Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG HÁT CA KHÚC CHO HỌC SINH LỚP 6

30 Tháng Mười Một 2022

                                                                                      Nguyễn Thị Nên

Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc

 

           Dạy học hát nói chung và dạy các ca khúc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của BGD&ĐT trong môn Âm nhạc được biên soạn theo hướng dạy học phát triển phẩm chất và năng lực HS, tăng cường cho HS hoạt động thực hành, phát huy khả năng tự học, sáng tạo. Đặc biệt, sách giáo khoa (SGK) biên soạn theo chương trình 2018 có những đổi mới nhất là với lớp 6 vừa bước vào đầu cấp học các em phải làm quen môi trường và các môn học mới về thời lượng kiến thức và kĩ năng trong học tập các môn học nói chung và môn Âm nhạc trong đó về phần Hát chiếm thời lượng rất nhiều so với phần Đọc nhạc và Thường thức âm nhạc. Dạy học hát cho học sinh lớp 6 sử dụng một số kỹ thuật hát mang tính sơ giản và một số phương pháp dạy học tích cựcyếu tố giúp các em phát triển năng lực ca hát cho HS, đáp ứng yêu cầu của chương trình môn Âm nhạc 2018 là vấn đề đang được các giáo viên dạy học âm nhạc ở phổ thông quan tâm. Bài viết này sẽ đề cập một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy hát ca khúc cho học sinh lớp 6.

  1. Luyện tập tư thế hát

Trong dạy học hát nói chung và HS lớp 6 nói riêng, tư thế hát khá quan trọng, tư thế hát của HS đúng hay sai ảnh hưởng đến chất lượng giờ học hát. Vì thế, luyện tập các kỹ thuật trong dạy học hát cho HS, thực hiện việc rèn luyện tư thế hát là bài học đầu tiên trong dạy thực hành học hát. HS khi học hát và biểu diễn bài hát ít chú ý đến tư thế của toàn thân và của đầu khi ngồi hát, khi đứng hát và khi di chuyển toàn thân trên sân khấu để hát. Trong thực tiễn, tư thế ngồi học hát ở phổ thông là phổ biến. Ban đầu, các em còn ngồi thẳng lưng, sau đó do mỏi nên có một số em thả lỏng phần lưng và ngực nên bị hơi gù lưng; với tư thế đứng hát thì có em đứng lệch vai trái, em đứng lệch vai phải, em thì lưng không thẳng, có em đầu thì ngẩng lên, có em đầu lại cúi xuống... Dân gian có câu nói rất đúng: Dạy con từ thuở còn thơ... Trên tinh thần lời dạy trong câu ca dao, chúng tôi áp dụng rèn luyện tư thế hát cho HS từ những giờ đầu tiên trong dạy học hát và trong toàn bộ quá trình dạy hát, học hát, biểu diễn bài hát và nó trở thành nguyên tắc trong nghệ thuật ca hát.

*Thực hành luyện tập tư thế ngồi hát

Khi ngồi học hát, GV hướng dẫn HS ngồi cùng một bàn học phải cách nhau một khoảng cách bằng việc đặt hai bàn tay vuông với thành bụng ở hai bên dưới khung sương sườn, khủy tay hai HS ngồi liền kề không chạm vào nhau. không chạm vào nhau. Trong khi luyện hơi thở, khi hát tùy theo nếu luyện tập hơi thở thì hai tay vẫn để trong tư thế hai bàn tay đặt hai bên thành bụng, lưng thẳng, vai mở, ngực thẳng, đầu để thẳng tự nhiên, không cúi xuống, không ngẩng cao, mắt nhìn thẳng lên bảng. Khi học hát hai bàn tay đặt lên bàn để có thể gõ nhịp nhẹ nhàng trên bàn hoặc cầm nhạc cụ gõ thanh phách, hay song loan... lưng thẳng, vai mở, ngực thẳng, đầu để thẳng tự nhiên, không cúi xuống, không ngẩng cao, mắt nhìn thẳng lên bảng.

*Luyện tập tư thế đứng hát

Khi trong tư thế đứng học hát, GV hướng dẫn HS đứng thẳng, hai bàn chân mở ra ngang bằng vai ở tư thế vững vàng, khi mỏi chuyển sang tư thế chân trước, chân sau, hai chân thay nhau làm trụ vững, lưng thẳng, hai vai mở, ngực thẳng, đầu để thẳng tự nhiên, không cúi xuống, không ngẩng lên, mắt nhìn thẳng. Khi luyện hơi thở và khởi động giọng hai bàn tay đặt hai bên thành bụng, vuông góc thành bụng, khoảng cách giữa hai HS không để hai khuỷu tay sát nhau. Khi hát hai tay buông lỏng thoải mái, bàn tay có thể cầm nhạc cụ gõ., khoảng cách vẫn giữ như khi luyện hơi thở.

GV đặc biệt chú ý về tư thế của cỏ và đàu khi ngồi hát, khi đứng hát luôn trong tư thế thoải mái, tự nhiên, không vươn cổ lên, không gập cổ xuốn, đầu không nghiêng trái, không nghiêng phải. Toàn bộ cơ thể đều tự nhiên, không khi nào được căng cứng. Những yêu cầu về tư thế của cơ thể, tư thế của đầu khi hát như nêu trên là bắt buộc HS thực hiện.

Trong quá trình dạy học hát, GV luôn chú ý uốn nắn kịp thời những tư thế cơ thể, tư thế đầu, cổ để HS luôn có tư thế vừa đúng, vừa thoải mái, tự nhiên trong giờ học hát.

2. Luyện tập hơi thở

Trong ca hát hơi thở có vai trò đặc biệt quan trọng. Dạy học hát cho HS lớp 6, sau luyện tư thế hát, cần phải luyện hơi thở. Khi hát HS thường lấy hơi vào, thả hơi ra theo hơi thở tự nhiên, do đó, lượng hơi khi thừa, khi thiếu. Lượng hơi khi thiếu không đủ để thể hiện một câu hát làm ảnh hưởng âm thanh dẫn đến đuối hơi, ngân không đủ trường độ, lệch với ý nghĩa lời ca. Khi lấy hơi thừa, nghĩa là không dùng hết trong một nét nhạc, ý lời của câu hát âm thanh phát ra thường thô. Sử dụng hơi thở sao cho hợp lý khi hát là một nghệ thuật, cần phải rèn luyện cho HS trong suốt quá trình học hát ở lớp 6, cũng như trong nhiều năm học sau.

Qua nghiên cứu các tài liệu dạy học hát, dạy học thanh nhạc như Phương pháp sư phạm thanh nhạc của Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp dạy học thanh nhạc của Hồ Mộ La, đồng thời qua thực tiễn dạy học hát, chúng tôi thực hiện việc rèn luyện hơi thở cho HS lớp 6 như sau:

Quy trình các bước luyện lấy hơi và giữ hơi thở có hai cách.

Cách 1:

- GV hướng dẫn HS toàn thân đứng thẳng, hai tay buông xuôi, hai bàn chân để ngang bằng vai, cổ thẳng, đầu nhìn thẳng, cơ thể ở trạng thái hoạt động nhưng không căng cứng.

- Hít hơi qua mũi và miệng vào đầy phần trên của phổi, lồng ngực nâng lên đầy đặn, môi hơi chúm lại, thả hơi ra qua miệng. Tập lấy hơi vào, thả hơi ra đều đặn, không khi chậm, khi nhanh. Lồng ngực chuyển động rõ ràng, dứt khoát, hít hơi vào hơi lồng ngực lên, thả hơi ra lồng ngực hạ thấp.

- Lấy hơi bằng mũi và miệng vào đầy phổi, lồng ngực nâng lên đầy đặn, môi hơi chúm lại như loa kèn, thả hơi ra qua mồm. Tập hít hơi, thả hơi chậm rãi, đều đặn.

- Lấy hơi bằng mũi và miệng vào đầy phần trên của phổi, lồng ngực nâng lên đầy đặn, chúm môi lại, thả hơi nhanh bằng đường mồm.

          Cách 2:

- GV hướng dẫn HS đứng thẳng, hai tay buông xuôi thoải mái, hai bàn chân để ngang bằng vai, cổ thẳng, đầu nhìn thẳng, toàn bộ cơ thể ở trạng thái hoạt động nhưng không căng cứng (giống nội dung 1).

- Lấy hơi qua mũi và miệng vào đầy phần phía dưới phổi, lồng ngực hơi nâng lên, thành bụng gần ngực hơi nở, môi chúm lại rồi thả hơi ra bằng đường miệng. Tập lấy hơi, thả hơi đều đặn, không chậm rãi, không nhanh. Lồng ngực chuyển động nhẹ nhàng, hơi nâng lên, hạ xuống, bụng nhỏ dần khi hít hơi vào thả hơi ra. 

- Lấy hơi bằng mũi và miệng vào đầy phần phía dưới phổi, lồng ngực hơi nâng lên, bụng hơi nở, môi chúm lại rồi thả hơi ra nhanh bằng đường miệng, lồng ngực hạ thấp nhanh, thành bụng trên thả lỏng nhanh. 

Tron tất cả các tiết học hát, sau khi ổn định lớp việc đầu tiên GV luyện hơithở cho HS, khoảng 2 đến 3 phút. Hơi thở khi hát tùy theo tính chất vui tươi, trong sáng hay mượt mà, trữ tình, tùy theo tốc độ của bài hát nhanh hoặc chậm... GV sẽ hướng dẫn láy hơi, thả hơi phù hợp. 

3. Luyện tập khẩu hình

            Khẩu hình là hình dáng của miệng, có vai trò quan trọng trong nghệ thuật ca hát. Nghệ thuật thanh nhạc phương Tây có cách mở khẩu hình khác với nghệ thuật ca hát dân tộc. Khẩu hình khi nói và khi hát đều liên quan đến các bộ phận trên cơ thở người như: răng, môi, lưỡi, thanh đới... Tuy nhiên khẩu hình khi hát và nói không hoàn toàn đồng nhất. Khẩu hình khi nói không hoạt động tích cực như khi hát. Thực tế trong dạy học hát cho HS lớp 6, có em khi nói đã mắc những cố tật tạo ra tiếng nói không rõ ràng, rành mạch, miệng không mở thoải mái đúng với từ, ngữ, hai hàm răng sít vào nhau. Có em khi nói môi đờ đẫn, lưỡi hoạt động không linh hoạt, ngọng nghịu... Nghệ thuật thanh nhạc phương Tây và nghệ thuật ca hát dân tộc đều có điểm chung là khẩu hình không được căng cứng, mà phải mềm mại, uyển chuyển, cằm dưới không được đưa ra phía trước, không được thụt vào phía trong. Hát ca khúc, khẩu hình phải luyện mở rộng một cách thoải mái, nhìn đẹp mắt.

      4. Dạy phát âm, nhả chữ trong hát ca khúc cho học sinh lớp 6

Để dạy hát ca khúc Việt Nam và ca khúc nước ngoài có ca từ là tiếng Việt, GV cần hướng dẫn HS hát có âm thanh vang, sáng, đẹp của nghệ thuật thanh nhạc, đồng thời lại rõ nghĩa từng từ ngữ tiếng Việt. Do đó cần rèn luyện cách phát âm nhả chữ. Tiếng Việt có cấu tạo các từ ngữ thường nhiều phụ âm ở cuối như: g (trường), p (lớp), c (học), t (việt), m (nam)… GV hướng dẫn HS nguyên tắc: tất cả các từ có cấu tạo phụ âm ở đuôi từ, khi hát hết độ dài (trường độ) của từ ngữ đó phải đóng khẩu hình.

KẾT LUẬN

Trong quá trình tìm hiểu và vận dụng một số biện pháp rèn luyện kĩ năng dạy học hát ca khúc vào quá trình dạy hát là một vấn đề quan trọng, giúp GV lựa chọn biện pháp phương pháp phù hợp linh hoạt sáng tạo nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong dạy học hát ca khúc cho các em học sinh lớp 6 nhằm mục đích giúp các em phát huy tích chực tính tự chủ trong tinh thần học tập và yêu thích ca hát và đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Long – Hoàng Lân ( 2005) Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.
  2. Lê Anh Tuấn ( 2006), Phương pháp dạy học âm nhạc ở tiểu học và trung học cơ sở, Nxb Đại học sư phạm.
  3. Nguyễn Thị Tố Mai ( chủ biên 2018) Dạy âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực các lớp 6,7,8,9 . Nxb Giáo dục Việt Nam.
  4. Đỗ Thanh Hiên  Tổng chủ biên, kiêm chủ biên Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Quang Nhã (2021) Âm nhạc 6 Bộ sách Cánh Diều Nxb Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.