Nghiên cứu lý luận

BIỆN PHÁP SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC HÁT LỚP 5

10 Tháng Giêng 2022

Học viên Nguyễn Thị Hà Thu

 K11 LL&PPDH Âm nhạc

                 

Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã nêu rõ: “Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực đào tạo của người học.... Phương pháp giảng dạy phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”. Xu hướng dạy học hiện đại ngày nay ở nước ta là sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực của học sinh. Có nhiều phương pháp dạy học phát huy tính tích cực trong dạy học, Dạy học hát cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội hìện đang còn dạy theo phương pháp truyền thống, chủ yếu là phương pháp thực hành luyện tập. Qua nghiên cứu một số phương pháp tích cực, chúng tôi sử dụng một số phương pháp như dạy học theo nhóm, dạy học nêu vấn đề - giải quyết vấn đề, sử dụng công nghệ thông tin... vào dạy học hát cho học sinh lớp 5.

  1.  Thực trạng sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy học hát cho học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam

            Trải qua hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam thuộc quận Thanh Xuân quản lý đã khẳng định sức vươn lên của một ngôi trường trẻ trung mang trong mình nhiều khát vọng. Ngôi trường khang trang, sạch đẹp có diện tích 8060m2 với đầy đủ các phòng chức năng, phòng học nằm ở phường Thanh Xuân Nam - quận Thanh Xuân - Thành phố Hà Nội.

Giáo viên dạy môn Âm nhạc, trong đó có phân môn Học hát ở Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam thực hiện nghiêm chỉnh theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả dạy học hát đã hướng dẫn tốt cho học sinh phối hợp giữa nghe và hát, giúp học sinh có thể hát lời bài hát tương đối rõ ràng, biết thể hiện tình cảm, sắc thái bài hát tuy chưa sâu sắc. Nhìn chung, kết quả dạy hát của giáo viên và học hát của học sinh đạt yêu cầu, mục tiêu học tập tuy nhiên, những hạn chế lại tập trung ở vấn đề giáo viên âm nhạc tại trường còn ít quan tâm đến xu hướng đổi mới phương pháp dạy học. Do vậy, chất lượng dạy học âm nhạc nói chung, dạy học hát nói riêng còn chưa cao, học sinh còn thiếu chủ động, thiếu tích cực, sáng tạo.

  1.  Biện pháp sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy học hát
    1. Một số phương pháp dạy học tích cực
      1. Dạy học theo nhóm

         Học sinh khối lớp 5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam trung bình có 45 em, giáo viên phân thành 5 nhóm, mỗi nhóm 7 học sinh. Khi phân nhóm giáo viên đã điều chỉnh có sự cân bằng năng lực học tập của từng cá nhân trong nhóm và sự cân bằng năng lực học tập của các nhóm với nhau để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập.

  1. Dạy học nêu vấn đề và giải quyết vấn đề

Trong phương pháp dạy học, khi nêu vấn đề và giải quyết vấn đề cần phù hợp với nội dung bài học; phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Vấn đề/tình huống nêu ra phải đơn giản, gần gũi với cuộc sống thực tế. Vấn đề/tình huống phải chứa đựng những mâu thuẫn cần giải quyết, gợi ra cho học sinh nhiều hướng suy nghĩ, nhiều cách giải quyết vấn đề.

  1. Sử dụng trò chơi

Trò chơi phải dễ tổ chức và thực hiện, phải phù hợp với chủ đề, với đặc điểm và trình độ của học sinh, quỹ thời gian, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trẻ phải nắm bắt được quy tắc chơi và tôn trọng luật chơi. Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tham gia tổ chức, điều khiển tất cả các khâu. Trò chơi phải tạo được hứng thú, sự vui thích cho học sinh.

Qua việc tổ chức cho học sinh chơi trò chơi này kết quả đạt được rất khả quan từ việc tổ chức cho học sinh chơi trò chơi tạo cho các em có hứng thú say mê môn học hơn và giúp hình thành cho học sinh các kĩ năng, kĩ xảo trong các hoạt động của bài học 100% học sinh được chơi, được học tiếp thu bài dễ dàng hơn. Từ đó hình thành cho học sinh kĩ năng gõ đệm thành thạo áp dụng cho tất cả các bài học trong chương trình.

  1. Dạy học theo góc

Tổ chức dạy học theo góc và phương pháp dạy học theo góc khá đơn giản, nhưng có tính chất thay đổi không gian, thay đổi vị trí học tập của học sinh để có cảm giác lớp học luôn luôn mới lạ, quen mà không quen, lạ mà không lạ. Từ đó giúp học sinh có suy nghĩ không khi nào được trì trệ, dập khuôn, máy móc trong học tập, cũng như trong sinh hoạt.

  1. Biện pháp sử dụng một số phương pháp tích cực trong dạy học hát lớp 5
    1. Đề xuất điều chỉnh chương trình phân môn Học hát

Trong quá trình thực tiễn dạy học hát cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, chúng tôi thấy các bài học hát chưa thật phù hợp theo khả năng của học sinh để phát triển năng lực ca hát theo hướng nâng dần từng bài học từ dễ đến khó hơn. Chúng tôi đề xuất điều chỉnh chương trình phân môn Học hát lớp 5 cho phù hợp hơn. Thứ tự các bài học hát trong chương trình lớp 5, theo đề xuất như sau:

1. Bài Con chim hay hót. Nhạc và lời: Phan Huỳnh Điểu

2. Bài dân ca Hrê (Tây Nguyên) Hát mừng. Đặt lời mới: Lê Toàn Hùng

3. Bài hát Tre ngà bên Lăng Bác. Nhạc và lời: Hàn Ngọc Bích

4. Bài hát Reo vang bình minh. Nhạc và lời: Lưu Hữu Phước

5. Bài hát Hãy giữ cho em bầu trời xanh. Nhạc và lời: Huy Trân

6. Bài hát Những bông hoa, những bài ca. Nhạc và lời: Hoàng Long

7. Bài hát Ước mơ. Nhạc Trung Quốc. Lời Việt: An Hòa

8. Bài Màu xanh quê hương. Dân ca Khmer                      

9. Bài hát Em vẫn nhớ trường xưa. Nhạc và lời: Thanh Sơn

10. Bài hát Dàn đồng ca mùa hạ. Nhạc và lời: Lê Minh Châu

2.2.2. Rèn luyện kỹ thuật hát cho học sinh lớp 5

Do đặc thù của nghệ thuật ca hát, dù sử dụng bất cứ phương pháp dạy học nào đều cần phải đề cập đến các kỹ thuật dạy học hát. Dạy học hát chủ yếu là dạy thực hành những kỹ thuật hơi thở, kỹ thuật hát legato, non legato, staccato, phát âm nhả chữ, ngân dài, xử lý sắc thái, rung, hơi thở…, song dạy học hát cho HS lớp 5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam chỉ vận dụng một số kỹ thuật, những kỹ thuật này mang tính sơ giản để giúp học sinh có ý thức khi vận dụng trong ca hát.

Hát Legato: Hát legato có nghĩa hát liền giọng, liền tiếng. Khi hát liền giọng các âm được nối tiếp với nhau đều đặn, liên tục từ âm này sang âm khác, tạo nên những câu hát liên kết không ngắt quãng, nhưng âm thanh phải thanh thoát, trong sáng, vị trí âm thanh thống nhất.

Hát Non legato: Kĩ thuật hát non legato yêu cầu người hát không chỉ hát ngắt, gọn tiếng, nhấn mà còn phải rời nốt. Hát non legato đòi hỏi người hát trên cơ sở khống chế hơi thở phải hát nhấn vào từng âm kết hợp với ngắt các âm một cách đều đặn và chủ động.

Hát Staccato: Hát staccato có nghĩa là hát nảy tiếng. Đây là kỹ thuật đòi hỏi phải rèn luyện nhiều thời gian của sự phối hợp giữa hơi thở bụng với sự rung động đứt gãy của thanh quản. Trong ca khúc Việt Nam đôi khi cũng có tác giả, hoặc ca sĩ sử dụng kỹ thuật staccato để thể hiện tác phẩm phấn chấn, hào hứng.

Hát sắc thái to, nhỏ: Trong một bài hát, tình cảm một phần được thể hiện bằng sắc thái, trong đó có sự to nhỏ, mạnh yếu của một nốt nhạc hoặc cả câu nhạc. Cách hát thể hiện những sắc thái này cũng là một yêu cầu kỹ thuật cần thiết: hát nhỏ dần đi hoặc to dần ra trên một nốt nhạc một cách đều đặn, liên tục, không bi gãy âm thanh, không ngắt quãng. Như vậy chúng ta hiểu hát sắc thái to, nhỏ nghĩa là cường độ sắc thái hay sắc thái cường độ của âm thanh câu hát lúc to, lúc nhỏ nhằm biểu hiện tình cảm của bài hát.

Trên đây là khái quát một số kỹ thuật ca hát mà bắt buộc giáo viên phải trang bị cho học sinh dù là hát chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Trên cơ sở một số kỹ thuật ca hát mang tính cơ bản, chúng tôi vận dụng vào dạy hát cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam.

 

  1.  Kết luận

Phương pháp dạy học âm nhạc nói chung, phương pháp dạy học hát ở Tiểu học nói riêng đã và đang thực hiện có những ưu điểm. Dạy học phân môn Học hát lớp 5 với quy trình 7 bước, là quy trình đúng và khá phù hợp, tuy nhiên, không phải mọi tiết dạy đều thực hiện quy trình này một cách máy móc, công thức. Các bước trong quy trình có thể hoán đổi cho nhau, nhằm làm cho học sinh có các cách tiếp cận khác nhau trong các tiết học hát. Hiện nay dạy học sử dụng phương pháp tích cực nhằm phát huy tính tích cực, lấy học sinh làm trung tâm là xu hướng mang tính thời đại. Phương pháp dạy học tích cực có khá nhiều, vận dụng phương pháp nào vào dạy học hát cho học sinh lớp 5 cần tìm hiểu, nghiên cứu sao cho phù hợp, tạo điều kiện để học sinh chủ động tham gia vào quá trình dạy học, phát huy tính tích cực, giúp học sinh tự khám phá, tự học...

Phương pháp dạy học có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con người, phương pháp đúng sẽ tạo ra một con người có ích cho xã hội. Phương pháp dạy học có mối quan hệ biện chứng với nội dung dạy học. Vì vậy bên cạnh những phương pháp chung thì việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong dạy học hát lớp 5 có vai trò quan trọng. 

Qua thực nghiệm sư phạm sử dụng phương pháp tích cực trong dạy học hát lớp 5, ta thấy đã đạt được kết quả học tập cao, thái độ của học sinh rất hào hứng, phấn khởi; các em đã chủ động trong tiết học, tích cực, mạnh dạn phát biểuý kiến, rất có ý thức trong hoạt động nhóm. Kết quả thực nghiệm cho thấy, những đề xuất trong nghiên cứu luận văn của chúng tôi áp dụng vào thực tiễn có tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng dạy học hát cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

l. Nguyễn Ngọc Bảo (1995), Phát triển tính tích cực, tính tự lực của HS trong quá trình dạy học, Vụ Giáo viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo xuất bản, Hà Nội.

 

2. Bộ giáo dục và đào tạo, Dự án Việt Bỉ (2010), Dạy Và học tích cực -Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại học sư phạm,Hà Nội.

 

3. Nguyễn Lăng Bình, chủ biên, (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb ĐH Sư phạm, Hà Nội.

 

4. Trịnh Thúy Giang (2013), Bài giảng lý luận dạy học hiện đại, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.