Tin tức

Nữ nhạc sỹ trẻ Trang Anh - Người đưa dân ca Tày vào âm nhạc hiện đại

20 Tháng Sáu 2021

Trang Anh (sinh năm 1994) là hội viên trẻ nhất và là một trong những nữ nhạc sĩ trẻ nhất được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam liên tiếp trong 3 năm (2018-2020). Điều đặc biệt hơn, Trang Anh là cô gái dân tộc Tày hiếm hoi có được vinh dự đó.

Nhạc sĩ trẻ Trang Anh

Tâm hồn say điệu dân ca

Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Cao Bằng - cái nôi văn hóa của người Tày, từ nhỏ, được ông bà ru bằng những điệu then mượt mà và tình yêu âm nhạc trong tâm hồn Trang Anh cũng lớn dần theo năm tháng.

Trang Anh cho biết, ông, bà cô là những nghệ nhân hát then, còn cha cô là nhạc sĩ gạo cội của tỉnh Cao Bằng. Được thừa hưởng nguồn gen nghệ thuật, lại sống trong không gian của những làn điệu dân ca, từ nhỏ, thay vì đi chơi như những bạn gái cùng trang lứa, cô đã mê mẩn bên cây đàn tính từ lúc nào không hay.

Trang Anh tâm sự: "Những làn điệu dân ca, dân nhạc như: Lượn Cọi, Lượn Slương, Lượn Nàng ới... cùng vẻ đẹp của non nước Cao Bằng đã thấm vào tâm hồn tôi, làm nảy nở tình yêu với âm nhạc".

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Trang Anh thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Sau 4 năm theo học tại đây, cô tiếp tục học lên cao học, chuyên ngành Lý luận âm nhạc. Trang Anh cũng là một trong những thạc sĩ người Tày trẻ nhất toàn quốc.

Trong quá trình theo học, Trang Anh vừa trang bị cho mình những kiến thức vững chắc, vừa sáng tác các ca khúc. Do đã được thấm những làn điệu dân ca từ nhỏ, những sáng tác của cô mang đậm chất dân gian pha lẫn nét trữ tình hiện đại. Cô tạo ra cho mình một phong cách âm nhạc riêng, lắng nghe những ca khúc cô sáng tác, chúng ta cảm nhận được những tâm tư, tình cảm của một thiếu nữ Tày đang tuổi xuân tràn đầy sức sống.

Những trái ngọt đầu tiên...

Sau nhiều năm tháng miệt mài sáng tác, các ca khúc của Trang Anh dần xuất hiện trên các báo, tạp chí... được phát trên Đài Phát thanh-Truyền hình Cao Bằng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam...

Năm 2017, Trang Anh được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam, trở thành hội viên trẻ tuổi nhất. Nữ nhạc sĩ sinh năm 1994 chia sẻ: "Tôi rất vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người nhạc sĩ Việt Nam”.

Liên tiếp trong 3 năm (2018 - 2020), Trang Anh được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải thưởng với các ca khúc: Anh nhìn về nơi đâu (thơ Minh Nghĩa); Khắc mùa riêng cho em (thơ Hà Vinh Tâm); Mơ Thấy Mẹ (thơ Minh Nghĩa).

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng cho nhạc sĩ trẻ Trang Anh.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng cho nhạc sĩ trẻ Trang Anh.

Trang Anh cho biết, trong những ca khúc trên thì Mơ thấy Mẹ” (thơ Minh Nghĩa), là ca khúc cô tâm đắc nhất. Ngay khi đọc bài thơ trên, những nốt nhạc đã nhảy múa trong đầu cô, sự đồng cảm về hình ảnh người mẹ khiến cô tuôn trào cảm xúc. Bài hát là lời tự sự của người con với người mẹ đã khuất. Những ký ức tuổi thơ ngày còn có mẹ, những điều chưa từng nói, những nỗi buồn đau cùng nhau cộng hưởng trong giai điệu du dương trầm buồn đầy cảm xúc. Ca khúc sau khi ra mắt đã được trao giải C- Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020.

Ngoài những bài hát được đăng tải trên báo chí, trên sóng phát thanh, truyền hình... Trang Anh cũng đã có cho mình riêng một tập ca khúc mang tựa đề “Xuân rừng” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành.

Trang Anh tâm sự: “Nghề sản xuất âm nhạc cũng khá vất vả, tốn kém, chi phí sản xuất cho 1 ca khúc, từ phối khí, thuê ca sĩ, thuê phòng thu rồi thuê Êkip quay Video....khi hoàn thành, có thể lên đến vài chục triệu đồng”.

Những sáng tác của cô đều mang âm hưởng của dân ca Tày - Cao Bằng, cô quan niệm rằng: “Nhạc đương đại kết hợp với những làn điệu dân ca rất dễ nghe, dễ nhớ nhưng vẫn đào sâu đến tận cùng những vỉa tầng văn hoá dân tộc”.

Hiện nay, Trang Anh đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ngoài theo đuổi công việc sáng tác, cô còn mở lớp dạy nhạc cho các bạn trẻ Thủ đô có cùng đam mê.

Ngô Bá Hòa

Nguồn https://baodantoc.vn/nu-nhac-sy-tre-trang-anh-nguoi-dua-dan-ca-tay-vao-am-nhac-hien-dai-1623900678768.htm