Nghiên cứu lý luận

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN ĐỒ GỐM SỨ BÁT TRÀNG VẬN DỤNG VÀO DẠY HỌC MĨ THUẬT Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

10 Tháng Giêng 2022

Học viên Đỗ Thị Hường

 K18 Lý luận và PPDH Bộ môn Mỹ Thuật

 

 Những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vốn từ lâu đã ẩn chứa tính tạo hình như kiểu dáng, hoa văn, màu men… nó tạo được sự hứng thú, yêu thích cho người xem và mang tính ứng dụng cao. Vẻ đẹp của gốm sứ Bát Tràng đã được khẳng định cùng vẻ đẹp của gốm sứ việt Nam trong dòng chảy lịch sử. Đến nay gốm Bát Tràng không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn được nhiều du khách nước ngoài tin dùng. Bài viết nhấn mạnh những giá trị của làng nghề cũng như các sản phẩm gốm đã tạo ra những sản phẩm vừa có mục đích sử dụng vừa có tính thẩm mĩ cao, nhiều sản phẩm được dùng để trưng bày tại các bảo tàng và các triển lãm lớn.

  1. Giới thiệu về làng gốm Bát Tràng

Làng gốm nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trong số các làng nghề truyền thống đặc sắc như làng lụa Vạn Phúc, làng hoa Tây Tựu, làng nón Chuông, Thanh Oai, làng rối nước Đào Thục, làng đúc đồng Ngũ Xã hay làng quạt Chàng Sơn… đứng đầu danh sách này là làng gốm Bát Tràng. Sản phẩm gốm Bát Tràng được yêu thích trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí đã xuất hiện trên thị trường nhiều nước trên thế giới. Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi làm nên một thương hiệu sản phẩm mang tính quốc gia, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của thủ đô mà còn là một trong những địa điểm du lịch ở Hà Nội được nhiều người yêu thích. 

Với bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa, các sản phẩm gốm sứ độc đáo ra đời mang trên mình những nét tinh túy riêng của một làng nghề truyền thống. Gốm sứ Bát Tràng mang đậm yếu tố tạo hình rất phù hợp vận dụng vào giảng dạy môn Mĩ thuật ở trường phổ thông.

Những hoa văn vốn cổ của dân tộc được tái hiện dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Hoa sen, hoa cúc… hiện lên trên các tác phẩm gốm sứ vô cùng mềm mại, duyên dáng. Những hình ảnh rồng, phượng uốn lượn bay bổng mà vẫn giữ được sự trang nghiêm khi kết hợp với màu mực và màu men truyền thống.

2.Giá trị nghệ thuật của gốm sứ Bát Tràng

 

Vẻ đẹp qua hình dáng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng

Trong nghệ thuật gốm thì hình dáng sản phẩm hết sức quan trọng, nó là cái cốt lõi của sản phẩm, chưa có nó thì chưa có sản phẩm. Nó là cơ sở để cho các hình thức trang trí hoa văn, các thủ pháp nghệ thuật, sắc độ men hiện lên vẻ đẹp dịu dàng, sâu kín và đặc sắc vô cùng.

Hình dáng của gốm sứ Bát Tràng là sự kết hợp nét và khối trong điêu khắc, khối gợi đường nét, kết hợp nhiều khối tạo ra hình dáng chắc khỏe, hài hòa, cân đối cũng đã cho ta sự rung cảm đến yêu. Đặc biệt đối với tạo hình trên bàn xoay và sự tác động trực tiếp của đôi bàn tay người thợ,  những nghệ sĩ tạo hình điêu luyện, thì từ một cục đất đã trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức sống, chứa đựng bao tâm tư tình cảm của người nghệ nhân.

Trang trí hoa văn trên gốm sứ Bát Tràng là các hoa văn với nội dung gần gũi cuộc sống con người và thiên nhiên, với lối thể hiện chắt lọc tả ý nhiều hơn là sự sao chép. Trang trí theo kiểu tạo các đồ án chạy quanh thân sản phẩm.

Các họa tiết được sắp xếp trên thân gốm không theo luật xa gần, không có trước sau, chỉ sắp xếp theo ý đồ trang trí. “Mảng và đường nét cân đối, mô tip được ước lược đến cao độ, không chấp nhận chi tiết rườm rà, khó lòng mà thêm bớt gì được”.

Các họa tiết trên gốm sứ Bát Tràng thể hiện những chủ đề rất thân thuộc với người dân. Đó chính là hình ảnh của thiên nhiên, con người và các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, nên khi vẽ lên mặt gốm họ không hề sao chép vụng về mà dựa vào trí nhớ, bắt lấy cái thần của sự vật bằng nét điển hình, chọn lọc. Các dạng họa tiết như hoa và động vật chủ yếu nhìn dưới hai góc độ: nghiêng và chính diện từ trên xuống. Các họa tiết hoa lá chim muông được diễn tả một cách chân thật, giản dị và rõ ràng. Có thể dễ nhận thấy từ cách nhìn đó đã hình thành nên các quy tắc đăng đối qua trục, nhắc lại của nghệ thuật trang trí.

Màu sắc và men gốm Bát Tràng phần lớn được làm từ khoáng vật tự nhiên, tạo ra nét riêng biệt. Gốm men ngọc trong, dày, mát, sâu thẳm phủ lên họa tiết chạm khắc chìm, gõ lên sản phẩm tiếng kêu thanh nhẹ tai.

Gốm hoa nâu họa tiết màu nâu đậm trên nền men vàng ngà, còn gốm hoa lam lại có màu men trắng xanh để cho họa tiết lam hòa vào khoe sắc.

Gốm men ngọc là loại gốm nổi tiếng từng được sản xuất ở một số nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên... Ở nước ta, gốm men ngọc xuất hiện từ thời Lý. Tiếp nối truyền thống, gốm men ngọc thời Trần được sản xuất với đặc điểm tạo dáng cân đối, đế dầy, những sắc độ khác nhau như: xanh lá non, ngả màu da trời, màu lá cây úa, hoặc lá cây hơi ngả nâu. Gốm hoa nâu có vẻ đẹp giản dị và rất phong phú về kiểu dáng, chủ yếu phục vụ cho những sinh hoạt đời sống hàng ngày. Gốm hoa lam xuất hiện vào khoảng cuối thời Trần và phát triển rực rỡ ở thời Lê. Gốm hoa lam là loại gốm phủ men trắng đục, vẽ trang trí màu hoa lam. “Cốt đất màu trắng xám, đãi lọc sạch mịn, ngoài cốt phủ men trắng với một kĩ thuật nhúng đều tay, nung ở nhiệt độ cao nên lớp men mỏng, mịn, đều”. Cho đến ngày nay, gốm hoa lam vẫn còn được sản xuất tại Bát Tràng, và nhiều lò thủ công khác.

Ý nghĩa hoa văn trên gốm sứ Bát Tràng

Nhìn chung, hoa văn trên gốm được chia thành các chủ đề: Hoa văn thực vật; hoa văn rồng phượng; hoa văn động vật; hoa văn hình người; hoa văn mây, sóng, nước

*Hoa văn thực vật

Được trang trí chủ yếu trên các sản phẩm gốm tráng men, những đồ gia dụng như bát, đĩa, liễn, lọ, thạp… rồi các sản phẩm xây dựng như gạch, ngói…với họa tiết hoa cúc, hoa sen, hoa chanh, hoa thị. Trong đó họa tiết hoa cúc và hoa sen cách điệu có nhiều mẫu đẹp, độc đáo.

*Hoa văn rồng phượng

 Hoa văn hình rồng, phượng phương Đông vốn là đề tài trang trí quen thuộc tượng trưng cho quyền lực, vua chúa, là biểu tượng của điềm lành và sự phồn thịnh. Chính vì vậy rồng, phượng hay được chạm khắc và trang trí ở những nơi trang trọng.

*Hoa văn động vật

Hoa văn động vật được mô tả rất sinh động với nhiều loài và nhiều động tác khác nhau trên gốm thời Trần. Hoa văn động vật thường được kết hợp với các dạng hoa văn khác như hoa lá hay con người với các hoạt động mang tính hiện thực. Hình vẽ các loài động vật ở đây chủ yếu được vẽ theo bố cục nhìn nghiêng với đầy đủ các đặc điểm giống loài kết hợp với các tư thế phù hợp với nội dung trang trí trên gốm.

Hoa văn hình ngựa: thường vẽ một đàn ngựa đang trong tư thế phi nước đại rất hung dũng.

Hoa văn hình voi: hoa văn diễn tả chú voi với dáng tương đối thực đang đi, có những tấm thảm phủ lên thân voi. Cũng có hìn dạng voi xung trận với những chiến sĩ ở trên mình voi.

Hoa văn hình Hổ: Mặc dù chỉ lướt qua các nét hình rất đơn giản nhưng hình dáng con hổ hiện lên rất động và rất thực, thể hiện được đặc điểm giống nòi của loài mãnh thú.

*Hoa văn hình chim: thể hiện khá nhiều loài chim khác nhau: chào mào, cò, gà, vẹt….Mô tả chú chim đang đi, cúi đầu tìm kiếm thức ăn với đặc điểm hình dáng tương đối thực, hay chú gà chọi kiếm ăn đang ngậm được con mồi.

Chim Hạc: vốn được mệnh danh là loài chim tiên chỉ sau Phượng Hoàng. Hạc được ví là linh vật bất tử của mọi loài chim. Loại chim này mang tinh thần vươn xa và luôn mang lại cho gia chủ ý trí mạng mẽ cùng với nguồn năng lượng dồi dào.

*Hoa văn hình người.

Con người trên gốm sứ Bát Tràng được thể hiện rất hiện thực, sinh động và phong phú về cuộc sống. Có bố cục hình người đơn lẻ, bố cục hai người, hay bố cục cả một nhóm người, tất cả đều nhìn trong tư thế nghiêng với những nét đơn giản và mộc mạc kết hợp với các họa tiết cây cỏ hoặc động vật. Họa tiết diễn tả về các hoạt động thường nhật của con người với lối nhìn ước lệ, khoáng đạt và mang tính hiện thực.

 + Hình người múa khiên với nhiều nét cách điệu. Tay trái cầm khiên, tay phải cầm kiếm với thế đứng chiến đấu.

+ Hai người đấu kiếm, luyện tập võ nghệ với các động tác rất thực thể hiện tinh thần thượng võ.

+ Con người với những hoạt động như săn bắn, gánh nước, rước lễ thành những nhóm dài nối nhau vòng quanh thân gốm.

Trong các hoạt cảnh hình người có xu hướng tiến tới tả thực, nhưng vẫn chọn lọc kĩ càng, giữ được tinh thần vui tươi, hồn hậu, nhân bản của truyền thống.

*Hoa văn mây, sóng, nước.

Các họa tiết như mây, sóng, nước trên gốm chủ yếu dùng để bổ trợ cho những dạng họa tiết khác. Các họa tiết này mang tính cách điệu cao, có thể lặp đi lặp lại thành một đường diềm hoặc kết hợp nhiều nét đồng dạng với nhau với nhiều biến thiên lên xuống mềm mại tạo vẻ đẹp bay bổng, ổn định, cân bằng cho bố cục.

 Nghệ thuật gốm sứ Bát Tràng mang yếu tố hiện thực nên có nhiều sản phẩm kết hợp nhiều loại hoa văn trên cùng một sản phẩm gốm. Các dạng họa tiết kết hợp với nhau theo từng chủ đề trang trí và đặt phù hợp với từng vị trí trên sản phẩm gốm.

            Kết luận

 Qua việc tìm hiểu và phân tích các giá trị nghệ thuật của gốm sứ Bát Tràng, về tạo hình, hoa văn, bố cục, đường nét, hình mảng cho đến màu sắc; có thể thấy vẻ đẹp dân dã đời thường mà mang đậm tính tượng trưng đã được các nghệ nhân dân gian gửi gắm vào trong các tác phẩm của mình. Các nghệ nhân đã vận dụng khéo léo từ chất liệu cho đến tư duy thẩm mỹ cùng hình thức tả chất, tả khối kết hợp với đường nét chạm khắc tinh tế, tạo nên giá trị riêng biệt, độc đáo cho một phần trang trí gốm sứ Bát Tràng. Và trong hiện tại cũng như trong tương lai làng nghề vẫn tiếp tục phát triển với phong cách truyền thống nhưng phù hợp với thị hiếu thầm mĩ ngày một lên cao của mọi tầng lớp nhân dân, đó là nhờ sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân.

 

Tài liệu tham khảo

1. Trần Khánh Chương (2004), Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, Nxb Mỹ thuật.

2. Đỗ Minh Phong (1996), Tìm hiểu Nghệ Thuật Trang Trí, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.