Tin tức

Xây dựng mô hình học tập như một “chiến lược phát triển bền vững”

01 Tháng Mười Hai 2020

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đến dự.

GS.TS Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học cho biết, sau 5 năm thực hiện đại trà Quyết định 281/QĐ-TTg, chỉ tiêu phấn đấu về các mô hình học tập của các địa phương đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Thông qua Đề án 281, công tác khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa đến từng người dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, đơn vị...

Người dân đã thấy được lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của học tập suốt đời. Khi mọi người dân cùng chăm lo cho việc học thì sẽ giảm đáng kể các tệ nạn xã hội như: Ma túy, mại dâm, trộm cắp… Do đó, cần coi việc xây dựng các mô hình học tập như một “chiến lược phát triển bền vững” góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự an toàn khu dân cư.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, qua tổng kết Đề án 281 đã phần nào nói lên tâm huyết của các cấp hội khuyến học Việt Nam trong công tác khuyến học, khuyến tài. Bộ GD&ĐT luôn trân trọng kết quả đã đạt được của Hội Khuyến học Việt Nam, đặc biệt là những tấm gương tâm huyết về công tác này.

Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng các cấp hội khuyến học Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo có ý nghĩa trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ luôn lắng nghe và mong muốn ngày càng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài đối với sự nghiệp GD-ĐT. Đồng thời sẵn sàng tiếp tục phối hợp với Trung ương Hội khuyến học để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài có chất lượng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, xây dựng và triển khai mô hình “công dân học tập” trong các trường đại học đang được Bộ triển khai tích cực. Đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên có tính liên thông, mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Ngành Giáo dục đang tiên phong xây dựng chuyển đổi số; đặc biệt trong dịch Covid-19 vừa qua, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện tốt việc dạy học trực tuyến.

Trao đổi về xây dựng tài nguyên mở, Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ tích cực tham gia nội dung này. Việc tổ chức học tập thường xuyên của các loại hình cán bộ, công chức, viên chức không chỉ nhằm mục đích lấy chứng chỉ mà điều quan trọng là nâng cao kiến thức và trình độ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Hội Khuyến học Việt Nam trong thực hiện Đề án 281. Nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Phó Thủ tướng nhận định: Giáo dục có được ngày hôm nay có sự đóng góp tích cực của hệ thống khuyến học cả nước và sự đồng tình của nhân dân trong việc hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình học tập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị, địa phương thống nhất nhận thức về việc triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình học tập; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Giai đoạn 2021 - 2025, cùng với việc tiếp tục triển khai phong trào học tập suốt đời, Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng Đề án mô hình công dân học tập và xã hội học tập.

Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì (gọi tắt là Đề án 281).

Đề án của Chính phủ có mục tiêu chung là triển khai đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình: Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.