Nghiên cứu lý luận

Ứng dụng phần mềm Power point vào dạy học phần chất liệu khắc gỗ cho sinh viên nghành SPMTTrường ĐHSPNTTW

18 Tháng Mười 2021

 ThS. Nguyễn Quang Huy

Giảng viên Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

Hiện nay, bài giảng với giáo án điện tử, sử dụng phần mềm PowerPoint đang trở thành một phong trào sôi nổi ở các trường học các cấp, đây là loại giáo án được biên soạn trực tiếp trên máy tính bằng một phần mềm chuyên dụng, giúp giáo viên đơn giản hóa việc lập giáo trình, chỉnh sửa. Có các tính năng hiện đại để dễ dàng tạo dựng và thay đổi nội dung một cách nhanh chóng và thuận tiện. Là một công cụ trợ giúp để tạo và trình diễn các bài giảng, các bài thuyết trình một cách hiệu quả. 

PowerPoint cho phép kiến tạo các bài giảng đa phương tiện bằng cách hỗ trợ văn bản, hình vẽ hình ảnh động và tĩnh. Đáp ứng mong muốn của giáo viên tổ chức hoạt động học tập tích cực bằng cách liên kết hình ảnh với lời nói một cách tự nhiên, bằng cách vận dụng hình ảnh và ngôn từ cô đọng trên các slide. Power Point  khơi gợi, kích thích sự liên tưởng và tưởng tượng của học sinh. Sự vận động tích cực trong tư duy này có thể tạo ra nhiều cách thức suy nghĩ đa dạng hơn trong hoạt động học tập. PowerPoint cho phép tạo dựng những lát cắt (Slide) thể hiện những chủ điểm, thông điệp đi kèm với những hiệu ứng tương tác. Với Powerpoint, các tư liệu xuất hiện trong bài giảng thật nhẹ nhàng, tự nhiên như một cách trang trí cho màn hình trình diễn. Kết quả đạt được là làm cho tiết học thêm hấp dẫn và giúp cho sinh viên sẽ dễ dàng nhận thức được điều giáo viên đang nói và muốn nói.

Đã có không ít các tài liệu, công trình nghiên cứu về các phương pháp giảng dạy giúp người học có thể phát huy tính chủ động, tích cực trong quá trình học tập. Phương pháp học dựa trên vấn đề (Problem based learning), phương pháp động não (Brainstorming), phương pháp hoạt động nhóm (Group based Learning), phương pháp sắm vai (Role playing) … Có thể gọi chung là cách giảng dạy chủ động. “Phương pháp giảng dạy chủ động (Active Teaching) là một thuật ngữ rút gọn, để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học” . Các phương pháp này đã và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và đã thu được nhiều kết quả tích cực so với phương pháp học thụ động – truyền thống, với cách thầy giảng - trò nghe.

Phương pháp Động não (Brainstorming) được hiểu là: cách thức vận dụng kinh nghiệm và sáng kiến của mỗi người trong một thời gian nhất định, tùy vấn đề đưa ra để có được tối đa những dữ kiện tốt nhất cho các sinh viên cùng đọc tài liệu hoặc suy nghĩ về một chủ đề, sau đó các sinh viên có thể trao đổi với nhau về cảm nhận và đưa ra ý kiến kinh nghiệm cá nhân rồi chia sẻ với cả lớp. Người thầy hiện nay không còn chỉ là người dạy cái gì? Mà phải là người dạy như thế nào ? Làm thế nào, cách nào để người học của mình có thể tự khám phá, lĩnh hội tri thức. Điều này đòi hỏi người dạy phải luôn đồng hành cũng người học, hướng dẫn, góp ý, phân tích, động viên trong suốt quá trình học tập của người học.

Phương pháp dạy học trực quan được thể hiện dưới các hình thức như

 trình bày các minh họa thực tế, khi  trình chiếu phim ảnh trên màn  hình nhằm đem lại cái nhìn rõ nét, sinh động, hấp dẫn sự quan sát của người học, kích thích trí tượng tượng đạt được hiệu quả khi tiếp thu bài học. Đó chính là cơ sở cho quá trình nhận thức và lĩnh hội bài giảng tốt hơn, được lựa chọn cẩn thận để phù hợp trong môi trường sư phạm.

Ở Việt Nam nghệ thuật đồ họa, khắc gỗ xuất hiện từ rất sớm. Cách chúng ta hàng ngàn năm đã tìm thấy những hình chạm khắc xuất hiện nhiều nơi trên gỗ, đá… trải qua thời gian, loại hình văn hóa dân gian đó  đã đi vào đời sống được nhân dân yêu thích bảo tồn và phát triển trở thành thú chơi tranh mang đậm bản sắc dân tộc.

 Qua nghiên cứu nội dung và cách thức thể hiện, các nhà nghiên cứu mỹ thuật nước ta đã phân chia các loại tranh khắc gỗ như sau: Tranh dân gian bao gồm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Làng Sình Huế, tranh kim Hoàng - Hà Tây và tranh thờ Miền Núi. Tranh khắc gỗ hiện đại bao gồm: tranh khắc gỗ đen trắng và tranh khắc gỗ màu.

Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một dòng tranh dân gian  Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).  Tranh Đông Hồ rất gần quen thuộc với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc đến hầu như ai cũng đều biết. Tranh Đông Hồ rất gần gũi vì hình ảnh của nó đã đi vào thơvăn trong chương trình giáo dục phổ thông. Tranh Đông Hồ đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đang được tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể

Ứng dụng phần mềm Power Point vào giảng dạy với phương pháp nghiên cứu tư liệu, thu thập thông tin, tiếp cận có hệ thống, cùng cách thức so sánh, tư duy logic. Nghiên cứu đánh gíá những dòng tranh, đồng thời chỉ ra được những yếu tố đặc sắc trong tranh Khắc gỗ dân gian cung cấp cho người học kiến thức và kinh nghiệm để tiếp cận với nghệ thuật khắc gỗ Việt Nam cũng như trên thế giới. Những lát cắt (Slide) thể hiện minh họa bằng hình ảnh được lưa chọn  mang tính chất điển hình, những chủ điểm, thông điệp ngắn gọn súc tích, đi kèm với những hiệu ứng tác động nhanh hiệu quả tới tâm lý thị giác của người học làm cho bài giảng trở nên sống động, dễ hiểu, dê tiếp thu một cách có hệ thống hơn. Sự kết hợp giữa phần chữ và hình ảnh cùng với sự dẫn dắt, gợi mở của giảng viên tạo nên một sự kết nối đa dạng nhiều chiều trong suốt quá trình diễn ra hoạt động dạy và học.

Từ lâu nghệ thuật tạo hình đã sử dụng không gian và nét, một hiện tượng không có trong tự nhiên, làm ngôn ngữ biểu hiện để diễn đạt tình cảm của con người và của thiên nhiên, từ chỗ mô phỏng rồi mô tả sự vật mang đến sức biểu cảm của hình tượng, sáng tạo ra hình tượng và tạo nên giá trị thẩm mỹ. Bằng ngôn ngữ những đặc trưng về đường nét và hình mảng, tranh khắc gỗ đem lại hiệu quả độc đáo và chiều sâu cho tác phẩm . Tranh khắc gỗ cho ta hiểu biết hơn về nguồn gốc, tính dân tộc cũng như tri thức, kỹ năng kỹ xảo tài tình của cha ông. Cách nhìn đơn giản hóa về hình, mảng và cách diễn đạt “ Nét” của nghệ nhân dân gian xưa và các thế hệ họa sỹ Việt Nam hiện đại trong nghệ thuật khắc gỗ là sự  kế thừa và phát triển hòa cùng dòng chảy mỹ thuật`Việt Nam.

Trong các học phần môn Bố cục, chất liệu khắc gỗ là học phần có tính kế thừa và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Là học phần quan trọng, không thể thiếu của chương trình đào tạo Sư Phạm Mỹ thuật.  Khắc gỗ là chất liệu độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tranh khắc gỗ gợi hình ảnh gần gũi,giản dị mộc mạc ,chân phương, mà rât tinh tế, sâu lắng phù hợp với cách suy nghĩ, cảm thụ và điều kiện môi trường sống của người Việt Nam. Môn học này giúp người học nắm vững kiến thức và kỹ năng cơ bản của Tranh khắc gỗ. Nhằm học tập và phát huy chất liệu mỹ thuật truyền thống mang đầy bản sắc, môn Bố cục chất liêu khắc gỗ đã được đưa vào giảng dạy, là môn học cơ bản trong chương trình đào tạo cử nhân Mỹ thuật ở Việt Nam.. Kể từ khi ra đời, phát triển và đang ngày càng có vai trò đặc biệt trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Một tiết giảng thành công không chỉ căn cứ vào hoạt động của thầy và trò diễn ra như thế nào, sử dụng phương pháp và phương tiện gì mà điều cốt yếu là tiết giảng đó có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Mục tiêu của giáo án bài dạy là chú trọng đến  những gì sinh viên phải hiểu rõ, phải nắm vững, phải làm được sau bài học. Mục tiêu bài giảng cần được đề cập dưới góc độ người học để nhấn mạnh kết quả cuối cùng của bài dạy là ở phía các sinh viên chứ không phải ở phía giảng viên.

Nội dung bài giảng thể hiện ở việc sử dụng thông tin, vận dụng các phương pháp, khái niệm và lý thuyết đã học trong những tình huống khác nhau, giải quyết vấn đề bằng những kỹ năng hoặc kiến thức có thể vận dụng được, giải thích được, hiểu được yêu cầu của bài tập và biết cách thực hành theo hướng dẫn... Nội dung bài học cũng thể hiện ở việc phân tích để nhận ra những hình ảnh minh họa có các xu hướng, cấu trúc của vấn đề , những gợi mở, các mối liên hệ cấu thành, thể hiện ở việc sử dụng những gì đã học để tạo ra những điều mới mẻ, khái quát hóa từ kiến thức chung đã biết, liên hệ những điều đã học từ nhiều lĩnh vực khác nhau, định hướng, rút ra các kết luận trên cơ sở lập luận khoa học.

Trong giảng dạy, PowerPoint là phần mềm đơn giản và thông dụng nhất trong việc soạn thảo các giáo án điện tử. Microsoft PowerPoint được xem là công cụ hỗ trợ thuyết trình nhiều tính năng nhất hiện nay. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của người học tăng lên khi được học tập chủ động với những phương pháp giảng dạy hiện đại, linh hoạt kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới phương pháp dạy và học là yêu cầu khách quan và cấp thiết  trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Đặc biệt, trong các trường đại học đào tạo theo hình thức tín chỉ. Giờ đây người học không còn là người “được dạy” kiến thức, mà phải trở thành người khám phá tri thức. Để đạt được mục tiêu: “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của người học” thì việc tự học của người học có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để người học có thể phát huy được năng lực tự học, sự chủ động, sáng tạo của mình không phải là việc làm đơn giản, đặc biệt với đối tượng người học chưa được làm quen, cũng như chưa thích nghi kịp với phương pháp học  mới.  Phương pháp giảng dạy chủ động, hiện đại, được dùng để phân biệt với phương pháp dạy học bị động, truyền thống. Nếu như ở phương pháp dạy học truyền thống người thầy là trung tâm của quá trình dạy học thì người học lại là trung tâm của quá trình này ở phương pháp giảng dạy hiện đại

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của việc sử dụng giáo án điện tử (giáo án PowerPoint) trong dạy học, trong những năm gần đây Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư trang bị đầy đủ máy chiếu Projecter tại các phòng học để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường. Với việc đổi mới phương pháp trong quá trình dạy học , chúng ta không chỉ quan tâm đến vấn đề dạy cái gì, mà cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề dạy như thế nào, nhất là học bằng cách nào để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: "Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học... Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và kỹ năng nghề ...". Như vậy, việc nghiên cứu và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin có tầm quan trọng đặc biệt, như nhiều nhà giáo dục đã khẳng định nhiều khi phương pháp quan trọng hơn cả phát minh.  

 

                                                   TÀI  LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Nghĩa Duyện, Giáo trình đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội(1991), .

2. Phan Cẩm Thượng, Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội(2000), .

3. Vương Hoàng Lực, Nguyên lý hội họa đen trắng, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. (2007

4. Chu Quang Trứ, Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam, Viện Nghệ thuật, Hà Nội(1975), 

5. Phạm Văn Đôn ,Tranh khắc gỗ Việt Nam. tính dân tộc của nghệ thuật tạo hình, Nxb Văn hóa, Hà Nội. (1973)

6. Nguyễn Thành Việt Năm, Đổi mới cách sử dụng phương pháp trực quan trong dạy học các môn trang trí, bố cục của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW 2009

7. Nguyễn Quang Hải Ứng dụng phần mềm tin học dạy– học tích cực môn hình họa và ký   họa ngành Sư phạm Mỹ thuật. (2010)