Tin tức

Giáo dục với những quyết sách linh hoạt, phù hợp thời cuộc

22 Tháng Sáu 2021

 

Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Tổ chức 2 đợt

Ngày 17/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký văn bản số 2515 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, ngoài kỳ thi diễn ra vào các ngày 7/7 và 8/7 như kế hoạch ban đầu, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đợt thi thứ 2 cho đối tượng thí sinh không thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể: Đợt thi 1 (ngày 7/7 và 8/7) dành cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2. Các địa phương cần quán triệt thí sinh và các cán bộ tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đi đến những nơi không thật cần thiết.

Đợt 2 dành riêng cho đối tượng thí sinh không thể dự thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chưa xác định thời gian cụ thể. Các sở, ngành liên quan của địa phương cập nhật tình hình, danh sách thí sinh không thể tham gia thi đợt 1, gửi báo cáo số lượng thí sinh sẽ thi đợt 2 về Bộ GD&ĐT trước ngày 5/7/2021.

Trên cơ sở đề nghị (nếu có) của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định thời gian tổ chức thi đợt 2 và ban hành hướng dẫn về đợt thi này.

Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ưu tiên xét nghiệm, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người tham gia tổ chức thi; bố trí điểm thi dự phòng và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để sử dụng khi cần thiết.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết thêm: Thời gian thi đợt 2 cụ thể ra sao, Bộ sẽ cùng với các địa phương tính toán một cách kỹ lưỡng để vừa bảo đảm phòng chống dịch; vừa phù hợp với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022.

Về đề thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ xây dựng đề thi giữa các đợt thi tương đồng về độ khó để đảm bảo sự công bằng với các thí sinh dự thi các đợt thi khác nhau.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)

Tạm dừng đánh giá GV theo Chuẩn năm học 2020-2021

Bộ GD&ĐT mới đây đã ban hành Công văn số 2440/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm 2020-2021.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng văn bản tạm ngừng hiệu lực của các văn bản quy định về đạt chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, cán bộ quản lý trong Chuẩn nghề nghiệp, Chuẩn hiệu trưởng ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Do đó, trong năm 2020-2021, nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo Chuẩn cho tới khi quy định mới được ban hành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị.

Đẩy mạnh phát triển xã hội học tập

Ngày 18/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế của việc triển khai Đề án; trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu, giải pháp cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Với các giải pháp tổng thể và chi tiết, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng.

Điều này góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã được nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020”. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị thể hiện thống nhất cao với báo cáo tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

Trong đó, thống nhất với những kết quả đạt được trong 8 năm qua triển khai thực hiện Đề án; đồng tình với những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; thống nhất với nhiệm vụ và giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 mà Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành, các địa phương đã đề xuất. Các phát biểu cũng đưa nhận định sâu sắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Đề án; những giải pháp phù hợp, hiệu quả cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia…Khả năng tự học; tự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân là năng lực, kỹ năng “gốc” để trang bị mọi kỹ năng khác. Nếu con người không có năng lực học tập, năng lực tự học thì sẽ thiếu đi yếu tố có tính nền tảng của mọi năng lực, kỹ năng khác. Một dân tộc thiếu đi những con người biết học tập, dân tộc đó thiếu năng lực để giải quyết các vấn đề của mình. Một xã hội học tập tốt cũng được xem là một nguồn lực của quốc gia; nên phát triển xã hội học tập là phát triển cho một nguồn lực đặc biệt của quốc gia”