân các dân tộc được nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Có thể nói, hát dân ca các dân tộc đã góp phần nâng cao giá trị các hoạt động văn hoá trong xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào thiểu số trong huyện, là một mô hình hay để nhiều nơi học tập và làm theo.

Tuy nhiên, do cách thức tổ chức các hoạt động hát dân ca các dân tộc chưa phong phú nên chỉ được thời gian đầu, sau đó thiếu những nhân tố mới, thiếu bài hát mới, hình thức không đổi mới nên chưa thu hút hấp dẫn được giới trẻ tham gia bảo tồn. Mặt khác, trong đời sống mới có nhiều loại hình âm nhạc thời đại hấp dẫn giới trẻ nên đã hạn chế thu hút lớp trẻ ham học và có ý thức giữ gìn vốn cổ truyền.

Từ thực tế trên, vấn đề đặt ra ở đây, đó là việc bảo tồn, các giá trị văn hóa đã khó, vậy làm thế nào để nâng tầm giá trị và phát huy là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay cụ thể, đó là:

        Thứ Nhất: Về mặt nhà nước, cần có đề án, kèm chế tài cho việc bảo tồn, phát huy rồi mới có thể nâng cấp (không chỉ xã hội hóa toàn bộ).

         Về quan điểm, đã là bảo tồn hát dân ca việc làm trước tiên phải duy trì thường xuyên, phải làm đi, làm lại, ở các Câu lạc bộ cơ sở thôn bản để trở thành nếp quen thuộc. Đã đến lúc chúng ta phải xem lại, giờ đây không nên sân khấu hoá hội hát, hát trên sân khấu chỉ tổ chức để biểu diễn, để thi hát 3 năm, hoặc 5 năm một lần hoặc để liên hoan, giao lưu, nơi thi trình diễn đánh giá kết quả mà thôi. Về tổ chức, cấp huyện nên thành lập Hội Văn hóa các dân tộc, các xã là các CLB. Cần có hội nghị hoặc hội thảo để sơ, tổng kết định kỳ, rút kinh nghiệm để nâng tầm, nâng bước đi cho chặng tiếp theo,

          Thứ hai: Chú trọng không gian văn hóa cho hát dân ca, kể cả quan họ, chèo… hát đối đáp, giao lưu phải từ mái đình, luỹ tre, bến nước, trang phục đâu chỉ có người đi hát, đâu chỉ cho người lớn, mà có cả lớp trẻ cũng được mặc và tham gia hát hội, thế mới có tính kế thừa từ thực tế, truyền dậy và tự học (vì dạy hát dân ca là lối truyền khẩu). Ngoài ra có thể nghiên cứu truyền dạy hát dân ca, hát then, đàn tính trong các giờ ngoại khóa của các nhà trường cho phù hợp (nhất là các trường dân tộc nội trú). Tổ chức các cuộc thi sưu tầm, tìm hiểu về dân ca…Đối với ngành quản lý văn hóa lại một lần nữa phải xem xét, nghiên cứu tìm cách tổ chức thêm, tổ chức lại cách mở hội cho sát hợp để trả lại khung cảnh hội hát trở về với tự nhiên như vốn có.

          Thứ ba: Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức, nâng cao giá trị không gian Hội hát dân ca các dân tộc trong không gian văn hóa này, người hát được tự do giao lưu, có thêm phần âm nhạc, dân vũ trong thi hát dân ca… tạo thành địa chỉ văn hoá để thu hút khách du lịch đến tham dự, tạo điểm nhấn giới thiệu những sản phẩm ẩm thực, nông sản đặc trưng của Lục Ngạn, các tour du lịch cộng đồng để hát dân ca được lưu truyền, trở thành sản phẩm du lịch. Có các điểm cho thuê quần áo dân tộc để phục trang chụp ảnh… Những hoạt động tại nơi này được đảm bảo an ninh trật tự, tạo nên sự hấp dẫn về dịch vụ du lịch.

        Để bảo tồn, phát huy thế mạnh và tiềm năng văn hoá các dân tộc Lục Ngạn nhằm nâng cao giá trị của dân ca các dân tộc thiểu số nói chung và Lục Ngạn nói riêng, đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn ngoài sự nỗ lực của chính mình cũng rất mong có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng về việc bảo tồn các di sản văn hoá này. Đồng thời, đề nghị Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xem xét để xếp hạng “Ngày Hội Văn hoá-Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn” trở thành “Ngày di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc Gia” hoặc trở thành “Ngày Văn hóa - Thể thao các dân tộc Lục Ngạn” trong tương lai.

          Lục Ngạn, miền trái ngọt, miền của di sản văn hoá. Cùng với các giải pháp về bảo tồn và phát huy nâng cao giá trị dân ca các dân tộc thiểu số để góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đồng thời góp phần vào phát triển du lịch cho địa phương. Từ yếu tố tinh thần, kết hợp với đầu tư phù hợp, văn hóa văn nghệ được đáp ứng đúng lúc, đúng chỗ, đúng mong ước của đồng bào dân tộc tạo nên tâm thái thoải mái, phấn khởi, tự hào góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất”.                                                     

                                         TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Ngạn (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010-2015.

2. Dân ca Sán Chí ở Kiên Lao, Lục Ngạn, Bắc Giang (2003) Nguyễn Xuân Cần, Trần Văn Lạng, Nguyễn Thu Minh, Nxb Thống kê, Hà Nội

3. Truyền thống văn hoá- thông tin huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (2007),

Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lục Ngạn.

            4. UBND huyện Lục Ngạn (2001), Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 16/01/  2011 về việc xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi Lục Ngạn giai đoạn 2001-2012.

5. Văn hoá phi vật thể huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (2007) / Ngô Văn

    Trụ, Trần Văn Lạng, Nguyễn Thu Minh, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội.

 

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K8 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa